Dân chủ xã hội chủ nghĩa theo tư tưởng V.I. Lê-nin – sức mạnh của mọi thắng lợi-dan chu xa hoi chu nghia theo tu tuong v.i. le-nin – suc manh cua moi thang loi

Dân chủ xã hội chủ nghĩa theo tư tưởng V.I. Lê-nin – sức mạnh của mọi thắng lợi

Dân chủ là vấn đề được đề cập khá nhiều trong di sản của Lê-nin về nhà nước và cách mạng. Những tư tưởng của Lê-nin về dân chủ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với chúng ta trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay. Trong bài phát biểu khai mạc Đại hội lần thứ XII của Đảng, một lần nữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân”.

V.I. Lênin, trên cơ sở kế thừa di sản của C. Mác và Ph. Ăngghen, đã có công rất lớn trong việc làm rõ bản chất giai cấp của dân chủ, chỉ ra sự khác biệt về nguyên tắc giữa dân chủ tư sản và dân chủ xã hội chủ nghĩa (XHCN), qua đó đề xuất những nguyên tắc, cách thức, con đường để thực hiện dân chủ XHCN. Theo Lê-nin, thực chất của dân chủ là quyền làm chủ phải thuộc về tay nhân dân, nhân dân phải được làm chủ trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội – từ kinh tế đến chính trị, xã hội. Kế thừa quan điểm của C. Mác và Ph. Ăngghen, Lê-nin cũng tiếp cận khái niệm dân chủ từ góc độ chính trị, ông cho rằng: “Dân chủ là một phạm trù thuộc riêng lĩnh vực chính trị”. Trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản, Lê-nin xác định: “Giai cấp vô sản không thể giành được thắng lợi bằng cách nào tốt hơn là thông qua chế độ dân chủ, nghĩa là bằng cách thực hiện chế độ dân chủ triệt để và đem những yêu sách dân chủ được đề ra một cách kiên quyết nhất mà gắn liền với từng giai đoạn đấu tranh của họ”. Trong Mười đề cương về chính quyền Xô-viết, Lê-nin coi dân chủ là tự do, ông nhấn mạnh: “Dân chủ là tự do, là bình đẳng, là quyết định của đa số; còn có gì cao hơn tự do, bình đẳng, quyết định của đa số nữa”. “Dân chủ nói một cách cụ thể, là: 1) Bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật; 2) Tự do chính trị cho mọi công dân; 3) Quyết định theo đa số của mọi công dân; 4) Quyết định bằng cách biểu quyết, đó là thực chất của dân chủ hòa bình hoặc dân chủ thuần túy v.v”… Dân chủ mà Lê-nin đề cập là dân chủ cho đa số quần chúng nhân dân lao động. Quần chúng nhân dân có vai trò cực kỳ quan trọng cả trong sự nghiệp cách mạng giành chính quyền cũng như trong việc xây dựng bảo vệ chính quyền của nhân dân. Sự nghiệp cách mạng có thành công hay không, có giành và giữ được chính quyền nhà nước hay không phụ thuộc vào khả năng tập hợp, thuyết phục quần chúng nhân dân tiến hành các hành động cách mạng dưới sự lãnh đạo của đảng. Lê-nin khẳng định: “Chỉ có những người nào tin tưởng vào nhân dân, dấn mình vào nguồn sáng tạo sinh động của nhân dân, mới là người chiến thắng và giữ được chính quyền”. Nhân dân không chỉ là lực lượng đông đảo nhất và hùng mạnh nhất, mà còn là lực lượng sáng tạo nhất quyết định sự thành công của cách mạng. Lê-nin xác định “Tính sáng tạo năng động của quần chúng, đó là nhân tố cơ bản của xã hội mới”. Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) không thể giành được thắng lợi nếu không có sự tham gia sáng tạo quần chúng nhân dân. Khi nói đến nền dân chủ XHCN là nói đến chính quyền thuộc về tay nhân dân, nhà nước XHCN là nhà nước của dân, do nhân dân làm chủ nhà nước thông qua các đại biểu của mình, Lê-nin cho rằng “các đại biểu do nhân dân bầu ra, có thể bị nhân dân bãi chức bất cứ lúc nào”.

Từ những luận điểm của Lê-nin, có thể khẳng định, dân chủ và CNXH là sự kết hợp hữu cơ mang tính tất yếu, đấu tranh vì dân chủ và đấu tranh vì CNXH là không thể tách rời. Đấu tranh vì CNXH tìm thấy thuộc tính bản chất và động lực phát triển nội tại của nó ở cuộc đấu tranh vì dân chủ; đấu tranh vì dân chủ, trên con đường tiến hóa và phát triển của nó, sẽ tìm thấy khả năng và những điều kiện tốt nhất để thực hiện tiềm năng và sức mạnh bản chất của mình ở cuộc đấu tranh vì CNXH. Theo Lê-nin, “chủ nghĩa xã hội thắng lợi nhất thiết phải thực hiện chế độ dân chủ hoàn toàn”.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay từ những năm bôn ba tìm đường cứu nước đã đặc biệt quan tâm đến quyền của các dân tộc bị áp bức, bóc lột và Người đã tìm cách giành lại quyền tự do cho nhân dân. Người chú ý đến tính chất của một nhà nước, xem nhà nước đó có phải là của dân hay không. Đây là điểm mấu chốt nhất về xây dựng một nhà nước thực sự của dân. Khi nghiên cứu Cách mạng Tháng mười Nga, Người khẳng định: “Chỉ cách mệnh Nga là đã thành công và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc, tự do, bình đẳng thật”. Kế thừa và phát triển những tư tưởng về dân chủ của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra quan niệm đặc sắc về dân chủ bằng diễn đạt rất ngắn gọn: “Dân là chủ”, “Dân làm chủ”, “Dân là gốc”, “Nước ta là nước dân chủ”, “Dân chủ là cái chìa khóa vạn năng”. Khẳng định vai trò làm chủ xã hội của nhân dân, Hồ Chí Minh nói: “quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”, và quan trọng hơn, Hồ Chí Minh còn khẳng định phải làm cho dân được hưởng quyền làm chủ xã hội trên thực tế. Từ “dân là chủ” tiến lên thành “dân làm chủ” là một bước tiến về chất của dân chủ. Theo Hồ Chí Minh, phải làm sao cho người dân có quyền làm chủ, có điều kiện làm chủ, biết hưởng quyền làm chủ, đồng thời biết dùng quyền làm chủ. Muốn vậy nhân dân phải có năng lực làm chủ. Năng lực đó không phải bỗng dưng mà có, không phải từ trên trời rơi xuống, không phải do “ban phát” mà, một mặt, Đảng, Nhà nước phải tạo ra cơ chế, chính sách, luật pháp thích hợp; mặt khác, người dân phải phấn đấu, rèn luyện, phải học dân chủ, phải nâng cao trình độ hiểu biết về dân chủ, phương pháp thực hành dân chủ và bản lĩnh thực hành dân chủ. Có như vậy, nhân dân mới có quyền dân chủ thực sự, tránh tình trạng dân chủ chung chung, dân chủ hình thức.

Nhà nước của ta là nhà nước của Dân, do Dân và vì Dân. Từ Hiến pháp năm 1946 đến nay đều thống nhất quan điểm đó. Hiến pháp năm 2013 một lần nữa khẳng định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân… do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”. Hiến pháp không chỉ quy định Nhân dân là chủ thể của Nhà nước, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân mà còn quy định phương cách Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước của mình. Điều 6 Hiến pháp 2013 ghi: “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”. Dân chủ trực tiếp là việc Nhân dân trực tiếp thực hiện quyền lực nhà nước, tức là Nhân dân thể hiện một cách trực tiếp ý chí của mình (với tư cách là chủ thể quyền lực nhà nước) về một vấn đề nào đó mà không cần thông qua cá nhân hay tổ chức thay mặt mình và ý chí đó có ý nghĩa bắt buộc phải thi hành. Hình thức biểu hiện cụ thể của dân chủ trực tiếp như ứng cử, bầu cử Quốc hội, HĐND, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, trưng cầu dân ý… Các cuộc đối thoại trực tiếp của nhân dân với cơ quan Nhà nước hiện nay cũng là hình thức biểu hiện của dân chủ trực tiếp.

Trong tiến trình cách mạng nước ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta đã từng bước xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhằm thực thi quyền lực của mình, làm cho nhà nước ta ngày càng thực sự là một nhà nước của dân, do dân và vì dân. Trải qua 86 năm kể từ ngày thành lập Đảng, 70 năm xây dựng nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, nhất là trong là sau 30 năm lãnh đạo công cuộc đổi mới, một trong những bài học quý được Đảng được rút ra là: “Đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm “dân là gốc”, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân; phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc.”. “Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, vì nhân dân và do nhân dân. Đổi mới phải vì lợi ích của nhân dân. Xa rời, đi ngược lợi ích của nhân dân, đổi mới sẽ thất bại.”. “Những ý kiến, nguyện vọng và sáng kiến của nhân dân nảy sinh từ thực tiễn là một nguồn gốc hình thành đường lối đổi mới của Đảng. Nhân dân là người làm nên những thành tựu của đổi mới. Đổi mới phải dựa vào nhân dân. Vì thế, đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm “dân là gốc”, phải vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân”. “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực thuộc về nhân dân để nhân dân thật sự là chủ thể tiến hành đổi mới và thụ hưởng thành quả đổi mới” (Báo cáo Chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII). Song, so với mục tiêu, yêu cầu đề ra, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước vẫn còn có điểm chưa sát với thực tiễn, chưa phản ánh hết nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Để khắc phục tình trạng đó, Đảng phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ của toàn Đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên; tích cực đổi mới, mở rộng dân chủ, chống giáo điều, bảo thủ, trì trệ, tạo điều kiện để nhân dân được tham gia ở tất cả các khâu của quá trình dân chủ hóa đất nước.

Chúng ta kỷ niệm Ngày sinh của V.I. Lê-nin trong dịp tới tới bầu cử Quốc hội khóa 14 và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Đây là kỳ bầu cử đầu tiên mà chúng ta có một hệ thống thiết chế pháp luật đảm bảo và hoàn thiện nhất về các quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân, đó là Hiến pháp mới được sửa đổi năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND năm 2015… Với hệ thống pháp luật đó, hy vọng sẽ phát huy tối đa và mở rộng quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng chính quyền của dân dân, do dân và vì dân. Trong cuộc bầu cử này, mỗi cử tri thể hiện quyền và nghĩa vụ cao cả của mình bằng lá phiếu để lựa chọn những người đủ tâm, đủ đức, đủ tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân tham gia vào các cơ quan quyền lực Nhà nước là yêu cầu quan trọng và có ý nghĩa chính trị to lớn. Chúng ta càng hiểu sâu sắc hơn tư tưởng của V.I. Lê-nin về một chế độ dân chủ, càng thấy rõ hơn về những gì mà Đảng ta do Bác Hồ sáng lập và lãnh đạo đem lại cho mỗi người dân. Ngày bầu cử này thực sự là ngày hội của toàn dân, ngày đem lại niềm vui, niềm phấn khởi cho mọi người, mọi nhà.