CÔNG TÁC XÃ HỘI VÀ DỊCH VỤ CÔNG TÁC XÃ HỘI ĐỐI VỚI NGƯỜI TÂM THẦN – TRUNG TÂM BẢO TRỢ XÃ HỘI CHĂM SÓC VÀ PHỤC HỒI CHỨC NĂNG NGƯỜI TÂM THẦN, NGƯỜI RỐI NHIỄU TÂM TRÍ TỈNH KHÁNH HÒA

          Công tác xã hội là một ngành khoa học xã hội mang tính ứng dụng cao, việc thực hiện hoạt động nghề nghiệp từ làm việc trực tiếp với đối tượng đến nghiên cứu hay giảng dạy công tác xã hội, đòi hỏi người trong nghề ngoài kiến thức chung về pháp luật, chính sách, tâm lý, xã hội, đạo đức, nhân bản… thì họ còn có kiến thức chuyên sâu về công tác xã hội với các phương pháp tiếp cận, phương pháp can thiệp đặc trưng của công tác xã hội.

          Hiện nay, khái niệm công tác xã hội rất đa dạng, phong phú và thậm chí khá khác nhau, từ các khái niệm của các nước có nền công tác xã hội phát triển như Mỹ, Canada, Philippin, Nga, các khái niệm của các tổ chức quốc tế, các hội và hiệp hội về đào tạo công tác xã hội, hiệp hội nhân viên xã hội… đến khái niệm của các tác giả trong và ngoài nước.

          Các chuyên gia công tác xã hội của Philippin cho rằng công tác xã hội là một nghề bao gồm các hoạt động cung cấp các dịch vụ nhằm thúc đẩy hay điều phối các mối quan hệ xã hội và sự điều chỉnh hòa hợp giữa cá nhân và môi trường xã hội để có xã hội tốt đẹp. Theo tác giả Bùi Thị Xuân Mai:  “Công tác xã hội là một nghề, một hoạt động chuyên nghiệp nhằm trợ giúp các cá nhân, gia đình và cộng đồng nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu và tăng cường chức năng xã hội, đồng thời thúc đẩy môi trường xã hội về chính sách, nguồn lực và dịch vụ nhằm giúp cá nhân, gia đình và cộng đồng giải quyết và phòng ngừa các vấn đề xã hội góp phần đảm bảo an sinh xã hội” (Bùi Thị Xuân Mai – 2010, Nhập môn Công tác xã hội, NXB Lao động – Xã hội). Có thể thấy đây là một định nghĩa khá đầy đủ, thể hiện rõ các đối tượng phục vụ của công tác xã hội, các chức năng và mục tiêu của công tác xã hội phù hợp với bối cảnh Việt Nam.

          Công tác xã hội tại Việt Nam cũng được xem như là sự vận dụng các lý thuyết khoa học về hành vi con người, về hệ thống xã hội nhằm khôi phục lại các chức năng xã hội và thúc đẩy sự thay đổi vai trò của cá nhân, nhóm, cộng đồng người yếu thế hướng tới bình đẳng và tiến bộ xã hội. Đây là lĩnh vực cung cấp các dịch vụ chuyên môn góp phần giải quyết những vấn đề xã hội liên quan tới con người để thỏa mãn những nhu cầu căn bản, mặt khác góp phần giúp cá nhân tự nhận thức về vị trí, vai trò xã hội của mình.

          Dịch vụ công tác xã hội được hiểu là các dịch vụ cụ thể hóa luật pháp, chính sách của Nhà nước về các lĩnh vực phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, pháp lý nhằm trợ giúp các cá nhân, nhóm, cộng đồng có nhu cầu giải quyết các vấn đề khó khăn và mang tính chuyên nghiệp của công tác xã hội.

         “Dịch vụ công tác xã hội là hoạt động chuyên nghiệp công tác xã hội cung cấp các hoạt động hỗ trợ về tinh thần hay vật chất cho những người có hoàn cảnh khó khăn như người nghèo, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người già…; hoặc những người có nhu cầu hỗ trợ về mặt tâm lý xã hội, trợ giúp pháp lý nhằm giảm thiểu những rào cản, những bất công và đảm bảo bình đẳng trong xã hội” (Đỗ Thị Ngọc Phương – 2012, Một số kinh nghiệm quốc tế và những vấn đề đặt ra đối với việc phát triển dịch vụ công tác xã hội trong công tác bảo vệ trẻ em, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học quốc tế, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội).

          Như vậy, đối tượng của dịch vụ công tác xã hội không chỉ là những đối tượng yếu thế trong xã hội, mà tất cả những người có nhu cầu cần hỗ trợ về mặt tâm lý xã hội và những dịch vụ xã hội khác liên quan đến chính sách an sinh xã hội. Dịch vụ công tác xã hội thể hiện việc tác động, can thiệp tới một hoặc một số đối tượng một cách khoa học, mang tính chuyên nghiệp. Nhiệm vụ quan trọng của nhân viên công tác xã hội là triển khai những chương trình và cung cấp các dịch vụ tới các nhóm đối tượng của công tác xã hội.

          Trong lĩnh vực chăm sóc người tâm thần, thì: Dịch vụ công tác xã hội đối với người tâm thần là hoạt động chuyên nghiệp công tác xã hội cung cấp các hoạt động hỗ trợ về tinh thần hay vật chất cho người tâm thần và gia đình họ có nhu cầu hỗ trợ về mặt tâm lý xã hội, trợ giúp pháp lý nhằm đáp ứng các nhu cầu; tăng cường chức năng xã hội; thúc đẩy môi trường chính sách; kết nối nguồn lực, giúp họ giải quyết và phòng ngừa các vấn đề xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, giảm thiểu những rào cản, những bất công và đảm bảo bình đẳng trong xã hội.

          Một số loại hình dịch vụ công tác xã hội đối với người tâm thần

         * Dịch vụ quản lý trường hợp

         Quản lý trường hợp là quá trình điều phối các dịch vụ, trong đó nhân viên xã hội làm việc với người tâm thần để xác định dịch vụ cần thiết, tìm kiếm và kết nối các nguồn lực, tổ chức thực hiện và theo dõi sự chuyển giao các dịch vụ đó tới họ một cách hiệu quả. Dịch vụ quản lý trường hợp trong công tác xã hội được thực hiện nhằm:

        – Đảm bảo phương pháp tiếp cận theo hướng lấy đối tượng làm trung tâm. Điều này có nghĩa là tất cả mọi hoạt động trợ giúp đều phải được đặt trên lợi ích và đáp ứng nhu cầu tốt nhất cho người tâm thần.

        – Cung cấp cho đối tượng dịch vụ tổng thể, giúp người tâm thần có thể giải quyết vấn đề ở mọi phương diện từ nhu cầu cơ bản sống còn đến các nhu cầu tình cảm, tâm lý, tinh thần và xã hội.

        – Đảm bảo sự an toàn tối đa cho người tâm thần. Quy trình quản lý trường hợp áp dụng cách thức quản lý chặt chẽ từ khi tiếp nhận đánh giá sơ bộ mức độ tổn thương nhằm đánh giá sự cần thiết phải có can thiệp khẩn cấp đến đánh giá toàn bộ, lập kế hoạch, thực hiện và kết thúc. Vì vậy người tâm thần luôn được đảm bảo an toàn.

         – Giúp người tâm thần có thể tiếp cận đến các dịch vụ chuyên sâu khác thông qua việc kết nối và chuyển tiếp tới các dịch vụ chuyên biệt phù hợp với đối tượng.

        – Các hoạt động của nhân viên công tác xã hội: tìm hiểu vấn đề của người tâm thần và gia đình thông qua đánh giá nhu cầu toàn diện của người tâm thần và gia đình; cùng với người tâm thần và gia đình xây dựng kế hoạch nhằm giải quyết tốt nhất các vấn đề đã được đánh giá; kết nối các nguồn lực sẵn có từ gia đình và cộng đồng nhằm hỗ trợ tốt nhất cho gia đình.

         * Dịch vụ hỗ trợ tiếp cận y tế, chăm sóc sức khỏe

         Dịch vụ hỗ trợ tiếp cận y tế, chăm sóc sức khỏe là hoạt động giúp cho người tâm thần tiếp cận được các dịch vụ y tế sẵn có tại địa phương, đặc biệt là các dịch vụ công, giúp cho gia đình thuận tiện hơn trong việc tiếp cận các hoạt động y tế, hỗ trợ một phần kinh phí giúp họ bớt đi gánh nặng về mặt kinh tế.

          – Giới thiệu người tâm thần đến các cơ sở y tế, kết nối hỗ trợ bảo hiểm y tế, hỗ trợ thực hiện các thủ tục khám và điều trị tại các cơ sở y tế, hỗ trợ phục hồi chức năng tại gia đình, tại cơ sở trợ giúp xã hội.

          – Giúp người tâm thần phục hồi, duy trì, và làm thăng tiến năng lực bằng cách huy động nội lực của người bệnh, nâng cao khả năng ứng phó, giảm bớt các cách ứng xử, hành động tiêu cực, kết nối họ với tài nguyên, làm giảm căng thẳng môi trường, giáo dục về tâm lý xã hội để tăng chất lượng cuộc sống của bản thân.

          * Dịch vụ tham vấn, trị liệu tâm lý

          Tham vấn là một quá trình trợ giúp tâm lý, trong đó người thực hiện tham vấn sử dụng kiến thức, kỹ năng để thiết lập mối quan hệ tương tác tích cực nhằm giúp người tâm thần nhận thức được bản thân cùng với vấn đề và nguồn lực, qua đó xác định giải pháp để giải quyết vấn đề của họ một cách hiệu quả.

          – Tham vấn và trị liệu tâm lý nhằm giúp người tâm thần giảm bớt cảm xúc tiêu cực trong hoàn cảnh khó khăn.

          – Tham vấn và trị liệu tâm lý nhằm giúp người tâm thần tăng cường sự hiểu biết về bản thân và nguồn lực của chính mình; giải quyết được vấn đề tâm lý xã hội đang tồn tại.

          – Tham vấn và trị liệu tâm lý nhằm giúp người tâm thần nâng cao sự tự tin, biết cách đưa ra những quyết định lành mạnh và thực hiện các quyết định đó; tăng cường khả năng ứng phó với hoàn cảnh có vấn đề tại thời điểm đó cũng như trong tương lai.

         – Tham vấn được diễn ra ở các hình thức khác nhau đó là tham vấn trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua điện thoại, internet; Tham vấn theo hình thức cá nhân hay tham vấn gia đình, tham vấn nhóm. Tất cả những hình thức này đều có thể áp dụng trong tham vấn cho người tâm thần.

          * Dịch vụ hỗ trợ học nghề

          Dịch vụ hỗ trợ học nghề là hoạt động cung cấp thông tin cho người tâm thần về các vấn đề học nghề và việc làm; làm việc với những nhà chuyên môn khác trong lĩnh vực này để giúp họ có được những dịch vụ tốt nhất.

          –  Tổ chức các hoạt động như dạy nghề, hướng dẫn cách làm ăn;

          – Hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, hỗ trợ vốn làm ăn, hỗ trợ vay vốn…;  

          – Kết nối, tìm kiếm nguồn lực trợ giúp cho người tâm thần tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ học nghề, tạo việc làm khác.

          * Dịch vụ hỗ trợ pháp lý

          Dịch vụ hỗ trợ pháp lý là hoạt động biện hộ, bảo vệ quyền lợi cho người tâm thần để họ được hưởng những dịch vụ, chính sách, quyền lợi của họ, đặc biệt trong những trường hợp họ bị từ chối những dịch vụ, chính sách lẽ ra họ được hưởng.

         – Biện hộ, bảo vệ người tâm thần để họ tiếp cận được các dịch vụ có chất lượng, tiếp cận các mô hình can thiệp và nguồn lực cần thiết.

         – Biện hộ chính sách xã hội như hỗ trợ người tâm thần có hoàn cảnh nghèo đói, không có việc làm, không nhà ở…

         – Giám sát chất lượng các dịch vụ cung cấp cho người tâm thần.

         – Tham gia nghiên cứu, đề xuất xây dựng chính sách, hệ thống dịch vụ trợ giúp cho người tâm thần…

         – Truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng, chống kỳ thị phân biệt đối xử với người tâm thần.

Trần Thanh Trí