Công Tác Xã Hội: Khái Niệm, Mục Đích, Chức Năng – Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch

      Công tác xã hội là một hoạt động thiết thực, hướng đến người bệnh và đã được triển khai cụ thể tại rất nhiều bệnh viện tại Việt Nam, trong đó có bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu về những khài niệm cơ bản để hiểu công tác xã hội sao cho đúng.

1 – Khái niệm

      Công tác xã hội có thể hiểu là một nghề, một hoạt động chuyên nghiệp nhằm trợ giúp các cá nhân, gia đình và cộng đồng nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu và tăng cường chức năng xã hội, đồng thời thúc đẩy môi trường xã hội về chính sách, nguồn lực và dịch vụ nhằm giúp cá nhân, gia đình và cộng đồng giải quyết và phòng ngừa các vấn đề xã hội góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Công tác xã hội

Nguồn hình ảnh: Đại học Bar-Ilan

      Hiệp hội công tác xã hội quốc tế và các trường đào tạo công tác xã hội quốc tế (2011) thống nhất một định nghĩa về công tác xã hội như sau: “Công tác xã hội là nghề nghiệp tham gia vào giải quyết vấn đề liên quan tới mối quan hệ của con người và thúc đẩy sự thay đổi xã hội, tăng cường sự trao quyền và giải phóng quyền lực nhằm nâng cao chất lượng sống của con người. Công tác xã hội sử dụng các học thuyết về hành vi con người và lý luận về hệ thống xã hội vào can thiệp sự tương tác của con người với với môi trường sống.”

Thăm và phát quà cho bệnh nhân tại bệnh viện Phạm Ngọc Thạch

Nguồn hình ảnh: bệnh viện Phạm Ngọc Thạch

2 – Mục đích của công tác xã hội

      Công tác xã hội hướng tới tạo ra “thay đổi” tích cực trong xã hội, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho tất cả mọi người đặc biệt là những nhóm người yếu thế. Công tác xã hội thúc đẩy sự biến đổi xã hội, tăng cường các mối tương tác hài hoà giữa cá nhân, gia đình và xã hội hướng tới tiến bộ và công bằng xã hội.

      Hoạt động nghề nghiệp công tác xã hội hướng tới 2 mục đích cơ bản sau:

      Một là, nâng cao năng lực cho các nhóm đối tượng như cá nhân, gia đình và cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn.

      Hai là, cải thiện môi trường xã hội để hỗ trợ cá nhân, gia đình và cộng đồng thực hiện các chức năng, vai trò của họ có hiệu quả.

3 – Các chức năng, nhiệm vụ của công tác xã hội

3.1 – Các chức năng cuả công tác xã hội

      Như là bác sỹ xã hội, các nhân viên xã hội thực hiện những chức năng của ngành công tác xã hội để giải quyết các vấn đề xã hội đó là: chức năng phòng ngừa, chức năng can thiệp, chức năng phục hồi, chức năng phát triển.

3.1.1 – Chức năng phòng ngừa

      Với quan điểm phòng bệnh hơn chữa bệnh, công tác xã hội không chờ tới khi cá nhân hay gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn rồi mới giúp đỡ. Công tác xã hội rất quan tâm đến phòng ngừa những vấn đề xã hội của cá nhân, gia đình hay cộng đồng. Những hoạt động giáo dục nâng cao nhận thức cho cá nhân hay gia đình, việc cung cấp các kiến thức về HIV/AIDS hay kiến thức về ma tuý… đều có ý nghĩa cho công tác phòng ngừa.

3.1.2 – Chức năng can thiệp

      Chức năng can thiệp (còn được gọi là chức năng chữa trị hay trị liệu) nhằm trợ giúp cá nhân, gia đình hay cộng đồng giải quyết vấn đề đang gặp phải. Khi thực hiện chức năng này nhân viên xã hội giúp đỡ đối tượng vượt qua khó khăn, giải quyết vấn đề đang tồn tại. Ví dụ như hoạt động trợ cấp khi cộng đồng bị lũ lụt, thiên tai, hoạt động can thiệp bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ bị bạo hành, hoạt động tham vấn can thiệp khủng hoảng khi một bé gái bị xâm hại tình dục… hay là hoạt động can thiệp giải quyết vấn đề.

3.1.3 – Chức năng phục hồi

      Đó là việc công tác xã hội giúp cá nhân, gia đình và cộng đồng khôi phục lại chức năng xã hội đã bị suy giảm. Nó bao gồm những hoạt động trợ giúp đối tượng trở lại mức ban đầu và hoà nhập cuộc sống xã hội. Hoạt động phục hồi nhằm giúp đối tượng trở lại cuộc sống bình thường, hoà nhập cộng đồng, như giúp những người đói nghèo xoá được đói, vượt khỏi nghèo hay hỗ trợ người khuyết tật phục hồi các chức năng (sinh hoạt, lao động, xã hội); giúp trẻ lang thang trở về với gia đình; giúp người nghiện ngập, mại dâm trở lại cuộc sống bình thường, tái hoà nhập cộng đồng, trợ giúp những trẻ em bị vi phạm pháp luật, được giáo dục hoà nhập.

3.1.4 – Chức năng phát triển

      Chức năng phát triển của công tác xã hội thể hiện qua các hoạt động nhằm tăng năng lực, tăng khả năng ứng phó với các tình huống có vấn đề, những sự việc có nguy cơ cao. Ví dụ như các chương trình giải quyết việc làm, các dịch vụ cung cấp đào tạo cho người thất nghiệp, hướng dẫn các gia đình nghèo làm kinh tế, chương trình tập huấn kỹ năng làm cha mẹ… Đây được xem như những dịch vụ xã hội giúp cá nhân hay gia đình phát triển khả năng cá nhân, nâng cao kỹ năng sống, kỹ năng làm cha, mẹ, kỹ năng giáo dục con cái. Thông qua hoạt động giáo dục công tác xã hội giúp cá nhân, gia đình và cộng đồng nâng cao nhận thức, rèn luyện kỹ năng, phát huy tính chủ động.

3.2 – Các nhiệm vụ cơ bản của công tác xã hội:

– Nâng cao năng lực, thúc đẩy khả năng tự giải quyết vấn đề của cá nhân, gia đình và cộng đồng.

– Nối kết con người với hệ thống nguồn lực, dịch vụ và những cơ hội trong xã hội.

– Thúc đẩy sự hoạt động có hiệu quả và tính nhân văn của các hệ thống cung cấp nguồn lực và dịchvụ xã hội.

– Phát triển và cải thiện chính sách xã hội.

4 – Các nhiệm vụ của công tác xã hội trong bệnh viện (theo thông tư 43/2015/TT-BYT ngày 26/11/2015 của Bộ Y tế về quy định về nhiệm vụ và hình thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác xã hội của bệnh viện)

  1. Hỗ trợ, tư vấn giải quyết các vấn đề về công tác xã hội cho người bệnh và người nhà người bệnh trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh (sau đây gọi chung là người bệnh), bao gồm:
    a) Đón tiếp, chỉdẫn, cung cấp thông tin, giới thiệu về dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của bệnh viện cho người bệnh ngay từ khi người bệnh vào khoa khám bệnh hoặc phòng khám bệnh;
    b) Tổ chức hỏi thăm người bệnh và người nhà người bệnh để nắm bắtthông tin về tình hình sức khỏe, hoàn cảnh khó khăn của người bệnh, xác định mức độ và có phương án hỗ trợ về tâm lý, xã hội và tổ chức thực hiện;
    c) Hỗ trợ khẩn cấp các hoạt động công tác xã hội cho người bệnh là nạn nhân của bạo hành, bạo lực gia đình, bạo lực giới, tai nạn, thảm họa nhằm bảo đảm an toàn cho người bệnh: hỗ trợ về tâm lý, xã hội, tư vấn về pháp lý, giám định pháp y, pháp y tâm thần và các dịch vụ phù hợp khác;
    d) Hỗ trợ, tư vấn cho người bệnh về quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ của người bệnh, các chương trình, chính sách xã hội về bảo hiểm y tế, trợ cấp xã hội trong khám bệnh, chữa bệnh;
    đ) Cung cấp thông tin, tư vấn cho người bệnh có chỉ định chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc xuất viện; Hỗ trợ thủ tục xuất viện và giới thiệu người bệnh đến các địa điểm hỗ trợ tại cộng đồng (nếu có);
    e) Phối hợp, hướng dẫn các tổ chức, tình nguyện viên có nhu cầu thực hiện, hỗ trợ về công tác xã hội của bệnh viện;
  2. Thông tin, truyền thông và phổ biến, giáo dục pháp luật:
    a) Thực hiện công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí;
    b) Xây dựng kế hoạch truyền thông giáo dục sức khỏe cho người bệnh và tổ chức thực hiện kế hoạch sau khi được phê duyệt;
    c) Xây dựng nội dung, tài liệu để giới thiệu, quảng bá hình ảnh, các dịch vụ và hoạt động của bệnh viện đến người bệnh và cộng đồng thông qua tổ chức các hoạt động, chương trình, sự kiện, hội nghị, hội thảo:
    d) Cập nhật và tổ chức phổ biến các chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến công tác khám bệnh, chữa bệnh, hoạt động của bệnh viện cho nhân viên y tế, người bệnh và người nhà người bệnh;
    đ) Tổ chức thực hiện quy tắc ứng xử, hòm thư góp ý của bệnh viện;
    e) Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao phù hợp cho nhân viên y tế và người bệnh.
  3. Vận động tiếp nhận tài trợ:

      Thực hiện hoạt động từ thiện và vận động, tiếp nhận tài trợ về kinh phí, vật chất để hỗ trợ người bệnh có hoàn cảnh khó khăn.

  1. Hỗ trợ nhân viên y tế:
    a) Cung cấp thông tin về người bệnh cho nhân viên y tế trong trường hợp cần thiết để hỗ trợ công tác điều trị;
    b) Độngviên, chia sẻ với nhân viên y tế khi có vướng mắc với người bệnh trong quá trình điều trị.
  2. Đào tạo, bồi dưỡng:
    a) Tham gia hướngdẫn thực hành nghề công tác xã hội cho học sinh, sinh viên các cơ sởđào tạo nghề công tác xã hội;
    b) Bồi dưỡng, tập huấn kiến thức về công tác xã hội cho nhân viên y tế và nhân viên bệnh viện; phối hợp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cơ bảnvề y tế cho người làm việc về công tác xã hội.
  3. Tổ chức đội ngũ cộng tác viên làm công tác xã hội của bệnh viện.
  4. Tổ chức các hoạt động từ thiện, công tác xã hội của bệnh viện tại cộng đồng (nếu có).

———————————————————————————

      Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch rất mong tiếp nhận các tấm lòng hỗ trợ và sự cộng tác của các tổ chức, cá nhân khắp gần xa thông qua địa chỉ: Phòng công tác xã hội, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Địa chỉ: 120 Hùng Vương, phường 12, Quận 5, TP Hồ Chí Minh. Số điện thoại liên hệ: 0917655633(Ms Bùi Nguyễn Tố Như – Trưởng phòng công tác xã hội Bệnh viện).

———————————————————————————

Mọi thắc mắc, đóng góp ý kiến, quý ông/bà vui lòng gửi về

Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Phòng công tác xã hội

Địa chỉ: 120 Hùng Vương, phường 12, Quận 5, TP Hồ Chí Minh

Tổng đài bệnh viện: 028.3855.0207 – nội bộ: 219

Biên tập: Ths. Nguyễn Thiện Minh

Hiệu đính: Ts Bs Đỗ Châu Giang,ĐD CKI Bùi Nguyễn Tố Như

———————————————————————————

      Nhằm phục vụ công tác chuyên môn, nội dung bài viết này bệnh viện Phạm Ngọc Thạch đã trích đăng một phần tài liệu nhập môn công tác xã hội của Bộ Lao Động Thương Binh Xã Hội và UNICEF.