Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp chuyên ngành, không thể giáo viên muốn bỏ là bỏ

GDVN- Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành là quy định chung, không thể nói bỏ là bỏ được, vấn đề là nội dung, phương thức bồi dưỡng thế nào.

Ngày 18/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 89/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Khoản 3 Điều 18 Nghị định 89/2021/NĐ-CP ghi rõ:

3. Viên chức phải hoàn thành chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành trước khi bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp.

Như vậy, từ ngày 10/12/2021 viên chức nói chung, giáo viên nói riêng, chỉ còn duy nhất 1 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành và nó sẽ thay thế chứng chỉ chức danh nghề nghiệp các hạng trước đây.

Giáo viên nào không phải học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp chuyên ngành theo Nghị định 89?

Theo chùm thông tư 01, 02, 03, 04, mỗi hạng chức danh nghề nghiệp, giáo viên cần phải có 01 chứng chỉ bồi dưỡng tương ứng.

Để được nâng hạng, giữ hạng, buộc giáo viên phải tìm mọi cách “chạy” cho được chứng chỉ chức danh nghề nghiệp trước khi các địa phương thực hiện chùm thông tư 01, 02, 03, 04.

Có thể nói, thời gian vừa qua là “chuyến tàu vét” chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên của các cơ sở đào tạo.

Không ít giáo viên lại lo lắng, liệu sắp tới đây, giáo viên đã có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp có phải tiếp tục học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp duy nhất đã được Nghị định 89 quy định?

Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp chuyên ngành, không thể giáo viên muốn bỏ là bỏ ảnh 1

Điều khoản thi hành Nghị định 89/2021/NĐ-CP ghi rõ:

1. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 10 tháng 12 năm 2021.

2. Các cơ quan được giao xây dựng chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch công chức, theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành, theo yêu cầu vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý tại khoản 6 Điều 1 Nghị định này phải ban hành chương trình trước ngày 01 tháng 7 năm 2022.

3. Cán bộ, công chức, viên chức có chứng chỉ hoàn thành các chương trình bồi dưỡng quy định tại khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7 Điều 17 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP hoặc đã được bổ nhiệm vào chức vụ, ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức trước ngày 30 tháng 6 năm 2022 thì không phải tham gia các chương trình bồi dưỡng tương ứng theo quy định của Nghị định này.

Khoản 4 Điều 17 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ghi rõ:

4. Chương trình, tài liệu bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức, thời gian thực hiện tối thiểu là 06 tuần, tối đa là 08 tuần, gồm:

a) Chương trình, tài liệu bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp hạng IV;

b) Chương trình, tài liệu bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp hạng III;

c) Chương trình, tài liệu bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp hạng II;

d) Chương trình, tài liệu bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp hạng I.

Như vậy, giáo viên đã có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp hạng IV, III, II, I, hoặc đã được bổ nhiệm vào chức vụ, ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức trước ngày 30/6/2022 không phải tham gia các chương trình bồi dưỡng tương ứng theo quy định của Nghị định này, tức không còn phải lo lắng về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp nữa.

Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đã gây áp lực cho nhà giáo trong thời gian qua. Sắp tới đây, ngành giáo dục phải tuyển mới khoảng 28.000 giáo viên. [1]

Nếu mỗi giáo viên học 01 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, với giá 2.500.000 đồng/chứng chỉ, tổng số tiền giáo viên sẽ tốn để học chứng chỉ lên tới 70 tỷ đồng. Đây là một con số không nhỏ và sẽ rất lãng phí nếu chất lượng đào tạo không tốt.

Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành là quy định chung, không thể nói bỏ là bỏ được, vấn đề là nội dung bồi dưỡng, phương thức bồi dưỡng như thế nào để đạt hiệu quả cao.

Vì thế, về lâu dài, ngành giáo dục cần đưa chương trình bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp tương ứng theo quy định của Nghị định 89/2021/NĐ-CP vào trường đại học sư phạm, coi đây là một chứng chỉ bắt buộc, khi giáo viên ra trường là có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành. Như vậy vừa dễ cho vấn đề tuyển dụng, giáo viên vừa có thể hành nghề tốt hơn.

Tài liệu tham khảo:

– Nghị định 89/2021/NĐ-CP, Nghị định 101/2017/NĐ-CP, Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT

[1] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bo-noi-vu-de-xuat-bo-sung-gan-28-000-bien-che-giao-vien-post224651.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Sơn Quang Huyến