Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội theo quy định mới nhất hiện nay

Là một trong những cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện. Vậy Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội có những chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn gì? Cơ cấu tổ chức và biên chế như thế nào? Cùng Luật Minh Khuê tìm hiểu bài viết dưới đây để giải đáp vấn đề này.

Cơ sở pháp lý:

Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015

Nghị định 24/2014/NĐ-CP Quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BLĐTBXH-BNV 

1. Vị trí và chức năng của Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội 

Vị trí, chức năng của Phòng được quy định tại Điều 4 Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BLĐTBXH-BNV, cụ thể như sau:

– Vị trí: Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.

– Chức năng: Phòng Loa động – Thương binh và Xã hội thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý nhà nước về: Việc làm; dạy nghề; lao động, tiền lương; tiền công; bảo hiểm xã hội (bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp); an toàn lao động; người có công; bảo trợ xã hội; bảo vệ và chăm sóc trẻ em; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội.

– Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản; chịu sự chỉ đạo, quản lý và điều hành của Ủy ban nhân dân cấp huyện; đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội là gì ?

Nhiệm vụ vàq uyền hạn của Phòng được quy định tại Điều 5 Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BLĐTBXH-BNV, cụ thể như sau:

2.1 Về công tác quản lý nhà nước chung:

Trong công tác quản lý nhà nước, cũng như các phòng, ban, đơn vị khác trực thuộc Ủy ban nhân dân, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ có các nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể như: 

+ Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội có nhiệm vụ trình Ủy ban nhân dân cấp huyện để ban hành các quyết định, chỉ thị; các quy hoạch, kế hoạch dài hạn, kế hoạch 05 năm và kế hoạch hàng năm; các chương trình và biện pháp tổ chức thực hiện những nhiệm vụ cải cách hành chính nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ của Phòng được giao. 

+ Tiến hành công tác theo dõi thi hành pháp luật trong các lĩnh vực do đơn vị quản lý. 

+ Đối với các văn bản pháp luật, các quy hoạch, kế hoạch sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì Phòng có nhiệm vụ các tiến hành tổ chức thực hiện nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả.

+ Thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến các tầng lớp nhân dân về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội được giao. 

+ Giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các tổ chức kinh tế tập thể, tổ chức kinh tế tư nhân, các hội và các tổ chức phi chính phủ hoạt động trên địa bàn quản lý thuộc các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.

+ Theo dõi, kiểm tra hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về các lĩnh vực mình quản lý. 

+ Tiến hành công việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cá nhân, tổ chức cũng như thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm theo quy định của pháp luật, theo sự phân công của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

+ Ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ; xây dựng hệ thống thông tin, hệ thống lưu trữ nhằm phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trên địa bàn.

+ Thông tin, báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp huyện và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

2.2 Về công tác lao động và việc làm: 

+ Đối với công chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý của Phòng thì đơn vị có trách nhiệm quản lý vị trí việc làm, biên chế công chức, cơ cấu ngạch công chức; thực hiện đầy đủ chế độ tiền lương, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; đảm bảo thực hiện các chính sách, chế độ đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật, công tác đào tạo và bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật, quy chế làm việc, quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan và theo sự phân công của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

+ Đối với công chức Văn hóa – Xã hội phụ trách mảng lao động, thương binh và xã hội ở các xã, phường, thị trấn thì đơn vị có chức năng, nhiệm vụ hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ nhằm nâng cao hiệu quả công tác. 

+ Đối với cơ sở dạy nghề, tổ chức dịch vụ việc làm trên địa bàn cấp huyện thì Phòng chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật theo phân cấp quản lý và theo sự ủy quyền của cơ quan có thẩm quyền. 

2.3 Về công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng:

+ Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội có nhiệm vụ hướng dẫn và tổ chức thực hiện quản lý các công trình ghi công liệt sĩ được xây dựng trên địa bàn cấp huyện. 

+ Đối với các cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn thì Phòng có trách nhiệm hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ. 

+ Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể xây dựng phong trào toàn dân chăm sóc, giúp đỡ người có công với cách mạng và các đối tượng được hưởng chính sách xã hội.

2.4 Về công tác xã hội:

Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định đối với các cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội, cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở cai nghiện tự nguyện, cơ sở quản lý sau cai nghiện, cơ sở hỗ trợ nạn nhân, cơ sở trợ giúp trẻ em, cơ sở bảo trợ trẻ em trên địa bàn huyện theo phân cấp, ủy quyền.

2.5 Về công tác tài chính:

Phòng  Lao động – Thương binh và Xã hội có quyền quản lý cũng như có trách nhiệm quản lý về tài chính, về tài sản của Phòng theo quy định của pháp luật và theo phân công của Ủy ban nhân dân cấp huyện. 

Ngoài các nhiệm vụ và chức năng chính nêu trên, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội còn thực hiện các nhiệm vụ khác do Ủy ban nhân dân cấp huyện giao hoặc theo các quy định của pháp luật.

3. Cơ cấu tổ chức và biên chế của Phòng  Lao động – Thương binh và Xã hội như thế nào ?

Cơ cấu tổ chức và biên chế của Phòng được quy định tại Điều 4 Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BLĐTBXH-BNV, cụ thể như sau:

Phòng  Lao động – Thương binh và Xã hội có Trưởng phòng, Phó trưởng phòng (không quá 03 người) và các công chức. Trong đó:

– Trưởng phòng là người đứng đầu đơn vị, chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao cũng như toàn bộ hoạt động của Phòng.

– Phó Trưởng phòng được xác định là cấp phó của người đứng đầu với trách nhiệm giúp Trưởng phòng phụ trách và theo dõi một số mặt công tác theo sự phân công; Phó Trưởng phòng phải chịu trách nhiệm trước Trưởng phòng và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công. Trong trường hợp Trưởng phòng vắng mặt không bị khuyết chức danh, Phó Trưởng phòng sẽ được Trưởng phòng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện uỷ nhiệm, phân công điều hành các hoạt động của Phòng.

– Các cán bộ, công chức của Phòng có nhiệm vụ thực hiện công tác quản lý nhà nước trong phạm vi được giao theo sự phân công của Trưởng phòng hoặc Phó Trưởng phòng, chịu trách nhiệm với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện các nhiệm vụ được giao.

– Nhân viên hợp đồng: Ngoài các chức danh nằm trong số lượng biên chế chính thức hàng năm, căn cứ tình hình hoạt động cũng như khả năng tài chính của đơn vị, Phòng  Lao động – Thương binh và Xã hội được quyền tuyển dụng thêm các nhân viên hợp đồng thực hiện các công việc được giao nhằm đảm bảo làm tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định.

Công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, miễn nhiệm, từ chức, thực hiện các chế độ, chính sách đối với Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định theo quy định của pháp luật.

Biên chế hành chính của Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội: Căn cứ chỉ tiêu biên chế được Ủy ban nhân dân tỉnh giao, căn cứ cơ sở vị trí việc làm, gắn với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động và thuộc tổng biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính của cấp huyện, hàng năm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện sẽ có quyết định giao cụ thể số lượng biên chế của Phòng.

Từ các quy định về chức năng, nhiệm vụ, danh mục vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt, hàng năm Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Phòng Nội vụ tiến hành xây dựng kế hoạch biên chế công chức theo quy định của pháp luật, đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ được giao, sau đó tiến hành trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Như vậy ta thấy Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội có vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và biên chế được quy định cụ thể, rõ ràng trong các quy định của pháp luật cũng như trong các quy chế làm việc, quy định của Ủy ban nhân dân cấp huyện nhằm tránh sự chồng chéo, lạm quyền trong hoạt động quản lý nhà nước của từng đơn vị. 

MK LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

Trên đây là nội dung Luật Minh Khuê đã sưu tầm và biên soạn. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số: 1900.6162 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.