Chủ nghĩa Mác-Lênin – Cơ sở thế giới quan và phương pháp luận của tư tưởng Hồ Chí Minh.

Công ty luật Minh Khuê cung cấp nội dung bài viết “Chủ nghĩa Mác-Lênin – Cơ sở thế giới quan và phương pháp luận của tư tưởng Hồ Chí Minh” để quý khách hàng tham khảo:

1. Sự ra đời của chủ nghĩa Mác – Lênin:

Chủ nghĩa Mác ra đời vào những năm 40 của thế kỷ XIX, khi mà chủ nghĩa tư bản ở châu Âu đang trên đà phát triển mạnh mẽ đã tạo ra những điều kiện kinh tế – chính trị – xã hội thuận lợi cho sự ra đời của chủ nghĩa Mác. Đặc biệt, sự xuất hiện giai cấp vô sản trên vũ đài lịch sử và cuộc đấu tranh mạnh mẽ của giai cấp này là một trong những điều kiện chính trị – xã hội quan trọng nhất cho sự ra đời của chủ nghĩa Mác. Trong thời kỳ này, nhiều phát minh khoa học mang tính vạch thời đại xuất hiện. Những phát minh khoa học này không chỉ làm bộc lộ rõ tính hạn chế của phương pháp tư duy siêu hình mà còn tạo ra cơ sở khoa học để khắc phục phương pháp tư duy siêu hình này. Đồng thời, chúng cũng cung cấp những cơ sở khoa học cho sự ra đời của chủ nghĩa Mác. Chủ nghĩa Mác ra đời còn là kết quả của sự kế thừa có chọn lọc, tiếp thu có phê phán toàn bộ những tinh hoa trong lịch sử tư tưởng của nhân loại từ cổ đại đến thời đại của C.Mác (1818-1883) và Ph.Ăngghen (1820-1895), nhưng trực tiếp nhất là triết học cổ điển Đức, kinh tế chính trị cổ điển Anh, chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp. Sự ra đời của chủ nghĩa Mác còn là kết quả của các yếu tố chủ quan của C.Mác và Ph.Ăngghen, như: tình yêu thương những người lao động, tinh thần hy sinh không mệt mỏi vì sự nghiệp giải phóng họ, niềm tin sâu sắc vào lý tưởng cách mạng của giai cấp công nhân, cùng sự thông minh…

Vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa Mác được V.I.Lênin bổ sung, phát triển trong điều kiện chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, khoa học về thế giới vi mô phát triển và chủ nghĩa xã hội hiện thực được xây dựng ở nước Nga Xô viết, mở ra giai đoạn phát triển mới của chủ nghĩa Mác – Lênin. Chủ nghĩa Mác – Lênin là một học thuyết khoa học và cách mạng, bởi nó phản ánh đúng quy luật khách quan vận động của lịch sử và đấu tranh xóa bỏ mọi hình thức nô dịch người, xây dựng một xã hội mà ở đó không còn người bóc lột người, người đàn áp người, người nô dịch người và sự tự do của mỗi người là điều kiện cho sự tự do của tất cả mọi người.

 

2. Các bộ phận cấu thành của chủ nghĩa Mác – Lênin:

Chủ nghĩa Mác – Lênin là học thuyết khoa học gồm ba bộ phận thống nhất hữu cơ không thể tách rời nhau:

– Triết học Mác – Lênin là khoa học về những quy luật phổ biến chung nhất của sự vận động, phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy con người; trang bị cho con người thế giới quan duy vật biện chứng và phương pháp biện chứng duy vật đúng đắn để nhận thức và cải tạo thế giới.

– Kinh tế chính trị học Mác – Lênin nghiên cứu quan hệ giữa người với người trong quá trình sản xuất (tức là nghiên cứu quan hệ sản xuất) và trong trao đổi, tiêu dùng; nghiên cứu phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa với quy luật giá trị thặng dư, chỉ rõ bản chất, những quy luật kinh tế chủ yếu của sự hình thành, phát triển và đưa phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa tới chỗ diệt vong; chỉ ra những quy luật phát triển của quan hệ sản xuất mới, con đường xây dựng một xã hội không có áp bức bất công, vì tự do, ấm no, hạnh phúc cho mọi người – xã hội cộng sản chủ nghĩa, giai đoạn đầu là chủ nghĩa xã hội.

– Chủ nghĩa xã hội khoa học nghiên cứu những quy luật chuyển biến xã hội tư bản chủ nghĩa lên xã hội xã hội chủ nghĩa và phương hướng xây dựng xã hội mới; chứng minh rằng, chủ nghĩa tư bản càng phát triển càng tạo ra những tiền đề vật chất đầy đủ cho sự ra đời xã hội mới – xã hội cộng sản chủ nghĩa. Lực lượng xã hội thực hiện sự chuyển biến đó chính là giai cấp vô sản và nhân dân lao động; chỉ ra sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân là lật đổ chủ nghĩa tư bản xây dựng xã hội mới – xã hội chủ nghĩa – không còn người áp bức người, không còn người nô dịch người; nghiên cứu những vấn đề chính trị – xã hội có tính quy luật trong tiến trình cách mạng xã hội chủ nghĩa như vấn đề tôn giáo và chính sách tôn giáo trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội…

 

3. Sự vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin trong các giai đoạn lịch sử:

Thời kỳ trước “đổi mới, cải cách, cải tổ”

Các nhà lý luận của chủ nghĩa xã hội, đứng đầu là các nhà lý luận Xô Viết đã có những đóng góp quan trọng trong việc phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin trên tất cả ba bộ phận triết học; kinh tế – chính trị và chủ nghĩa xã hội khoa học. Họ đã cụ thể hóa và làm giàu thêm những nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin bằng thực tiễn đấu tranh giải phóng giành độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực ở một loạt nước xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, họ cũng đã kiên quyết đấu tranh bác bỏ những sự xuyên tạc, vu khống ác ý đối với chủ nghĩa Mác – Lênin. Tuy nhiên, sự vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin ở các nước xã hội chủ nghĩa nói chung, ở Liên Xô nói riêng trước đổi mới, cải cách, cải tổ ít nhiều đã bị giáo điều. Chính vì vậy, mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực trước đổi mới, cải cách, cải tổ có những biểu hiện giáo điều, xơ cứng, bảo thủ, chậm đổi mới.

Thời kỳ “đổi mới, cải cách, mở cửa”

Trong thời kỳ đổi mới, cải cách, mở cửa, Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng Cộng sản Trung Quốc, cùng một số Đảng Cộng sản khác đã vận dụng, bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện thực tiễn mỗi nước. Trên cơ sở nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin, Việt Nam xây dựng chủ nghĩa xã hội Việt Nam với 8 đặc trưng, trong đó đặc trưng “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” vừa là đặc trưng thứ nhất vừa là mục tiêu của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội Việt Nam. Trung Quốc đã xây dựng mô hình chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc. Chủ nghĩa xã hội vẫn tiếp tục được xây dựng ở Cu Ba, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào… Vì vậy, chủ nghĩa Mác – Lênin vẫn tồn tại và phát triển, vẫn là thế giới quan, phương pháp luận khoa học của hàng triệu triệu con người tiến bộ trên trái đất.

 

4. Chủ nghĩa Mác-Lênin – Cơ sở thế giới quan và phương pháp luận của tư tưởng Hồ Chí Minh:

Tư tưởng Hồ Chí Minh thuộc hệ tư tưởng Mác-Lênin, mà hạt nhân lý luận là triết học duy vật biện chứng và duy vật lịch sử. Nói cách khác, chủ nghĩa Mác-Lênin là cơ sở thế giới quan và phương pháp luận của tư tưởng Hồ Chí Minh.

– Nguyễn Ái Quốc đã vận dụng thế giới quan duy vật và phương pháp luận biện chứng trong việc tiếp thu, kế thừa tinh hoa văn hóa nhân loại và chuyển hóa được những điều hiểu biết quý báu đó để xây dựng được hệ tư tưởng riêng của mình. 

Hồ Chí Minh đã không rập khuôn những tư tưởng cũ bởi chúng có chứa đựng những yếu tố duy tâm, lạc hậu nhưng Người cũng không “phủ định sạch trơn” vì những tư tưởng ấy còn có cả những yếu tố duy vật, tích cực, như vậy Hồ Chí Minh đã tiếp thu một cách có kế thừa và phát triển, theo đúng tinh thần của chủ nghĩa duy vật biện chứng. Hồ Chí Minh đã từng tỏ rõ thái độ của mình đối với việc học tập, tiếp thu những học thuyết của các lãnh tụ chính trị, xã hội, tôn giáo trong lịch sử. Người nói: “Học thuyết Khổng Tử có ưu điểm là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giê-su có ưu điểm là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó phù hợp với điều kiện nước ta…”. Hồ Chí Minh đã phê phán, gạt bỏ tư tưởng đẳng cấp, khinh lao động chân tay, khinh phụ nữ,…của Nho giáo nhưng Người cũng đã tiếp thu triết lý hành động, tư tưởng nhập thế, hành đạo, giúp đời,…; trong nội dung xây dựng nền đạo đức mới, Hồ Chí Minh đã sử dụng nhiều khái niệm, phạm trù của các tư tưởng đạo đức đã có từ trước, nhất là đạo đức Nho giáo như: trung, hiếu, nhân, nghĩa, cần, kiệm, liêm, chính,… và đạo đức phương Tây từ thời cổ đại Hy Lạp – La Mã, như: dân chủ, tự do, công bằng, bác ái,…, nhưng đã đưa vào đó những nội dung mới, cùng là “Trung”, “Hiếu” nhưng nếu trong tư tưởng đạo đức truyền thống Việt Nam và phương Đông, trung là trung với vua, hiếu là hiếu với cha, mẹ thì với Hồ Chí Minh, trung là trung với nước – trung thành với sự nghiệp giữ nước và dựng nước của dân tộc, hiếu là hiếu với dân – gắn bó với dân, kính trọng dân, giúp đỡ dân, phục vụ và hướng dẫn nhân dân. Người dẫn lời của Lênin: “Chỉ có những người cách mạng chân chính mới thu hái được những điều hiểu biết quý báu của các đời trước để lại.”

– Chủ nghĩa Mác-Lênin đã tạo ra bước chuyển trong nhận thức của Hồ Chí Minh, từ đó Người tìm ra con đường giải phóng dân tộc, giải quyết đúng đắn các vấn đề thực tiễn đặt ra của cách mạng Việt Nam. 

Đối với Người, đến với chủ nghĩa Mác – Lênin cũng có nghĩa là đến với con đường cách mạng vô sản. Từ đây, Người thực sự tìm thấy con đường cứu nước chân chính, triệt để: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản” và “chỉ có giải phóng giai cấp vô sản thì mới giải phóng được dân tộc; cả hai cuộc giải phóng này chỉ có thể là sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản và của cách mạng thế giới”.  Sơ thảo lần thứ nhất nhưng luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của V.I.Lênin đã diễn đạt một cách đầy đủ và sâu sắc những điều mà Hồ Chí Minh lúc bấy giờ đang nung nấu, đã giúp Người tìm ra con đường chân chính cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc. Đó là bước chuyển lịch sử trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc: từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, tìm thấy con đường giải phóng dân tộc mình trong sự nghiệp giải phóng tất cả các dân tộc, đồng thời cũng đánh dấu bước ngoặt mới của cách mạng nước ta, mở ra bước chuyển biến cho bao thế hệ người Việt Nam: từ người yêu nước thành người cộng sản.

Tư tưởng Hồ Chí Minh thuộc hệ tư tưởng Mác-Lênin, những phạm trù cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh cũng nằm trong những phạm trù cơ bản của lý luận Mác-Lênin, đó là quan điểm về vấn đề dân tộc, cách mạng giải phóng dân tộc, chủ nghĩa xã hội, con đường quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, về Đảng Cộng sản, về Nhà nước,…

 

5. Giá trị, ý nghĩa thời đại của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh:

Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trên cơ sở vạch ra được các quy luật vận động, phát triển của xã hội loài người giúp chúng ta lựa chọn đúng đắn con đường phát triển của dân tộc – độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, chủ nghĩa Mác – Lênin đã giải thích được quy luật phát triển của xã hội loài người một cách khoa học, khách quan, toàn diện, lịch sử – cụ thể. Chủ nghĩa Mác – Lênin đã chứng minh một cách khoa học rằng, từ trong lòng của chủ nghĩa tư bản sẽ ra đời phương thức sản xuất mới, một xã hội mới, một hình thái kinh tế – xã hội mới là chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản. Quá trình này diễn ra một cách lịch sử – tự nhiên. Do vậy, sự ra đời cũng như diệt vong của chủ nghĩa tư bản là một tất yếu khách quan như nhau và đều do tất yếu kinh tế quy định. Cùng với chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã chỉ ra cho Đảng ta, dân tộc ta: “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội” – là sự lựa chọn đúng đắn con đường phát triển của Việt Nam. Bởi lẽ, độc lập dân tộc là cơ sở, điều kiện, tiền đề cho chủ nghĩa xã hội, còn chủ nghĩa xã hội mới bảo đảm cho độc lập dân tộc thực sự trọn vẹn, bền vững.

Công ty luật Minh Khuê (sưu tầm & biên tập)