Chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục đại học là gì?

Căn cứ pháp lý

– Luật Giáo dục đại học số 08/2012/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2012 và Luật số 34/2018/QH14 ngày 19 tháng 11 năm 2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; sau đây gọi chung là Luật Giáo dục đại học.

– Nghị định số 141/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học.

– Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục đại học

Những ngày tháng đầu tiên sau Quốc Khánh 02-9-1945, ba loại “giặc” đe dọa đến sự sống còn của đất nước và chính quyền non trẻ bấy giờ đó là: Nạn đói, nạn dốt, nạn ngoại xâm và Chủ tịch Hồ Chí Minh còn gọi là: “Giặc” và đề xuất ba nhiệm vụ cấp bách: diệt giặc đói, diệt giặc dốt và giặc ngoại xâm. Lúc đó, có tới hơn 90% dân số cả nước mù chữ, hiểu được tác hại to lớn, những hậu quả tiêu cực nhiều mặt của sự dốt nát, kém hiểu biết, thiếu giáo dục… Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt giặc dốt bên cạnh giặc đói, giặc ngoại xâm cho thấy, sự khắc phục nạn dốt, nâng cao dân trí cũng không kém phần khó khăn, gian khổ, cần đến sự quyết tâm cao của từng người và toàn xã hội.

Dốt là một loại “giặc”, diễn đạt giản dị này của Người đã cho chúng ta thấy được tầm quan trọng của giáo dục là như thế nào; một quốc gia không có giáo dục sẽ như một quốc gia “chết”, một sự “chết mòn chết mỏi” mà chẳng đến sự xâm lăng của giặc từ bên ngoài. Giáo dục là phải thay đổi, là phải chuyển động phát triển thì mới có thể tiếp thu những nền tri thức mới và truyền đạt lại cho thế hệ sau; do đó để thúc đẩy sự phát triển của giáo dục, Nhà nước ta luôn dành những chính sách ưu đãi tốt nhất cho giáo dục, đặc biệt là chính sách về phát triển giáo dục đại học.

Điều 12 của Luật Giáo dục đại học đã quy định các chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục đại học như sau:

– Phát triển giáo dục đại học để đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

– Phân bổ ngân sách và nguồn lực cho giáo dục đại học theo nguyên tắc cạnh tranh, bình đẳng, hiệu quả thông qua chi đầu tư, chi nghiên cứu phát triển, đặt hàng nghiên cứu và đào tạo, học bổng, tín dụng sinh viên và hình thức khác.

Ưu tiên, ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng và chính sách khác để phát triển giáo dục đại học.

– Ưu tiên đầu tư phát triển một số cơ sở giáo dục đại học, ngành đào tạo mang tầm khu vực, quốc tế và cơ sở đào tạo giáo viên chất lượng cao; phát triển một số ngành đặc thù, cơ sở giáo dục đại học có đủ năng lực để thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước.

Khuyến khích quá trình sắp xếp, sáp nhập các trường đại học thành đại học lớn; ứng dụng công nghệ trong giáo dục đại học.

– Thực hiện xã hội hóa giáo dục đại học, khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục đại học tư thục; ưu tiên cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận; có chính sách ưu đãi đối với tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào hoạt động giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ tại cơ sở giáo dục đại học; có chính sách miễn, giảm thuế đối với tài sản hiến tặng, hỗ trợ cho giáo dục đại học, cấp học bổng và tham gia chương trình tín dụng sinh viên.

– Có chính sách đồng bộ để bảo đảm quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học gắn liền với trách nhiệm giải trình.

– Gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của thị trường, nghiên cứu triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ; đẩy mạnh hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ; có chính sách ưu đãi về thuế cho các sản phẩm khoa học và công nghệ của cơ sở giáo dục đại học; khuyến khích cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tiếp nhận, tạo điều kiện để người học và giảng viên thực hành, thực tập, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

– Thu hút, sử dụng và đãi ngộ thích hợp để nâng cao chất lượng giảng viên; chú trọng phát triển đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ, giáo sư đầu ngành trong cơ sở giáo dục đại học.

– Ưu tiên đối với người được hưởng chính sách xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số, người ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, người học ngành đặc thù đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế – xã hội; thực hiện bình đẳng giới trong giáo dục đại học.

– Khuyến khích, đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế nhằm phát triển giáo dục đại học Việt Nam ngang tầm khu vực và thế giới.

Tiêu biểu trong các chính sách nói trên, có thể kể đến chính sách ưu tiên đối với giáo dục đại học tư thục và cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận đã khuyến khích sự phát triển không ngừng của những cơ sở giáo dục đại học này.

Chính sách ưu tiên đối với cơ sở giáo dục đại học tư thục và cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan quy định chi tiết và hướng dẫn áp dụng cụ thể các chính sách khuyến khích đối với cơ sở giáo dục đại học tư thục và cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận.

Chính sách ưu tiên đối với cơ sở giáo dục đại học tư thục và cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận gồm:

– Ưu đãi thuế, miễn thuế và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thuế.

– Ưu tiên giao hoặc cho thuê đất; miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất; miễn hoặc giảm tiền thuê mặt đất, mặt nước theo quy định của pháp luật.

– Hỗ trợ hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển đội ngũ giảng viên.

– Chia sẻ sử dụng, khai thác và miễn hoặc giảm kinh phí chia sẻ sử dụng, khai thác tài nguyên chung của giáo dục đại học do Nhà nước đầu tư, các công trình kinh tế, văn hóa, khoa học – kỹ thuật, phúc lợi xã hội ở trung ương và địa phương để phục vụ nhu cầu giảng dạy và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.

– Ưu tiên tiếp nhận các dự án đầu tư phát triển, nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu khoa học trên cơ sở cạnh tranh như các cơ sở giáo dục đại học công lập; được tham gia đấu thầu các nhiệm vụ do nhà nước đặt hàng đối với các lĩnh vực đầu tư phát triển, nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu khoa học như các cơ sở giáo dục đại học công lập.

– Ưu tiên giao kinh phí để thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đối với những lĩnh vực mà trường có thế mạnh.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật Giáo dục đại học

Luật Hoàng Anh