Chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam – Thực trạng và một số vấn đề đặt ra

Thứ ba, 21 Tháng 11 2017 11:17

34506 Lượt xem

(LLCT) – Lý luận và thực tiễn cho thấy mô hình hệ thống chính sách an sinh xã hội của Việt Nam rất phong phú, đa dạng với nhiều hợp phần, nội dung đan xen, chồng chéo, rất phức tạp. Trên thực tế, an sinh xã hội được thực hiện theo cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp với mức đầu tư của xã hội tăng dần cùng với tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, từ góc độ thu nhập của người dân, giá trị tuyệt đối và tỷ trọng của thu nhập từ an sinh xã hội vẫn còn chiếm tỷ trọng nhỏ với mức giá trị tuyệt đối còn thấp và có biểu hiện của sự phân bố thiếu cân đối. Điều này đặt ra yêu cầu xây dựng luật an sinh xã hội và xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội góp phần phát triển bao trùm, bền vững.

1. Quan niệm về an sinh xã hội tại Việt Nam

Theo nghĩa hẹp, an sinh xã hội bao gồm các khoản trợ cấp bằng tiền, lương hưu, trợ cấp và khoản khác cho những người có công và những người trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Theo nghĩa rộng, an sinh xã hội bao gồm cả an sinh xã hội theo nghĩa hẹp và các chương trình giảm nghèo, các chương trình điều tiết thị trường lao động và các chương trình khác(1).

Một số tác giả cho rằng “an sinh xã hội” chủ yếu là “bảo hiểm xã hội”(2) và có thể được hiểu là “sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội”(3).

Luật Bảo hiểm xã hội của Việt Nam quy định hai hình thức bảo hiểm xã hội là: Bảo hiểm xã hội bắt buộc do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia; Bảo hiểm xã hội tự nguyện do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình(4).

Luật pháp quy định Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.

Luật Bảo hiểm xã hội (2014) quy định bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm 5 chế độ và hình thức bảo hiểm xã hội tự nguyện bao gồm 2 chế độ. Bảo hiểm xã hội bắt buộc gồm(5): (i) Ốm đau, (ii) Thai sản, (iii) Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, (iv) Hưu trí, (v) Tử tuất.

Bảo hiểm xã hội tự nguyện gồm: (i) Hưu trí, (ii) Tử tuất. Như vậy, với Luật Bảo hiểm xã hội, Việt Nam đã thiết chế hóa được 5 chế độ an sinh xã hội, vượt xa định mức 3 tiêu chuẩn tối thiểu trong 9 chế độ an sinh xã hội mà Công ước số 102 của ILO quy định vào năm 1952.

Quan niệm toàn diện về an sinh xã hội được phản ánh rõ nhất trong Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1-6-2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020”. Nghị quyết đánh giá, nêu những thành tựu đồng thời chỉ ra những hạn chế, xác định phương hướng và giải pháp thực hiện chính sách an sinh xã hội thời gian tới(6).

2. Mô hình chính sách an sinh xã hội

Mô hình bốn trụ cột chính sách an sinh xã hội

Mô hình này bao gồm 4 trụ cột chính sách như sau(7):

(1) Chính sách đảm bảo việc làm, tạo thu nhập và giảm nghèo nhằm hỗ trợ người dân chủ động phòng ngừa các rủi ro trên thị trường lao động thông qua các chính sách đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, tín dụng, tạo việc làm, thu nhập tối thiểu và giảm nghèo đơn chiều, đa chiều, bền vững.

(2) Chính sách bảo hiểm xã hội nhằm hỗ trợ người dân giảm thiểu rủi ro về sức khỏe khi ốm đau, tai nạn, tuổi già và khi bị thất nghiệp thông qua các hình thức, cơ chế bảo hiểm xã hội để bù đắp một phần thu nhập bị mất hoặc bị suy giảm.

(3) Chính sách trợ giúp xã hội nhằm hỗ trợ đột xuất và hỗ trợ thường xuyên cho người dân khắc phục các rủi ro khó lường, vượt quá khả năng kiểm soát như mất mùa, đói nghèo.

(4) Chính sách dịch vụ xã hội cơ bản – trụ cột an sinh xã hội nhằm hỗ trợ người dân tiếp cận hệ thống các dịch vụ xã hội cơ bản ở mức tối thiểu bao gồm y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin truyền thông, trợ giúp pháp lý. Trụ cột này thể hiện rất rõ yếu tố “mô hình sàn an sinh xã hội” khi xây dựng, ban hành và thực hiện các chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam hiện nay (Sơ đồ 1).           

Mô hình hệ thống chính sách an sinh xã hội của Việt Nam là mô hình tổng tích hợp các mô hình khác nhau để có thể bao quát nhiều chế độ bảo trợ xã hội với mức độ từ thấp đến cao đối với nhiều nhóm đối tượng hưởng thụ khác nhau trong xã hội. Mô hình này dần dần được xây dựng và phát triển trong thời kỳ quản lý kinh tế tập trung quan liêu bao cấp trước năm 1986. Đặc trưng nổi bật của hệ thống chính sách an sinh xã hội trước đổi mới là trợ giúp xã hội cho các nhóm đối tượng đặc thù của Việt Nam là những người có công, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và người nghèo, hộ gia đình, địa phương nghèo. Từ khi đổi mới đến nay các trụ cột đều đồng thời được thực hiện.

Tuy nhiên, hệ thống chính sách an sinh xã hội của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, rào cản trong việc bảo đảm phổ cập an sinh xã hội. Thí dụ(8): chế độ lương hưu cho người cao tuổi chỉ đảm bảo được gần hai phần ba số người lao động cao tuổi nghỉ hưu từ khu vực chính thức. Số người lao động tham gia đóng góp bảo hiểm xã hội mới chỉ đạt 1% tổng số lực lượng lao động. Chỉ một bộ phận rất nhỏ người lao động trong khu vực phi chính thức tham gia đóng góp bảo hiểm xã hội …

Mô hình chính sách an sinh xã hội theo vòng đời

Cách tiếp cận lý thuyết vòng đời cho thấy cuộc đời con người là một quá trình sống gồm nhiều giai đoạn mà mỗi giai đoạn đòi hỏi một số loại chính sách an sinh xã hội nhất định. Có thể phân biệt 4 giai đoạn và tương ứng là bốn nhóm chính sách an sinh xã hội theo vòng đời như sau:

(1) Tuổi trước khi đến trường bao gồm cả giai đoạn mang thai và thơ ấu. Giai đoạn này đòi hỏi chính sách an sinh xã hội như chế độ thai sản, trợ cấp trẻ em, trợ cấp tử tuất.

(2) Tuổi đến trường: giai đoạn này đòi hỏi chính sách an sinh xã hội trong giáo dục như hỗ trợ học bổng, trợ cấp trẻ em mồ côi, trợ cấp tử tuất.

(3) Tuổi thanh niên: đây là tuổi quá độ vào thị trường lao động việc làm với các rủi ro thất nghiệp, ốm đau, tai nạn. Do vậy, giai đoạn này đòi hỏi các chính sách an sinh xã hội tương ứng để trợ giúp thanh niên kịp thời.

(4) Tuổi lao động: giai đoạn này đòi hỏi hầu như tất cả các loại chính sách an sinh xã hội từ bảo đảm việc làm, tạo thu nhập, giảm nghèo đến trợ giúp xã hội đột xuất , thường xuyên, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm hưu trí và các dịch vụ xã hội cơ bản.

(5) Tuổi già: giai đoạn này đòi hỏi đảm bảo an sinh xã hội về lương hưu, trợ cấp cho người cao tuổi.

Phân tích hệ thống các chính sách an sinh xã hội theo vòng đời ở Việt Nam phát hiện thấy, “không phải tất cả các giai đoạn của vòng đời con người đều được hỗ trợ…  Hệ thống an sinh xã hội bỏ sót nhóm giữa”(9). Đa số người dân, nhất là người lao động trong khu vực phi chính thức chưa được bảo đảm an sinh xã hội một cách đầy đủ và đa số không có triển vọng được nhận lương hưu khi họ đến tuổi nghỉ hưu. 

3. Thực trạng chính sách an sinh xã hội

Các văn bản chính sách. Hiện nay, Việt Nam có 146 văn bản chính sách hiện hành về an sinh xã hội (1997-2013) (10). Trong đó, văn bản thuộc “Nhóm chính sách hỗ trợ giáo dục tối thiểu” – Quyết định 1121/1997/QĐ-TTg ngày 23-12-1997 của Thủ tướng Chính phủ về học bổng và trợ cấp xã hội đối với học sinh, sinh viên các trường đào tạo công lập, là chính sách an sinh xã hội được ban hành sớm nhất và hiện nay vẫn đang áp dụng. Các văn bản chính sách an sinh xã hội không được ban hành đồng đều trong các năm: giai đoạn 1997-2005 có 11 văn bản, nhưng năm 1999, 2001 và 2003 không có văn bản nào. Còn lại 135 văn bản được ban hành năm 2006-2013, trung bình mỗi năm ban hành 16-17 văn bản (Riêng năm 2013 ban hành nhiều nhất với 31 văn bản).

Về hình thức văn bản, trong 146 văn bản có một văn bản là Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương (Nghị quyết số 15/NQ-TW ngày 1-6-2012 về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020) và 5 luật: Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (2004) có hiệu lực từ ngày 1-1-2005; Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) (2006) có hiệu lực từ ngày 1-1-2007; Luật Bảo hiểm xã hội (2006, 2014) có hiệu lực từ ngày 1-1-2007; Luật Người cao tuổi (2009) có hiệu lực từ ngày 1-7-2010; Luật Bảo hiểm y tế (2006, 2016).  

Các nhóm nội dung chính sách an sinh xã hội. Trong 146 văn bản, có hai văn bản chính sách về an sinh xã hội chung là Nghị quyết số 15/NQ-TW ngày 1-6-2012 về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 và Nghị quyết 70/NQ-CP của Chính phủ ngày 1-11-2012 về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 15/NQ/TW. Còn lại 144 văn bản chính sách hiện hành về an sinh xã hội được chia thành bốn nhóm chính sách an sinh xã hội, cụ thể:

Chính sách tạo việc làm nâng cao thu nhập cho người lao động với 33 văn bản hiện hành (2001-2013); Chính sách hỗ trợ giảm nghèo với 14 văn bản hiện hành (2005-2013);

Chính sách bảo hiểm xã hội với 5 văn bản hiện hành (2006-2012);

Chính sách hỗ trợ các đối tượng khó khăn với 18 văn bản hiện hành (2000-2013) và được chia thành hai nhóm nhỏ: trợ giúp xã hội gồm 16 văn bản chính sách hiện hành(2000-2013) và  hỗ trợ rủi ro đột xuất do thiên tai và rủi ro thị trường gồm 2 văn bản chính sách hiện hành (2010-2011);

 Chính sách hỗ trợ tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản tối thiểu với 74 văn bản hiện hành (1997-2013) và được chia thành 5 nhóm nhỏ: hỗ trợ giáo dục tối thiểu với 29 văn bản (1997-2013), hỗ trợ y tế tối thiểu với 15 văn bản (2002-2013), hỗ trợ nhà ở với 13 văn bản ( 2008-201), bảo đảm nước sạch với 7 văn bản (2006-2013) và bảo đảm thông tin truyền thông cho người nghèo với 6 văn bản (2006-2013).

Trên thực tế, Việt Nam đã đầu tư thực hiện chính sách an sinh xã hội theo cả nghĩa rộng và hẹp. An sinh xã hội theo nghĩa rộng gồm 9 hợp phần chính sách, cụ thể: Các chương trình giảm nghèo (Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình 135 và Chương trình 30a) và chính sách giảm nghèo (trừ hỗ trợ giáo dục và bảo hiểm y tế; Các chương trình điều tiết thị trường lao động (dạy nghề, xuất khẩu lao động và việc làm); Bảo hiểm xã hội và thất nghiệp (ngân sách chi trả lương hưu cho người nghỉ hưu trước 1995 và hỗ trợ bảo hiểm tự nguyện; Hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế; Hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo; Hỗ trợ giáo dục (miễn giảm học phí, học bổng, hỗ trợ học nội trú và ăn trưa); Chăm sóc xã hội; Trợ giúp đột xuất; Trợ giúp xã hội (hỗ trợ tiền mặt hàng tháng theo Nghị định 67, 13, 136).

An sinh xã hội theo nghĩa hẹp, bao gồm các khoản trợ cấp(11): Các khoản trợ cấp bằng tiền gồm phúc lợi trợ cấp bằng tiền hàng tháng, trợ cấp đột xuất trong trường hợp thảm họa, thiên tai; trợ cấp cho người có thu nhập thấp; trợ cấp tiền điện (từ năm 2011); Phúc lợi bảo hiểm xã hội bao gồm lương hưu trong đó có lương hưu cho những người nghỉ hưu trước tháng 7-1995 (do ngân sách nhà nước chi trả) và lương hưu cho những người nghỉ hưu sau tháng 5-1995 (do Bảo hiểm Việt Nam chi trả); Trợ cấp cho người có công với cách mạng; Hỗ trợ công chức làm việc tại các vùng khó khăn, hỗ trợ xây dựng công trình ngăn lũ, tái định cư các nhóm đồng bào dân tộc thiểu số (kể từ năm 2009); hỗ trợ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội ở khu vực nông thôn (kể từ 2009); trợ cấp cho các xã biên giới với Lào và Campuchia (từ 2009); hỗ trợ xây dựng nông thôn mới (từ 2010), hỗ trợ sản xuất, nuôi trồng thủy sản ở hải đảo
(từ 2010).

Như vậy, ngay cả trong định nghĩa hẹp này an sinh xã hội cũng có xu hướng mở rộng bao gồm cả hợp phần chương trình giảm nghèo, hợp phần xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn và hợp phần xây dựng nông thôn mới.

Tổng chi an sinh xã hội cho các trợ cấp bằng tiền, lương hưu  và  các khoản khác chiếm 4% GDP và hầu như không thay đổi trong giai đoạn 2007 – 2011, trong đó “phúc lợi bảo hiểm xã hội gồm lương hưu” chiếm trên 50%, mặc dù có giảm từ mức 2,7% xuống còn 2,3%; trợ cấp cho người có công giảm từ 1% xuống còn 0,9%, các khoản trợ cấp bằng tiền tăng gấp đôi từ 0,2% lên 0,5% và các khoản khác tăng gấp ba: từ 0,1% lên 0,3%.

4. Kết quả thực hiện chính sách an sinh xã hội

Kết quả thực hiện từ góc độ đầu tư của Nhà nước

Đến cuối năm 2015, việc thực hiện 4 nhóm hay 4 trụ cột chính sách an sinh xã hội đã đạt được nhiều kết quả, cụ thể như sau(12):

Lao động, việc làm và giảm nghèo. Chương trình mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề đã tạo việc làm cho 320 nghìn người mỗi năm; cung cấp tín dụng cho nhiều người khuyết tật, người dân tộc, người ở vùng bị chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm; giải quyết việc làm cho 1.625.000 người trong số đó có 1.510.000 việc làm trong nước và 110 nghìn việc làm có thời hạn ở nước ngoài; tỷ trọng lao động nông nghiệp (gồm cả lâm nghiệp, thủy hải sản) giảm còn 43%; tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 2,3% chung cho cả nước, tỷ lệ thất nghiệp thành thị là 3,3%, tỷ lệ thất nghiệp thanh niên còn cao là 6,8%.

Một trong những kết quả nổi bật nhất của chính sách an sinh xã hội là tỷ lệ nghèo giảm nhanh: trên phạm vi cả nước, tỷ lệ này giảm còn 5% và tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm còn dưới 28%; tạo điều kiện thuận lợi để giảm nghèo đa chiều và khuyến khích làm giàu.

Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp: cả nước có 12.166.000 người lao động (chiếm hơn 24% lực lượng lao động) tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó 11.912.000 người (chiếm 98%) tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc có và 254 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Tổng số người được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội là 2,8 triệu người /tháng. Tổng số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 10.185.000 người, chiếm 20,2% lực lượng lao động. Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đã chi 4.800 tỷ đồng cho hơn 600.000 người.

Trợ giúp xã hội đã có 31 nghìn tấn gạo cứu đói được trao cho gần 2,1 triệu lượt người ở 21 tỉnh trong đó có Nghệ An, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Bình Định, Quảng Bình. Trợ cấp tiền mặt hằng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho hơn 2.643.000 người, trong đó có 37.348 trẻ mồ côi, 88.594 người đơn thân nuôi con thuộc hộ nghèo, 1.480.000 người trên 80 tuổi, 896.644 người khuyết tật. Đã hình thành hệ thống gồm 408 cơ sở trợ giúp xã hội nuôi dưỡng, chăm sóc hơn 41,4 nghìn người, trong đó số người khuyết tật, tâm thần chiếm tới 56,5%.

Các dịch vụ xã hội cơ bản đã bảo đảm giáo dục tối thiểu với tỷ lệ trẻ 5 tuổi học mầm non đạt 97,93%; trẻ dưới 4 tuổi học mầm non đạt 86,61%; tỷ lệ đi học tiểu học đúng tuổi đạt 98,69%, tỷ lệ đi học trung học cơ sở đúng tuổi đạt 90,89%; tỷ lệ học sinh đạt trình độ phổ thông trung học là 62%; tỷ lệ trẻ em khuyết tật đi học đạt 60%; số sinh viên đạt 250 người/10 nghìn dân; tỷ lệ biết chữ của dân số từ 15 tuổi trở lên đạt 99%. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp có 1.467 cơ sở dạy nghề, trong đó có 190 trường cao đẳng nghề, 280 trường trung cấp nghề, 997 trung tâm dạy nghề và hơn 1 nghìn cơ sở có dạy nghề, tuyển sinh gần 2 triệu người, hỗ trợ khoảng 550 nghìn người học nghề. Tỷ lệ lao động được đào tạo đạt 51%, trong đó đào tạo nghề đạt 38,5%.

Đảm bảo y tế tối thiểu: 98,4% số xã có trạm y tế hoạt động; 96% số thôn, bản có nhân viên y tế, 80% số xã có bác sĩ, 50% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã; 95% số xã có y sĩ sản nhi hoặc nữ hộ sinh; bảo hiểm y tế đã chi trả chi phí để phụ nữ khi có thai được khám thai, sinh đẻ tại các cơ sở y tế. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em thể nhẹ cân giảm còn khoảng 14,1%; thể thấp còi còn 24,2%; tỷ lệ tử vong bà mẹ giảm xuống 58,3/100.000 trẻ đẻ sống, tử vong ở trẻ em dưới 1 tuổi giảm còn 14,7‰. Gần 70 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, chiếm 76% dân số, trong đó có 11.796.000 người thuộc hộ nghèo và dân tộc thiểu số, 2.992.000 người thuộc hộ cận nghèo.

Bảo đảm nhà ở tối thiểu. Tính đến cuối năm 2015, có 7,6 nghìn hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng tránh bão lụt tại 7 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Chương trình phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp đã xây dựng được 28.550 căn hộ và đang tiếp tục xây dựng 69.300 căn hộ. Chương trình nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị đã xây dựng được 25.850 căn hộ và tiếp tục xây dựng khoảng 61.290 căn hộ. Chương trình nhà ở cho học sinh, sinh viên được đầu tư bằng trái phiếu chính phủ, đã bố trí nhà ở cho 200 nghìn sinh viên, đáp ứng được  80% nhu cầu về nhà ở.

Bảo đảm nước sạch: đã xây dựng được hơn một nghìn công trình nước sạch tập trung, tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh tăng đạt 86%, tỷ lệ dân số được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế đạt 45%.

Bảo đảm thông tin: Tính đến năm 2015, tỷ lệ xã có điểm truy cập điện thoại công cộng đạt 97%; tỷ lệ xã có đường truyền cáp quang đạt 96%; mạng lưới bưu chính được duy trì với khoảng 16 nghìn điểm giao dịch, trong đó có 7.640 điểm bưu điện văn hóa xã; cấp miễn phí 24 loại ấn phẩm báo, tạp chí cho đồng bào vùng dân tộc thiếu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn với hơn 40 triệu ấn phẩm…

Tuy vậy, hệ thống an sinh xã hội Việt Nam đang gặp phải nhiều thách thức lớn trong đó có thách thức từ chính hệ thống chính sách an sinh xã hội còn cồng kềnh, chồng chéo với hơn 230 văn bản do Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan khác nhau ban hành và tổ chức thực hiện(13). Các thách thức khác bắt nguồn từ các khó khăn, trở ngại đối với mục tiêu, chất lượng, hiệu quả, mức độ bao phủ, trợ giúp xã hội và sự tham gia của các bên liên quan trong ban hành và thực hiện chính sách an sinh xã hội. Trước tình hình này, nhiều phương hướng giải pháp hoàn thiện chính sách được đưa ra trong đó nổi bật là đẩy mạnh cải cách kinh tế để tăng trưởng GDP và tăng mức chi ngân sách nhà nước về an sinh xã hội lên mức trung bình khu vực Đông Nam Á (7% GDP).

Kết quả thực hiện từ góc độ thu nhập của hộ gia đình 

Hệ thống an sinh xã hội được xây dựng nhằm vào các mục tiêu như giúp người dân giảm nghèo, giảm bất bình đẳng, phòng chống các rủi ro và góp phần thúc đẩy phát triển(14). Do vậy, để có thể đánh giá đầy đủ, khách quan và chính xác chất lượng và hiệu quả của hệ thống an sinh xã hội cần nghiên cứu từ góc độ người dân về an sinh xã hội. Câu hỏi đặt ra ở đây là người dân, hộ gia đình thu nhập như thế nào từ an sinh xã hội? Câu hỏi lớn hơn là: An sinh xã hội lũy tiến như thế nào? Câu trả lời mang tính chất giả thuyết và nghịch lý là người dân có thu nhập từ an sinh xã hội với mức giá trị tuyệt đối và tương đối không lớn và không lũy tiến. Dựa vào kết quả điều tra mức sống hộ gia đình Việt Nam năm 2004, các nhà nghiên cứu xác định được các thành phần và cấu trúc thu nhập từ an sinh xã hội(15) của các hộ gia đình. Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người là 6,1 triệu đồng /năm, trong đó thu nhập từ an sinh xã hội chiếm 4% tương đương với 264 nghìn đồng. Thu nhập từ an sinh xã hội có cấu trúc gồm sáu thành phần (trợ cấp giáo dục, trợ cấp y tế, bảo hiểm xã hội cho người đang làm việc, phúc lợi xã hội và bảo hiểm xã hội – hưu trí). Trong đó, bảo hiểm xã hội – hưu trí chiếm tỷ trọng lớn nhất tới 61,8%,  trợ cấp y tế là 22,6%, phúc lợi xã hội là 9,2%, bảo hiểm xã hội cho người đang làm việc chiếm tỷ trọng nhỏ nhất với 1,6%. Điều này cho thấy, chính sách an sinh xã hội đã bỏ rơi nhóm tuổi lao động đang làm việc và đặt trọng tâm quá nặng vào bảo hiểm hưu trí. Theo cấu trúc 3 thành phần của an sinh xã hội vẫn thấy rõ các hộ gia đình Việt Nam chủ yếu thu nhập từ bảo hiểm xã hội (hưu trí và bảo hiểm hiểm xã hội cho người đang làm việc) với tỷ trọng 63,4%, trợ cấp xã hội y tế, giáo dục 27,4% và phúc lợi xã hội chỉ chiếm 9,2%.

Các hộ gia đình ở các vùng miền có mức thu nhập từ an sinh xã hội khác nhau. Đặc biệt mức thu nhập từ bảo hiểm xã hội – hưu trí giảm dần từ vùng miền núi phía Bắc vào vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Cả mức thu nhập và tỷ trọng thu nhập từ an sinh xã hội của các hộ gia đình ở thành thị đều cao hơn so với các hộ gia đình ở nông thôn: cụ thể thu nhập từ an sinh xã hội bình quân đầu người /năm ở thành thị là 10,2 triệu đồng, gấp đôi so với 4,7 triệu đồng ở nông thôn; tỷ trọng thu nhập an sinh xã hội ở thành thị là 166%, nhiều gấp đôi so với tỷ trọng 78% ở nông thôn.

Mức thu nhập bình quân đầu người của dân tộc Kinh và Hoa đạt 6,6 triệu đồng/năm nhiều gấp đôi so với mức thu nhập 3,1 triệu đồng/năm của người dân tộc thiểu số. Trong khi đó tỷ trọng thu nhập từ an sinh xã hội trong tổng thu nhập của hai nhóm dân tộc này lại gần như tương đương nhau: 4,3% của người Kinh và người Hoa so với 4,2% của người dân tộc thiểu số.

So sánh các mức thu nhập bình quân đầu người giữa các hộ gia đình giàu và nghèo thấy rõ hơn chiều hướng lũy tiến của an sinh xã hội ở Việt Nam. Thu nhập bình quân đầu người của nhóm  hộ gia đình 20% giàu nhất đạt 15,8 triệu đồng/năm, gấp 8 lần so với mức thu nhập 2 triệu đồng/người/năm của nhóm hộ gia đình 20% nghèo nhất. Trong khi đó, tỷ trọng thu nhập từ an sinh xã hội bình quân đầu người của hộ gia đình nghèo chỉ chiếm 3,4% tổng thu nhập, ít hơn so với tỷ trọng 4,2% thu nhập từ an sinh xã hội của hộ gia đình giàu.

“Nghịch lý an sinh xã hội” thể hiện đặc biệt rõ qua việc so sánh tỷ trọng trợ cấp an sinh xã hội mà các hộ gia đình giàu và nghèo nhận được (2004). Nhóm nghèo nhất nhận được 6,6% tổng chỉ tiêu trợ cấp an sinh xã hội tương đương 70.000 đồng/năm/người, trong khi đó nhóm giàu nhất nhận được 39% tương đương với 660.000 đồng/người /năm  tiền chi tiêu trợ cấp an sinh xã hội(16).

Tóm lại

Lý luận và thực tiễn cho thấy mô hình hệ thống chính sách an sinh xã hội của Việt Nam rất phong phú, đa dạng với nhiều hợp phần, nội dung đan xen, chồng chéo, rất phức tạp. Trên thực tế, an sinh xã hội được thực hiện theo cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp với mức đầu tư của xã hội tăng dần cùng với tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, từ góc độ thu nhập của người dân, giá trị tuyệt đối và tỷ trọng của thu nhập từ an sinh xã hội vẫn còn chiếm tỷ trọng nhỏ với mức giá trị tuyệt đối còn thấp và có biểu hiện của sự phân bố thiếu cân đối. Điều này đặt ra yêu cầu xây dựng luật an sinh xã hội và xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội góp phần phát triển bao trùm, bền vững.

______________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2017 

(1), (9), (10) UNDP: Tăng trưởng vì mọi người: Báo cáo phát triển con người Việt Nam 2015 về tăng trưởng bao trùm, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2016, tr.127-128, 119, 120-124.

(2) Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (2013) trích theo Trung tâm Nghiên cứu phát triển: Rà soát chính sách gắn kết xã hội tại Việt Nam, OECD,
Development Center, 2014, tr.139.

(3), (14), (15), (16) Martin Evans và các cộng sự: An sinh xã hội ở Việt Nam lũy tiến đến mức nào? UNDP, Hà Nội, 2007, tr.1; Ngân hàng phát triển châu Á và các nhà tài trợ, Báo cáo phát triển Việt Nam 2008: Bảo trợ xã hội, Hà Nội, 2007. 

(4), (5), (6) Luật Bảo hiểm xã hội được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 20-11-2014, có hiệu lực từ ngày 1-1-2016.

(7) Nghị quyết số 15-NQ/TW “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020” ngày 1-6-2012.

(8) ILISA – GIZ: Hệ thống phát triển an sinh xã hội ở Việt Nam giai đoạn 2012 – 2020, Hà Nội, 2013, tr.53. UNDP. Tăng trưởng vì mọi người: Báo cáo phát triển con người Việt Nam 2015 về tăng trưởng bao trùm, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2016, tr.113.

 (11)ILISA – GIZ: Hệ thống phát triển an sinh xã hội ở Việt Nam giai đoạn 2012-2020, Hà Nội, 2013.

 (12), (13) Nguyễn Trọng Đàm: “Bảo đảm quyền được an sinh xã hội cho người dân”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 22-7-2016.

 

GS, TS Lê Ngọc Hùng

TS Nguyễn Ngọc Anh

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh