Chi tiết – Viện NCPTKTXH – Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh

Những biến đổi trong quá trình đô thị hóa tăng tốc có tác động đa chiều tới lối sống vùng nông thôn hiện nay. Trong đó, đô thị hóa tạo điều kiện cho các giá trị mới được hình thành, đồng thời nó cũng làm biến đổi tiêu cực những yếu tố trong đời sống của người dân.

3. Sự xâm lấn lối sống đô thị vào nông thôn

Những biến đổi trong quá trình đô thị hóa tăng tốc có tác động đa chiều tới lối sống vùng nông thôn hiện nay. Nhìn chung, tuy vẫn chưa hết tính chất quá độ từ nông thôn sang đô thị, nhưng lối sống đô thị ngày càng đa dạng hóa, biến đổi nhanh hơn, phức tạp hơn theo chiều hướng hiện đại, hội nhập. Có thể nói rằng, bản chất của quá trình đô thị hóa và phát triển kinh tế đô thị hiện nay nằm ở quá trình biến đổi văn hóa – lối sống từ nông thôn sang đô thị với những đặc trưng tiêu biểu như: đa dạng hóa, phức tạp hóa, hiện đại hóa, tốc độ hóa,… trong đó chứa đựng nhiều yếu tố tích cực nhưng cũng không ít những tiêu cực, trái chiều.

* Giá trị mới được hình thành trong lối sống của người dân vùng nông thôn:

Thứ nhất, đô thị hóa vùng nông thôn đã góp phần tích cực giải phóng các tiềm năng kinh tế đô thị, đem lại đời sống vật chất đầy đủ, hiện đại cho người dân, tạo ra những điều kiện vật chất để xây dựng, phát triển đời sống văn hóa tinh thần theo hướng văn minh, tiến bộ.

Thứ hai, quá trình đô thị hóa góp phần đa dạng các quan hệ kinh tế của địa phương đó cả bên trong lẫn bên ngoài tạo ra những tiền đề phát triển tính năng động sáng tạo của người dân đô thị.

Thứ ba, đô thị hóa và kinh tế đô thị phát triển mạnh đã giúp hình thành thói quen suy nghĩ, hành động dựa trên tính hiệu quả thiết thực của công việc, lấy hiệu quả làm tiêu chí hàng đầu đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, lấy hiệu quả kinh tế – xã hội làm thước đo cơ bản. Kinh tế vùng đô thị phát triển luôn đòi hỏi con người phải năng động, linh hoạt, sáng tạo, nhạy bén và thích nghi trong mọi tình huống. Từ đó hình thành nếp suy nghĩ và những phẩm chất mới cho con người đô thị, góp phần xây dựng lối sống, tính cách công nghiệp có kỷ luật trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đô thị hóa với quá trình hội nhập và phát triển kinh tế đô thị đã tạo điều kiện hình thành trong con người tính chủ động sáng tạo, độc lập trong suy nghĩ và hành động. Đồng thời, quá trình này cũng hình thành một số giá trị mới như: tinh thần làm việc độc lập, tự chủ, khả năng quyết đoán, dám làm dám chịu trách nhiệm trong công việc. Sự tác động mang tính tích cực này nhằm loại trừ thói dựa dẫm, ỷ lại vốn hình thành trong thời kỳ kinh tế bao cấp. Nó cũng khắc phục quan niệm giản đơn và ấu trĩ trước đây về chủ nghĩa xã hội khi hòa tan cá nhân vào tập thể.

* Những biến đổi tiêu cực của quá trình đô thị hóa, phát triển kinh tế đô thị đưa tới:

Bên cạnh những tác động tích cực, thuận chiều thì quá trình đô thị hóa, phát triển kinh tế đô thị còn có những tác động tiêu cực đối với quá trình xây dựng lối sống vùng nông thôn.

Đô thị hóa và phát triển kinh tế đô thị đã tạo sự năng động hơn trong các hoạt động phát triển kinh tế của nông thôn, đã làm giảm số lượng hộ nghèo và tăng số người giàu. Tuy nhiên, đây cũng là yếu tố làm gia tăng nhanh hơn khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa các ngành nghề khác nhau, giữa người có thu nhập quá thấp với người có thu nhập quá cao. Sự phân hóa này đã dẫn đến nảy sinh nhiều mâu thuẫn, xung đột trong khu vực nông thôn. Tất cả những điều đó đã tác động và sớm muộn sẽ dẫn đến sự phân hóa trong lối sống, trong tính cách người dân.

Quá trình đô thị hóa với tốc độ nhanh chóng sẽ làm tăng nguy cơ biến dạng các giá trị văn hóa truyền thống. Các hiện tượng tiêu cực chạy theo lợi nhuận, xu hướng thương mại hóa một cách tràn lan trong cung cấp các dịch vụ làm cho đạo đức xã hội xuống cấp, quan hệ đồng tiền đã chi phối nhiều trong mối quan hệ giữa người với người, tính cách ích kỷ, thực dụng,… có nguy cơ ngày càng tăng.

Hiện tượng suy thoái đạo đức, lối sống đang diễn ra ngày càng sâu sắc. Biểu hiện là lối sống thực dụng, sùng bái đồng tiền, cá nhân vị kỷ,… Tình trạng xem thường luân lý và các giá trị tinh thần, giá trị nhân văn, đề cao lợi ích vật chất, khô cạn tinh thần, nghèo nàn về cảm xúc với cuộc sống cộng đồng ngày càng trở thành phổ biến. 

Cùng với đó, do chứa đựng nhiều loại giá trị rất phức tạp, quá trình đô thị hóa hoá nhanh chóng cũng dễ dẫn đến phá vỡ nhiều hình thức và nội dung trong lối sống truyền thống Việt Nam. Nhiều giá trị truyền thống trong các nếp sống phong tục tập quán, lễ nghi của người Việt Nam bị mai một. Chúng ta đang xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, khôi phục những hình thức văn hoá truyền thống đẹp, tuy nhiên quá trình đô thị hóa với sự hội nhập, những biểu hiện của văn hóa ngoại lai trong hành vi và ngôn ngữ giao tiếp, kiểu mẫu thời trang và nếp sinh hoạt có chiều hướng lấn át văn hóa truyền thống. Quan hệ người – người, tình làng nghĩa xóm, lòng bao dung độ lượng dường như mờ nhạt đi rất nhiều trong giao tiếp hàng ngày. Có thế nói nếp sống công nghiệp và hiện đại đã phần nào làm xơ cứng lối sống, tình cảm của người dân vùng nông thôn.

(Hết)