Cha mẹ có thể làm những gì để giúp con vượt qua chứng rối loạn lo âu?

Mỗi đứa trẻ đều có những nỗi sợ hãi khác nhau, chúng có thể sợ căn phòng ngủ tối tăm, sợ năm học mới hay đơn giản là sợ con chó của nhà hàng xóm.

Hầu hết con trẻ sẽ chỉ phàn nàn về những lo lắng này và tiếp tục sống bình thường. Tuy nhiên khoảng 7% trẻ em, thanh thiếu niên từ 3-17 tuổi mắc chứng rối loạn lo âu, theo thống kê từ trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ. Những điều tưởng như nhỏ nhặt vẫn có thể khiến con cái của bạn suy nhược.

Thật vậy, đối với những đứa trẻ mắc chứng lo âu, những lo lắng thường trở nên dữ dội hơn theo thời gian thay vì biến mất một cách tự nhiên.

Tiến sĩ Tamar Chansky, tác giả cuốn sách Giải phóng con bạn khỏi lo âu, giải thích: “Dù bạn có trả lời tất cả những câu hỏi của đứa trẻ lo lắng hay nói với chúng là mọi thứ đều ổn thì con trẻ vẫn không thể tiếp thu những lời trấn an của bạn”.

Trong một số trường hợp nghiêm trọng, trẻ có thể bị lo lắng tới mất ăn, mất ngủ hoặc không thể đi học. Vì thế, sự bất ổn của chúng có thể khiến chúng khác biệt với các bạn bè đồng trang lứa, ở độ tuổi mà sự tương đồng với bạn bè là rất quan trọng.

Cha mẹ có thể làm những gì để giúp con vượt qua chứng rối loạn lo âu? - 1Cha mẹ có thể làm những gì để giúp con vượt qua chứng rối loạn lo âu? - 2Cha mẹ có thể làm những gì để giúp con vượt qua chứng rối loạn lo âu? - 3

Nguyên nhân gây ra chứng lo âu ở trẻ em

Tiến sĩ, nhà tâm lý học Steven Kurtz, giám đốc một trung tâm tư vấn Tâm lý học tại thành phố New York, Mỹ, người chuyên về chứng lo âu ở trẻ em, giải thích: “Hạch hạnh nhân trong đầu mỗi người sẽ hoạt động khi não nhận thức được nguy hiểm và nó kích hoạt phản ứng chiến đấu hoặc bỏ chạy.

Ở những đứa trẻ hay lo lắng, hạch hạnh nhân của chúng được đặt ở mức nhạy hơn nhiều và chúng cũng có phản ứng kịch tính hơn nhiều. Trên thực tế, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng có sự khác biệt trong phản ứng với căng thẳng ở trẻ sơ sinh khi mới 6 tuần tuổi.

Bên cạnh đó, những đứa trẻ có cha mẹ mắc chứng lo âu sẽ có nguy cơ mắc chứng rối loạn lo âu cao gấp bảy lần so với những đứa trẻ khác”.

Tiến sĩ Golda Ginsburg, giáo sư tâm thần học tại Đại học Connecticut, Mỹ, giải thích mối liên hệ này là cả sinh học và hành vi. “Bên cạnh nguy cơ di truyền thì khi cha mẹ bảo vệ con cái quá mức hoặc là “hình mẫu” về nỗi lo âu, họ sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh lo lắng của con mình”.

Những tình huống khó khăn trong cuộc sống như người thân qua đời, chuyển nhà, hoặc cha mẹ thất nghiệp cũng có thể đẩy sự lo lắng có thể kiểm soát được thành một chứng rối loạn toàn phát.

Tiến sĩ Chansky giải thích: “Một sự kiện xảy ra đôi khi có thể khiến một đứa trẻ cảm thấy như mọi thứ trong cuộc sống đang thay đổi nghiêm trọng và không có gì có thể đoán trước được”.

Dấu hiệu trẻ mới biết đi mắc chứng lo âu

Mặc dù điều này có vẻ khó hiểu nhưng sự thực thì trẻ mới biết đi và trẻ ở độ tuổi mẫu giáo đều có thể mắc chứng lo âu. Trên thực tế, đó là một cảm xúc thông thường.

Theo báo cáo nghiên cứu năm 2019, 10% trẻ em từ 2-5 tuổi có dấu hiệu rối loạn lo âu. Tuy nhiên, sự lo lắng biểu hiện ở trẻ nhỏ khác với ở các bạn ở lứa tuổi lớn hơn.

Theo trang tin về sức khỏe tâm thần Psych Central, dưới đây là những dấu hiệu về chứng rối loạn lo âu ở trẻ mới biết đi và trẻ mẫu giáo:

– Giận dữ hoặc hung hăng.

– Thường xuyên khóc.

– Căng cơ.

– Khó đi vào giấc ngủ.  

– Xuất hiện những cơn đau bụng và đau đầu mà không rõ nguyên nhân.

– Mất kiểm soát về hành vi.

– Thường xuyên nổi cơn thịnh nộ.

– Gặp ác mộng.

– Có những hành vi lặp đi lặp lại.

– Xa lánh xã hội.

Cha mẹ có thể làm những gì để giúp con vượt qua chứng rối loạn lo âu? - 4

Những đứa trẻ có cha mẹ mắc chứng lo âu sẽ có nguy cơ mắc chứng rối loạn lo âu cao gấp bảy lần so với những đứa trẻ khác”.

Tiến sĩ, nhà tâm lý học Steven Kurtz

Giám đốc trung tâm tư vấn tâm lý tại New York, Mỹ.

Những dấu hiệu lo âu ở trẻ lớn hơn là gì?

Ngay cả những đứa trẻ trông rất vui tươi cũng có xu hướng lo lắng nhiều hơn khi chúng lên 7 hoặc 8 tuổi, khi chúng hiểu biết nhiều hơn về thế giới xung quanh và nhận ra là có biết bao nhiêu điều không nằm trong tầm kiểm soát của chúng.

Tiến sĩ Tâm lý học Jenn Berman, tác giả của cuốn Hướng dẫn từ A đến Z để nuôi dạy những đứa trẻ hạnh phúc, tự tin, nói: “Ở tuổi này, có một sự thay đổi trong suy nghĩ của con trẻ. Chúng chuyển từ những lo lắng về quái vật dưới gầm giường sang những lo lắng trong cuộc sống thực, ví như thảm họa thiên nhiên hay đội bóng của mình thất bại…”.

Sự khác biệt giữa lo lắng bình thường và rối loạn lo âu là ở mức độ nghiêm trọng. Trẻ em ở độ tuổi tiểu học có thể không nhận ra những lo lắng của chúng là viển vông hoặc phóng đại và chúng có thể chỉ thể hiện mọi thứ qua hành vi.

Ví dụ, nếu con trẻ lo lắng rằng điều gì đó có thể xảy ra với cha mẹ mình, chúng có thể gặp khó khăn khi phải xa bố mẹ hoặc đi ngủ. Nếu không thể ngừng lo lắng về việc bị ốm, con trẻ có thể tìm kiếm sự trấn an liên tục hoặc rửa tay một cách ám ảnh.

Nếu một đứa trẻ từ chối tham gia vào các hoạt động mà những đứa trẻ khác thích, nổi cơn thịnh nộ trước mỗi cuộc hẹn với bác sĩ, bị ốm vào tối chủ nhật hoặc dành nhiều thời gian trong phòng y tế của trường thì sự lo lắng nghiêm trọng có thể là thủ phạm.

Các triệu chứng lo lắng khác ở trẻ em bao gồm đau đầu hoặc đau bụng mà không có nguồn gốc, khó ngủ và mất kiểm soát về hành động.

Con trẻ cũng có thể hỏi những câu hỏi về vấn đề gây sợ hãi. Ví dụ, hoàn toàn bình thường khi một đứa trẻ hỏi: “Điều đó có thể xảy ra với chúng ta không?” sau khi xem một bản tin về một vụ cháy nhà. Tuy nhiên sẽ là không bình thường khi chúng vẫn hỏi về chuyện này khi vài tháng đã trôi qua.

Cha mẹ có thể làm những gì để giúp con vượt qua chứng rối loạn lo âu? - 5Cha mẹ có thể làm những gì để giúp con vượt qua chứng rối loạn lo âu? - 6

Những loại rối loạn lo âu như thế nào có thể ảnh hưởng tới con bạn?

Rối loạn lo âu lan tỏa

Đây là một trong những dạng rối loạn lo âu thường gặp. Là khi con trẻ lo lắng quá mức về những việc hàng ngày, cũng như có xu hướng tưởng tượng ra tình huống xấu nhất. 

Ví như con bạn rất quan tâm tới thành tích ở trường. Luôn lo lắng chúng có vượt qua bài kiểm tra không? Có thể đỗ vào một ngôi trường tốt hay không? Những suy nghĩ đó có thể thúc đẩy việc học tập trở nên cực đoan, biến đứa trẻ trở thành bạo chúa của chính mình.

Trẻ bị rối loạn lo âu lan tỏa không ngừng lo lắng về khả năng đáp ứng kỳ vọng của mình. Chúng thường tìm kiếm sự trấn an trong nỗ lực xoa dịu nỗi sợ hãi của mình và chúng có thể trở nên cứng nhắc và cáu kỉnh. Sự căng thẳng của chúng có thể dẫn đến các triệu chứng về thể chất bao gồm mệt mỏi, đau bụng và đau đầu.

Rối loạn lo âu xã hội

Trẻ mắc chứng lo âu xã hội sợ gặp gỡ hoặc nói chuyện với mọi người. Rất nhiều trẻ em đôi khi nhút nhát hoặc thiếu tự nhiên trước người khác nhưng khi một đứa trẻ lo lắng quá mức về việc làm điều gì đó xấu hổ hoặc bị đánh giá tiêu cực, chúng có thể mắc chứng rối loạn này.

Rối loạn lo âu xã hội có thể khiến trẻ trốn tránh trường học hoặc các hoạt động xã hội khác và khóc hoặc nổi cơn thịnh nộ khi bị áp lực phải tham dự.

Một số trẻ mắc chứng lo âu xã hội có thể sợ phát biểu trong lớp hoặc sợ gọi món trong nhà hàng. Những đứa trẻ khác có thể lo lắng khi tới nơi công cộng, ví như sợ đến trường, sợ ăn ở nơi công cộng và sử dụng nhà vệ sinh công cộng.

Chứng im lặng có chọn lọc

Một đứa trẻ mắc chứng im lặng có chọn lọc sẽ nói chuyện khá dễ dàng với gia đình và bạn bè thân thiết nhưng lại lo lắng trước mặt người khác đến nỗi chúng không thể nói được.

Cha mẹ có thể làm những gì để giúp con vượt qua chứng rối loạn lo âu? - 7

Bạn bè, giáo viên và một số người đôi khi nghĩ sự im lặng của đứa trẻ là cố ý nhưng thực ra đứa trẻ đó bị tê liệt bởi cảm giác ngượng ngùng.

Chứng im lặng có chọn lọc có thể khiến trẻ đau khổ nghiêm trọng vì chúng không thể giao tiếp ngay cả khi chúng đang bị đau hoặc cần đi vệ sinh. Nó cũng có thể cản trở trẻ em đến trường học và tham gia các hoạt động khác.

Một số đứa trẻ dường như bị “hóa đá” khi chúng được yêu cầu phát biểu. Một số đứa trẻ sẽ sử dụng cử chỉ, nét mặt và gật đầu để giao tiếp mà không cần nói chuyện. Ngay cả khi ở nhà, trẻ mắc chứng im lặng có chọn lọc cũng có thể im lặng khi có người lạ tới nhà chơi.

Hội chứng lo lắng vì xa cách

Nếu việc phải xa cách cha mẹ hoặc người chăm sóc gây ra tình trạng đau khổ tột độ, con bạn có thể mắc chứng rối loạn lo lắng vì xa cách. Cảm giác sợ chia xa sẽ trở thành một rối loạn nếu nỗi sợ hãi và lo lắng cản trở hành vi phù hợp với lứa tuổi.

Một đứa trẻ mắc hội chứng lo lắng vì xa cách có thể gặp khó khăn tột độ khi nói lời tạm biệt với cha mẹ, ở một mình trên một tầng của ngôi nhà hoặc đi ngủ trong phòng tối, vì chúng sợ rằng điều gì đó sẽ xảy ra với chúng hoặc người thân của chúng.

Những đứa trẻ như vậy cũng có thể tránh các cuộc vui chơi và tiệc sinh nhật. Lo lắng về sự chia ly cũng có thể gây ra triệu chứng đau bụng, đau đầu và chóng mặt.

Cha mẹ có thể làm những gì để giúp con vượt qua chứng rối loạn lo âu? - 8

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế là một chứng bệnh tâm lý và phổ biến dưới nhiều dạng khác nhau. Người bệnh mắc chứng bệnh này thường có những hành vi, suy nghĩ lặp đi lặp lại một cách vô nghĩa để giảm bớt căng thẳng hay lo âu.

Trẻ em mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế bị choáng ngợp bởi những suy nghĩ không mong muốn và nỗi sợ hãi (ám ảnh), chúng sẽ tự xoa dịu bản thân bằng những hành động lặp đi lặp lại (ép buộc).

Có rất nhiều dấu hiệu để nhận biết tình trạng này, tuy nhiên, ranh giới giữa bị bệnh và không bị bệnh thường rất mong manh. Trẻ em mắc chứng này có thể rửa tay rất kỹ, liên tục khóa và mở lại cửa, dọn nhà theo nguyên tắc, ám ảnh về những con số, dằn vặt về các mối quan hệ, liên tục đặt câu hỏi và tìm kiếm sự trấn an, kỳ vọng vào sự bảo đảm.

Rối loạn ám ảnh sợ chuyên biệt

Rối loạn ám ảnh sợ chuyên biệt là tình trạng sợ hãi quá độ, vô lý và kéo dài về các đối tượng và tình huống không thật sự nguy hiểm. Trong đó phổ biến nhất là sợ độ cao, không gian kín, sợ đi máy bay, sợ côn trùng…

Trẻ bị rối loạn ám ảnh sợ chuyên biệt có thể khóc hoặc nổi cơn thịnh nộ để tránh thứ khiến chúng sợ hãi, hoặc trải qua các triệu chứng về thể chất như run rẩy, chóng mặt và đổ mồ hôi.

Để giảm sự sợ hãi và hoảng loạn, bệnh nhân có xu hướng né tránh với những đối tượng và tình huống gây ám ảnh. Điều này gây ra nhiều phiền toái khi học tập và sinh hoạt.

Làm thế nào bạn có thể giúp con của mình?

Lo âu là một trong những rối loạn tâm lý có thể điều trị được ở trẻ em. Các lựa chọn điều trị phổ biến nhất là liệu pháp hành vi nhận thức và dùng thuốc.

Phân loại rối loạn lo âu:

Rối loạn lo âu lan tỏa

Rối loạn lo âu xã hội

Chứng im lặng có chọn lọc

Hội chứng lo lắng vì xa cách

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Rối loạn ám ảnh sợ chuyên biệt

Liệu pháp hành vi nhận thức

Đối với nhiều trẻ, đặc biệt là những trẻ đang trong giai đoạn đầu của rối loạn lo âu, liệu pháp hành vi nhận thức có thể cải thiện các triệu chứng trong vòng vài tuần hoặc vài tháng.

Mặc dù liệu pháp này sẽ không loại bỏ hoàn toàn sự lo lắng nhưng nó dạy trẻ em nhận biết những gì chúng đang cảm thấy và kiểm soát những phản ứng đó.

Tần suất và thời gian con bạn trị liệu hành vi nhận thức tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng chứng rối loạn của trẻ.

Thuốc trị lo âu

Liệu pháp điều trị bằng thuốc có thể được khuyến nghị khi một đứa trẻ không tiến bộ với liệu pháp trị liệu hành vi nhận thức hoặc nếu sự lo lắng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc ăn và ngủ của trẻ.

Phải dùng thuốc khiến nhiều bậc cha mẹ khó chịu nhưng các bác sĩ khuyến khích phụ huynh nhìn vấn đề một cách rộng hơn.

Anthony Charuvastra, trợ lý giáo sư về tâm thần học trẻ em và vị thành niên tại trung tâm y tế học thuật NYU Langone Health, Mỹ, cho biết: “Nếu các triệu chứng của một đứa trẻ đã lấn át khả năng đối phó của chúng và khả năng giúp đỡ con của cha mẹ chúng thì tốt nhất là nên xem xét những lựa chọn khác. Trên thực tế, một số loại thuốc kê theo đơn có thể là một phần thiết yếu trong quá trình điều trị của trẻ”.

Điều trị chứng lo âu tại nhà

Nếu con bạn có vẻ lo lắng nhưng điều đó không quá ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của chúng, bạn có thể thử giúp đỡ con ngay ở nhà trước khi nhờ cậy tới những sự giúp đỡ bên ngoài. Ví như, giúp con bạn đối mặt với nỗi sợ hãi của chúng.

Cha mẹ có thể làm những gì để giúp con vượt qua chứng rối loạn lo âu? - 9

Tất cả các bậc cha mẹ, theo bản năng, đều muốn bảo vệ và an ủi con cái của họ. Ví dụ, nếu con bạn la hét cuồng loạn mỗi khi có con chó đi ngang qua, bạn có thể cố gắng giữ chúng cách xa con chó. Tuy nhiên làm điều đó chỉ có thể giúp mọi thứ dễ dàng hơn trong thời gian ngắn nhưng nó vẫn không làm thuyên giảm nỗi sợ hãi của con.

Tiến sĩ Ginsburg nói: “Thay vào đó, con bạn cần đối mặt với nỗi sợ hãi và rèn luyện các kỹ năng của mình để quản lý vấn đề bản thân.

Bạn có thể giúp con thực hiện những bước nhỏ, chẳng hạn như quan sát chó từ xa và sau đó vuốt ve chú chó nhỏ có dây xích. Khi con bạn làm được những việc đó, hãy cho con một phần thưởng nhỏ”.

Tiến sĩ Chansky cũng khuyên bố mẹ hãy tìm hiểu chính xác điều gì gây ra lo lắng cho con trước khi trấn an con bạn trong những tình huống lo lắng.

Ví như khi thấy con lo lắng về việc bắt đầu đi học ở một ngôi trường mới, bố mẹ có thể sẽ nói: “Con đừng lo. Không có bạn nào xấu tính ở trường đâu” trong khi thực tế là con đang lo lắng về việc không biết đường tới trường.

Vậy là vô tình bố mẹ đã cho con thêm một lý do mới để lo lắng. Để tìm ra mối quan tâm cụ thể của con, hãy hỏi: “Con nghĩ điều gì sẽ xảy ra?”. Sau đó, hãy nghĩ về một số điều mà bạn có thể làm cùng con để xoa dịu nỗi sợ hãi của con mình.

Cha mẹ có thể làm những gì để giúp con vượt qua chứng rối loạn lo âu? - 10Cha mẹ có thể làm những gì để giúp con vượt qua chứng rối loạn lo âu? - 11Cha mẹ có thể làm những gì để giúp con vượt qua chứng rối loạn lo âu? - 12

Để giúp con thư giãn, bố mẹ hãy thiết lập một thói quen giúp con tĩnh tâm trước khi vào giấc ngủ. Thay vì cho phép con xem TV hoặc chơi điện thoại, hãy khuyến khích con đọc một cuốn sách vui vẻ, nhẹ nhàng hoặc cùng con thực hiện các bài tập thư giãn.

Dạy con cách tự xoa dịu cũng là một việc làm cần thiết. Bố mẹ có thể nói với con về các kỹ thuật tự xoa dịu bản thân mà chúng có thể thực hành bất cứ khi nào, chẳng hạn như hít thở sâu, đếm ngược hoặc hình dung những gì chúng muốn xảy ra.

Jeremy Schneider, một nhà trị liệu gia đình ở thành phố New York, Mỹ cho biết: “Tôi nói với bọn trẻ rằng, nỗi lo lắng trong đầu chúng chỉ là một kênh trên đài phát thanh trong não chúng nên chúng có thể thay đổi kênh đó bất cứ khi nào chúng muốn.

Nếu con trẻ lo lắng về việc không được vào đội bóng, bố mẹ có thể chuyển mối quan tâm của con sang hướng khác. Ví dụ như nói với con kế hoạch về kỳ nghỉ hoặc nghĩ về những người yêu mến chúng”.

Bên cạnh việc lo lắng cho con cái, bố mẹ cũng cần đánh giá tình trạng sức khỏe tinh thần của bản thân mình bởi lối sống luôn lo âu thái quá của chính bạn có thể ảnh hưởng nặng nề đến con của bạn. Ví dụ, bạn la hét khi nhìn thấy một con bọ trong phòng, bạn sẽ vô tình dạy con sợ các con bọ. 

Thu Hằng

22/10/2022