Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo trên facebook

Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo trên facebook

Tình trạng tội phạm lợi dụng các trang mạng xã hội như facebook để lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã và đang diễn ra phức tạp. Đáng lo ngại, các đối tượng thường xuyên có những thủ đoạn mới và tinh vi để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản khiến không ít người dân mất cảnh giác và dễ dàng “sập bẫy”.

Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo trên facebook

Người sử dụng mạng xã hội cần đề cao cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo trên facebook.

Là một người thường xuyên sử dụng facebook, anh Nguyễn Văn Hải (TP Thanh Hóa), chia sẻ: Tôi thường nhận được lời mời kết bạn từ facebook của người dùng đã có trong danh sách kết bạn. Một lần, do mất cảnh giác nên tôi đã bấm xác nhận lời mời kết bạn của một người quen, ngay lập tức, phía bên kia đã nhắn tin nhờ tôi kích vào một đường link để bình chọn ảnh. Lúc này, tôi mới tá hỏa ra rằng facebook của người bạn kia đã bị các đối tượng ăn cắp hình ảnh, chiếm đoạt tài khoản và mạo nhận nhằm thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Chị Lê Thị Vạn, thị trấn Mường Lát (Mường Lát), chia sẻ: Một lần, có một tài khoản facebook với nick name nước ngoài đề nghị kết bạn, vô tình tôi đã đồng ý kết bạn. Ngay sau đó, tôi nhận được “cơn mưa” các đường link đề nghị liên kết thông qua Messenger, một số thì đăng trên dòng thời gian tài khoản facebook của tôi. Do thiếu hiểu biết, tôi đã vô tình nhấn vào một trong những liên kết được đề nghị, từ đó kẻ xấu đã đánh cắp thông tin cá nhân, hack tài khoản facebook của tôi để lừa đảo bạn bè dưới các hình thức như yêu cầu chuyển tiền hoặc nạp thẻ.

Trước đó, cuối tháng 3-2022, lợi dụng mạng xã hội, 2 đối tượng thường trú tại địa bàn huyện Hà Trung đã giả mạo tài khoản facebook của những người thân, bạn bè của bị hại để hỏi vay tiền, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngay sau khi nhận được tin báo của bị hại, Công an xã Hoạt Giang (Hà Trung) đã tập trung xác minh, điều tra, làm rõ vụ việc. Qua đó, đã xác định các đối tượng là Ngô Thị Khánh Ly (sinh năm 2000) ở xã Hoạt Giang và Lê Văn Quốc (sinh năm 1999) ở xã Hà Tân chính là thủ phạm của những tài khoản facebook giả mạo đang thực hiện hành vi lừa đảo. Tại cơ quan công an, 2 đối tượng khai nhận do chơi bời nên vướng vào nợ nần, bởi vậy 2 đối tượng này đã nghĩ ra chiêu trò lên mạng xã hội, giả mạo tài khoản facebook của những người thân, bạn bè của bị hại để hỏi vay tiền. Từ đầu tháng 2-2022 đến khi bị bắt, Ngô Thị Khánh Ly và Lê Văn Quốc đã lừa đảo, chiếm đoạt số tiền gần 10 triệu đồng.

Hiện nay, không ít người có xu hướng chia sẻ toàn bộ cuộc sống của mình với bạn bè bằng cách thường xuyên đăng những bức ảnh, bài viết trên facebook. Điều này vô tình giúp những đối tượng xấu đánh cắp danh tính của bạn để sử dụng cho những lợi ích riêng. Hơn nữa, nếu những kẻ xấu nhìn thấy những tài sản như văn phòng, nhà riêng, các chuyến mua sắm, kỳ nghỉ… bạn có thể sẽ gặp rủi ro. Thêm vào đó, việc người dùng facebook thích cập nhật liên tục các vị trí của mình trên facebook đã vô tình cung cấp cho bọn tội phạm lịch trình và dễ dẫn đến các vụ trộm cướp tài sản. Theo đó, nếu mỗi người dùng chỉ giữ những người đáng tin cậy trong danh sách bạn bè, sẽ hạn chế được nguy cơ bị theo dõi, lừa đảo hoặc cướp ngoài đời thực.

Theo cảnh báo của các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa, tình hình tội phạm lừa đảo qua mạng xã hội, nhất là facebook ngày càng gia tăng, phức tạp với nhiều thủ đoạn mới, tinh vi, như: Sử dụng tài khoản facebook hỏi vay tiền dù bạn không quen biết; lừa tuyển cộng tác viên bán hàng trên các sàn thương mại điện tử; mời tham gia một số ứng dụng, trò chơi kiếm tiền online, sau vài lần nhận tiền thưởng nhỏ sẽ là những giải thưởng, đơn hàng cao hơn cùng yêu cầu nạp thêm tiền, chuyển tiền trước và sẽ bị chiếm đoạt; yêu cầu bạn trả phí để ứng tuyển việc làm; yêu cầu bạn chuyển sang một nơi riêng tư hơn hoặc không an toàn, chẳng hạn như email riêng để tiếp tục trò chuyện thay vì nói trên facebook; yêu cầu bạn gửi tiền hoặc thẻ quà tặng cho họ để nhận phần thưởng; tự nhận là bạn bè hoặc người thân và đang trong tình trạng khẩn cấp; gửi tin nhắn hoặc bài viết có nhiều lỗi chính tả và ngữ pháp; hướng dẫn bạn cách nhận giải thưởng; đánh cắp thông tin tài khoản, số điện thoại, hình ảnh của người dân, sau đó làm giả chứng minh Nhân dân, căn cước công dân để lấy mã OTP, chiếm quyền sử dụng tài khoản và chuyển tiền sang tài khoản của ngân hàng khác để chiếm đoạt… Theo thống kê của Công an tỉnh, trong tháng 7-2022, lực lượng cảnh sát hình sự trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 59 vụ liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, gây thiệt hại hơn 16,3 tỷ đồng; khởi tố 32 vụ với 16 bị can.

Để phòng tránh rủi ro, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân luôn đề cao cảnh giác và nhận biết một số dấu hiệu lừa đảo của các đối tượng. Đồng thời thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội. Không nên chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội; tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số thẻ ngân hàng, mã OTP, không chuyển tiền cho người khác khi chưa xác thực. Đặc biệt, không nên kết bạn với người lạ, người nước ngoài mà trang cá nhân sơ sài, nếu họ có đề nghị tặng quà, nhận bưu phẩm nên từ chối vì chắc chắn “miếng pho-mát miễn phí chỉ có ở trong bẫy chuột”. Theo đó, người dân cần hết sức cảnh giác, khi phát hiện các dấu hiệu, thông tin liên quan đến lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cần kịp thời thông báo cho cơ quan công an gần nhất hoặc gọi điện thoại về đường dây nóng của Công an tỉnh Thanh Hóa, theo số 02373.725.725 để cơ quan công an nắm bắt, xử lý.

Bài và ảnh: Lê Phượng