Cách tính trợ cấp BHXH một lần – Đại lý thuế Việt An

Bảo hiểm xã hội một lần là gì?

Theo quy định tại Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, bảo hiểm xã hội (BHXH) là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.

Do đó, trong một số trường hợp, những người tham gia BHXH khi có yêu cầu sẽ được giải quyết bảo hiểm xã hội 1 lần.

Điều kiện hưởng BHXH một lần

Theo quy định tại khoản 1 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 sửa đổi bởi khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động năm 2019 và khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 93/2015/QH13, người lao động được rút bảo hiểm xã hội 01 lần khi thuộc một trong các trường hợp:

  • Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH;
  • Lao động nữ là cán bộ, công chức xã hoặc hoạt động không chuyên trách ở cấp xã từ đủ 55 tuổi 04 tháng (năm 2021) mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện;
  • Ra nước ngoài để định cư;
  • Đang mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;
  • Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, học viên quân đội, công an,… khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu;
  • Tham gia BHXH bắt buộc sau 01 năm nghỉ việc hoặc tham gia BHXH tự nguyện sau 01 năm không tiếp tục đóng mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH.

 Cách tính BHXH một lần

Theo khoản 2 Điều 8 Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định cách tính bảo hiểm xã hội 1 lần dựa trên số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính bằng:

  • 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014;
  • 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.

Cụ thể, theo Điều 19 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, số tiền bảo hiểm xã hội 1 lần được xác định theo công thức

Mức hưởng
=
(1,5 x Mbqtl x Thời gian đóng BHXH trước năm 2014)
+
(2 x Mbqtl x Thời gian đóng BHXH sau năm 2014)

Trong đó:

  • Thời gian đóng BHXH có tháng lẻ thì từ 01 – 06 tháng được tính là ½ năm, từ 07 – 11 tháng được tính là 01 năm.
  • Trường hợp tính đến trước 01/01/2014 nếu thời gian đóng BHXH có tháng lẻ thì những tháng lẻ đó được chuyển sang giai đoạn đóng BHXH từ 01/01/2014 trở đi.
  • Mbqtl là mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Mbqtl
=
(Số tháng đóng BHXH x Tiền lương tháng đóng BHXH x Mức điều chỉnh hàng năm)
:
Tổng số tháng đóng BHXH

Theo Điều 2 Thông tư 23/2020/TT-BLĐTBXH, mức điều chỉnh tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động áp dụng từ 01/01/2021 đến hết 31/12/2021 như sau:

Năm
Trước 1995
1995
1996
1997
1998
1999
2000
2001
2002
2003
2004
2005
2006
2007

Mức điều chỉnh
5,01
4,25
4,02
3,89
3,61
3,46
3,52
3,53
3,40
3,29
3,06
2,82
2,62
2,42

Năm
2008
2009
2010
2011
2012
2013
2014
2015
2016
2017
2018
2019
2020
2021

Mức điều chỉnh
1,97
1,84
1,69
1,42
1,30
1,22
1,18
1,17
1,14
1,10
1,06
1,03
1,00
1,00

Lưu ý:

Mức hưởng BHXH một lần của người lao động có thời gian đóng BHXH chưa đủ 01 năm được tính bằng 22% các mức tiền lương tháng đã đóng BHXH. Mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Ví dụ:

Ông A có quá trình tham gia BHXH như sau:

  • Từ 01/2019 đến tháng 12/2019 mức đóng là 5.000.000 đồng
  • Từ 01/2020 đến tháng 08/2021 mức đóng là 6.000.000 đồng

Biết rằng, Ông A đủ điều kiện hưởng chế độ BHXH 1 lần.

– Tổng thời gian tham gia BHXH là: 2 năm 8 tháng

– Mức bình quân tiền lương đóng BHXH của các giai đoạn như sau:

+ Tiền lương đóng BHXH của các giai đoạn tham gia BHXH như sau:

  • Giai đoạn đóng từ T1/2019 đến T12/2019: Thời gian 12 tháng – Mức tiền lương đóng BHXH: 5.000.000 đồng

5.000.000 x 1.03 x 12 = 61.800.000 đồng

  • Giai đoạn đóng từ T1/2020 đến T12/2020: Thời gian 12 tháng – Mức tiền lương đóng BHXH: 6.000.000 đồng

6.000.000 x 1 x 12 = 72.000.000 đồng

  • Giai đoạn đóng từ T1/2021 đến T8/2021: Thời gian 8 tháng – Mức tiền lương đóng BHXH: 6.000.000 đồng

6.000.000 x 1 x 8 = 48.000.000 đồng

  • Tổng tiền đóng BHXH = 61.800.000 + 72.000.000 + 48.000.000 = 181.800.000 đồng

+ Mức bình quân tiền lương đóng BHXH = Tổng tiền / tổng số tháng = 5.681.250 đồng

– Mức hưởng BHXH một lần:

  • Mức hưởng BHXH 1 lần đối với thời gian đóng BHXH từ 2014 trở đi:

 

5.681.250 x 3 năm x 2 = 34.087.500 đồng

à Tổng tiền BHXH 1 lần được nhận = 34.087.500 đồng

Lưu ý: BHXH 1 lần đã được tính hệ số trượt giá

Có nên nhận BHXH 1 lần?

Nhiều người lao động chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu nên chọn cách hưởng BHXH một lần. Hoặc một số trường hợp cần trang trải nhiều khoản chi phí cũng lựa chọn cách này. Tuy nhiên, nhận BHXH một lần trong nhiều trường hợp sẽ bị hạn chế trong một số trường hợp sau:

  • Số tiền BHXH nhận được ít hơn so với số tiền đóng BHXH.
  • Không được cộng nối thời gian tham gia BHXH.
  • Có thể không được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.
  • Mất cơ hội có khoản tiền hàng tháng khi về già.
  • Mất đi khoản trợ cấp mai táng và tử tuất khi không may qua đời.

Vì vậy, nếu người lao động chưa đủ năm đóng Bảo hiểm xã hội nhưng đã đến tuổi nghỉ hưu thì có thể đóng tiếp BHXH để đủ số năm hoặc xin ở lại làm việc thêm để đủ số năm tham gia BHXH theo quy định. Người lao động nên cân nhắc thật kỹ trước khi đưa ra lựa chọn có nên nhận BHXH 1 lần hay không?

Quý doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng thêm các dịch vụ của Đại lý thuế Việt An như thủ tục kê khai thuế, đăng ký thuế, soạn thảo hợp đồng lao động và các dịch vụ liên quan đến BHXH xin vui lòng liên hệ với chúng tôi!