Các vấn đề kinh tế vĩ mô – CSCI INDOCHINA

Sự phê phán của tôi về hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu nhằm vào hai tiêu đề chính. Một tiêu đề quan tâm đến những khuyết tật của cơ chế thị trường. Ở đây tôi chủ yếu nói về những sự bất ổn dựng lên trong các thị trường tài chính. Tiêu đề khác quan tâm đến những thiếu sót của cái mà tôi phải gọi – do không có một cái tên hay hơn – là khu vực phi thị trường. Dùng tên này, tôi chủ yếu muốn nói sự thất bại của chính trị và sự xói mòn của các giá trị đạo đức ở cả cấp độ quốc gia lẫn quốc tế.

Tôi muốn nói ngay từ đầu rằng tôi coi những thất bại của chính trị là bao trùm và lan tràn rộng hơn, và gây kiệt quệ hơn là những thất bại của cơ chế thị trường. Việc ra quyết định cá nhân, như nó được thể hiện qua cơ chế thị trường. Việc ra quyết định cá nhân, như nó được thể hiện qua cơ chế thị trường, có hiệu quả hơn nhiều so với việc ra quyết định tập thể, như nó được thực hiện trong chính trị. Điều này đặc biệt đúng trên vũ đài quốc tế. Sự thất vọng với chính trị đã nuôi dưỡng chủ nghĩa nguyên giáo thị trường, và đến lượt nó, sự nổi lên của chủ nghĩa nguyên giáo thị trường đã góp phần vào sự thất bại của chính trị. Một trong những khuyết tật lớn nhất của hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu là nó đã cho phép cơ chế thị trường và động cơ lợi nhuận thâm nhập vào những lĩnh vực hoạt động mà chúng không sở thuộc một cách thích hợp.

Phần đầu tiên trong sự phê phán của tôi đề cập đến sự bất ổn cố hữu của hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu. Những người theo thuyết nguyên giáo thị trường có một quan niệm về cơ bản là sai sót về cách các lực lượng thị trường hoạt động. Họ tin rằng các lực lượng thị trường có xu hướng vươn tới sự cân bằng. Lý thuyết cân bằng trong kinh tế học dựa trên cơ sở một sự tương đồng giả tạo với vật lý học. Các đối tượng vật lý chuyển động theo cách chúng chuyển động, bất kể ai đó nghĩ gì. Nhưng các lực lượng thị trường nỗ lực tiên đoán một tương lai vốn phụ thuộc vào những quyết định mà người ta đưa ra trong hiện tại. Thay vì chỉ thụ động phản ánh hiện thực, các thị trường tài chính đang tích cực tạo ra cái hiện thực mà đến lượt chúng, cúng lại phản ánh. Có một mối liên hệ hai chiều giữa các quyết định hiện tại và các sự kiện tương lai mà tôi gọi là “tính phản xạ”.

Cũng cơ chế liên hệ ngược đó xen vào tất cả các hoạt động khác vốn liên quan tới những người tham dự có ý thức. Con người đáp lại các lực lượng chính trị, kinh tế và xã hội trong môi trường của họ, nhưng khác với các hạt vô tri vô giác của các khoa học vật lý, con người có tri giác và thái độ – những thứ cũng đồng thời biến đổi các lực lượng đang tác động đến chúng. Sự tương tác phản xạ hai chiều này giữa điều mà những người tham gia vẫn chờ đợi và điều thực sự xảy ra là có tầm quan trọng trung tâm để hiểu tất cả các hiện tượng kinh tế, chính trị và xã hội. Khái niệm “tính phản xạ” này nằm ở trung tâm của những lập luận trình bày ở đây.

Tính phản xạ không hiện diện ở khoa học tự nhiên, nơi mối liên hệ những giải thích của các nhà khoa học và những hiện tượng mà họ đang giải thích chỉ đi theo một chiều. Nếu một tuyên bố phù hợp với các sự kiện, nó là đúng; nếu không, nó là sai. Các nhà khoa học có thể xác lập tri thức theo cách này. Nhưng những người tham dự thị trường không có sự xa xỉ là đặt các quyết định của họ trên cơ sở tri thức. Họ phải phán đoán về tương lai, và sự thiên hướng mà họ mang theo sẽ ảnh hưởng đến những kết quả. Đến lượt mình, các thiên hướng này tăng cường hay làm suy yếu các thiên hướng khởi đầu, nơi những người tham dự thị trường xuất phát.

Tôi công nhận khái niệm tính phản xạ là thích hợp với các thị trường tài chính (và với nhiều hiện tượng kinh tế và xã hội khác nữa) hơn nhiều so với khái niệm cân bằng đang làm cơ sở cho kinh tế học quy ước. Thay vì tri thức, những người tham dự thị trường khởi đầu với một thiên hướng. Hoặc là tính phản xạ sẽ hoạt động để sửa chữa sự thiên hướng, trong trường hợp đó các bạn có một xu hướng tiến tới cân bằng, hoặc là sự thiên hướng có thể bị tăng cường bằng một liên hệ ngược mang tính phản xạ, trong trường hợp đó các thị trường có thể chuyển động rất xa khỏi trạng thái cân bằng mà không bộc lộ xu hướng nào trở lại xuất phát điểm nơi chúng khởi đầu. Các thị trường tài chính mang đặc điểm là có những những sự bùng nổ và đổ vỡ, và thật kỳ quặc là lý thuyết kinh tế vẫn tiếp tục dựa vào khái niệm cân bằng, một khái niệm vốn phủ nhận khả năng của các hiện tượng này ngay cả khi có bằng chứng rành rành. Tiềm năng cho sự mất cân bằng là sẵn có trong hệ thống tài chính: nó không chỉ là kết quả của cú sốc từ bên ngoài. Việc khăng khăng vin vào các cú sốc ngoại sinh với tư cách là một loại phép màu (“deus ex machina”) để lý giải biện bạch cho sự thường xuyên chối bỏ lý thuyết kinh tế trong các hành vi của các thị trường tài chính đã gợi tôi nhớ lại những thủ đoạn ranh ma về các “quyển” trong lòng các “quyển” và các lực thần thánh mà các nhà thiên viên học trước Copernic dùng để lý giải vị trí của các hành tinh, thay vì chấp nhận rằng trái đấy quay xung quanh mặt trời.

Tính phản xạ không phải là khái niệm được chấp nhận rộng rãi, ít nhất trong dòng tư duy chủ đạo, và nó sẽ đòi hỏi nhiều giấy mực để thám sát tất cả mọi hàm ý của nó. Nó sẽ chiếm nhiều chỗ trong cuốn sách. Tôi sẽ dùng khung khái niệm này để rút ra một số kết luận thực tiễn – về các thị trường tài chính: về nền kinh tế thế giới; và về những vấn đề rộng hơn như chính trị quốc tế, sự cố kết xã hội, và sự bất ổn định của hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu với tư cách một chỉnh thể.

Tuyến lập luận chính thứ hai của tôi phức hợp hơn và khó tóm tắt hơn. Tôi tin rằng những thất bại của cơ chế thị trường trở nên không có ý nghĩa so với thất bại của cái mà tôi gọi là khu vực phi thị trường của xã hội. Khi tôi nói về khu vực phi thị trường, tôi ngụ ý những lợi ích tập thể của xã hội, những giá trị xã hội vốn không biểu hiện ở thị trường. Có những người đặt câu hỏi liệu có hay không những lợi ích tập thể như vậy. Họ quả quyết rằng xã hội bao gồm các cá nhân, và lợi ích của họ được biểu hiện tốt nhất bởi các quyết định của họ với tư cách những người tham gia thị trường. Chẳng hạn nếu họ sẵn tấm lòng hảo tâm thương người, họ có thể biểu hiện nó bằng cách trao tặng một số tiền. Theo cách này, mọi thứ đều có thể quy về các giá trị tiền tệ.

Gần như chẳng cần phải nói rằng quan điểm này là sai. Có những điều mà chúng ta có thể quyết định một cách riêng lẻ; có những điều khác mà chỉ có thể được đề cập một cách tập thể. Với tư cách một người tham dự thị trường, tôi cố gắng tối đa hóa lợi nhuận của tôi. Với tư cách một công dân, tôi quan tâm đến các giá trị xã hội: hòa bình, công lý, tự do, hay đại loại như vậy. Tôi không thể biểu hiện các giá trị đó với tư cách một người tham dự thị trường. Ta hãy giả định rằng các quy tắc chỉ đạo các thị trường tài chính phải thay đổi. Tôi không thể thay đổi chúng một cách đơn phương. Nếu tôi áp đặt các quy tắc cho bản thân tôi, nhưng không cho những người khác, nó sẽ tác động đến hoạt động của chính tôi trên thị trường, nhưng nó sẽ chẳng có tác động gì đến những gì xảy ra trên các thị trường, vì không một người tham dự đơn lẻ nào sẽ có khả năng ảnh hưởng đến kết quả.

Chúng ta phải phân biệt giữa xác lập các quy tắc và chơi theo các quy tắc này. Xác lập các quy tắc đòi hỏi các quyết định tập thể, hay chính trị. Chơi theo các quy tắc đòi hỏi các quyết định cá nhân, hay hành vi thị trường. Thật không may là hiếm khi người ta theo sự phân biệt này. Xem ra người ta phần lớn bầu cho ví tiền của họ, và họ vận động hành lang cho việc lập pháp phục vụ lợi ích riêng của họ. Điều tệ hơn nữa là những đại biểu được bầu ra cũng thường đặt lợi ích riêng của họ trước lợi ích chung. Thay vì bênh vực các giá trị cố hữu nhất định, các lãnh tụ chính trị lại muốn được bầu bằng bất cứ giá nào – và dưới hệ tư tưởng của chủ nghĩa nguyên giáo thị trường đang thịnh hành, hay chủ nghĩa cá nhân đang được tha hồ vùng vẫy, điều này được coi như một cách tự nhiên, hợp lý, và có lẽ thậm chí đang mong đợi để các chính khách ứng xử. Thái độ này đối với chính trị đã xói mòn cái định làm nền xây dựng nguyên tắc dân chủ đại diện. Đương nhiên luôn luôn có mâu thuẫn giữa những lợi ích riêng của các chính khách và lợi ích công, nhưng nó đã trở nên trầm trọng hơn rất nhiều bởi thái độ thịnh hành vốn đặt thành công – đo bằng tiền – lên trước các giá trị bản chất như sự trung thực. Vậy là uy thế của động cơ lợi nhuận và sự giảm sút hiệu quả của quá trình ra quyết định tập thể đã tăng cường lẫn nhau theo cách phản ngược nhau. Việc đề cao lợi ích bản thân lên thành một nguyên tắc đạo đức đã làm đồi bại chính trị, và sự thất bại của chính trị đã trở thành luận chứng mạnh nhất để ủng hộ việc cho thị trường được tự do hơn nữa.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: George Soros – Khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản toàn cầu – NXB KHXH 1999