Các quốc gia cổ đại phương Đông được hình thành như thế nào?

Các quốc gia cổ đại phương Đông bao gồm Ai Cập, Lưỡng Hà, Ấn Độ và Trung Quốc, chính là những quốc gia xuất hiện sớm nhất trong lịch sử loài người. Vậy các quốc gia cổ đại phương Đông được hình thành như thế nào, hãy cùng Luật Minh Khuê tìm hiểu trong bài viết lần này nhé.

1. Các quốc gia cổ đại phương Đông được hình thành như thế nào?

Trên lưu vực các dòng sông lớn ở châu Á, châu Phi từ khoảng thiên niên kỉ IV trước Công nguyên (TCN), cư dân phương Đông đã biết tới nghe luyện kim, làm nông nghiệp và chăn nuôi gia súc. Họ đã xây dựng nên những quốc gia đầu tiên của mình, đó là xã hội có giai cấp đầu tiên, mà trong đó thiểu số người có của thống trị đa số thành viên công xã và nô lệ. Quá trình hình thành và phát triển của nhà nước ở các quốc gia cổ đại phương Đông không giống nhau, nhưng thể chế chung là chế độ quân chủ chuyên chế, trong đó vua là người người nắm mọi quyền hành và được cha truyền, con nối.

Phương Đông cũng là cái nôi của văn minh nhân loại. Nơi mà con người đã bắt sáng tạo ra chữ viết, văn học, nghệ thuật và nhiều tri thức khoa học khác.

Vào cuối thời nguyên thuỷ, cư dân ở lưu vực những dòng sông lớn như sông Nin ở Ai Cập, Ơ-phơ-rat và Ti-gơ-rơ ở Lưỡng Hà, sông Ấn và sông Hằng ở Ấn Độ, Hoàng Hà và Trường Giang ở Trung Quốc, … ngày càng đông. Đất ven sông vừa màu mỡ, vừa dễ trồng trọt. Nghề nông trồng lúa ngày càng phát triển và trở thành ngành kinh tế chính. Người ta cũng biết làm thuỷ lợi, đắp đê ngăn lũ, đào kênh, mương dẫn nước vào ruộng. Nhờ thế, con người có thể thu hoạch lúa ổn định hằng năm. Lúa gạo ngày càng nhiều. Trong xã hội bắt đầu xuất hiện kẻ giàu, người nghèo. Nhà nước ra đời. Từ cuối thiên niên kỷ IV đến đầu thiên niên kỉ III TCN, những quốc gia cổ đại phương Đông đầu tiên đã hình thành ở Ai Cập, vùng Lưỡng Hà, Ấn Độ và Trung Quốc ngày nay. Đây là những quốc gia xuất hiện sớm nhất trong lịch sử loài người.

 

2. Điều kiện tự nhiên và sự phát triển kinh tế của các quốc gia cổ đại phương Đông

Sự xuất hiện của công cụ kim loại, con người bước vào thời đại văn minh – thời đại con người sản xuất ra ngày càng nhiều của cải, biết xây dựng những công trình kiến trúc đồ sộ, có chữ viết, nghệ thuật, khoa học và văn chương.

Những quốc gia cổ đại phương Đông đầu tiên hình thành ở lưu vực các dòng sông lớn vì có đất đai màu mỡ, mưa đều đặn, dễ trồng trọt, thuận lợi cho nghề nông như:

  • Ai Cập: Sông Nin
  • Lưỡng Hà: Sông Tigrơ và sông Ơphrat
  • Ấn Độ: Sông Ấn và sông Hằng
  • Trung Quốc: Sông Hoàng Hà và Trường Giang

Khoảng 3500 – 2000 năm TCN, cư dân cổ Tây Á, Ai Cập biết sử dụng đồng thau, công cụ bằng đá, tre và gỗ. Còn cư dân Châu Á và Châu Phi thì sống bằng nghề nông, mỗi năm hai vụ. Họ cũng xây dựng hệ thống thủy lợi, công việc trị thủy khiến mọi người gắn bỏ với nhau trong tổ chức công xã. Các ngành kinh tế bổ trợ bao gồm nghề nông, chăn nuôi, làm đồ gồm, dệt vải và tiến hành trao đổi sản phẩm giữa các vùng.

 

3. Xã hội cổ đại phương Đông bao gồm những tầng lớp nào?

Ở các nước phương Đông, cư dân chủ yếu làm nghề nông. Vì vậy, bộ phận đông đảo nhất và có vai trò to lớn trong sản xuất là nông dân. Họ nhận ruộng đất ở công xã để cày cấy và phải nộp một phần thu hoạch và lao dịch không công cho bọn quý tộc. Còn quý tộc, quan lại là tầng lớp có nhiều của cải và quyền thế. Đứng đầu tầng lớp này là một ông vua nắm mọi quyền hành.

Nhà vua và các quý tộc đều có nhiều người hầu hạ phục dịch, gọi chung là nô lệ. Thân phận của nô lệ thời đó không khác gì con vật. Những người nô lệ và dân nghèo đã nhiều lần nổi dậy. Năm 2300 TCN, một vụ bạo động bùng nổ ở La-gát (Lưỡng Hà). Năm 1750 TCN, nô lệ và dân nghèo ở Ai Cập đã nổi dậy, cướp phá, đốt cháy cung điện.

 

4. Nhà nước chuyên chế cổ đại phương Đông

Từ thiên niên kỷ IV đến thiên niên kỷ III TCN, xã hội có giai cấp và nhà nước đã được hình thành ở lưu vực sông Nin, sông Tigrơ và Ơphrat, sông Ấn, sông Hằng cũng như sông Hoàng Hà. Xã hội có giai cấp hình thành từ liên minh bộ lạc, do nhu cầu trị thủy và xây dựng các công trình thủy lợi. Như vậy, nhà nước đã được lập ra để điều hành và quản lí xã hội. Cơ cấu bộ máy nhà nước mang tính chất một nhà nước chuyên chế trung ương tập quyền, trong đó đứng đầu là vua.

Để cai trị đất nước, tầng lớp quý tộc đã lập ra bộ máy nhà nước do vua đứng đầu. Vua có quyền cao nhất trong mọi công việc – từ việc đặt ra luật pháp, chỉ huy quân đội, đến việc xét xử những người có tội. Vua còn được coi là người đại diện của thần thánh ở dưới trần gian. Ở Trung Quốc, vua được gọi là Thiên tử (con trời), ở Ai Cập là Pha-ra-ôn (ngôi nhà lớn), còn ở Lưỡng Hà thì gọi là Enxi (người đứng đầu). Còn dưới vua hay giúp việc cho vua là bộ máy hành chính từ trung ương đến địa phương gồm toàn quý tộc. Họ lo việc thu thuế, xây dựng cung điện, đền tháp và chỉ huy quân đội.

 

5. Văn hóa cổ đại phương Đông

Văn hóa cổ đại phương Đông có những thành tựu rực rỡ vẫn còn tồn tại và giữ nguyên giá trị đến ngày nay, trong đó có thể kể đến các lĩnh vực sau:

  • Lịch pháp và thiên văn học:

Để thuận lợi và đáp ứng nhu cầu của việc sản xuất, Lịch ra đời từ rất sớm, một năm có 365 ngày, họ chia thành tháng, tuần, ngày, và mỗi ngày có 24 giờ. Họ cũng biết được sự chuyển động của Mặt trăng, Mặt trời từ đó hình thành nên Thiên văn học.

  • Chữ viết:

Để lưu lại và trao đổi thông tin, chữ viết ra đời, đây được cho là một phát minh lớn nhất của loài người. Theo đó, chữ tượng hình xuất hiện trước dần chữ tương ý ra đời để phù hợp với mục đích của con người. Người Trung Quốc viết lên dải tre, vải lụa, mai rùa. Người Ấn viết trên vỏ cây papyrus. Còn người Su-me viết bằng những đầu cây được vót nhọn rồi viết lên những miếng đất sét còn ướt đem nung lên.

  • Toán học:

Do nhu cầu tính toán lại diện tích ruộng đất sau khi ngập nước, tính toán trong xây dựng, nên Toán học xuất hiện rất sớm ở phương Đông. Lúc đầu, cư dân phương Đông biết viết chữ số từ 1 đến 1 triệu bằng những kí hiệu đơn giản. Bên cạnh đó, người Ai Cập cổ đại cũng rất giỏi về hình học. Họ tính được số Pi=3,16; tính được diện tích hình tròn, hình tam giác, thể tích hình cầu, … Người Lưỡng Hà lại giỏi về số học. Họ có thể làm các phép cộng, trừ, nhân, chia cho tới một triệu. Chữ số mà ta dùng ngày nay, quen gọi là chữ số A-rập, kể cả số 0, là thành tựu lớn do người Ấn Độ tạo nên. Còn người Trung Quốc cho ra đời cuốn sách Cửu chương toán thuật được dùng làm sách giáo khoa, và trở thành một tác phẩm kinh điển đối với các nhà toán học cổ Trung Quốc. Cửu chương toán thuật là một cuốn từ điển toán học độc đáo phục vụ cho những người đạc điền, nhà thiên văn, hay những người thu thuế… của Trung Quốc. Tác phẩm này gồm có 246 bài toán trình bày giả thiết rồi đến lời giải và được viết vào khoảng năm 152 TCN. Như vậy, những hiểu biết về toán học của người xưa đã để lại nhiều kinh nghiệm quý, chuẩn bị cho bước phát triển cao hơn ở thời sau.

  • Kiến trúc:

Nghệ thuật kiến trúc phát triển rất phong phú ở thời kỳ này. Nhiều di tích kiến trúc cách đây hàng nghìn năm vẫn còn lưu lại như Vạn lý trường thành của Trung Quốc, Kim tự tháp ở Ai Cập, những khu đền tháp ở Ấn Độ, thành Babilon ở Lưỡng Hà, … Những công trình cổ xưa này là những kì tích về sức lao động và tài năng sáng tạo của con người dù trong tay không có công cụ lao động hiện đại, bằng những công cụ thô sơ đã tạo nên những kiệt tác trường tồn với thời gian, vẫn còn nguyên giá trị.

Tóm lại, sự hình thành các quốc gia cổ đại phương Đông là sự tất yếu khi có sự phân chia giai cấp. Sự hình thành này đã phát triển nền văn minh rực rỡ của nhân loại, các giá trị cũng như phát minh vẫn còn hiện hữu hiện nay.

Trên đây là toàn văn bài viết của Luật Minh Khuê về sự hình thành của các quốc gia cổ đại phương Đông. Hi vọng chúng tôi đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích. Luật Minh Khuê xin chân thành cảm ơn.