Các giải pháp pháp thúc đẩy đô thị hóa và phát triển đô thị Việt Nam bền vững, thịnh vượng


Xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị là định hướng quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội.

Yêu cầu đổi mới trong phát triển đô thị

Một trong 3 đột phá chiến lược của giai đoạn 2021 – 2030 được xác định tại Đại hội XIII của Đảng là “Lấy các đô thị làm động lực phát triển vùng”, với “trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông đô thị lớn”; “tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị”.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng đề ra các chỉ tiêu về phát triển đô thị: Đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 45%; Đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%.

Báo cáo chính trị của Đại hội xác định các nhiệm vụ: Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị; Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; Kết nối nông thôn với đô thị; Tăng cường quản lý đô thị, phát triển các đô thị vệ tinh, hạn chế xu hướng tập trung quá mức vào các đô thị lớn.

Thực hiện định hướng tại Đại hội XIII của Đảng, ngày 24/01/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 06-NQ/TW). Đây là Nghị quyết đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ đạo toàn diện nhất về quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị Việt Nam bền vững cho giai đoạn tới.

Nghị quyết số 06-NQ/TW là một sự khẳng định vai trò, vị thế của đô thị Việt Nam trong bối cảnh mới cùng với những định hướng các nhóm nhiệm vụ giải pháp để thực hiện các chỉ tiêu phát triển đô thị đến năm 2035, tầm nhìn đến 2045.

Nghị quyết nhấn mạnh các quan điểm chủ đạo về phát triển đô thị Việt Nam giai đoạn tới: Nâng cao nhận thức về vai trò vị trí của đô thị Việt Nam để tận dụng lợi thế phát triển; Đô thị hóa là tất yếu và là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững trong thời gian tới; Công tác quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị phải đi trước một bước để đảm bảo sự phát triển hài hòa, cân bằng đồng bộ giữa kết cấu hạ tầng đô thị với tốc độ, quy mô đô thị hóa nhằm đạt được sự phát triển trật tự, ngăn nắp và tạo điều kiện cho phát triển mạnh mẽ; Chú trọng công tác cải tạo tái thiết đô thị trong đó khơi thông nguồn lực phát triển đô thị và phát huy bản sắc đô thị; Phát triển đô thị theo mô hình xanh, thông minh, biến đổi khí hậu để phù hợp với xu thế và hướng đến sự bền vững.

Nghị quyết đã đề ra mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt 45%, đến năm 2030 đạt khoảng 50%. Nghị quyết đề ra 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện các quan điểm và mục tiêu trên.

Trên cơ sở Nghị quyết 06-NQ/TW, ngày 11/11/2022 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 148/NQ-CP, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết  06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tại Chương trình này, Chính phủ đã cụ thể hóa thành 15 nhóm chỉ tiêu và 33 nhiệm vụ, trong đó, cụ thể các chỉ tiêu về quy hoạch (tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đô thị 100%). Chỉ tiêu thúc đẩy năng lực hạ tầng, giao thông đô thị (tỷ lệ các đô thị loại III trở lên hoàn thành các tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng y tế, giáo dục, đào tạo, công trình văn hóa cấp đô thị là 100%; ít nhất 130 đô thị từ loại III trở lên hoàn thiện các tiêu chuẩn hạ tầng đô thị, đầu tư khép kín các đường vành đai, đường xuyên tâm, bến, bãi đỗ xe tại các đô thị; tăng thêm ít nhất 400km2 đất giao thông đô thị), cải tạo không gian đô thị và tạo không gian xanh và không gian công cộng (tỷ lệ các đô thị hiện có và đô thị mới có chương trình cải tạo, chỉnh trang tái thiết và phát triển đô thị: 100%; khoảng 700 phường thuộc đô thị từ loại III trở lên đạt chuẩn, phát triển tăng thêm ít nhất 30 triệu m2 cây xanh tại các đô thị loại III, II, I và 10 triệu m2 cây xanh công cộng tại các đô thị loại đặc biệt), nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt tối thiểu 28m2 năm 2025 và 32 m2 năm 2030… phấn đấu đến năm 2035 có 3 – 5 đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế, hình thành một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng đạt các chỉ tiêu về y tế, giáo dục, đào tạo, văn hóa cấp đô thị tương đương mức bình quân của các đô thị thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN.


Nhiều yêu cầu đổi mới được xác định trong phát triển đô thị.

Các giải pháp cần tập trung giải quyết điểm nghẽn

Nghị quyết số 06-NQ/TW đã chỉ ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho hệ thống đô thị Việt Nam giai đoạn tới. Các nhóm nhiệm vụ gồm: Hoàn thiện thể chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững; Nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững; Tập trung xây dựng, phát triển hệ thống đô thị quốc gia bền vững và đồng bộ về mạng lưới; Đẩy mạnh phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với Biến đổi khí hậu; Xây dựng và hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị và chất lượng cuộc sống đô thị, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, an ninh, an toàn và trật tự đô thị; Phát triển kinh tế khu vực đô thị, đổi mới cơ chế chính sách tài chính và đầu tư phát triển đô thị.

Cụ thể hóa Nghị quyết số 06-NQ/TW, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW đã có sự phân công cho các cơ quan, tổ chức có liên quan với những nhiệm vụ cụ thể.

Có thể nói, Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng như Chương trình hành động của Chính phủ đã chỉ rõ các điểm nghẽn cần tập trung giải quyết để có thể thúc đẩy quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị Việt Nam thời gian tới, trong đó tập trung vào các vấn đề dưới đây.

Thúc đẩy đô thị hóa nhanh trong sự kiểm soát

Đô thị hóa là động lực cho sự phát triển kinh tế, tạo tiền đề cho sự thay đổi về cơ cấu kinh tế – xã hội theo hướng phi nông nghiệp, tạo nhiều công ăn, việc làm cho người dân nhưng nó cũng kéo theo rất nhiều hệ lụy không mong muốn.

Đô thị hóa là một xu thế tất yếu và khách quan, tuy nhiên trong quá trình này, cần có sự kiểm soát để phát triển đô thị có thể tận dụng được lợi thế từ đô thị và hạn chế những hệ lụy, thách thức.

Bên cạnh việc thúc đẩy mối quan hệ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa, quy hoạch hệ thống đô thị nông thôn quốc gia, lập chương trình phát triển đô thị cấp quốc gia, cấp vùng, tỉnh, đô thị là cần thiết.

Thời gian tới, quá trình đô thị hóa của Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng, đặc biệt các huyện vùng ven của các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM… là các huyện phải chịu áp lực đô thị hóa và công nghiệp hóa mạnh trên vùng đất nông nghiệp, là nơi chịu nhiều áp lực từ việc gia tăng dân số cơ học rất lớn… dẫn đến quá tải về các vấn đề quản lý, trường học và môi trường.

Đối với các khu vực chịu tác động mạnh của quá trình đô thị hóa, nhất là khu vực dự kiến sẽ thành quận, thị xã, việc phát triển, xây dựng nông thôn mới, tùy từng giai đoạn sẽ không đồng nhất với quá trình phát triển đô thị.

Đối với các khu vực này, quá trình đô thị hóa chủ yếu do yếu tố ngoại lực, rất khó chủ động được, việc thực hiện xây dựng nông thôn mới không phù hợp sẽ gây đầu tư lãng phí, không thích ứng với định hướng đô thị hóa trong tương lai. Do đó, cần xây dựng các chính sách phát triển gắn kết phát triển đô thị và phát triển nông thôn, từng bước thu hẹp khoảng cách kinh tế – xã hội giữa khu vực đô thị và khu vực nông thôn. Phát triển đô thị nhỏ (thị trấn), vùng ven đô thị để hỗ trợ phát triển nông thôn thông qua các mối liên kết đô thị – nông thôn.

Nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị

Quy hoạch đô thị là công cụ quan trọng và nền tảng để tối đa hóa tiềm năng cho việc xây dựng phát triển đô thị hiệu quả, bảo vệ nguồn tài nguyên, xác định các khu vực phát triển và bảo tồn, tăng cường an ninh, an toàn trong các thành phố/đô thị. Quy hoạch không hợp lý và không được thực thi có thể cản trở sự phát triển chung của đô thị. Tuy nhiên, hiện nay quy hoạch chưa thực sự phát huy hiệu quả của một công cụ định hướng và đầu tư phát triển đô thị.

Ngoài việc quy hoạch chưa phủ kín so với tổng diện tích đất xây dựng đô thị (tính đến tháng 12/2021, tỷ lệ lập quy hoạch chung đô thị đạt 100%; quy hoạch phân khu tại các đô thị loại I, loại đặc biệt đạt khoảng 78%; quy hoạch chi tiết đạt khoảng 39% so với diện tích đất xây dựng đô thị) thì phương pháp thực hiện quy hoạch còn hạn chế (trên cơ sở dữ liệu chưa đầy đủ, công tác dự báo thiếu chính xác, thiếu khoa học) dẫn đến quy hoạch không theo kịp và đáp ứng nhu cầu thị trường và thực tế.

Ngoài ra, quy hoạch thiếu kết nối với nguồn lực thực hiện nên đã hạn chế hiệu quả định hướng đầu tư… Điều chỉnh quy hoạch còn xảy ra nhiều nơi với quy mô và mức độ khác nhau ở các loại đồ án quy hoạch khác nhau. Việc điều chỉnh thường có xu hướng tăng tầng cao, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất và giảm diện tích đất công cộng, đất cây xanh dẫn đến tạo áp lực lên hạ tầng kỹ thuật và xã hội đô thị.

Thời gian tới, phương pháp quy hoạch đô thị cần phải có sự đổi mới nhất định theo hướng gắn kết chặt chẽ quy hoạch đô thị với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và các quy hoạch ngành quốc gia.

Phương pháp quy hoạch tổng hợp, tích hợp, đảm bảo phát triển không gian hợp lý, kiểm soát chặt chẽ phát triển đất đai, dân số, lao động, gắn kết với nhu cầu thực tế của thị trường, với xu thế đô thị hóa của vùng, địa phương, với nhu cầu đầu tư thị trường, nhu cầu về không gian ở và giao thông, gắn kết với kế hoạch đầu tư, đầu tư công trung hạn và hàng năm, bảo đảm nguồn lực thực hiện…

Lồng ghép yêu cầu nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng chống rủi ro hướng đến tăng trưởng xanh, thông minh, tạo điều kiện để cộng đồng tham gia vào quá trình lập quy hoạch cũng như triển khai thực hiện.

Trước mắt công tác quy hoạch cần cải thiện chất lượng trên cơ sở căn cứ dữ liệu đầu (thực trạng, nhu cầu) và dự báo khoa học, chính xác; áp dụng công nghệ tiên tiến (như áp dụng GIS- hệ thống thông tin địa lý) vào phân tích, nhận diện vấn đề và ra quyết định hỗ trợ cho lập quy hoạch; bổ sung hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức đơn giá về quy hoạch và đầu tư xây dựng đô thị.


Thành phố Hải Phòng. Nguồn: Internet

Tháo gỡ điểm nghẽn trong hạ tầng kết nối vùng, hạ tầng đô thị

Trong một thời gian dài, phát triển đô thị Việt Nam tập trung cho những nhu cầu ngắn hạn, phát triển nóng và chưa thực sự quan tâm đến củng cố chất lượng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đô thị. Việc điều chỉnh quy hoạch khá thường xuyên ở nhiều đô thị (thường có xu hướng điều chỉnh tăng mật độ dân số và hệ số sử dụng đất) cũng gây áp lực nhất định lên hệ thống hạ tầng bên cạnh tốc độ gia tăng dân số và quy mô đô thị từ quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Điều này khiến hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị chưa đảm bảo và ảnh hưởng chất lượng sống của cư dân đô thị.

Trong khi đó, hạ tầng vùng cũng chưa hoàn thiện ảnh hưởng đến kết nối vùng và hiệu quả của hệ thống liên kết đô thị theo mô hình chùm, mạng lưới. Hiện nay Nhà nước vẫn đóng vai trò chủ yếu trong đầu tư hạ tầng và chưa có nhiều chính sách thu được lợi ích gia tăng từ việc phát triển hạ tầng chỉnh trang đô thị.

Do vậy, thời gian tới việc chỉnh trang, tái thiết đô thị là nhiệm vụ hàng đầu tại các đô thị, đặc biệt là các đô thị lớn. Trong công cuộc chỉnh trang, tái thiết này cần quan tâm đến năng lực giao thông, chú trọng xử lý nước thải sinh hoạt và chất thải rắn đô thị, tăng diện tích cây xanh, không gian mở đô thị, đảm bảo an sinh nhà ở và các thiết chế văn hóa thiết yếu khác.

Đối với vấn đề hạ tầng giao thông, ưu tiên đầu tư hạ tầng kết nối, nhất là giao thông vùng, giao thông công cộng sức chở lớn tại đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội để khai thác hiệu đầu tàu dẫn dắt quá trình đô thị hóa theo hướng cạnh tranh, sáng tạo, và hội nhập quốc tế.

Tạo điều kiện để các đô thị trung tâm thứ cấp (đô thị loại I và một số loại II) tận dụng cơ hội phát triển công nghiệp và dịch vụ cùng với sự cải thiện của mạng lưới hạ tầng giao thông và năng lượng quốc gia. Tận dụng hạ tầng vùng ven đã có tại chỗ tránh phá đi làm lại, phát triển nhỏ gọn hiệu quả, tránh bê tông hóa tràn lan, đồng thời phát triển các chuỗi giá trị gia tăng của các đô thị nhỏ trong vùng đô thị lớn.

Trong nhiệm vụ này, nguồn lực thực hiện (nhất là trong trường hợp hạ tầng kỹ thuật) là một thách thức đối với các chính quyền đô thị. Do vậy, các đô thị cần trên cơ sở rà soát thực tiễn để tổng hợp nhu cầu chỉnh trang, tái thiết đô thị, xây dựng chương trình hành động cụ thể, có trọng tâm và khả năng thực hiện để đảm bảo tính khả thi.

Đổi mới mô hình phát triển đô thị tiến tới xanh, thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu

Việt Nam đã tham gia các cam kết quốc tế để cắt giảm phát thải CO2 và tiến tới phát triển tăng trưởng xanh, do vậy việc đổi mới mô hình phát triển đô thị cần được quan tâm để đạt được các mục tiêu giảm phát thải và tăng trưởng xanh trong lĩnh vực đô thị. Chính phủ đã ban hành nhiều đề án, chương trình, kế hoạch hành động quốc gia về phát triển đô thị tăng trưởng xanh, thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu.

Thời gian tới, các đô thị cần tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện, triển khai các kế hoạch nằm trong các chương trình, đề án này gồm: Quyết định số 950/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030; Quyết định số 438/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2030; Quyết định 84/QĐ-TTg về kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030.

Xây dựng đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu cần quan tâm đến các giải pháp tổng thể đến chi tiết, từ quy hoạch đô thị (chú ý chống lũ, lụt từ xa cho các đô thị; kết hợp quy hoạch tổng thể phát triển thủy lợi, thủy điện trên các lưu vực sông…) đến các giải pháp công trình và phi công trình. Từ việc đánh giá kịch bản biến đổi khí hậu, phân tích rủi ro đến lựa chọn kịch bản phát triển đô thị, từ quy hoạch quốc gia, vùng, tỉnh, đô thị đến giải quyết  giải quyết vấn đề cục bộ trong từng đô thị như ngập úng, thoát nước, sạt trượt.

Xây dựng đô thị thông minh cần chủ trọng 3 trụ cột đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 950/QĐ-TTg gồm quy hoạch thông minh, quản lý đô thị thông minh, cung cấp tiện ích đô thị thông minh trên nền tảng của cơ sở dữ liệu đô thị thông minh, và áp dụng khoa học kỹ thuật.

Phát huy mô hình quản lý đô thị tự chủ tại địa phương

Các chính quyền đô thị ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thực thi các kế hoạch phát triển đô thị, nhất là trong bối cảnh chủ trương phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương. Do vậy, phát huy mô hình quản lý đô thị tự chủ tại địa phương thông qua mô hình chính quyền đô thị, thúc đẩy vai trò làm chủ, chịu trách nhiệm và tự chủ của đô thị sẽ trở thành một xu hướng tất yếu. Đồng thời với xây dựng chính quyền là xây dựng năng lực chuyên môn cho đội ngũ quản lý phát triển đô thị để thực hiện chuyên môn hóa trong lĩnh vực phát triển đô thị.

Xây dựng thể chế và nguồn lực cho đô thị

Để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình đô thị quá và giải quyết những điểm nghẽn trên, các thể chế, chính sách phát triển đô thị đóng vai trò quan trọng, tạo hành lang pháp lý và sự minh bạch trong triển khai và thu hút sự tham gia của toàn xã hội trong phát triển đô thị.

Hiện nay, các cơ chế, chính sách về phát triển đô thị đã có nhưng còn tản mát ở nhiều cấp độ và lĩnh vực khác nhau gây cản trở nhất định trong việc thống nhất nhận thức, hành động. Do vậy, thời gian tới rất cần thống nhất các quy định quản lý phát triển đô thị, giải quyết các vướng mắc, chồng chéo hiện nay liên quan đến vấn đề đất đai, nguồn lực…, đặc biệt sớm ban hành Luật điều chỉnh về quản lý phát triển đô thị là một bước đột phá về thể chế.

Hiện nay, trong bối cảnh phát huy vai trò đổi mới, sáng tạo của đô thị, khai thác nguồn lực từ đô thị để trở thành nội lực phát triển buộc các đô thị phải chủ động hơn trong các kế hoạch phát triển đô thị có hiệu quả. Tuy nhiên, thể chế, cơ chế hướng dẫn tạo nguồn lực cho đô thị còn khá hạn chế, nhất là đối với cơ chế tạo nguồn lực để đầu tư, chỉnh trang tái thiết hạ tầng đô thị lớn.

Chính sách đổi đất lấy hạ tầng một thời gian dài đã tạo điều kiện phát triển hệ thống hạ tầng quốc gia, đô thị đang được dừng lại gây khó khăn cho nhiều đô thị. Các đô thị vẫn chủ yếu dựa trên nguồn lực đất đai, kết quả vẫn thiếu nguồn lực trong đầu tư chỉnh trang, tái thiết.

Thời gian tới, cơ chế để tạo nguồn lực cho đô thị rất cần được khơi thông. Một trong những cơ chế đó là khai thác hiệu quả từ không gian đô thị, chuyển đổi không gian đô thị, định giá và nắm bắt được giá trị gia tăng của đất đai, giá trị của không gian đô thị trong quá trình đầu tư tái thiết, xây dựng thương hiệu đô thị.