Các đặc điểm của cấu thành tội phạm | luatviet.co

Các đặc điểm của cấu thành tội phạm


Cấu thành tội phạm là tổng hợp các dấu hiệu chung có tính đặc trưng cho một loại tội cụ thể được quy định trong bộ luật hình sự.

Xét về bản chất, nội dung chính trị xã hội và nội dung pháp lý, tội phạm là hiện tượng xã hội có tính giai cấp và tính lịch sử, được đặc trưng bởi tính nguy hiểm cho xã hội và tính được quy định trong bộ luật hình sự

– Các yếu tố của tội phạm:

Nếu nghiên cứu về mặt cấu trúc, mỗi tội phạm đều hợp thành bởi 04 yếu tố nhất định, tồn tại không tách rời nhau nhưng có thể phân chia trong tư duy và do vậy có thể cho phép nghiên cứu chúng một cách độc lập với nhau, đó là:

  • Khách thể của tội phạm là quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ và bị tội phạm xâm hại bằng cách gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại cho các quan hệ xã hội đó.

  • Mặt khách quan của tội phạm là những biểu hiện bên ngoài của tội phạm bao gồm hành vi, hậu quả, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả, công cụ, phương tiện, phương pháp, thủ đoạn, thời gian, địa điểm, và hoàn cảnh phạm tội.

  • Chủ thể của tội phạm là người thực hiện hành vi phạm tội phải có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt một độ tuổi luật định.

  • Mặt chủ quan của tội phạm là diễn biến tâm lý bên trong của người phạm tội bao gồm lỗi, động cơ và mục đích phạm tội.

 Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

– Cấu thành tội phạm:

Hiện tượng của tội phạm trộm cắp tài sản

M

– Dùng chìa khoá mở cửa nhà của B – lấy vi tính của B.

X

– Lợi dụng sơ hở của A – móc túi của A lấy được 3 triệu đồng.

Y

– Trong khi C vắng nhà, Y đã đột nhập vào nhà C – lấy được 1 máy điện thoại di động trị giá 5 triệu đồng.

Như vậy, hiện tượng trộm cắp tài sản rất phong phú, đa dạng. Mỗi trường hợp phạm tội trộm cắp khác nhau thì sự thể hiện về thực tế là khác nhau như: khác nhau về con người thực hiện tội phạm, khác nhau về thủ đoạn phạm tội, khác nhau thời gian, địa điểm, công cụ phương tiện phạm tội, khác nhau về tài sản bị chiếm đoạt, khác nhau về người bị hại, vv… Nhưng bất kỳ một trường hợp phạm tội trộm cắp nào cũng phải thoả mãn đầy đủ các dấu hiệu có tính chất đặc trưng cho loại tội phạm trộm cắp tài sản đó là: người phạm tội phải từ đủ 16 tuổi trở lên,có năng lực trách nhiệm hình sự, tội phạm xâm phạm tới quan hệ sở hữu, hành vi lén lút, hành vi bí mật chiếm đoạt tài sản đang do người khác quản lý và với hình thức lỗi cố ý trực tiếp. Các dấu hiệu này được quy định trong BLHS tại Điều 138. Các dấu hiệu này được gọi là các dấu hiệu cấu thành tội phạm (CTTP) của tội trộm cắp tài sản.

Chúng ta có thể thấy được mối quan hệ giữa tội phạm với CTTP của một loại tội như sau:

Tội phạm – hiện tượng (Tồn tại trong thực tế khách quan. Đa dạng, phong phú).

Cấu thành tội phạm- Mô hình lý luận (Là các dấu
hiệu đặc trưng cho một loại
tội được quy định trong BLHS. Chỉ có một CTTP
cho một loại tội)

– Khách thể:
Quan hệ xã hội trực
tiếp bị tội phạm
xâm hại.

– Mặt khách quan:
hành vi khách
quan, hậu quả, công cụ, phương
tiện, phương pháp thủ đoạn, thời gian địa điểm, hoàn cảnh phạm tội.

– Chủ thể: tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự.

– Mặt chủ quan: lỗi động cơ, mục đích phạm tội.

– Khách thể: Quan hệ xã hội
trực tiếp bị tội
phạm xâm hại.

– Mặt khách quan:
hành vi khách
quan, hậu quả, công
cụ, phương tiện, phương
pháp thủ đoạn, thời gian địa điểm, hoàn cảnh phạm tội.

– Chủ thể: tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự.

– Mặt chủ quan: lỗi, động cơ, mục đích phạm tội.

Từ những nội dung đã phân tích như trên có thể đưa ra khái niệm CTTP như sau: Cấu thành tội phạm là tổng hợp các dấu hiệu chung có tính đặc trưng cho một loại tội cụ thể được quy định trong bộ luật hình sự.

Nội dung của CTTP chính là sự phản ánh các dấu hiệu của cấu thành tội phạm. Các dấu hiệu đó là: Quan hệ xã hội bị xâm hại, độ tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự, hành vi khách quan, hậu quả, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả, công cụ, phương tiện, phương pháp, thủ đoạn phạm tội, lỗi,động cơ, mục đích phạm tội.

Các dấu hiệu bắt buộc phải có trong mọi cấu thành tội phạm là: quan hệ xã hội bị xâm hại, độ tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự, hành vi khách quan và lỗi.

Một CTTP của một loại tội luôn luôn phải chứa đựng đầy đủ 4 yếu tố cấu thành tội phạm. Đó là: khách thể, mặt khách quan, chủ thể, mặt chủ quan. Song các dấu hiệu trong mỗi một CTTP có thể nhiều ít khác nhau.

(b, Các đặc điểm của cấu thành tội phạm:

Các dấu hiệu trong CTTP đều do luật định.

Chỉ Nhà nước mới có quyền quy định một hành vi nào là tội phạm bằng cách là mô tả những dấu hiệu đó và quy định chúng trong BLHS. Cơ quan giải thích và áp dụng pháp luật chỉ được phép giải thích nội dung những dấu hiệu đã được quy định trong BLHS. Việc thêm hoặc bớt bất kỳ một dấu hiệu nào đó của CTTP đều có thể dẫn đến tình trạng định tội sai hoặc bỏ lọt tội hoặc làm oan người vô tội.

Các dấu hiệu trong CTTP của một loại tội được quy định trong phần chung của BLHS như: tuổi, tình trạng năng lực trách nhiệm hình sự, lỗi; và chúng được quy định trong phần các tội phạm của BLHS như dấu hiệu: hành vi khách quan, hậu quả của tội phạm, quan hệ xã hội bị xâm hại…

Các dấu hiệu của CTTP mang tính đặc trưng điển hình.

Một loại tội phạm chỉ được đặc trưng bởi một CTTP và một CTTP chỉ đặc trưng cho một loại tội phạm, đó là dấu hiệu đặc trưng. Dấu hiệu đặc trưng của CTTP còn thể hiện ở chỗ chỉ các dấu hiệu nào nói lên bản chất đặc trưng của loại tội đó để phân biệt tội phạm đó với tội phạm khác mới được ghi nhận trong CTTP.

Một dấu hiệu có thể được phản ánh trong nhiều cấu thành tội phạm nhưng giũa các cấu thành tội phạm khác nhau phải có ít nhất một dấu hiệu khác nhau Đó là dấu hiệu điển hình.

Hoặc ví dụ về CTTP trộm cắp với CTTP lừa đảo có rất nhiều dấu hiệu chung giống nhau như: quan hệ sở hữu bị xâm hại, độ tuổi, năng lực TNHS, hành vi chiếm đoạt tài sản, lỗi cố ý trực tiếp. Nhưng giữa 2 CTTP này có 2 dấu hiệu mang tính điển hình cho mỗi CTTP đó là: hành vi lén lút trong tội trộm cắp tài sản và hành vi gian dối trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Như vậy, giữa 2 CTTP khác nhau phải khác nhau ít nhất một dấu hiệu, đó chính là dấu hiệu điển hình.

Các dấu hiệu của cấu thành tội phạm có tính bắt buộc.

Một hành vi chỉ bị coi là tội phạm khi nó thoả mãn đầy đủ các dấu hiệu của một cấu thành tội phạm. Nếu thiếu hoặc thừa bất kỳ một dấu hiệu nào đó thì nó có thể không phải là tội phạm hoặc tội phạm khác. Nghĩa là tất cả dấu hiệu của cấu thành tội phạm đều là điều kiện cần và đủ để định tội danh.

Các dấu hiệu của CTTP là các dấu hiệu bắt buộc được quy định ở phần chung hoặc phần các tội phạm cụ thể của BLHS.

Chúý: Một số trường hợp trong đồng phạm hoặc phạm tội chưa đạt hay trong giai đoạn chuẩn bị phạm tội thì hành vi của người phạm tội thiếu đi một hoặc một số các dấu hiệu trong một cấu thành tội phạm. Trường hợp này khi định tội phải kết hợp các quy phạm pháp luật phần chung về đồng phạm, các giai đoạn thực hiện tội phạm. Vì mỗi quy phạm pháp luật phần các tội phạm cụ thể chỉ phản ánh các dấu hiệu của cấu thành tội phạm đã hoàn thành và đối với trường hợp phạm tội riêng lẻ.

(c) Phân loại cấu thành tội phạm:

Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm,

dựa vào tiêu chí này có 3 loại CTTP như sau:

Cấu thành tội phạm cơ bản là loại cấu thành tội phạm chỉ có dấu hiệu định tội, đó là những dấu hiệu mô tả tội phạm cho phép phân biệt giữa tội này với tội khác.

Cấu thành tội phạm cơ bản đa số được quy định ở khoản 1 của phần các tội phạm cụ thể của BLHS. Riêng Điều 93 Tội giết người, CTTP cơ bản được quy định ở Khoản 2.

Cấu thành tội phạm tăng nặng là loại cấu thành tội phạm ngoài các dấu hiệu định tội còn có thêm các dấu hiệu phản ánh tội phạm có mức độ nguy hiểm cho xã hội tăng lên một cách đáng kể (được gọi là các dấu hiệu định khung tăng nặng).

Các dấu hiệu định khung tăng nặng được quy định tại khoản 2, 3, 4 phần các tội phạm cụ thể (từ Điều 78 đến Điều 344). Trừ Điều 93 tội giết người , các dấu hiệu định khung tăng nặng được quy định tại Khoản 1.

Cấu thành tội phạm giảm nhẹ là loại cấu thành tội phạm ngoài các dấu hiệu định tội còn có thêm các dấu hiệu phản ánh tội phạm có mức độ nguy hiểm cho xã hội giảm xuống một cách đáng kể (được gọi là các dấu hiệu định khung giảm nhẹ).

Các dấu hiệu định khung giảm nhẹ được quy định tại khoản 4 của nhóm các tội xâm phạm trật tự an toàn giao thông (từ Điều 202 đến Điều 218).

Như vậy, có thể phác hoạ 03 loại CTTP này theo công thức sau: Cấu thành tội phạm cơ bản = các dấu hiệu định tội: Cấu thành tội phạm tăng nặng = các dấu hiệu định tội + dấu hiệu định khung tăng nặng;Cấu thành tội phạm giảm nhẹ = dấu hiệu định tội + dấu hiệu định khung giảm

Do đó, nội dung được phản ánh trong 03 loại CTTP là các dấu hiệu với 3 loại – dấu hiệu định tội, dấu hiệu định khung tăng nặng và dấu hiệu định khung giảm nhẹ.

Về phương diện khoa học luật hình sự thì các dấu hiệu được quy định trong mỗi CTTP trong BLHS cũng chính là các tình tiết. Vì vậy, tương ứng với 3 loại dấu hiệu trong CTTP là 3 loại tình tiết – tình tiết định tội, tình tiết định khung tăng nặng và tình tiết định khung giảm nhẹ.

Tình tiết định tội là những tình tiết được phản ánh bởi các dấu hiệu trong cấu thành tội phạm cơ bản dùng để mô tả một loại tội. Chúng được quy định ở cả phần chung và phần các tội phạm cụ thể.

Tình tiết định khung tăng nặng hoặc giảm nhẹ là những tình tiết làm thay đổi một lượng đáng kể tính chất nguy hiểm cho xã hội của một loại tội.

Ngoài ra, trong BLHS còn quy định trong phần chung tại Điều 46 và Điều 48 một loại tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là loại tình tiết không được ghi nhận trong các dấu hiệu cấu thành tội phạm (không có ý nghĩa trong việc định tội, định khung hình phạt mà chỉ có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt).

Chúng ta có thể phân biệt giữa tình tiết định khung tăng nặng hoặc giảm nhẹ với tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ TNHS như sau:

Tiêu chí so sánh

Tình tiết định khung tăng nặng, giảm nhẹ

Tình
tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ.

– Sự thay đổi về mức độ nguy hiểm
cho xã hội của tội phạm.

– Ví trí
pháp lý

– Tính chất pháp
lý trong việc xác
định CTTP.

– Làm thay
đổi một lượng đáng kể.

– Được quy định
trong Khoản 2, 3, 4 phần các
tội phạm cụ thể


Bắt buộc.

– Làm thay đổi một lượng
không đáng kể.

– Được
quy định tại Điều

46, Điều
48
của
phần chung.

– Không bắt buộc.

Căn cứ vào đặc điểm cấu trúc trong mặt khách quan của CTTP, dựa vào tiêu chí này có 2 loại CTTP:

Cấu thành tội phạm hình thức là loại cấu thành tội phạm trong mặt khách quan chỉ có dấu hiệu hành vi khách quan.

Cấu thành tội phạm vật chất là loại cấu thành tội phạm có các dấu hiệu trong mặt khách quan là hành vi khách quan, hậu quả, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả.

Cơ sở khoa học của việc xây dựng cấu thành tội phạm vật chất hoặc cấu thành tội phạm hình thức là:

  • Nếu chỉ riêng hành vi nguy hiểm cho xã hội đã thể hiện đầy đủ bản chất nguy hiểm cho xã hội của tội phạm hoặc hoặc hậu quả khó xác định thì xây dựng cấu thành tội phạm hình thức.

Ví dụ: Các tội xâm phạm an ninh quốc gia, Tội cướp tài sản.

  • Nếu hậu quả dễ xác định hoặc bản chất nguy hiểm cho xã hội của tội phạm chỉ thể hiện đầy đủ trong cả dấu hiệu hành vi và hậu quả thì xây dựng cấu thành tội phạm vật chất.

Ví dụ: Tội trộm cắp tài sản, Tội giết người.

Ngoài ra, trong BLHS còn có một loại CTTP đặc biệt đó là cấu thành tội phạm cắt xén là loại cấu thành tội phạm mà trong mặt khách quan chỉ có dấu hiệu hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng dấu hiệu hành vi không phải là phản ánh chính hành vi phạm tội. Loại CTTP này được quy định tại Điều 79 – Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.

Trong mặt khách quan của cấu thành tội phạm của Điều 79 được phản ảnh bởi một trong hai hành vi:

Hành vi thành lập tổ chức, về bản chất thì đây là hành vi chuẩn bị phạm tội. Vì vậy nó được gọi là cấu thành tội phạm cắt xén.

Hành vi tham gia vào tổ chức hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Đối với

hành vi này đây là cấu thành tội phạm hình thức.

– Ý nghĩa của cấu thành tội phạm:

Cấu thành tội phạm là cơ sở pháp lý của trách nhiệm hình sự:

Điều 2 BLHS quy định: “Chỉ người nào thực hiện một hành vi phạm tội được quy định trong BLHS mới phải chịu trách nhiệm hình sự”. Cơ sở để xác định một hành vi bị coi là tội phạm khi thoả mãn đầy đủ các dấu hiệu được phản ánh trong cấu thành tội phạm.

Cấu thành tội phạm là điều kiện cần và đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều kiện cần chỉ có dựa vào các dấu hiệu của cấu thành tội phạm mới xác định được trách nhiệm hình sự của người phạm tội.

Điều kiện đủ ngoài những dấu hiệu được phản ánh trong cấu thành tội phạm để xác định trách nhiệm hình sự của người phạm tội không cần xác định bất kỳ một dấu hiệu nào khác.

Cấu thành tội phạm là cơ sở pháp lý của định tội danh:

Để định tội danh cho một trường hợp phạm tội cụ thể người áp dụng pháp luật phải căn cứ các dấu hiệu của cấu thành tội phạm để đi đến kết luận hành vi đó phạm vào điều nào, khoản nào trong BLHS. Đó cũng chính là kết quả của hoạt động định tội danh.

Ví dụ:

Bảo Thị Hoài P (23 tuổi) và anh Lê Văn L (27 tuổi) cùng quê ở Đồng Tháp, kết hôn với nhau từ năm 1985, đã có một con chung 6 tuổi. Trong thời gian chung sống, L thường xuyên ngược đãi và đánh đập P nên hai người đã có giai đoạn sống ly thân với nhau.

Đến năm 1995, cả hai đã hàn gắn lại mối quan hệ vợ chồng và lên Thành phố HCM làm ăn, sinh sống. Ngày 08/02/2002, do hai người có mâu thuẫn nhỏ trong việc giáo dục con, L và P đã lời qua tiếng lại với nhau. Trong lúc nóng giận, L đã doạ đòi giết P và lấy con dao chặt xương để bên cạnh giường rồi đi ngủ.

Thấy con dao đặt cạnh chồng, P thấy sợ liền lấy cất đi. Vừa lúc đó, L giật mình tỉnh dậy, giằng con dao trên tay P làm dao rơi trúng cổ L. Sợ L chém mình nên P chụp vội lấy con dao và chém nhiều nhát vào đầu, lưng L. Khi L chết, lo sợ bị phát hiện nên P đã cắt xác L ra nhiều phần cho vào bao bì, sau đó thuê xích lô đến chở xác L và giấu ở ba nơi.

Thực hiện xong việc tẩu tán xác L, P bỏ trốn về Đồng Tháp và một tuần sau thì bị bắt. Hãy xác định các tình tiết trong cấu trúc của tội phạm trên.

Tổ bộ
môn Luật Hình sự – Khoa Luật Trường Đại học Hòa Bình, tổng hợp

Ghi chú:

  1. Nội dung trong bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (chú thích rõ trong bài viết).

  2. Bài viết được sử dụng không nhằm mục đích thương mại, chỉ nhằm mục đích giảng dạy, tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật, trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Khoa Luật Kinh tế – Đại học Hòa Bình và Công ty Luật TNHH Everest.

  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, quý Vị vui lòng liên hệ với các luật sư, luật gia của Công ty Luật TNHH Everest và Khoa Luật Kinh tế – Đại học Hòa Bình, qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006198, E-mail: [email protected] , hoặc trực tiếp tại địa chỉ Khoa Luật kinh tế Đại học Hòa Bình, số 8 phố Bùi Xuân Phái, Nam Từ Liêm, Hà Nội.