BHXH tự nguyện ‘quyền lợi chẳng được bao nhiêu’

Không được hưởng chế độ thai sản, ốm đau, bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động… là những chính sách khiến người dân không mặn mà với BHXH tự nguyện.

Sau 13 năm triển khai, cả nước có khoảng 1,3 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, tính đến hết tháng 11. Tỷ lệ bao phủ chỉ đạt 2,6% số người trong độ tuổi lao động, chủ yếu là nông dân và lao động khu vực phi chính thức.

Theo quy định hiện hành, người tham gia BHXH phải đóng đủ 20 năm mới được nhận lương hưu. Hoặc người tham gia BHXH tự nguyện phải đóng ít nhất 10 năm liên tục, với số năm còn thiếu có thể đóng gộp một lần. So với BHXH bắt buộc, người tham gia BHXH tự nguyện không được hưởng chế độ thai sản, ốm đau, bệnh nghề nghiệp hay tai nạn lao động. Đây được xem là những nguyên nhân chính khiến người lao động không mấy mặn mà với BHXH tự nguyện.

Thừa nhận những bất cập trong chính sách BHXH tự nguyện, độc giả Duc minh chia sẻ: “Tôi đi làm đến nay được bảy năm 5 tháng, đã nghỉ việc từ tháng 6/2015. Sau thời gian làm ngoài khoảng hai năm, đến tháng 6/2017, tôi tính rút BHXH một lần. Thực tế, lương công nhân của tôi lúc nghỉ việc được khoảng hơn bốn triệu đồng một tháng. Bản thân tôi từng rất đắn đo giữa việc đóng tiếp BHXH tự nguyện (phải bù hai năm chưa đóng) hoặc rút hết một cục. Cuối cùng, tôi chốt lại rút một lần được 42 triệu đồng.

Năm ngoái, sau thời gian tích lũy dài hạn, tôi chính thức mua bao hiểm nhân thọ. Số tiền rút BHXH một lần cũng giúp tôi mua được xe máy và đổi được chiếc điện thoại. Theo tôi, nếu làm ngoài và có điều kiện kinh tế hơn thì còn nghĩ đến chuyện đóng tiếp BHXH tự nguyện để chờ hưởng lương hưu. Còn nếu công việc bấp bênh, việc duy trì đóng tiếp BHXH tự nguyện sẽ vô cùng khó khăn. Những người làm kinh doanh tự do cũng khó lòng đóng BHXH tự nguyện vì tiền để quay vòng vốn đầu tư vẫn dễ sinh lời hơn chờ lương hưu”.

>> ’70 tuổi vẫn làm việc, quyết không rút BHXH một lần’

Tại TP HCM, đầu năm 2020 có hơn 56.000 người tham gia BHXH tự nguyện, song lúc này chỉ còn 30.000. Người đóng phần lớn đều đã tham gia BHXH bắt buộc, còn thiếu vài năm để được hưởng lương hưu. Người mới rất ít. Chưa kể số theo được vài năm thì bỏ cuộc, chọn rút BHXH một lần. Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, năm 2020 số người tham gia BHXH tự nguyện chọn “rút một cục” là gần 12.000 người, tăng khoảng 60% so với năm 2019. Bình quân các năm từ 2016-2019 số người tham gia BHXH tự nguyện chọn hưởng trợ cấp một lần tăng trên 16%.

Có cùng lựa chọn, bạn đọc Mamud Salam lý giải: “Khi còn làm việc ở công ty, do cơ chế bắt buộc phải đóng BHXH và có doanh nghiệp hỗ trợ một phần nên người lao động khá thoải mái. Nhất là với những công ty nào đóng 100% lương chứ không phải trên mức lương cơ sở thì về sau chế độ hưu trí nhận lại sẽ rất tốt. Còn nếu phải tự đóng thì có lẽ tôi cũng không lựa chọn BHXH tự nguyện mà đem tiền đi đầu tư tích lũy còn tốt hơn. Ít nhất, tiền của tôi không bị mất đi, chứ BHXH tự nguyện chỉ nhận về 45% thì rõ ràng không hợp lý. Theo tôi, nên có cơ chế tỷ lệ hưởng với BHXH tự nguyện khác với BHXH bắt buộc, sao cho người lao động, người tự nguyện tham gia BHXH được lợi nhất. Khi đó, đóng theo tỷ lệ nên ai làm nhiều hưởng nhiều, ai làm ít hưởng ít”.

Đồng quan điểm, độc giả Trần Phong nhấn mạnh: “Quỹ hưu trí cũng là kênh đầu tư cho tương lai. Khi người dân tham gia BHXH tự nguyện, chắc chắn họ sẽ tính toán thiệt hơn. Thế nên, phải xác định người đóng BHXH tự nguyện cũng như người lao động tại các cơ quan doanh nghiệp tham gia BHXH bắt buộc, quyền lợi như nhau. Có như vậy, chúng ta mới thu hút được người dân tham gia BHXH tự nguyện. Họ cùng đóng tiền vào quỹ như nhau thì phải được hưởng các chế độ như nhau là điều đương nhiên”.

>> 23 năm ‘hái quả ngọt’ vì không rút BHXH một lần

Thu hút người lao động tham gia BHXH tự nguyện bằng chính sách hỗ trợ, người lao động không cần phải chờ đến tuổi hưu mới thấy được tính hiệu quả của BHXH tự nguyện, được ngân sách nhà nước bù đắp để đảm bảo mức sống tối thiểu… là cách mà Trung Quốc, Singapore và nhiều quốc gia khác đang thực hiện.

Độc giả Việt Dũng cho rằng, muốn thu hút người dân tham gia, chính sách BHXH tự nguyện Việt Nam cũng cần linh hoạt hơn, tăng quyền lợi cho người đóng: “Quan trọng là BHXH tự nguyện hiện nay có quá ít lợi ích mang lại cho người tham gia: chỉ có mỗi hưởng lương hưu và tử tuất sau này. Như vậy, thử hỏi ai muốn đóng? Trong khi đó, những lợi ích trước mắt của BHXH tự nguyện lại quá thua kém BHXH bắt buộc, như không có chế độ thai sản, ốm đau, bệnh nghề nghiệp hay tai nạn lao động – đây là những thứ cần thiết và thiết thực nhất với người lao động.

Tôi nghĩ rằng, BHXH tự nguyện và bắt buộc cần đưa chính sách ngang bằng nhau thì mới đủ thu hút người ta tham gia. Cái người dân muốn thấy là những lợi ích ngay từ khi họ bắt đầu đóng, chứ chẳng ai người ta chờ hơn 20 năm sau mới có tác dụng. Tình hình sức khỏe rất khó để tính dài hơi như vậy. Các nhà quản lý nên lắng nghe và thay đổi”.

Lê Phạm tổng hợp

>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.