“Bảo vệ môi trường là vấn đề sống còn của nhân loại”

Tiến sĩ Trần Khắc Tâm: “Bảo vệ môi trường là vấn đề sống còn của nhân loại”

Theo dõi KTMT trên

Sau một thời gian phát triển nóng, đến nay, cả thế giới phải dừng lại và nhận ra rằng, bảo vệ môi trường, bảo vệ trái đất là vấn đề cấp bách của toàn nhân loại.

Ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu toàn cầu đang là vấn đề nóng được đặt trên bàn nghị sự quốc tế. Nó là mối đe dọa đến an ninh con người, an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng, an ninh lương thực… của tất cả các quốc gia. Tại Việt Nam, vấn đề bảo vệ môi trường được xem là “quốc sách”, là chủ trương xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội.

Về vấn đề này, Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có cuộc phỏng vấn với Tiến sĩ Trần Khắc Tâm, ĐBQH khóa XIII, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng.

Vấn đề cấp bách

-Thưa ông, bảo vệ môi trường chống biến đổi khí hậu đang được xem là vấn đề rất cấp bách trên phạm vi toàn cầu. Đến nay, nhiều quốc gia đang “nắm chặt tay nhau” để cùng thực hiện mục tiêu bảo vệ Trái đất. Ông có suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?

-Theo quan điểm của tôi, bảo vệ môi trường là vấn đề sống còn của nhân loại. Bởi môi trường là ngôi nhà chung của tất cả các loài sinh vật, trong đó con người tồn tại và phát triển. Cuộc sống của mỗi người có liên hệ mật thiết với môi trường. Hiện nay, môi trường trên Trái đất đang bị đe dọa nghiêm trọng, ô nhiễm nặng nề về nguồn nước, đất, khí quyển.

Tiến sĩ Trần Khắc Tâm: “Bảo vệ môi trường là vấn đề sống còn của nhân loại” - Ảnh 1 TS.Trần Khắc Tâm.

Bầu khí quyển bị ô nhiễm nặng nề bởi khí thải công nghiệp, khói xe; lượng CO2 tăng lên đáng kể gây ra hiệu ứng nhà kính, làm Trái Đất nóng lên; hiện tượng mưa axit xuất hiện ở nhiều nơi…gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe đời sống con người.

Ở nhiều quốc gia, chất thải công nghiệp và chất thải sinh hoạt chưa được xử lí đưa trực tiếp ra biển, ra sông làm ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước ở nhiều nơi trên thế giới. Hiện nay, hơn 1 tỉ người bị thiếu nước sạch.

Chưa dừng lại ở đó, nước thải chưa xử lý thải ra sông, biển đã làm ô nhiễm môi trường biển và đại dương gây tổn thất lớn, phá hủy môi trường sống của nhiều loài sinh vật dưới nước.

Tiến sĩ Trần Khắc Tâm: “Bảo vệ môi trường là vấn đề sống còn của nhân loại” - Ảnh 2

Ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí, ô nhiễm tại các dòng sông và hiệu ứng nhà kính đang là kẻ thù của tất cả các sinh vật trên trái đất. Vì thế, chúng ta không thể nào chậm trễ hơn nữa trong việc chung tay bảo vệ môi trường.

-Ông đánh giá như thế nào về những hành động của Việt Nam trong vấn đề bảo vệ môi trường?

-Có thể nói, Việt Nam là một trong những quốc gia có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ Trái đất. Xuyên suốt quá trình phát triển kinh tế, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường.

Tôi từng rất ấn tượng với phát ngôn của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi còn làm Thủ tướng: “Không đánh đổi môi trường, văn hóa, văn minh xã hội để lấy kinh tế”. Hay Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh do Chính phủ phát động và sau đó tất cả các tỉnh thành đều hưởng ứng. Theo đó, đến hết năm 2025, cả nước trồng được một tỷ cây xanh nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.

Tiến sĩ Trần Khắc Tâm: “Bảo vệ môi trường là vấn đề sống còn của nhân loại” - Ảnh 3 TS. Trần Khắc Tâm cho rằng, vấn đề bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định tại COP26: “Là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu, Việt Nam đang hết sức nỗ lực để vừa ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa phát triển kinh tế để vươn lên, bảo đảm cuộc sống ngày càng tốt hơn cho mọi người dân, đồng thời đóng góp có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế”. Chưa hết, Thủ tướng còn cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Điều này cho thấy sự nỗ lực và quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc bảo vệ môi trường.

Trách nhiệm của toàn xã hội

-Vậy, bảo vệ môi trường là trách nhiệm của ai, thưa ông?

-Chúng ta đều hiểu rằng, việc bảo vệ môi trường, bảo vệ trái đất, bảo vệ hành tinh sống không phải là trách nhiệm của người này hay người khác, của quốc gia này hay quốc gia khác. Nó là trách nhiệm của toàn xã hội, của tất cả người dân trên Trái đất.

Tại Việt Nam, lâu nay các phương tiện truyền thông ra rả đưa tin tuyên truyền về việc bảo vệ môi trường. Tất nhiên, hiệu quả của nó đem lại cũng rất lớn nhưng có thực tế đáng buồn là nhiều người vẫn xem việc bảo vệ môi trường là của cơ quan chức năng. Họ không ý thức được rằng đó là hành động bảo vệ chính cuộc sống của mình và các thế hệ sau này.

-Được biết, ngoài việc đang giữ chức vụ Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, ông còn là Đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng. Vậy, vấn đề bảo vệ môi trường tại tỉnh Sóc Trăng đang được thực hiện như thế nào?

-Bảo vệ môi trường từ lâu đã được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế, xã hội tại Sóc Trăng. Trong những lần đi tiếp xúc cử tri, tôi nhận được rất nhiều tâm tư của bà con về vấn đề bảo vệ môi trường. Và tất nhiên, những tâm tư đó, tôi đều ghi chép cẩn thận và truyền tải đến các cơ quan chức năng theo đúng thẩm quyền.

Tại Sóc Trăng, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu luôn khẳng định quan điểm phát triển kinh tế phải gắn chặt chẽ với việc bảo vệ môi trường. Các trường hợp vi phạm pháp luật về môi trường bị xử lý nghiêm minh và không có vùng cấm.

Ngoài ra, tỉnh cũng có những chương trình nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp về tác hại của rác thải nhựa. Chúng tôi đẩy mạnh phong trào “chống rác thải nhựa”; hạn chế sử dụng và tiến tới nói không với việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần; tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai có hiệu quả mục tiêu của tỉnh Sóc Trăng về quản lý và giảm thiểu rác thải nhựa.

-Theo ông, để toàn xã hội chung ta bảo vệ môi trường, về giải pháp căn cơ, chúng ta cần làm gì?

-Tôi cho rằng, việc phạt một cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường chỉ là giải quyết phần ngọn. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền bảo vệ môi trường có hiệu quả nhưng chưa bao giờ là giải pháp triệt để. Mấu chốt của vấn đề này theo quan điểm cá nhân của tôi là việc giáo dục môi trường kết hợp với các giải pháp nêu bên trên. Gần đây, vấn đề giáo dục bảo vệ môi trường đã được đưa vào trường học từ các trường mẫu giáo đến đại học.

Thực tế cho thấy, trong quá trình giảng dạy, nhiều học sinh từ cấp mẫu giáo đã được tiếp xúc với những bài học về trồng cây xanh, tiết kiệm điện và phân loại rác. Nếu duy trì được xuyên suốt qua các cấp học, tôi tin rằng vấn đề bảo vệ môi trường sẽ được in đậm vào ý thức của thế hệ trẻ. Đây là phương pháp mà nhiều nước trên thế giới đã áp dụng từ khá lâu và có hiệu quả lâu dài.

Xin cảm ơn ông!

 “Bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu là những cụm từ, khẩu hiệu nghe có vẻ to tát nhưng thực ra đó là những hành động rất nhỏ, như nhặt một chiếc túi nilong, một chiếc chai nhựa bỏ vào thùng rác. Hay đó là tắt một chiếc bóng điện khi không dùng tới, trồng một cây xanh vào mảnh vườn sau nhà…”, Tiến sĩ Trần Khắc Tâm.

Văn Chương (Thực hiện)