Bảo vệ môi trường gắn với phát triển kinh tế – xã hội

Trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước giai đoạn 2021 – 2026 đã xác định: “… Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu”. Điều đó cho thấy vai trò của môi trường được đề cao song hành với phát triển kinh tế, văn hóa, con người trong xu thế hội nhập hiện nay.

Môi trường bao gồm các yếu tố tự nhiên và yếu tố vật chất tạo quan hệ mật thiết với nhau bao quanh con người, có ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và thiên nhiên. Trong bối cảnh quy mô nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, kéo theo nhiều hệ lụy về ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đòi hỏi phải có sự nhìn nhận sâu sắc về yếu tố môi trường để có các giải pháp bảo vệ môi trường một cách khoa học, bài bản.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định rõ: Bảo vệ môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố trung tâm, tiên quyết cho phát triển kinh tế – xã hội bền vững; bảo vệ môi trường phải phù hợp với trình độ phát triển kinh tế – xã hội. Các nội dung của Luật hướng trọng tâm đến bảo đảm sự hài hòa giữa môi trường, kinh tế và xã hội thông qua các quy định về phát triển kinh tế, xã hội phải gắn với bảo vệ môi trường, bảo đảm các yếu tố môi trường bền vững trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ngay từ cấp vĩ mô như xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển đều gắn với bảo vệ môi trường, đòi hỏi phải có đầy đủ đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường…; kiểm soát chặt chẽ các dự án, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; không tiếp nhận dự án đầu tư mới có hoạt động xả nước thải trực tiếp vào môi trường; khuyến khích các dự án, cơ sở thân thiện với môi trường, không có tác động lớn đến môi trường.
Đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh giai đoạn 2019-2025 khẳng định: Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn dân về bảo vệ môi trường, từ đó dẫn đến sự thay đổi nhận thức và hành vi của từng cá nhân, cộng đồng là yếu tố quyết định thành công trong chiến lược hành động vì môi trường sạch của tỉnh. Đồng thời, đẩy nhanh việc hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên gắn với phát triển kinh tế, xã hội, dần hình thành, vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn. Tiếp tục kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường theo hướng nâng cao năng lực, nhất là bộ máy quản lý môi trường ở các tập đoàn kinh tế, KCN, CCN. Tập trung khắc phục, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường ở các đô thị, CCN, làng nghề có nguy cơ làm suy thoái, cạn kiệt các nguồn tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường từ các cơ sở sản xuất. Cải thiện chất lượng môi trường nông thôn, tạo điều kiện sống xanh, sạch đẹp cho cư dân nông thôn gắn với xây dựng Nông thôn mới. Bảo vệ môi trường không khí, môi trường nước và kiểm soát chặt chẽ các tác động môi trường trong các hoạt động của doanh nghiệp. Thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng các-bon thấp, tái cấu trúc các ngành kinh tế theo hướng ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực tiêu tốn ít năng lượng, từng bước hạn chế phát triển các ngành kinh tế tiêu tốn nhiều năng lượng, gây ô nhiễm môi trường, phát thải khí nhà kính.
Với định hướng chiến lược đúng đắn, hệ thống các giải pháp đồng bộ, hiệu quả và sự quyết liệt, quyết tâm trong chỉ đạo, điều hành, Bắc Ninh sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu theo Chương trình nghị sự đến năm 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc, đó là duy trì tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững.                                                                                                                                        Nguồn:baobacninh.com.vn