Bản chất xã hội của pháp luật thể hiện ở?

Bản chất của pháp luật là gì? Bản chất xã hội của pháp luật thể hiện ở những khía cạnh nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau nhé!

1. Bản chất pháp luật là gì?

Pháp luật là một khái niệm quan trọng trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, quan điểm về bản chất của pháp luật lại khác nhau giữa các trường phái tư tưởng khác nhau.

Theo quan điểm thần học, pháp luật không có thuộc tính riêng mà nó phụ thuộc vào người nắm quyền, người đại diện. Tuy nhiên, quan điểm này đã bị thay đổi và bị thất thế trong xã hội hiện đại. Quan điểm tư sản về pháp luật là thể hiện ý chí của tất cả mọi người trong xã hội, do đó không mang tính giai cấp. Tuy nhiên, quan điểm này lại bị phản bác bởi các nhà lý luận pháp luật vì nó không thể giải thích được sự xuất hiện của các quy tắc pháp luật và sự thực thi của chúng trong xã hội.

Trái với các quan điểm trên, học thuyết Mác – Lênin cho rằng bản chất của pháp luật mang thuộc tính giai cấp và thuộc tính xã hội. Theo quan điểm này, pháp luật chỉ có thể phát sinh, tồn tại và phát triển trong xã hội có giai cấp. Bản chất của pháp luật thể hiện ở tính giai cấp của nó, không có “pháp luật tự nhiên” hay pháp luật không mang tính giai cấp. Học thuyết Mác – Lênin cũng chỉ ra rằng pháp luật được tạo ra và duy trì để bảo vệ lợi ích của giai cấp nắm quyền trong xã hội. Tuy nhiên, việc bảo vệ lợi ích của giai cấp nắm quyền cũng đồng nghĩa với việc bảo vệ lợi ích chung của xã hội, vì chỉ khi lợi ích chung được bảo vệ thì xã hội mới phát triển và ổn định.

Tóm lại, quan điểm về bản chất của pháp luật có sự khác biệt rõ rệt giữa các trường phái tư tưởng khác nhau. Học thuyết Mác – Lênin với quan điểm pháp luật mang tính giai cấp và tính xã hội được xem là quan điểm phù hợp với thực tiễn và được chấp nhận nhiều nhất hiện nay.

 

2. Bản chất xã hội của pháp luật

Trước tiên, bản chất xã hội của pháp luật được thể hiện ở chính định nghĩa về pháp luật. Theo đó, pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự chung do nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận và bảo đảm thực hiện để điều chỉnh các quan hệ xã hội theo mục đích, định hướng của nhà nước. Pháp luật được tạo ra từ yêu cầu và đòi hỏi của đời sống cộng đồng, pháp luật được tạo ra để giải quyết các vấn đề xảy ra trong quá trình giao tiếp xã hội giữa các chủ thể với nhau. 

Pháp luật được xem là những chuẩn mực chung của xã hội, thể hiện ý chí và phản ánh lợi ích chung của toàn xã hội. Các quy phạm pháp luật được thiết lập và áp dụng trong thực tiễn đời sống xã hội, do thực tiễn cuộc sống đòi hỏi và cung cấp cho chúng ta một cơ chế để điều chỉnh hành vi của mọi người. Mỗi quy định của pháp luật đều là một kết quả chọn lọc tự nhiên những cách thức xử sự trong xã hội. Pháp luật là công cụ cơ bản nhất đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức và quản lý đời sống, nhằm thiết lập, củng cố và bảo vệ trật tự xã hội trên mọi lĩnh vực của đời sống. 

Pháp luật là phương tiện để giải quyết khía cạnh “xã hội” của đời sống xã hội như: phòng chống và khắc phục hậu quả chiến tranh, thiên tai, phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ người lang thang, cơ nhỡ,… Nói cách khác, pháp luật luôn hàm chứa các giá trị xã hội phổ biến, thuộc về con người. Pháp luật luôn phản ánh điều kiện kinh tế, xã hội, những quan niệm đạo đức truyền thống tốt đẹp, thuần phong, mỹ tục… của dân tộc. Trong điều kiện hiện nay, để thúc đẩy sự phát triển của xã hội, đòi hỏi pháp luật của mỗi nước phải có sự phù hợp nhất định đối với thông lệ khu vực và thế giới.

Các quy phạm pháp luật được thực hiện trong thực tiễn đời sống xã hội, và tồn tại vì sự phát triển của xã hội. Thực tế cho thấy, tính xã hội của pháp luật không ổn định và vẫn luôn có sự thay đổi theo từng kiểu xã hội. Cùng với sự phát triển của xã hội, tính xã hội của pháp luật ngày càng trở nên rộng rãi và sâu sắc hơn. Ví dụ như: So với pháp luật ngày nay, ý nghĩa xã hội của pháp luật chủ nô, phong kiến nhìn chung còn nhiều hạn chế. Trên bình diện xã hội, pháp luật thời kì này chủ yếu đóng vai trò là công cụ đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, trừng trị tội phạm, bảo vệ các công trình công cộng. Pháp luật tư sản ra đời đã thể hiện sự tiến bộ hơn so với pháp luật phong kiến Phạm vi điều chỉnh của pháp luật được mở rộng, pháp luật điều chỉnh các quan hệ trên hầu hết các lĩnh vực của đời sống, từ các quan hệ trong gia đình đến các quan hệ kinh tế, văn hóa, xã hội trong đời sống cộng đồng. Pháp luật trở thành công cụ quan trọng để điều tiết các quan nên kinh tế thị trường, thiết lập địa vị pháp lí bình đẳng giữa các cá nhân trong xã hội, hướng tới bảo vệ các quyền con người, quyền công dân. Bước sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, do bị lũng đoạn bởi các tập đoàn tư bản độc quyền lại bị lún sâu vào các cuộc chiến tranh xâm chiếm và mở rộng lãnh thổ, vai trò và ý nghĩa xã hội của pháp luật tư sản thời kì này có nhiều hạn chế. Từ sau chiến tranh thế giới thứ hai trở lại đây, pháp luật tư sản ngay càng tỏ ra dân chủ nhân đạo, đảm bảo công bằng, bình đẳng, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm sự ổn định, chống khủng hoảng xã hỏi, bảo đảm sự phát triển bên vững của xã hội. Trong điều kiện ngày nay, pháp luật được xem như là công cụ quan trọng để chống lại sự tha hóa của quyền lực nhà nước, bảo vệ con người, bảo vệ công lí. Pháp luật xã hội chủ nghĩa thể hiện tính xã hội rộng rãi và sâu sắc nhất so với tất cả các kiểu pháp luật trước đó. Nó là công cụ giải phóng con người khỏi mọi áp bức bất công, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống tự do, hạnh phúc, trong đó các giá trị con người được thừa nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ. Pháp luật xã hội chủ nghĩa là pháp luật vì con người, nhằm phục vụ con người, đảm bảo cho con người có điều kiện phát huy tài năng, phát triển toàn xã hội.

Tính xã hội của pháp luật không chỉ phản ánh ý chí của giai cấp thống trị mà còn phản ánh nhu cầu, lợi ích của các giai cấp và các tầng lớp khác nhau trong xã hội. Nó phụ thuộc vào mối quan hệ xã hội của Nhà nước trong thời kỳ đó. Trong quan điểm của học thuyết Mác – Lênin, bản chất xã hội của pháp luật mang tính giai cấp và là một phần trong mối quan hệ sản xuất và sự phân hoá giai cấp trong xã hội. Vì vậy, có thể kết luận rằng pháp luật mang bản chất xã hội do pháp luật bắt nguồn từ thực tiễn đời sống xã hội, được thiết lập để giải quyết các vấn đề xã hội và phản ánh các mối quan hệ xã hội trong xã hội. 

Như vậy, nói pháp luật có bản chất xã hội là bởi bản chất xã hội được thể hiện ở rất nhiều phương diện. Pháp luật bắt nguồn từ các nhu cầu của xã hội và được phát triển theo cách thức phù hợp với sự phát triển của xã hội. Pháp luật được coi là hệ thống quy tắc xử sự chung của một xã hội và đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội theo mục đích, định hướng của Nhà nước. Các quy tắc này được đặt ra hoặc thừa nhận bởi Nhà nước và bảo đảm thực hiện bởi các thành viên của xã hội. Đồng thời, việc đảm bảo tuân thủ pháp luật là một trong những yếu tố quan trọng giúp tạo ra một xã hội công bằng, văn minh và phát triển. Các quy tắc pháp luật giúp đảm bảo sự bình đẳng và công bằng trong các mối quan hệ xã hội, và đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của các cá nhân và tổ chức trong xã hội. Do đó, dù pháp luật ở thời kì nào, bản chất xã hội vẫn luôn tồn tại theo những cách khác nhau.

Trên đây là các thông tin liên quan đến bản chất xã hội của pháp luật. Hy vọng bài viết đã đem đến cho bạn đọc những kiến thức bổ ích. Xin chân thành cảm ơn bạn đọc đã quan tâm theo dõi!