Bài 4: Đổi mới và phát triển nội hàm về chủ nghĩa xã hội Việt Nam

Chủ nghĩa xã hội là văn hóa, là đạo đức, văn minh được kết tinh và thể hiện tập trung ở Đảng

Thứ nhất, CNXH là Đất nước độc lập, Tổ quốc phồn vinh, Nhân dân hạnh phúc. Không thể có một nền độc lập chân chính nếu quốc gia dân tộc không có quyền tự quyết, dân tộc không thể có chủ quyền thực sự nếu không thống nhất toàn vẹn, nhân dân không thể có tự do nếu dân tộc bị lệ thuộc vào dân tộc khác hoặc đất nước bị hay tự cùm trói mình bởi quốc gia khác, dù dưới hình thức này hay mức độ kia. Đó là khát vọng cháy bỏng và tiếng gọi thiêng liêng của thời đại đối với tất cả các quốc gia dân tộc trên thế giới hiện nay. Nền độc lập hoàn toàn, thật sự ấy, phải là quyền tự nhiên, thiêng liêng, vô cùng quý giá và bất khả xâm phạm của các quốc gia dân tộc.   

Để xây dựng, phát triển và bảo vệ nền độc lập dân tộc ấy, Dân tộc độc lập trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao. Đó chính là chủ quyền quốc gia tự quyết. Nước Việt Nam là của người Việt Nam, do Dân tộc Việt Nam quyết định, Nhân dân Việt Nam không chấp nhận bất cứ sự can thiệp nào từ bên ngoài. Đó là hiện thân và sự phát triển của tinh thần độc lập tự do, thống nhất quốc gia, danh dự của dân tộc trải mấy nghìn năm, không gì và không lực lượng nào có thể làm vấy bẩn, đe dọa và khuất phục nổi!

Đó không chỉ là nhu cầu của sự tồn tại dân tộc, nhu cầu tình cảm dân tộc mà còn trở thành động lực cách mạng, nên sức mạnh tổng hợp bảo đảm cho công cuộc bảo vệ nền độc lập, chủ quyền đất nước và sự thống nhất toàn vẹn của Tổ quốc và “đó là con đường sống của Nhân dân Việt Nam”, với chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Đó là thước đo sự trưởng thành của nền độc lập dân tộc thấm đẫm tinh thần phát triển, tiến bộ và tính nhân văn cao cả, tính triệt để cách mạng. Đó không chỉ là lý tưởng mà còn là lẽ sống của Dân tộc ta, đồng thời, còn là mục tiêu và nguồn cổ vũ chung đối với các dân tộc bị áp bức và nô dịch trên toàn thế giới. Đó chính là sự phát triển tới đỉnh cao sự thống nhất sức mạnh dân tộc Việt Nam hòa trong dòng chảy sức mạnh và sự phát triển của thời đại. 

Lịch sử Dân tộc gần 100 năm nay, càng sáng tỏ một bài học lớn về giá trị của độc lập không có nghĩa là tự cô lập mình, tự mình khép kín và sự kiên quyết bảo vệ nền độc lập đó, quyết không bị chi phối hay bị lệ thuộc từ bất cứ phía nào trên con đường phát triển đất nước nhân văn và thịnh vượng… Đó là nghệ thuật phát triển sự độc lập sáng tạo, thống nhất trong đa dạng, tự chủ và tự quyết của chúng ta trên con đường vươn tới hùng cường, trong dòng chảy của thời đại ngày nay. 

Độc lập dân tộc là điều kiện nền tảng để thực hiện mục tiêu để mỗi một người Dân đạt tới hạnh phúc, tự do. Việc giành lại nền độc lập của dân tộc không phải là mục đích cuối cùng mà là điều kiện để lại tự do, hạnh phúc cho Nhân dân. Độc lập dân tộc vì và cho Nhân dân ta được hoàn toàn tự do, được hưởng hạnh phúc – một phẩm giá Dân tộc cao cả và thiêng liêng nhất –  một tuyên ngôn chính trị hàm súc và nhân văn vô song của Đảng. Nếu không như thế, không thể nói và hành động gắn bó mật thiết với Nhân dân, sống giữa lòng Dân, phải luôn thấu hiểu đời sống, tình hình, tâm lý, tâm tư, nguyện vọng Nhân dân; càng không thể xây dựng nước ta thật sự là một nước dân chủ, tự cường, xứng đáng với Nhân dân; và càng không thể gìn giữ sự thống nhất của Tổ quốc, vì sự trường tồn của Dân tộc và vì nền độc lập của đất nước. Do đó, việc mang tầm chiến lược nhưng cấp bách nóng bỏng hiện nay, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về Nhân dân, do Nhân dân và phục vụ lợi ích của Nhân dân”.

Theo đó, Đảng kiên quyết trừng phạt bất kỳ ai với tinh thần Đảng cương bất vị nể, không vùng cấm, không ngoại lệ khi bất cứ ai cam tâm chà đạp và đục khoét Nhân dân, ăn trộm quốc khố, ăn cắp chức vụ, sống phù hoa xa xỉ…; Nhà nước không dung thứ bất cứ những thế lực nào nhân danh đổi mới, mở cửa âm mưu và làm hại Nhân dân và chống phá đất nước dưới mọi hình thức và mức độ một cách dân chủ và kỷ cương với tinh thần Quốc pháp tối thượng. Không vun đắp và Hiến định từ Gốc một cách dân chủ mọi quyền hành và trách nhiệm của Nhân dân, quốc gia tất bại vong! Nhìn xa hơn, đó chính là mệnh lệnh của công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ trong tầm nhìn tới năm 2030, 2045.            

Thứ hai, CNXH là văn hóa. Sự lựa chọn định hướng của tiến trình phát triển Việt Nam qua hơn 92 năm tất yếu là CNXH. Xét từ chiều sâu bản chất của nó, chủ nghĩa xã hội chính là một hình thái phát triển của văn hóa tương lai. Nói như K.Marx: Chủ nghĩa cộng sản coi như chủ nghĩa tự nhiên hoàn bị = chủ nghĩa nhân đạo. Nói khái quát, đó là văn hóa của sự phát triển mạnh mẽ và bền vững. 

Hiện nay, trên con đường tiến lên CNXH, dưới sự lãnh đạo của Đảng, càng không thể nằm ngoài quy luật của muôn đời ấy. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định:“Định hướng xã hội chủ nghĩa là văn hóa”. Nói cách khác, văn hóa của sự phát triển bền vững của chúng ta, chính là CNXH. Vì, dù hiểu dưới bất cứ góc độ nào, mà ở đây, dưới góc độ văn hóa, thì CNXH chính là một nấc thang phát triển, một trình độ cao của văn hóa. Bởi vậy, điều trở nên rõ ràng, như một tất yếu, định hướng XHCN là văn hóa phát triển bền vững của Việt Nam. Nền văn hóa dân tộc, hiện đại có nghĩa là gìn giữ được và giới thiệu với thế giới những nét hay, nét đẹp của văn hóa Việt Nam, đồng thời tiếp thu một cách có chọn lọc những tinh hoa của văn hóa thế giới để làm giàu cho văn hóa Việt Nam mà vẫn giữ gìn được bản sắc, cốt cách văn hóa Việt Nam, không bị trộn lẫn hay hòa tan vào văn hóa thế giới và góp phần làm phong phú hơn nền văn hóa nhân loại… làm xuất phát điểm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt vấn đề: Muốn độc lập tự chủ, muốn giữ vững định hướng XHCN, bên cạnh những nhiệm vụ về kinh tế, phải xây dựng thành công một nền văn hóa dân tộc, hiện đại.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo những vấn đề lý luận cơ bản và phương hướng chủ yếu nhằm xây dựng, phát triển một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đó chính là mục tiêu, là động lực của sự phát triển của dân tộc Việt Nam được khởi nguồn, nuôi dưỡng từ truyền thống văn hóa nghìn năm của dân tộc, trong thời đại mới. Từ “Đề cương văn hóa năm 1943 và công cuộc đổi mới hôm nay”, “Ba yêu cầu lớn của công tác tư tưởng văn hóa”, “Sự nghiệp văn hóa ở nước ta: Quan điểm và phương hướng phát triển”… tới “Để góp phần làm cho Tổ quốc ta, dân tộc ta mãi mãi rạng danh là một quốc gia văn hiến, một dân tộc văn hóa”, “Tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa, thực hiện công bằng xã hội”, “Quyết tâm chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”… hợp thành một hệ thống vấn đề văn hóa làm sâu sắc hơn những quan điểm lý luận cơ bản của Đảng ta về văn hóa và phát triển nền văn hóa Việt Nam trong sự phát triển tòan diện của đất nước, với tư cách: Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi, như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định.

Tổng Bí thư khẳng định và cổ vũ thực tiễn phát triển của nền văn hóa Việt Nam từ các góc độ, các lĩnh vực của văn hóa cụ thể, tất cả tạo nên diện mạo, phong cách, tố chất và bản lĩnh văn hóa Việt Nam phong phú, đa dạng, muôn sắc màu vận động một cách thống nhất trong nền văn hóa XHCN Việt Nam đầy sức sống vừa dân tộc vừa hiện đại, tạo nên cốt cách, khí phách và bản lĩnh sống Việt Nam trên con đường XHCN. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, trong cuộc thách thức “mất còn” hiện nay, xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc càng trở nên quan trọng và cấp bách hơn bao giờ hết.

Từ quan điểm “Văn hóa là hồn cốt của Dân tộc, nói lên bản sắc của Dân tộc. Văn hóa còn thì Dân tộc còn…”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo 6 nhiệm vụ chấn hưng văn hóa dân tộc: Một là, khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc. Hai là, tập trung vào xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập. Ba là, phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa. Bốn là, phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hóa của nhân dân, trong đó đề cao, phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, của những người làm công tác văn hóa. Năm là, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, về đạo đức, nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu quả quản lý của Nhà nước, sự tham gia tích cực của MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội trong sự nghiệp phát triển văn hóa. Và sáu là, xây dựng môi trường văn hóa số và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh. Tới đây, lại nhớ ông Bao-lô-xu-ây-xi – một người Mỹ, từng viết trong cuốn sách “Vấn đề chủ nghĩa xã hội thế giới đương đại” của mình, rằng: Nếu CNXH dùng trí lực của nhân loại – giống như K.Marx đã nói – thế thì, rất rõ ràng, ngoài CNXH không có sự cứu thế nào khác.

Kiến giải mối quan hệ giữa “Công cuộc đổi mới và vai trò lãnh đạo của Đảng”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giải quyết những vấn đề cơ bản về bản chất của Đảng, các quy luật, các nguyên tắc xây dựng Đảng, từ đó khẳng định sự cần thiết khách quan phát triển văn hóa chính trị mà tập trung thể hiện ở hệ thống chính trị mà rường cột là Đảng cầm quyền với địa vị và những phẩm chất cần có trước yêu cầu phát triển mới của đất nước. Từ yêu cầu này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo tổng kết một cách cơ bản các bình diện tổ chức thực tiễn vĩ mô sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc đổi mới: “Kinh tế thị trường và vai trò lãnh đạo của Đảng”, “Xây dựng Nhà nước XHCN thật sự của dân, do dân và vì dân”, “Cải cách nền hành chính quốc gia: quan điểm và giải pháp”, “Liên hệ chặt chẽ với quần chúng – một bài học lịch sử vô giá”, “Đảng và quần chúng trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội”, “Sự lãnh đạo của Đảng và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân”… Đồng thời, qua đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phê phán những nhận thức lệch lạc, tư tưởng sai lầm, luận điệu thù địch cố tình xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bôi nhọ Đảng, phủ định sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng: “Luận điệu mới của các thế lực chống Đảng Cộng sản”, “Về nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng”, “Vì sao Đảng Cộng sản Liên Xô tan rã?”…

Tất cả hợp thành một hệ thống các vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản và chủ yếu của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị và phát triển văn hóa chính trị Việt Nam trong cuộc đổi mới, hơn 35 năm qua. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kỳ vọng: “… Với một Đất nước, một Dân tộc trọng văn hiến, trọng hiền tài, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng; Nhân dân đoàn kết, cần cù, sáng tạo; đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ tâm huyết, tài năng, có trách nhiệm cao với Nhân dân, với Đảng, với Tổ quốc và tương lai của Dân tộc; cùng với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, nhất định chúng ta sẽ khắc phục được mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức để chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp tục làm vẻ vang thêm cho Dân tộc, cho Giống nòi, tạo thành sức mạnh vô song để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, Nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, Đất nước ta ngày càng phồn vinh, xứng đáng với truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng của một Dân tộc anh hùng, sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới”.

CNXH là văn hóa, là đạo đức và văn minh được kết tinh và thể hiện tập trung ở Đảng – người dẫn dắt công cuộc đổi mới XHCN toàn diện, đồng bộ – bảo đảm “Đảng vững mạnh, Đất nước phát triển, Dân tộc trường tồn!”.

Kiên quyết đổi mới – giữ vững ổn định và phát triển không ngừng

Trong lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn ở tầm vĩ mô, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đổi mới, ổn định và phát triển không tồn tại biệt lập, không đối lập nhau mà nương tựa vào nhau cùng tạo ra sự phát triển chung của quốc gia. Đổi mới, ổn định và phát triển đều do con người và vì con người”.

Con đường và cách thức đi tới mục tiêu trên phải bảo đảm kết hợp chặt chẽ sự kiên định về chiến lược với sự uyển chuyển và mềm dẻo về sách lược. Phải căn cứ vào tình hình cụ thể mỗi giai đoạn để quyết định lựa chọn những phương thức thực hiện phù hợp và hiệu quả. Mặt khác, phải thận trọng lựa chọn đúng, trúng những mắt khâu trọng điểm, có tính chất đột phá, tập trung sức đủ mạnh giải quyết một cách dứt điểm, hiệu quả tạo đà giải quyết đồng bộ và toàn diện các vấn đề của đời sống kinh tế, xã hội. Nói cách khác, đổi mới – ổn định – và phát triển phải được xem là phương châm chỉ đạo hàng đầu của sự phát triển XHCN.

Vì thế, càng phải nắm vững và khẳng định, đổi mới chính trị không phải là làm thay đổi chế độ chính trị, thay đổi bản chất của Đảng ta, Nhà nước ta, mà là đổi mới cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy, kiện toàn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đổi mới phương thức công tác, lề lối làm việc, cải cách hành chính, chống tệ quan liêu, lãng phí, tham nhũng gây phiền hà cho dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia. Điều đó xua tan những ý kiến còn bối rối hay ngại ngần khi nói đến đổi mới chính trị, càng xa lạ, đối lập như nước với lửa với những ai đó đang cổ xúy quá khích cho cái gọi là “đổi mới chính trị là thay đổi chế độ chính trị”(!). Nói cách khác, đổi mới chính trị là đổi mới tư duy, tìm tòi phương lược, hoạch định cơ chế, lộ trình phù hợp, giải quyết đúng đắn quy luật về các mối quan hệ chính trị trong phát triển kinh tế – xã hội đất nước.

Tất cả nhằm thực hiện mục tiêu cao cả: Bảo vệ và phát triển lợi ích của mỗi người, của từng tổ chức trong xã hội, làm nền tảng lợi ích tối thượng của quốc gia Việt Nam XHCN trong thế giới đương đại. Nói cụ thể, lợi ích chính trị của đất nước Việt Nam phải là hạt nhân mà mọi sự đổi mới chính trị dù ở góc độ nào, mức độ tới đâu và bất cứ phương diện nào… đều phải xoay chung quanh nó, dưới ngọn cờ của Đảng.

Chưa bao giờ như bây giờ, lịch sử dân tộc càng cho thấy, lợi ích quốc gia – dân tộc của chúng ta là cụ thể: sự toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng và quyền tự quyết dân tộc vô giá! Không có độc lập tự do, chúng ta không thể giữ vững nền chính trị, càng không thể nói về đổi mới hay cải cách chính trị hay đổi mới kinh tế…

Đó là cái bất biến chúng ta cần nắm chắc, để chủ động hành xử trước mọi sự đổi thay của thời cuộc, của thế giới trong lộ trình giữ vững ổn định, không ngừng đổi mới, vì sự phát triển đất nước hùng cường.

Theo đó, một cách tự nhiên, tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ hiện nay, không gì khác ngoài mục tiêu phát triển của đất nước. Đổi mới để phát triển và phát triển là thước đo của đổi mới và ổn định. Vì vậy, hiện nay, phải lấy sự phát triển đất nước làm mục tiêu và động lực của sự ổn định cao hơn và bền vững, và đến lượt nó, sự ổn định làm nền móng và động lực của sự phát triển không ngừng. Đó là đẳng cấp mới về mối quan hệ “đổi mới, ổn định và phát triển”.

Việc đẩy nhanh tốc độ phát triển của đất nước sẽ kém hiệu quả hay trở thành ảo tưởng được quyết định ở chỗ, chúng ta có xây dựng được hay không những động lực căn bản và đủ mạnh hay không. Đây là nhân tố bảo đảm sự ổn định đất nước và cũng chính là phát triển đất nước trong công cuộc đổi mới. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Có thể nói, mối quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển là vấn đề có tính quy luật trong sự nghiệp xây dựng CNXH ở nước ta. Con đường và xu thế tất yếu của phát triển Việt Nam thời kỳ đương đại chỉ có thể là đổi mới, mở cửa, tích cực hội nhập quốc tế”.

Mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH phải trở thành nhân tố quán xuyến và điều chỉnh tất cả các quan hệ “hợp tác và đấu tranh”, trong mọi sự khác biệt và tương đồng về lợi ích giai cấp và dân tộc, tầng lớp này và tầng lớp khác, cộng đồng và cá nhân, trong nước và ngoài nước, nước ta và nước khác…, trên tất cả các phương diện kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng…, ở mọi bình diện lợi ích về chính trị tư tưởng hay vật chất và tinh thần… thông qua một hệ chính sách đúng đắn, phù hợp và hiệu quả nhằm tạo thành nguồn lực tổng hợp để phát triển đất nước.                  

Nói khái quát, chúng ta giải quyết đúng đắn và hiệu qủa mối quan hệ giữa nhân tố bên trong và nhân tố bên ngoài, giữa nhân tố nội sinh và nhân tố ngoại lực, giữa nhân tố chủ quan và nhân tố khách quan, trên nền tảng pháp lý và truyền thống nhằm vừa bảo đảm độc lập tự chủ vừa tranh thủ sự giúp đỡ của quốc tế để phát triển đất nước. Nếu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, bền vững và ngang tầm thời đại là con đường XHCN Việt Nam thì động lực chủ yếu của đất nước trên con đường ấy là đại đoàn kết toàn dân tộc gắn chặt với đại đoàn kết quốc tế là động lực quan trọng, bảo đảm sự ổn định, đổi mới và phát triển đất nước.

Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 21.

Nguyễn Phú Trọng: Vì một nền văn hóa Việt Nam dân tộc, hiện đại, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2002,  tr.62.

Nguyễn Phú Trọng: Vì một nền văn hóa Việt Nam dân tộc, hiện đại, Sđd,  tr. 78.

Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 157.

Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd,  tr. 157.

Nguyễn Phú Trọng: Đảng Cộng sản Việt Nam trong tiến trình đổi mới đất nước, Sđd, tr. 307.

Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 177.

Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 213.

GS, TS.Nguyễn Phú Trọng (chủ biên): Về các mối quan hệ lớn cần được giải quyết tốt trong quá trình đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội,  Sđd, tr. 24.

GS. TS. Nguyễn Phú Trọng (Chủ biên): Về các mối quan hệ lớn cần được giải quyết tốt trong quá trình đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội, Sđd, tr. 43.