Bài 1: Nhận diện đúng tham nhũng để phòng ngừa, ngăn chặn từ xa
Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được Đảng ta tiến hành thường xuyên lâu nay, nhưng chưa bao giờ quyết liệt, bài bản, hiệu quả như những nhiệm kỳ gần đây. Chính đó là hiện thực sinh động để Tổng Bí thư tổng kết, đúc rút những vấn đề mang tính lý luận, thể hiện một tầm nhìn mới, quyết tâm mới, nhằm làm trong sạch đội ngũ cán bộ của Đảng.
Với hơn 620 trang, cuốn sách đã nêu và trả lời thấu đáo các vấn đề lớn, đó là: Tham nhũng, tiêu cực là gì? Tác hại ra sao? Nhận thức của Đảng và Nhà nước ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực? Những kết quả đạt được và bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn? Đặc biệt là phải làm gì và làm như thế nào để tiếp tục ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể” tham nhũng, tiêu cực; một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để “không dám” tham nhũng, tiêu cực; xây dựng văn hóa liêm chính để “không muốn” tham nhũng, tiêu cực; và một cơ chế bảo đảm để “không cần” tham nhũng, tiêu cực – (trang 37).
Truy tìm căn nguyên để trị tận gốc tham nhũng
Trước đây, chúng ta chủ yếu quan tâm đến tác hại của tham nhũng về kinh tế và vụ việc xảy ra ở các cơ quan công quyền; việc chống tham nhũng cũng chỉ tập trung vào các hành vi tham ô, chiếm đoạt, nhận hối lộ, đưa hối lộ, làm thất thoát tài sản nhà nước. Theo Tổng Bí thư, tham nhũng, tiêu cực hiện nay đã lan rộng ra cả khu vực ngoài nhà nước, ngày càng phức tạp và nguy hại hơn nhiều. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một việc làm cần thiết, tất yếu; một xu thế không thể đảo ngược.
Không ít vụ án xảy ra gần đây như, lợi dụng chính sách của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống đại dịch Covid-19 liên quan đến Công ty Việt Á, các “chuyến bay giải cứu” để trục lợi; vụ việc xảy ra tại các tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh; nhận hối lộ tại các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới, cho thấy đúng như vậy. Tham nhũng, tiêu cực len lỏi vào cán bộ ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, địa phương và có tính hệ thống. Tham nhũng, tiêu cực không chỉ làm thất thoát tài sản của công mà còn làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ, làm ảnh hưởng không nhỏ đến một số hoạt động trong đời sống xã hội, như tình trạng ùn ứ đăng kiểm xe cơ giới đang diễn ra những ngày qua. Từ Hội nghị giữa nhiệm kỳ Đại hội VII của Đảng, tham nhũng đã được cảnh báo là một trong bốn nguy cơ và đến Đại hội XIII được xác định là một trong những nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của Đảng và chế độ.
Hệ thống hóa quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư, cuốn sách mang đến cho người đọc nhiều thông tin mới, nhận diện có chiều sâu về tham nhũng, từ đó chỉ ra cái gốc của vấn đề. Lần đầu tiên mối quan hệ giữa tham nhũng và tiêu cực được tác giả đưa ra và phân tích một cách cặn kẽ, thấu đáo. Phạm vi của tiêu cực cần tập trung phòng, chống là những hành vi liên quan đến tham nhũng, đó là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Tác giả cho rằng, nguyên nhân cơ bản, trực tiếp của tham nhũng là do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tiêu cực là môi trường làm nảy sinh tham nhũng; và tham nhũng tác động trở lại làm trầm trọng hơn tình trạng tiêu cực. Đây mới là cái gốc của tham nhũng. Cán bộ không suy thoái, hư hỏng thì không xảy ra tham nhũng. Chính vì vậy, tác giả khẳng định, phòng, chống tiêu cực, mà trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, tức là trị tận gốc tham nhũng.
Xây dựng và thực hiện đồng bộ cơ chế “bốn không”
Một trong những điều mà tác giả trăn trở, nung nấu từ khi còn là cán bộ nghiên cứu ở Tạp chí Cộng sản với nhiều bài viết tâm huyết được đưa vào cuốn sách lần này, đó là làm gì và làm như thế nào để đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực. Là người trực tiếp chỉ đạo cuộc chiến với thứ “giặc nội xâm” này và mang tầm tư duy vượt trội, tác giả cuốn sách đã đúc kết tám bài học kinh nghiệm; chỉ ra năm nhiệm vụ giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, nhiệm vụ hàng đầu là tập trung làm thật tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng văn hóa liêm chính, đề cao trách nhiệm nêu gương, quyết liệt, nói đi đôi với làm của cán bộ đảng viên, nhất là người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Như tác giả đã chỉ rõ, cái gốc của tham nhũng là sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống. Vì thế tham nhũng chỉ có thể bị đẩy lùi khi chúng ta ngăn chặn được sự suy thoái trong cán bộ, đảng viên. Các Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI, XII và Kết luận 21 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII cũng đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng suy thoái trong Đảng. 14 bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư về xây dựng Đảng từ những năm đầu đổi mới đất nước đến nay in trong cuốn sách thể hiện rõ quan điểm đó. Vấn đề căn bản trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là phải phòng ngừa từ xa, từ sớm, đặc biệt là phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Trong đó trọng tâm vẫn là đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch, công bằng, xây dựng môi trường tốt nhất cho cán bộ cống hiến, đồng thời có cơ chế, siết chặt kỷ cương, xử lý nghiêm minh mọi vi phạm. Khi có đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên như Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn thì đó sẽ là “bức tường” vững chắc nhất ngăn chặn không cho tham nhũng, tiêu cực xâm nhập vào.
Phòng, chống tham nhũng là chống lại những thói hư, tật xấu của cán bộ. Nhưng tham nhũng cũng là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực. Cho nên, đây là cuộc chiến phức tạp, nhạy cảm, phải kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, không nghỉ, không ngừng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ; lấy phòng ngừa là chính, là cơ bản, lâu dài, chống là quan trọng cấp bách; xử lý một vài người để cứu muôn người, xử lý một vụ để cảnh tỉnh cả vùng. Khi phát hiện vi phạm thì xử lý kịp thời, đồng bộ giữa thi hành kỷ luật đảng với kỷ luật hành chính và xử lý hình sự, nghiêm minh nhưng rất nhân văn. Điều quyết định vẫn là phòng ngừa từ sớm, từ xa để không xảy ra tham nhũng, tiêu cực mới là thành công.
Là tài liệu quan trọng đặc biệt, cuốn sách của Tổng Bí thư mang một thông điệp mạnh mẽ với một cách nhìn toàn diện, biện chứng, thật sự là “cẩm nang” trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.
“Phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người, trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình; liên quan đến lợi ích, chức vụ, danh vọng, uy tín của tổ chức, cá nhân. Vì vậy, phải có thái độ thật kiên quyết, không khoan nhượng và hành động thật quyết liệt, cụ thể, hiệu quả. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về những yếu kém, sai phạm về tham nhũng trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Người được giao chức vụ, quyền hạn phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa; đồng thời phải tăng cường giám sát, kiểm soát có hiệu quả việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn”. (Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2023, trang 129).
(Còn nữa)