Ai sẽ được thuê nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật?

Nhà ở xã hội cho thuê cần được ưu tiên phát triển.

Nhà ở xã hội là nhà thuộc quản lý của nhà nước. Nó không phải là nhà chất lượng thấp, thiếu điều kiện hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ. Càng những thành phố lớn thì nhu cầu về nhà ở xã hội càng tăng cao. Theo thống kê cho thấy, TP. Hà Nội cần 111.200 căn, TP.Hồ Chí Minh dẫn đầu với 134.000 căn. Ta có thể thấy nhu cầu về nhà ở xã hội khá cao và chủ đầu tư cũng được ưu đãi. Nhưng đến nay nhiều địa phương vẫn chưa lập và phê duyệt dự án phát triển nhà ở xã hội.


Nguồn ảnh: Internet

Những đối tượng được thuê nhà ở xã hội

Theo nghị định về quản lý sử dụng nhà thuộc sở hữu nhà nước, có hiệu lực thi hành từ ngày 6/6/2013, có 8 đối tượng được thuê nhà ở xã hội gồm: người có công với cách mạng quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan hành chính, sự nghiệp, cơ quan Đảng và đoàn thể hưởng lương từ ngân sách nhà nước; sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân hưởng lương từ ngân sách nhà nước; công nhân làm việc tại khu công nghiệp, cụm khu công nghiệp và các cơ sở sản xuất, dịch vụ ngoài khu công nghiệp; người thu nhập thấp, hộ nghèo có khó khăn về nhà ở tại khu vực đô thị. Trong đó, người thu nhập thấp là người không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.

Ngoài ra còn có các đối tượng là người khuyết tật, người già cô đơn và các đối tượng đặc biệt có khó khăn về nhà ở tại khu vực đô thị. Trường hợp là người khuyết tật, người già cô đơn không nơi nương tựa, không có thu nhập thì được bố trí ở tại các trung tâm bảo trợ xã hội của nhà nước; các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ khi hết tiêu chuẩn được thuê nhà ở công vụ và hộ gia đình, cá nhân thuộc diện tái định cư mà chưa được bố trí đất ở hoặc nhà ở tái định cư cũng thuộc diện được thuê, thuê mua nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước.

Theo nghị định, để được thuê, mua nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước, các đối tượng trên phải đáp ứng các điều kiện như: chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình và chưa được thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được nhà nước hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng nhà ở chật chội có diện tích bình quân hộ gia đình dưới 5 m2sàn/người hoặc nhà ở hư hỏng, dột nát.


Nguồn ảnh: Internet

Đồng thời, các đối tượng này phải có hộ khẩu thường trú hoặc có hợp đồng lao động có thời hạn từ một năm trở lên và có đóng bảo hiểm xã hội tại địa phương nơi có nhà ở cho thuê. Riêng đối tượng hộ gia đình, cá nhân thuộc diện tái định cư mà chưa được bố trí đất ở hoặc nhà ở tái định cư thì không áp dụng các điều kiện nêu trên mà do UBND cấp tỉnh quy định cụ thể về điều kiện.

Ngoài ra, đối với trường hợp thuê mua nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước thì phải thanh toán ngay lần đầu số tiền thuê mua bằng 20% giá trị của nhà ở thuê mua. Đối với việc quản lý, sử dụng nhà thuộc sở hữu nhà nước, Chính phủ quy định nghiêm cấm sử dụng nhà vào mục đích khác, không phải để ở; tự ý phá dỡ, sửa chữa, cải tạo hoặc xây dựng lại nhà đang thuê của nhà nước. Chính phủ cũng nghiêm cấm việc chuyển nhượng hợp đồng thuê, thuê mua hoặc cho thuê lại trái quy định.

Tào Thanh Huyền (TH)