Ai dễ bị rối loạn lo âu xã hội như Lương Triều Vỹ?

Truyền thông thế giới những ngày qua đã bất ngờ khi ngôi sao điện ảnh hàng đầu châu Á Lương Triều Vỹ hôm 30.1 mở tài khoản trên mạng xã hội Douyin, để trải lòng về những góc khuất trong cuộc đời ông. Gây chú ý nhất trong những đoạn video trò chuyện, là Lương Triều Vỹ tiết lộ nhiều năm qua ông mắc hội chứng rối loạn lo âu xã hội.

Tổn thương tinh thần thời thơ ấu

“Nhiều người hâm mộ nghĩ rằng tôi có đôi mắt biết nói nhưng có lẽ đó là do tôi không giỏi diễn đạt cảm xúc của bản thân qua lời nói. Tôi dễ cảm thấy lo lắng khi gặp người lạ. Tôi luôn cảm thấy choáng ngợp, căng thẳng, mệt mỏi khi có mặt tại sự kiện đông người…”, Lương Triều Vỹ nói.

Lương Triều Vỹ kể ông từng là một đứa trẻ hướng ngoại nhưng mọi thứ thay đổi từ khi cha ông rời bỏ gia đình. Tuổi thơ không trọn vẹn, ông lớn lên trong gia đình sớm đổ vỡ. Cha ông thường xuyên say xỉn và ngày nào cũng nghe cha mẹ cãi nhau. Điều đó ám ảnh ông mỗi đêm, sợ hãi đến mức ôm chăn khóc và không biết phải làm gì khác.

Đến khi cha ông bỏ đi, ông bắt đầu chôn giấu cảm xúc vào trong. Từ một đứa trẻ tinh nghịch, vui vẻ, ông ngày càng thu mình lại, ít nói và không còn muốn thể hiện cảm xúc ra bên ngoài. Những tổn thương tinh thần đó mãi mãi không thể xóa nhòa trong tâm trí Lương Triều Vỹ.

Tổn thương tinh thần thời thơ ấu được cho là một trong những nguyên nhân khiến Lương Triều Vỹ mắc hội chứng rối loạn lo âu xã hội. Ảnh: Bona

Tổn thương tinh thần thời thơ ấu được cho là một trong những nguyên nhân khiến Lương Triều Vỹ mắc hội chứng rối loạn lo âu xã hội. Ảnh: Bona

Trong những năm tháng sống khép mình, Lương Triều Vỹ tìm thấy niềm vui qua các bộ phim ngoài rạp và bắt đầu có đam mê với diễn xuất: “Khoảng hai giờ đồng hồ mà tôi ở trong rạp chiếu phim đã làm tôi tạm thời quên đi thực tế cuộc sống của mình. Tôi có thể hoàn toàn sống trong thế giới bộ phim mở ra. Tôi nghĩ mình thật may mắn khi trở thành diễn viên, bởi diễn xuất cho phép tôi bộc lộ ra những cảm xúc mà trong đời sống cá nhân, tôi sẽ luôn kìm nén và che giấu…”.

Ngôi sao điện ảnh sinh năm 1962 xác nhận khi bị rối loạn lo âu xã hội, ông luôn có cảm giác muốn né tránh tiếp xúc với đám đông nhưng vì là người của công chúng nên ông buộc phải tương tác xã hội khá nhiều. Để vượt qua trở ngại tâm lý, Lương Triều Vỹ tập luyện liệu pháp: “Tôi hay mỉm cười, vẫy tay chào mọi người và tôi học động tác “thả tim” để bày tỏ tình cảm tới mọi người. Tôi không phải đã vượt qua được hội chứng này, cũng có những lúc tôi cảm thấy khó khăn và giấu mình ở một góc nào đó để tạm né tránh khỏi những giao tế, tương tác xã hội…”, Lương Triều Vỹ bộc bạch.

Do đâu bị rối loạn lo âu?

ThS-BS. Đàm Văn Đức.

ThS-BS. Đàm Văn Đức (Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng), cho biết rối loạn lo âu xã hội là một loại rối loạn tâm thần, còn gọi là hội chứng sợ xã hội. “Sẽ là bình thường nếu một người hay cảm thấy bối rối trong vài tình huống xã hội, chẳng hạn như trong buổi hẹn hò, buổi diễn thuyết… gây ra cho họ triệu chứng bồn chồn.

Tuy nhiên, nếu bị rối loạn lo âu xã hội, mọi hoạt động tương tác của người bệnh đều gây ra lo lắng, xấu hổ, bởi họ cảm thấy sợ người khác quan sát hoặc đánh giá tiêu cực về họ…”, BS. Đức giải thích.

Nguyên nhân chính xác của rối loạn lo âu xã hội vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, nghiên cứu hiện tại ủng hộ quan điểm rằng nó là sự kết hợp các yếu tố môi trường và di truyền.

Những trải nghiệm tổn thương thời thơ ấu: Có thể góp phần vào rối loạn này (bị lạm dụng tình dục, bị bắt nạt, mâu thuẫn gia đình…).

Những bất thường về thể chất: Mất cân bằng serotonin có thể góp phần vào tình trạng rối loạn lo âu xã hội. Serotonin là một chất hóa học trong não giúp điều chỉnh tâm trạng. Khi một hạch hạnh nhân (một cấu trúc trong não kiểm soát phản ứng sợ hãi và cảm giác hoặc suy nghĩ lo lắng) hoạt động quá mức có thể gây ra những rối loạn lo âu xã hội.

Những bất thường trong cấu trúc sinh học: Tuy được xem là một trong những nguyên nhân gây ra rối loạn lo âu xã hội nhưng các nhà nghiên cứu không chắc liệu chúng có thật sự liên quan đến yếu tố di truyền. Ví dụ, một đứa trẻ có thể phát triển chứng rối loạn lo âu xã hội bằng cách học hành vi của cha mẹ bị rối loạn lo âu. Trẻ em cũng có thể phát triển các rối loạn lo âu xã hội do được nuôi dưỡng trong môi trường kiểm soát hoặc bảo vệ quá mức…

Dấu hiệu nhận diện rối loạn lo âu xã hội

Theo BS. Đức, các dấu hiệu triệu chứng về cảm xúc hành vi của lo âu xã hội bao gồm: sợ hãi những tình huống mà bản thân có thể bị đánh giá tiêu cực; lo lắng về việc cảm thấy hổ thẹn của bản thân; sợ giao tiếp, nói chuyện với người lạ; sợ các triệu chứng cơ thể có thể gây xấu hổ (đổ mồ hôi, đỏ mặt, run tay, run giọng nói…); tránh làm hoặc nói trước người khác để tránh cảm giác xấu hổ; tránh những tình huống mà bản thân là trung tâm của sự chú ý; lo lắng khi tham gia các hoạt động, sự kiện mà bản thân sợ; lo lắng, sợ hãi trong các tình huống giao tiếp xã hội; sau mỗi lần tương tác xã hội, bản thân thường phân tích suy ngẫm lại những điều mình cho là sai trong quá trình giao tiếp vừa rồi; lo nghĩ về những hệ quả xấu có thể xảy ra khi mình tham gia giao tiếp xã hội; sự sợ hãi và lo lắng không tương xứng với mối đe dọa thực tế…

Các triệu chứng cơ thể người bệnh rối loạn lo âu xã hội thường thấy: đỏ mặt, tim đập nhanh, run, vã mồ hôi, khó chịu trong bụng, buồn nôn, thở hụt hơi, chóng mặt, cảm thấy đầu óc trống rỗng, căng cơ… Đồng thời, những người bị rối loạn lo âu xã hội thường tránh né các tình huống xã hội như: tương tác với người lạ hoặc người không thân thiết; tham dự các bữa tiệc, các sự kiện đông người; đi học, đi làm; bắt chuyện, giao tiếp bằng mắt, hẹn hò; vào phòng có người đã ngồi sẵn; ăn uống trước mặt người khác; sử dụng nhà vệ sinh công cộng…

“Các triệu chứng rối loạn lo âu xã hội có thể thay đổi theo thời gian, và sẽ nặng lên khi người bệnh phải đương đầu với căng thẳng liên tục, lâu dài. Mặc dù việc tránh né các tình huống xã hội có thể làm người bệnh bớt lo âu nhưng chỉ được một thời gian ngắn, và hiện tượng lo âu của người bệnh sẽ tiếp tục còn dai dẳng nếu không tìm kiếm sự điều trị”, BS. Đức lưu ý.

Kiểm soát các cơn lo âu

Theo BS. Đức, lo âu xã hội tuy là một rối loạn tâm thần mạn tính nhưng nếu người bệnh học được cách đương đầu thông qua các liệu pháp tâm lý, dùng thuốc thì có thể giúp họ tự tin hơn và cải thiện khả năng tương tác với những người khác. Sẽ có triển vọng đối với những người mắc rối loạn lo âu xã hội khi điều trị đúng cách. Liệu pháp nhận thức hành vi có hiệu quả đối với rối loạn lo âu xã hội. Liệu pháp này liên quan đến hướng dẫn bệnh nhân để họ nhận thức được và kiểm soát những suy nghĩ, niềm tin sai lệch.

Rối loạn lo âu xã hội không phải lúc nào cũng kiểm soát cuộc sống người bệnh. Mặc dù có thể mất vài tuần hoặc vài tháng, liệu pháp tâm lý hoặc thuốc mới giúp người bệnh bắt đầu cảm thấy bình tĩnh và tự tin hơn trong các tình huống xã hội.

Người bệnh có thể kiểm soát các cơn lo âu bằng cách: nhận biết các yếu tố kích hoạt khiến bản thân bắt đầu cảm thấy lo lắng hoặc mất kiểm soát; luyện tập thể dục, kỹ năng thở, thư giãn tinh thần; chế độ ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc; suy nghĩ tích cực để có thái độ sống lạc quan; uống thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ…

“Nên sớm đến bác sĩ chuyên khoa tâm thần nếu bản thân có biểu hiện lo âu dai dẳng, sợ hãi, tránh né các tình huống xã hội thông thường vì nghĩ rằng những tình huống đó sẽ gây xấu hổ hoặc sỉ nhục cho chính họ…”, BS. Đức khuyến nghị.

Hữu ĐứcHoàng Khải