Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam: 5 yêu cầu cơ bản để xây dựng nền hành chính phục vụ

Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam: 5 yêu cầu cơ bản để xây dựng nền hành chính phục vụ

PGS. TS. Trương Hồ Hải

Thực tiễn xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do Nhân dân và vì nhân dân đã minh chứng rõ nét việc khẳng định nhà nước pháp quyền là nhà nước phục vụ. Điều này thể hiện xu thế vận động và phát triển tất yếu của nhà nước pháp quyền đương đại, dù cho mỗi nhà nước pháp quyền tồn tại trong mỗi chính thể khác nhau. Tuy nhiên, nếu rời xa tính “phục vụ” thì Nhà nước pháp quyền không có “lý do gì” để tồn tại trong xã hội đương đại hiện nay, bởi bản chất của Nhà nước pháp quyền là hướng đến phục vụ và bảo vệ tốt cho con người, hạn chế những nguy cơ đe doạ đến sự phát triển toàn diện của con người và xã hội.

Chính vì thế, Nhà nước pháp quyền thực chất phải là nhà nước phục vụ, điều này được thể hiện rõ nét trong mô hình Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Ở đó thể hiện tính phục vụ ưu trội hơn tính cai trị. Điều này xuất phát từ bản chất của nhà nước xã hội chủ nghĩa và mục tiêu hướng đến của nhà nước xã hội chủ nghĩa, đó là lợi ích giữa giai cấp công nhân với nhân dân lao động và cả dân tộc thống nhất với nhau, cùng với đó, mục tiêu hướng đến của nhà nước này là phục vụ tốt nhất cho nhân dân, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Để nâng cao tính phục vụ, trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa  Việt Nam cần tập trung vào những nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, tăng cường tinh giản, gọn nhẹ bộ máy hành chính nhà nước. Để bảo đảm tính phục vụ, bộ máy hành chính nhà nước nhất thiết phải thiết kế lại theo hướng tinh giản, gọn nhẹ nhằm giảm chi tiêu công, năng động, linh hoạt đáp ứng quản trị rủi ro trong bối cảnh kinh tế – xã hội luôn biến đổi. Trong đó, cơ quan hành chính phải xác định rõ việc gì nhà nước cần đảm nhận, việc gì nhà nước chuyển giao khu vực tư nhân tham gia cùng với nhà nước, việc gì nhà nước chuyển giao hoàn toàn cho khu vực tư nhân; nâng cao năng lực quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; giảm thiểu đầu mối quản lý; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước, quy định rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước các cấp trong tổ chức thi hành chính sách và pháp luật của Nhà nước; đảm bảo cho công tác tổ chức, cán bộ được tập trung, một đầu mối, dễ kiểm soát, khắc phục những sai phạm, tiêu cực.

Thứ hai, đảm bảo tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ là một trong những yêu cầu quan trọng của nền hành chính phục vụ, trong đó, cán bộ, công chức, viên chức phải có nghĩa vụ giải đáp theo định kỳ những việc họ đã sử dụng thẩm quyền của họ như thế nào, những nguồn lực sử dụng vào đâu và kết quả đạt được như thế nào. Bên cạnh trách nhiệm giải trình nội bộ, cần tăng cường trách nhiệm giải trình với bên ngoài nhằm bảo đảm sự kiểm soát từ bên ngoài đối với chất lượng cung ứng các dịch vụ công. Ngoài ra, phải có cơ chế quy trách nhiệm cá nhân cho cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực thi công vụ, đồng thời cá biệt hoá trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan hành chính.

Thứ ba, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hành chính nhà nước chuyên nghiệp, có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phục vụ nhân dân và sự phát triển đất nước. “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “công tác cán bộ là then chốt của then chốt”, vì thế, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hành chính nhà nước “vừa hồng, vừa chuyên” là nhiệm vụ thường trực hiện nay. Đại hộiĐảng lần thứ XIII đã xác định: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phục vụ nhân dân và sự phát triển đất nước”; “có cơ chế lựa chọn, đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài, khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phát, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”, từ đó tạo động lực cho đội ngũ cán bộ, công chức thực sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, vì dân, vì nước, vì sự phồn vinh của dân tộc.

Xây dựng nền hành chính phục vụ hoàn toàn phù hợp với xu hướng của thời đại.

Để xây dựng nền hành chính phục vụ cần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải chuyên nghiệp, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ và phải có đạo đức cách mạng, nghĩa là mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải thật sự cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư; công khai, minh bạch và thực hiện tốt trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ. Cho nên, Chính phủ cần nghiên cứu triển khai: đổi mới cơ chế tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức, đảm bảo tính cạnh tranh công bằng, khách quan trong tuyển dụng, sử dụng; nghiên cứu triển khai thí điểm chế độ hợp đồng hành chính. Hoàn thiện quy định về xác định vị trí việc làm của công chức, viên chức làm cơ sở cho việc tuyển dụng, sử dụng và bổ nhiệm công chức, viên chức; từng bước chuyển dần từ mô hình hiện hành (mô hình đường chức nghiệp) sang mô hình vị trí việc làm, trước tiên áp dụng đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

Cùng với đó, nghiên cứu, đổi mới phương pháp, quy trình đánh giá phân loại cán bộ, công chức, viên chức theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch, lượng hóa các tiêu chí đánh giá theo kết quả đầu ra của công việc và cá biệt hoá trách nhiệm rõ ràng đối với người đứng đầu trong quá trình đánh giá phân loại cán bộ, công chức, viên chức và tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm công chức, viên chức; lấy mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo quan trọng để đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức. Hoàn thiện các quy định về quản lý, sử dụng và thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức; đối với viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động theo cơ chế tự chủ, nghiên cứu thí điểm áp dụng mô hình 3P (mô hình trả lương theo vị trí, năng lực và hiệu quả công việc của nhân viên) trong trả lương cho viên chức. Ngoài ra, cần sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có cơ cấu về độ tuổi, giới tính, dân tộc, trình độ phù hợp với thực tiễn hoạt động công vụ. Mỗi ngành, lĩnh vực và địa phương sẽ có những đặc thù trong hoạt động công vụ, do đó trong quá trình tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức phải có kế hoạch, quy hoạch nguồn cán bộ, công chức, viên chức, đảm bảo chất lượng tốt, cơ cấu phù hợp, đặc biệt về cơ cấu về trình độ; ưu tiên trình độ chuyên môn sâu cho bộ phận tác nghiệp, ưu tiên trình độ rộng, bao quát cho bộ phận quản lý, lãnh đạo chung; cơ cấu về giới tính, ưu tiên cán bộ nữ, đảm bảo tỷ lệ cán bộ nữ trong cơ quan; cơ cấu về độ tuổi, đảm bảo sự kế cập giữa các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức theo nhóm tuổi.

Thứ tư, tăng cường kỷ luật, kỷ cương đi đôi với cải thiện chế độ, chính sách, đãi ngộ, tạo môi trường, điều kiện làm việc để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phục vụ phát triển. Thực hiện hài hoà giữa khen thưởng, đãi ngộ hấp dẫn, cạnh tranh và kỷ luật nghiêm minh, kịp thời nhằm thu hút những người có tài, đức vào làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước, đồng thời sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, kỷ luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, không còn uy tín với nhân dân.

Thứ năm, quyết liệt đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, từng bước chuyển sang Chính phủ số đáp ứng kịp thời quá trình chuyển đổi số quốc gia. Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các bộ ngành, các địa phương triển khai các biện pháp nhằm xây dựng hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông đồng bộ; hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu ngành, cơ sở dữ liệu địa phương đồng bộ liên thông; thực hiện phổ biến các dịch công trực tuyến cấp độ 3, 4 và dịch vụ công quốc gia; giảm tối đa việc giải quyết thủ tục hành chính theo hình thức thủ công (trừ vùng sâu, vùng xa không đảm bảo về hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông hoặc những thủ tục hành chính đòi hỏi tính bảo mật cao).

Tóm lại, trong xã hội đương đại, xu hướng chuyển đổi từ mô hình “quản lý”, “cai trị” sang mô hình “quản trị”, “phục vụ” ngày càng phổ biến trong khu vực công, phù hợp với yêu cầu dân chủ hoá đời sống kinh tế – xã hội. Vì thế, xây dựng nền hành chính phục vụ hoàn toàn phù hợp với xu hướng của thời đại để Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

PGS. TS. Trương Hồ Hải, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Nguồn: baophapluat.vn