Xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa – Tin mới – Trang thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật
Bộ Khoa học và Công nghệ đang đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (CLSPHH), vì sau hơn 14 năm triển khai thi hành, hệ thống pháp luật đã xuất hiện nhiều bất cập và vướng mắc trong thực tiễn cũng như chưa đáp ứng được nhu cầu thay đổi và hội nhập quốc tế trong thời kỳ hội nhập, thời kỳ tự do hóa thương mại và sự thực thi của các Hiệp định thương mại tự do.
Việc triển khai các nguyên tắc quản lý chất lượng theo quy định của Luật CLSPHH, các thông lệ quốc tế còn chưa được triển khai triệt để. Một số bộ, ngành chưa tách biệt hoạt động quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa với hoạt động đánh giá sự phù hợp. Việc phân công trách nhiệm quản lý giữa các bộ, ngành chưa được phân định rõ ràng đối với một số sản phẩm, hàng hóa phát sinh trong thực tế.
Bên cạnh đó, hoạt động kiểm tra chuyên ngành của các Bộ quản lý chuyên ngành còn thể hiện nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Hoạt động Giải thưởng chất lượng quốc gia (GTCLQG) mặc dù là hoạt động giải thưởng duy nhất được quy định ở cấp Nghị định, tuy nhiên chưa thực sự lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng doanh nghiệp, chưa phát huy được giá trị của giải thưởng.
Hoạt động mã số, mã vạch (MSMV) chưa phát huy được tối ưu giá trị, chưa đẩy mạnh được việc khai thác dữ liệu MSMV, ứng dụng các công cụ, giải pháp triển khai MSMV cho doanh nghiệp.
Ảnh minh họa. Ảnh VGP
Việt Nam đã và đang tham gia hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế. Việc tham gia ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trở thành nhu cầu tất yếu trong quá trình hội nhập và toàn cầu hóa để thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Điều này đòi hỏi việc đặt sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam là trọng tâm phát triển kinh tế, đẩy mạnh việc cải thiện môi trường kinh doanh với vai trò kiến tạo của Chính phủ.
Ngược lại, việc xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, bền vững cũng được thể hiện thông qua sự cân bằng lợi ích giữa các doanh nghiệp nhập khẩu và doanh nghiệp sản xuất trong nước. Quyền lợi của người tiêu dùng ngày càng được đảm bảo và bảo vệ. Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đa dạng, phong phú đáp ứng đầy đủ các nhu cầu khác nhau của nhân dân. Sản phẩm, hàng hóa có nguy cơ gây mất an toàn được kiểm soát, hạn chế tối đa rủi ro ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân…
Do vậy, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực chất lượng sản phẩm, hàng hóa để phù hợp với hoạt động thực tiễn cũng như đáp ứng nhu cầu hội nhập vẫn là công việc được liên tục tiến hành.
Về phạm vi điều chỉnh, Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định về Hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI); xác định sản phẩm, hàng hoá có khả năng gây mất an toàn (sản phẩm, hàng hóa nhóm 2); hoạt động kiểm tra chuyên ngành; quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa dựa trên ứng dụng mã số, mã vạch; quản lý hoạt động đánh giá sự phù hợp; nhiệm vụ và quyền hạn của kiểm soát viên chất lượng; các quy định liên quan đến các cam kết liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp trong CPTPP, EVFTA, RCEP mà Việt Nam đã ký kết và các nội dung khác (Giải thưởng chất lượng quốc gia; trách nhiệm của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá; phí và lệ phí, xử lý vi phạm; quản lý chất lượng hàng hóa trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử).
Trong đó, về xác định sản phẩm, hàng hoá có khả năng gây mất an toàn (sản phẩm, hàng hóa nhóm 2) và hoạt động kiểm tra chuyên ngành, Dự thảo sửa đổi quy định cụ thể hơn nguyên tắc xác định những sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa căn cứ trên cơ sở mức độ rủi ro của sản phẩm, hàng hóa.
Về hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá, Dự thảo rà soát các nội dung quy định về kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa nhập khẩu quy định tại Điều 27, Điều 34, Điều 35, Điều 36, Điều 37, Điều 47 và chỉnh sửa theo hướng đẩy mạnh việc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm; sửa đổi theo hướng mở rộng cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá là các cơ quản quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương theo tình hình thực tiễn.
Đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm tra chất lượng hàng hoá nhập khẩu, cần được xem xét, đặt trong mục tiêu tổng thể hướng tới việc giảm thiểu thời gian thông quan trong khi vẫn bảo đảm hiệu lực của hoạt động quản lý nhà nước về chất lượng, an toàn của sản phẩm, hàng hoá. Đồng thời, chú trọng đến việc bảo vệ thị trường trong nước và các doanh nghiệp sản xuất trong nước, nâng cao vai trò chủ trì, nhạc trưởng của Bộ Khoa học và Công nghệ trong hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa…
Bảo Khánh