Việc đóng cửa Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam không ảnh hưởng đến nghiên cứu khoa học

Việc đóng cửa Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam không ảnh hưởng đến nghiên cứu khoa học

Ông Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cho biết, đặc thù của viện là nghiên cứu khoa học, dù tạm thời đóng cửa thì các cán bộ vẫn chuyển qua làm việc tại nhà, nên không ảnh hưởng quá nhiều đến hoạt động của đơn vị.

Ông Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cho biết, đặc thù của viện là nghiên cứu khoa học, dù tạm thời đóng cửa thì các cán bộ vẫn chuyển qua làm việc tại nhà, nên không ảnh hưởng quá nhiều đến hoạt động của đơn vị.

Trong thông báo đến công chức, viên chức, người lao động làm việc tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam ngày 9/3, lãnh đạo viện đã quyết định tạm thời đóng cửa các trụ sở tại khu vực Hà Nội từ 14h ngày 9/3 đến hết ngày 15/3 và chuyển sang chế độ làm việc tại nhà.

Trao đổi với Nhadautu.vn về những ảnh hưởng, khó khăn khi trụ sở của viện tại Hà Nội tạm thời bị đóng cửa, ông Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cho biết viện sẽ có ảnh hưởng bởi việc đóng cửa này.

Tuy nhiên, theo ông, đặc thù của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội là cơ quan nghiên cứu khoa học, không phải là đơn vị sản xuất kinh doanh, nên cán bộ của viện vẫn tiếp tục làm việc tại nhà, qua đó không ảnh hưởng quá nhiều đến hoạt động nghiên cứu của viện.

Ông Thanh cũng khẳng định, viện sẽ không giảm mục tiêu, không hạ tiến độ, cố gắng thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác đã đề ra trong năm 2020.

“Trong thời gian này, các nhà khoa học tiếp tục thực hiện các nghiên cứu của viện. Bộ phận văn phòng và bộ phận bảo vệ vẫn trực chiến để đảm bảo an toàn cho trụ sở. Các đường công văn thì thực hiện theo Chính phủ điện tử của Thủ tướng chỉ đạo nên vẫn ký công qua qua chữ ký điện tử”, ông Thanh cho hay.

Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội cũng thông tin thêm, đến thời điểm này tất cả các cán bộ đi cách ly tập trung đã có kết quả âm tính. “Đây là thông tin rất mừng cho Viện. Đến tuần tới, căn cứ vào tình hình cụ thể viện sẽ cho các trụ sở hoạt động trở lại”, ông Thanh nói.

tam-dong-cua-vien-han-lam-khoa-hoc-xa-hoi-vn

Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam – Ảnh: Website viện.

Trước đó, lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết, ngay sau Bộ Y tế xác nhận trường hợp nhiễm bệnh COVID-19 số 21, ngay trong đêm 7/3 và rạng sáng 8/3, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của viện đã yêu cầu tất cả các đơn vị trong viện rà soát và lập danh sách những người thuộc đối tượng F1 và F2 (F1 là nhóm tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh; F2 là nhóm tiếp xúc với các cá nhân thuộc nhóm F1).

Ngay trước cuộc họp khẩn của Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 TP. Hà Nội vào 8 giờ sáng 8/3, Viện hàn lâm đã cung cấp đầy đủ thông tin cho Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh thành phố Hà Nội (CDC).

Những người thuộc diện F1, F2 của viện đã được cách ly theo đúng quy định. Viện đã tiến hành phun thuốc khử khuẩn tại trụ sở số 1 Liễu Giai (nhà A và B) vào hai ngày 8/3 và 9/3.

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, có chức năng nghiên cứu những vấn đề cơ bản về khoa học xã hội; cung cấp luận cứ khoa học cho Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển nhanh và bền vững của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện tư vấn chính sách phát triển; đào tạo sau đại học về khoa học xã hội; tham gia phát triển tiềm lực khoa học xã hội của cả nước.

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2020 của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch khẳng định, để triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác năm 2020, Viện Hàn lâm sẽ khẩn trương triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm như, tiếp tục kiện toàn bộ máy cơ cấu, tổ chức và nhân sự (trong đó bao gồm các Hội đồng khoa học, các vị trí lãnh đạo và các phòng của đơn vị) theo hướng tinh gọn, hiệu quả.

Viện sẽ lấy thế mạnh nghiên cứu cơ bản làm nền tảng để phát triển, đẩy mạnh nghiên cứu đa ngành, liên ngành; kết hợp giữa nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu ứng dụng, tư vấn chính sách và đào tạo; từng bước xây dựng cụ thể định hướng nghiên cứu chuyên sâu, tầm nhìn dài hạn cho từng Viện Nghiên cứu, từng khối Viện Nghiên cứu cũng như của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Đẩy mạnh công tác tư vấn về chính sách phát triển trong lĩnh vực KHXH, cung cấp kịp thời luận cứ khoa học cho Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển nhanh bền vững của đất nước, phục vụ phát triển kinh tế- xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa và yêu cầu của thực tế cuộc sống.

Ngoài ra, viện cũng xây dựng kế hoạch đào tạo và tự đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học theo hướng trở thành chuyên gia chuyên sâu, đầu ngành trong từng lĩnh vực và đội ngũ các nhà khoa học có trình độ chuyên môn cao. Có chiến lược cụ thể và cơ chế đãi ngộ thích hợp nhằm thu hút nhân tài tới làm việc tại Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam. Xây dựng môi trường làm việc khoa học, sáng tạo, hành động, kỷ cương để khuyến khích và nuôi dưỡng đam mê nghiên cứu trong đội ngũ nhà khoa học của Viện Hàn lâm.

Đồng thời thúc đẩy liên kết, nâng cao năng lực hội nhập quốc tế trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn; từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Viện Hàn lâm thành trung tâm nghiên cứu KHXH có uy tín trong khu vực và thế giới.

Cùng với đó đảm bảo tính tiết kiệm và hiệu quả trong công tác quản trị; sử dụng hợp lý các nguồn lực từ ngân sách nhà nước; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật trọng điểm phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học; sắp xếp, quy hoạch các trụ sở làm việc của các viện nghiên cứu chuyên ngành trên cơ sở bám sát đề án quy hoạch tổng thể Viện Hàn lâm.

Bên cạnh đó, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, điều hành, nâng cao chất lượng đào tạo của Học viện KHXH trên tất cả các mã ngành được giao.