Vì sao Đà Lạt cứ mưa to là ngập lụt?


TP Đà Lạt được cho là đô thị hóa nhanh, nhìn từ trên cao. Ảnh: An Phước.

Đô thị hóa nhanh, xây nhà kính là tác nhân khiến Đà Lạt mưa là ngập

Sau trận mưa lớn chiều qua (1/9) đã làm nhiều nơi ở Đà Lạt (Lâm Đồng) ngập sâu, có nơi gần một mét. Nước từ thượng nguồn các con suối chảy về trung tâm Đà Lạt, dâng cao tràn lên đường Phan Đình Phùng, Trương Văn Hoàn, Tô Ngọc Vân, Cách Mạng Tháng 8…, khiến người dân bì bõm lội nước, nhiều xe chết máy. Một số nơi nước tràn vào nhà và vườn trồng khiến đồ đạc cùng hoa màu hư hại.

“Mưa lớn, nước thượng nguồn các con suối đổ về nhanh quá khiến chúng tôi không kịp trở tay. Nước tràn vào bên trong nhà, đồ đạc phía dưới không kịp lên cao bị hư hỏng”, một người dân nói.

Ông Nguyễn Văn Đoàn (58 tuổi, đường Phan Đình Phùng) cho hay, những năm gần đây Đà Lạt hễ mưa lớn là ngập, nước dâng lên khiến đời sống người dân bị đảo lộn. Trước đây, thành phố cũng mưa, song chỉ ngập ở một số khu vực vùng thấp trũng, hay gần suối, nhưng giờ thì tràn vào các tuyến phố trong nội ô.

“Biến đổi khí hậu, xây dựng ồ ạt và nhà kính có lẽ là nguyên nhân dẫn tới hiện trạng mưa là ngập như bây giờ”, ông Đoàn cho hay.


Nhiều tuyến phố ở TP Đà Lạt bị ngập sâu sau trận mưa lớn, chiều 1/9. Ảnh: MXH.

Là người có nhiều năm nghiên cứu về Đà Lạt, Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư (TS.KTS) Ngô Viết Nam Sơn trao đổi với P.V VietNamNet các vấn đề xoay quanh nguyên nhân vì sao Đà Lạt mưa là ngập cũng như các giải pháp chống ngập.

Theo TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn, Đà Lạt địa hình dốc, nhiều đồi núi. Tuy nhiên, những năm gần đây tốc độ phát triển đô thị nhanh, nhưng lại thiếu bền vững. Chính quyền Đà Lạt đã có những đầu tư, phương án về chống ngập. Thế nhưng, để chống ngập thì người làm quy hoạch phải tính toán, dự liệu kịch bản lượng mưa, đặc biệt là những nơi vùng trũng hay khu vực có nhiều bê tông hóa, cũng như “dành không gian thoát nước”, để tránh trường hợp lượng mưa lớn đổ xuống dồn dập một khu vực và không thoát nước kịp.

“Điều này cũng là phương án phòng ngừa rủi ro cho thành phố trong đồ án phát triển chung về tương lai lâu dài”, TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn nói và nhìn nhận rằng, nhiều người hiểu lầm chỉ vùng đất thấp mới ngập, nhưng không, vùng cao vẫn có thể ngập và thậm chí ngập nặng.

Ngoài ra, tại thành phố và các vùng lân cận việc xây nhà kính trồng rau diễn ra bừa bãi, tạo ra áp lực lớn cho hạ tầng xã hội. Hệ luỵ của việc này dẫn tới mưa lớn là gây ngập (Đà Lạt có khoảng 18.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, nhưng có đến 10.000 ha nhà kính-PV). Bởi, việc quy hoạch không tốt, cùng với hoạt động của nhà kính đã che đi diện tích đất. Điều này dẫn tới khi mưa xuống, nước chỉ chảy trên bề mặt, không thẩm thấu, tốc độ chảy rất nhanh dồn xuống, không thoát kịp thì gây ngập.


Người dân phải dùng các vật dụng khơi thông dòng chảy để thoát nước sau mưa, chiều 1/9. Ảnh: Văn Long.

Cần tính toán “không gian nước”

Về phương án lâu dài, TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, trong các đồ án quy hoạch và phát triển dài hạn, chính quyền Lâm Đồng cũng như TP Đà Lạt phải tính toán “không gian nước”, nhất là với những địa điểm đã bị bê tông hóa cao. Nghĩa là “không gian nước” có thể là hồ điều tiết, kênh, rạch hoặc những thung lũng, không gian xanh…, sẽ có vai trò thu nước khi mưa lớn, và thoát nước đi khi mưa ngớt.


Một cửa hàng xe máy ở Đà Lạt bị nước tràn vào sau mưa. Ảnh: Văn Long.

Theo ông Sơn, chúng ta hoàn toàn có thể tính được lượng mưa xuống bao nhiêu mm trong năm; thấp nhất, cao nhất bao nhiêu và khi mưa xuống bề mặt bê tông hóa là bao nhiêu; diện tích mặt nước, cây xanh, hồ điều tiết, dung lượng cống ra sao… “Nếu có những thông số này, theo khoa học mình sẽ tính được hết, nên nhà quy hoạch phải dự liệu được để có những phương án chống ngập cụ thể và hợp lý”, ông Sơn nhìn nhận.

Ngoài ra, chính quyền cần chú trọng vào quản lý, quy hoạch, phát triển hệ thống hồ nước, khe suối, sẽ giúp hiệu quả trong việc thoát nước. Mặt khác, cần có quy hoạch cụ thể vùng được phép làm nhà kính, mật độ không quá lớn để đảm bảo không gian xanh, bảo vệ rừng tự nhiên hay các đồi thông…, vừa tạo cảnh quan, nhưng cũng là một trong phương án hữu hiệu để giảm thiểu biến đổi khí hậu và ngập nước.