“Tuyên truyền về công tác dân số trong tình hình mới là nhiệm vụ chính trị vô cùng quan trọng” – Chi cuc Dan so-Ke hoach hoa gia dinh thanh pho Ho Chi Minh


Một trong những công tác trọng tâm của ngành Dân số là đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức sinh học tự nhiên. ảnh: Chí cường

Một trong những công tác trọng tâm của ngành Dân số là đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức sinh học tự nhiên. ảnh: Chí cường

Công tác dân số là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân

Tại Hội nghị, với sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành liên quan và 50 cơ quan báo chí, truyền thông, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo của Đảng đã được ghi trong Nghị quyết 21-NQ/TW: “Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân”.

Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cho hay, Bộ xác định nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về y tế; tuyên truyền, vận động toàn xã hội cùng chung tay, tạo sự thống nhất, đồng thuận vì sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về công tác dân số trong tình hình mới là nhiệm vụ chính trị vô cùng quan trọng.

Thứ trưởng cũng đề nghị các cơ quan chức năng quản lý nhà nước về báo chí (Cục Báo chí, Cục Thông tin cơ sở, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Cục Thông tin đối ngoại…) cần quán triệt sâu sắc nội dung Nghị quyết 20-NQ/TW và 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương để tham mưu, quản lý, định hướng công tác tuyên truyền có hiệu quả cao nhất. Các cơ quan báo chí và phương tiện thông tin đại chúng tích cực tuyên truyền về công tác y tế, dân số, kịp thời, chính xác, đặc biệt khi có những vấn đề ảnh hưởng rộng đến sức khỏe cộng đồng. Đội ngũ phóng viên thực hiện công tác tuyên truyền về y tế, dân số, ngoài đạo đức nghề nghiệp, cần nâng cao các kiến thức về y tế để thực hiện việc tuyên truyền chính xác, trung thực, phù hợp, tránh gây hiểu nhầm tạo dư luận không tốt trong xã hội, thậm chí gây kích động dân chúng.

Cũng tại Hội nghị, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) cho rằng, đội ngũ phóng viên thực hiện truyền thông trong công tác dân số không chỉ cần có kiến thức về công tác dân số mà còn cần có hiểu biết sâu rộng, có kiến thức của nhiều ngành, nghề khác. Báo chí cần quan tâm đến việc sử dụng ngôn từ, tính toán đến những vấn đề nhạy cảm như bối cảnh, đối tượng tiếp nhận thông tin để tuyên truyền phù hợp, chính xác và hiệu quả.

Đổi mới toàn diện và đa dạng hóa các hình thức, phương pháp truyền thông

Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) cho biết: Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương có tính chất bước ngoặt, đưa chính sách dân số sang một trang phát triển mới.

Nghị quyết 21-NQ/TW nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo: Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ Kế hoạch hóa gia đình sang Dân số và Phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững.

Dân số Việt Nam hiện nay xét toàn diện trên các mặt quy mô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng và đặt trong mối quan hệ với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bao hàm cả cơ hội và thách thức. Quy mô dân số nước ta đã khá lớn (94 triệu người, đứng hàng thứ 14 thế giới về dân số), khoảng 2/3 dân số đang trong độ tuổi lao động (cơ cấu dân số vàng), chất lượng về thể chất, trí tuệ và tinh thần đã được nâng lên, là cơ hội thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. Làm thế nào để thích ứng với tiến trình già hóa dân số để người cao tuổi già hóa một cách chủ động, khỏe mạnh? Làm thế nào để nắm bắt, tận dụng được cơ hội dân số vàng, đưa đất nước phát triển mạnh mẽ? Làm thế nào để giảm được tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, khiến chúng ta đối mặt với tình trạng “thừa nam, thiếu nữ” trong tương lai?… Đó là những câu hỏi với nhiều thách thức đang cần những giải pháp đồng bộ và quyết liệt để thực hiện.

Theo ông Nguyễn Văn Tân, công tác dân số trong thời gian tới sẽ tiếp tục đồng thời tăng cường các giải pháp đồng bộ, đảm bảo duy trì vững chắc mức sinh thay thế, tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con” để quy mô dân số đạt 104 triệu người vào năm 2030. Bên cạnh đó, cần đổi mới toàn diện và đa dạng hóa các hình thức, phương pháp truyền thông; phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ, các loại hình cung cấp dịch vụ phục vụ việc ổn định quy mô và nâng cao chất lượng dân số…

Việc tuyên truyền, vận động về công tác dân số được đổi mới toàn diện về nội dung và phương pháp. Sự thay đổi cần được thực hiện trước tiên trong đội ngũ cán bộ dân số các cấp, các ngành, đáp ứng yêu cầu chuyển hướng sang chính sách Dân số và Phát triển. Trong công tác truyền thông, vẫn tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con”, nhưng tuỳ theo địa bàn, đối tượng mà có sự thay đổi trong vận động: vận động sinh ít con ở vùng, đối tượng có mức sinh cao; vận động sinh đủ 2 con ở những nơi mức sinh thấp; duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh. Nội dung tuyên truyền cần góp phần nâng cao nhận thức, thực hành về bình đẳng giới, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Đổi mới toàn diện nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục dân số, sức khoẻ sinh sản. Hình thành kiến thức và kỹ năng về dân số, sức khoẻ sinh sản đúng đắn, có hệ thống ở thế hệ trẻ. Ông cũng cho biết thêm, về nhiệm vụ và giải pháp đổi mới nội dung tuyên truyền, vận động về công tác dân số có điểm mới là: Đổi mới toàn diện nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục dân số, sức khỏe sinh sản trong và ngoài nhà trường. Hình thành kiến thức và kỹ năng về dân số, sức khỏe sinh sản đúng đắn, có hệ thống ở thế hệ trẻ.

Nghị quyết 21-NQ/TW đề ra mục tiêu đến năm 2030, đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức tự nhiên – dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống. Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) cho rằng, để đưa được tỷ số giới tính khi sinh về mức sinh học tự nhiên 103 – 107 bé trai/100 bé gái không chỉ là nỗ lực của ngành DS-KHHGĐ, mà cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị: “Việc giảm tỷ số giới tính khi sinh là một việc rất khó khăn, không thể ngày một ngày hai mà nó đòi hỏi sự kiên trì, quyết liệt của tất cả chúng ta. Đây là một việc rất khó, nhưng không thể không làm. Tôi tin rằng với sự đồng lòng, quyết tâm hành động, chúng ta sẽ đưa được tỷ số giới tính khi sinh quay trở về mức bình thường”.

Mục tiêu đề ra cho công tác dân số đến năm 2030

– Duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), quy mô dân số 104 triệu người.

Giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng; 50% số tỉnh đạt mức sinh thay thế; mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đều được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại; giảm 2/3 số vị thành niên và thanh niên có thai ngoài ý muốn.

– Bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc có dưới 10.000 người, đặc biệt là những dân tộc có rất ít người.

– Tỉ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống; tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi đạt khoảng 22%; tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên đạt khoảng 11%; tỷ lệ phụ thuộc chung đạt khoảng 49%.

– Tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 90%; giảm 50% số cặp tảo hôn, giảm 60% số cặp hôn nhân cận huyết thống; 70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất.

– Tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm; 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khỏe, được khám, chữa bệnh, được chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung.

– Chiều cao người Việt Nam 18 tuổi đối với nam đạt 168,5 cm, nữ đạt 157,5 cm. Chỉ số Phát triển con người (HDI) nằm trong nhóm 4 nước hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

– Tỷ lệ dân số đô thị đạt trên 45%. Bố trí, sắp xếp dân cư hợp lý ở vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn. Bảo đảm người di cư được tiếp cận đầy đủ và công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản.

– 100% dân số được đăng ký, quản lý trong hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư thống nhất trên quy mô toàn quốc.

(trích Nghị quyết 21-NQ/TW)

Hà Anh