Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là gì? Quyền trẻ em là gì?
Các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được quy định nhằm bảo đảm quyền của trẻ em được thực hiện tốt nhất. Trên cơ sở đó, Chính phủ quy định chi tiết và có chính sách hỗ trợ phù hợp đối với từng nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Căn cứ pháp lý:
– Tuyên ngôn Giơ-ne-vơ năm 1924;
– Tuyên ngôn của Liên hợp quốc về quyền trẻ em năm 1959;
– Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1968;
– Công ước quốc tế về quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966;
– Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966;
– Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em năm 1989;
– Công ước 138 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) về tuổi tối thiểu làm việc năm 1976;
– Hiến pháp Việt Nam 2013;
– Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em Việt Nam năm 2004;
– Luật Trẻ em Việt Nam năm 2016.
Mục Lục
1. Khái niệm cơ bản về trẻ em
Khái niệm trẻ em được quốc tế sử dụng thống nhất và đã được đề cập trong Tuyên ngôn Giơ-ne-vơ năm 1924, Tuyên ngôn của Liên hợp quốc về quyền trẻ em năm 1959, Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1968, Công ước quốc tế về quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966, Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em năm 1989, Công ước 138 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) về tuổi tối thiểu làm việc năm 1976. Theo đó, trẻ em là một thuật ngữ nhằm chỉ một nhóm xã hội thuộc về một độ tuổi nhất định trong giai đoạn đầu của sự phát triển con người. Trẻ em là những người chưa trưởng thành, còn non nớt về thể chất và trí tuệ, dễ bị tổn thương, cần được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục (BVCSGD) đặc biệt, kể cả sự bảo vệ thích hợp về mặt pháp lý trước cũng như sau khi ra đời. Trong giai đoạn đầu của sự phát triển con người, trẻ em có những đặc điểm cơ bản trong mỗi nhóm tuổi nhất định.
a) Theo Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em, thì “Trẻ em là người dưới 18 tuổi”.
b) Theo pháp luật Việt Nam, cụ thể là Luật Trẻ em năm 2016 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2017): “Trẻ em là người dưới 16 tuổi”.
Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 quy định “Trẻ em là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi”
Như vậy, so với Luật năm 2004 thì khái niệm trẻ em hiện nay có sự khác biệt về phạm vi, cụ thể: Ngoài việc bảo đảm quyền của trẻ em là công dân Việt Nam, Việt Nam ghi nhận các quyền trẻ em đồng thời là quyền con người của mọi trẻ em, không phân biệt quốc tịch đang cư trú tại Việt Nam; Luật này sẽ áp dụng đối với mọi trẻ em, trong đó gồm trẻ em là công dân Việt Nam, trẻ em là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam, trẻ em là người không quốc tịch cư trú tại Việt Nam để bảo đảm quyền của các em.
2. Quan niệm về độ tuổi trẻ em
Bàn thêm về độ tuổi trẻ em: Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Trẻ em, nhiều ý kiến đề nghị nâng độ tuổi trẻ em lên 18 tuổi, vì:
Thứ nhất, Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới và là nước đầu tiên của châu Á ký Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Đầu năm 2015, trong 66 quốc gia mà chúng ta có được thông tin thì có 10 quốc gia quy định độ tuổi trẻ em bằng và cao hơn 18 tuổi, chỉ có tám quốc gia quy định thấp hơn 18 tuổi, trong đó có Việt Nam. Ở châu Á có ba quốc gia quy định độ tuổi trẻ em dưới mức 18, gồm Việt Nam, Myanmar, Singapore. Ủy ban Quyền trẻ em của Liên Hiệp Quốc cũng kiến nghị Việt Nam nên quy định trẻ em từ 18 trở xuống. Việt Nam đã ký Công ước trẻ em nên cần cam đoan thực hiện theo lộ trình quốc tế.
Thứ hai, người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi chưa phát triển đầy đủ về sức khỏe, nhận thức, cần có sự quan tâm của Nhà nước. Theo khoa học và ngay cả Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cũng đã có nghiên cứu, chứng minh điều này.
Thứ ba, theo các đại biểu Quốc hội và thực tế hiện nay, khi tăng độ tuổi trẻ em sẽ không có ảnh hưởng quá nhiều. Hiến pháp 2013 (Điều 27) quy định công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử, công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân. BLDS 2005 quy định người từ 18 tuổi trở lên là thành niên, là người lớn. BLHS, BLTTHS, Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định người dưới 18 tuổi không phải chịu trách nhiệm như người thành niên. BLLĐ quy định người dưới 18 tuổi chỉ làm những công việc phù hợp để đảm bảo sức khỏe. Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Nghĩa vụ quân sự đều quy định thanh niên phải từ 18 tuổi trở lên…
Tuy nhiên, có không ít ý kiến phản đối, đề nghị giữ nguyên quy định về độ tuổi trẻ em, vì: Trên thế giới có nhiều nước cũng quy định khái niệm tuổi trẻ em từ dưới 18 tuổi trở xuống. Quy định này được xem là phù hợp với điều kiện, trình độ phát triển kinh tế- xã hội, văn hóa, khoa học… của nhiều nước hiện đại trên thế giới. Đề xuất nâng tuổi trẻ em từ đủ 16 tuổi cho tới dưới 18 tuổi đúng là phù hợp với Công ước về quyền trẻ em nhưng lại không phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.
Thứ nhất, về góc độ xã hội. Việt Nam là nước đang phát triển, nguồn nhân lực đóng góp của toàn dân là rất quan trọng. Trong khi đó, độ tuổi từ 16 đến 18 tuổi được xem là lứa tuổi đã dần hoàn thiện cả về trí và lực. Ở nhiều vùng nông thôn, độ tuổi 16-17 còn là lực lượng lao động chính trong gia đình. Xưa vẫn có câu: “thanh niên 17 bẻ gãy sừng trâu”, tức là lứa tuổi hoàn toàn có thể cáng đáng, đảm đương được nhiều công việc nặng nề rồi. Nếu nâng tuổi trẻ em từ đủ 16 lên dưới 18 tuổi nghĩa là sẽ làm thay đổi không nhỏ tới cơ cấu, thành phần lao động hiện nay trong xã hội. Làm mất đi quyền được làm việc và lao động của không ít những đứa trẻ khác.
Vì vậy, trong độ tuổi từ đủ 14 tuổi tới dưới 18 tuổi nên chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 từ đủ 14 tuổi tới dưới 16 tuổi thì được coi là trẻ em. Giai đoạn 2 từ đủ 16 tuổi tới dưới 18 tuổi là người chưa thành niên. Cần phải hiểu rằng, trẻ em là khái niệm chỉ sự trong sáng, ngây thơ, non nớt của những đứa trẻ chưa trưởng thành, chưa va vấp trong cuộc sống, xã hội. Trong khi đó, người chưa thành niên là những người đã có được sự hiểu biết nhất định, dù chưa thực sự đầy đủ nhưng cũng ở một mức độ tương đối rồi.
Theo các quy định của pháp luật hiện hành kể cả trong luật dân sự và luật hình sự của Việt Nam thực tế đều có quy định rất cụ thể với những người là trẻ em và những người chưa thành niên. Trong trường hợp những người chưa thành niên có những hành vi vi phạm pháp luật hoặc hành vi phạm tội, quy định của pháp luật đã có thái độ khoan hồng, châm chước. Vì vậy, đề xuất nâng tuổi trẻ em cũng chưa chắc hẳn sẽ đảm bảo trẻ em được chăm sóc, bảo vệ, giáo dục tốt hơn.
Thứ hai, xét trên phương diện quan hệ giữa các văn bản luật. Giữa luật này với luật khác trong hệ thống pháp luật luôn có sự ràng buộc chặt chẽ. Nếu nâng tuổi trẻ em sẽ phải sửa đổi hàng loạt văn bản pháp luật đi theo, cụ thể như Luật hình sự, Luật tố tụng hình sự, Luật lao động; Luật thực hiện nghĩa vụ quân sự; Luật hôn nhân gia đình…
Nếu cứ coi dưới 18 tuổi là trẻ em, nghĩa là mọi nghĩa vụ, chính sách, cơ chế phải luôn coi họ là trẻ em và phải tuân thủ các điều ước quốc tế đối với quyền trẻ em. Ở đây sẽ phát sinh hai vấn đề, một là chi phí ngân sách dành cho người ở độ tuổi trẻ em là vô cùng lớn. Thứ hai, Việt Nam sẽ đối diện với tình trạng sử dụng lao động trẻ em trái pháp luật … đây là bài toán rất khó, rất bất cập đối trong tình hình thực tế của Việt Nam hiện nay.
Hơn nữa, ở nhiều nơi ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa ở nước ta, đồng bào dân tộc thiểu số còn mong muốn cho con cái được được lấy chồng, lấy vợ sớm. Nếu nâng tuổi trẻ em, nghĩa là tình trạng kết hôn trái pháp luật, tình trạng tảo hôn sẽ gia tăng rất nhiều, mà vốn dĩ rất khó thay đổi tư duy, tâm lý của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Hoặc sẽ phải đối diện với thực tế trẻ em vừa hết quyền trẻ em đã phải là người lớn. Họ không có khoảng thời gian lùi 2 năm như hiện tại để chuẩn bị tâm lý, tập làm người lớn.
Từ các luồng ý kiến này, Quốc hội thông qua Luật Trẻ em với quy định giữ nguyên độ tuổi trẻ em là dưới 16 tuổi.
c) Tương ứng với quy định về độ tuổi trẻ em, các Luật có liên quan cũng quy định:
– Luật Thanh niên gián tiếp thừa nhận điều này khi quy định “Thanh niên là công dân Việt Nam từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi”.
– Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự “Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.
– Bộ luật Dân sự năm 2015 (Điều 18) quy định “Người từ đủ mười tám tuổi trở lên là người thành niên. Người chưa đủ mười tám tuổi là người chưa thành niên.”
Từ các quy định trên, hai khái niệm “trẻ em” và “người chưa thành niên” không hoàn toàn đồng nhất với nhau. Người chưa thành niên gồm có trẻ em (người dưới 16 tuổi) và nhóm người từ 16 đến dưới 18 tuổi. Điều này có nghĩa là: Tất cả trẻ em công dân Việt Nam đều là người chưa thành niên nhưng không phải tất cả người chưa thành niên đều là trẻ em.
3. Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là gì?
Các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được quy định nhằm bảo đảm quyền của trẻ em được thực hiện tốt nhất. Trên cơ sở đó, Chính phủ quy định chi tiết và có chính sách hỗ trợ phù hợp đối với từng nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Luật Trẻ em nêu rõ 14 nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có bổ sung các nhóm mới so với Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, như: Trẻ em bị tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tinh thần do bị bạo lực; trẻ em bị bóc lột; trẻ em bị mua bán; trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh phải điều trị dài ngày thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo; trẻ em di cư, trẻ em lánh nạn, tị nạn chưa xác định được cha mẹ hoặc không có người chăm sóc. Cụ thể 14 nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt sau đây:
(1) Trẻ em mồ côi cả cha và mẹ;
(2) Trẻ em bị bỏ rơi;
(3) Trẻ em không nơi nương tựa;
(4) Trẻ em khuyết tật;
(5) Trẻ em nhiễm HIV/AIDS;
(6) Trẻ em vi phạm pháp luật;
(7) Trẻ em nghiện ma túy;
(8) Trẻ em phải bỏ học kiếm sống chưa hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở;
(9) Trẻ em bị tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tinh thần do bị bạo lực;
(10) Trẻ em bị bóc lột;
(11) Trẻ em bị xâm hại tình dục;
(12) Trẻ em bị mua bán;
(13) Trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh phải điều trị dài ngày thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo;
(14) Trẻ em di cư, trẻ em lánh nạn, tị nạn chưa xác định được cha mẹ hoặc không có người chăm sóc.
4. Quyền trẻ em là gì?
Quyền trẻ em là tất cả những gì trẻ em cần có để được sống và lớn lên một cách lành mạnh và an toàn. Quyền trẻ em nhằm đảm bảo cho trẻ em không chỉ là người tiếp nhận sự yêu thương và chăm sóc của người lớn, mà các em là những thành viên tham gia tích cực vào quá trình phát triển. Bao gồm quyền được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt mà mọi người, mọi gia đình dành cho trẻ em và cả quyền được cha mẹ ruột yêu thương, cũng như những nhu cầu căn bản: được ăn uống, được giáo dục phổ quát do nhà nước trả tiền, được chăm sóc sức khoẻ và các điều luật hình sự thích hợp với độ tuổi và sự phát triển của trẻ em. Những cách giải thích về quyền trẻ em thay đổi từ cho phép trẻ em khả năng tự quyết về hành động tới đảm bảo cho trẻ em tự do về thân thể, tinh thần và tình cảm không bị lạm dụng, dù cái bị gọi là “lạm dụng” đang là một vấn đề gây tranh cãi. Các định nghĩa khác gồm quyền được chăm sóc và nuôi dưỡng.
“Trẻ em là một người có độ tuổi dưới 18, trừ khi luật pháp ở từng nước cụ thể quy định tuổi thành niên. Luật pháp Việt Nam quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi.” Theo Đại học Cornell, một đứa trẻ là một con người, và cha mẹ có quyền lợi và tính sở hữu tuyệt đối với đứa trẻ đó, nhưng đây là một quan điểm hoàn toàn theo kiểu Mỹ. Thuật ngữ “trẻ em” không cần thiết phải có nghĩa là một đứa trẻ mà có thể gồm cả trẻ em trưởng thành cũng như trẻ em trưởng thành không phụ thuộc. Không có các định nghĩa về các thuật ngữ khác được sử dụng để miêu tả người còn trẻ như “thanh niên”, “vị thành niên,” hay “thiếu niên” trong luật pháp quốc tế.
Lĩnh vực quyền trẻ em bao hàm các lĩnh vực của luật pháp, chính trị, tôn giáo và đạo đức.
5. Tháng hành động vì trẻ em
Tháng hành động vì trẻ em được tổ chức vào tháng 6 hằng năm để thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tuyên truyền, phổ biến, vận động cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân thực hiện chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án, xây dựng các công trình và vận động nguồn lực cho trẻ em.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan để chỉ đạo, tổ chức và hướng dẫn thực hiện Tháng hành động vì trẻ em.