Thiện ác trong văn học nghệ thuật
Bằng cách nào cái Thiện và cái Ác được miêu tả, kể lại, và tái hiện qua câu chữ, văn học có chăng khả năng hay bổn phận để miêu tả và vạch trần cái Ác , và qua những cách thức nào?
Bằng cách nào cái Thiện và cái Ác được miêu tả, kể lại, và tái hiện qua câu chữ ? Văn học có chăng khả năng hay bổn phận để miêu tả và vạch trần cái Ác ? Và qua những cách thức nào? Theo giáo sư Triết học trường Đại học Paris Ouest Nanterre La Défense , ông Colas Duflo cho biết thì: “Hai khái niệm thiện và ác xuất phát từ chúng ta, từ những cảm nhận, nhận thức của mỗi cá nhân và phụ thuộc vào xã hội nơi ta đang sống. Luận đề thuyết tương đối về Thiện – Ác đã được trình bày rõ ràng bởi triết gia Spinoza. Tư tưởng này được truyền bá vào thế kỉ XVIII, tới công chúng đọc sách, qua các văn bản triết học (như Bách khoa toàn thư) và qua các cuốn tiểu thuyết. Sự thế tục hoá những quy chuẩn đạo đức và những cuộc tranh luận tư tưởng diễn ra trong thời kì này, là những chuyển biến đánh dấu phong trào Ánh sáng, với những bước tiến mạnh mẽ trong Văn học cũng như Triết học. Ngày nay, chúng ta đã được thừa hưởng những thành quả từ phong trào này.”
Đặng Hoàng Giang, tác giả và nhà hoạt động xã hội, người đã có hai cuốn Bức xúc không làm ta vô can, và Thiện, Ác và Smartphone đều có tiếng vang. Trong các bài viết, ông đề cập tới những vấn đề lớn trong xã hội ngày nay, cũng như mặt trái của sự hiện đại hóa, những vấn đề tưởng như vĩ mô, xa xôi nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Các bài báo nói đến việc phẫu thuật thẩm mỹ, từ thiện câu like, sự tàn phá của kinh tế thị trường, du lịch đại trà, cho đến những vấn đề gần gũi như truyền hình thực tế, ăn thịt chó, ấn đền Trần,…
TS. Đặng Hoàng Giang trong buổi giao lưu ra mắt cuốn sách “Thiện, Ác và Smartphone”. – Ảnh: Nguyễn Thảo/vietnamnet
Ông Đặng Hoàng Giang nói: “Chúng ta cũng biết là rất nhiều nhà độc tài uyên thâm và đọc rất nhiều sách. Polpot được đào tạo ở Paris chẳng hạn. Hitle thì cực kỳ yêu thích nhạc cổ điển. Thế thì liệu những người nào hấp thụ những văn học, nghệ thuật như thế có rung cảm họ không trở thành nhà độc tài hay không, hay họ vẫn đi theo trường phái Plato, và họ bảo rằng cái thiện và cái ác rất rõ ràng, nó bất biến, không xê dịch gì cả và chúng ta có thể định hình được nó, và cái mà tôi nói thì là tôi đúng, cái gì ngược với tôi là sai, như Plato đã viết. Trường phái thứ hai là trường phái tương đối, tức là cái thiện và cái ác do xã hội tạo ra. Đấy là một hệ giá trị, một hệ quy chiếu. Cách đây 150 năm chúng ta vẫn sở hữu nô lệ, và thời đó là một chuyện hết sức bình thường. Còn bây giờ việc lấy người khác làm nô lệ sẽ là một việc xấu, việc sai, việc ác.”
Tiến sĩ văn học Trần Ngọc Hiếu, giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội, cho biết: “Là một nhà giáo, tôi thường phải đối diện với câu hỏi: Tại sao cần và bằng cách nào để khơi gợi tư duy của học sinh về cái ác? Là một người nghiên cứu văn chương, tôi phải thú nhận chính những tác phẩm viết về cái ác của William Shakespeare, Fyodor Dostoeyvsky, Franz Kafka hay Primo Levi… có sức cám dỗ rất lớn đối với tôi. Chúng buộc tôi phải nghĩ ngợi về bản chất của con người, ý nghĩa của thế giới, về nỗi khổ đau và khả năng kháng cự của con người trong một thế giới tồn tại những cái ác không thể nào lý giải được.
Văn chương là nơi nói với chúng ta về kinh nghiệm của kẻ khác. Chúng ta dễ làm điều ác vì thường chúng ta không có ý niệm về kẻ khác, không có ý niệm về tiếng nói của người khác, thường làm cho họ trở nên vô hình. Thường gạt bỏ họ ra ở bên lề. Một trong những điều tôi cảm thấy rất đặc biệt, đó là cái ác ra đời vì điều gì, cái ác ra đời tự sự nhàm chán, từ sự trống rỗng. Gần đây tôi có đọc một truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, truyện ngắn có tên là Giữa mùa chán chết. Cốt truyện đó là một vụ giết người từ một lý do rất vẩn vơ, đó là hai thanh niên vốn là bạn với nhau nhưng trong một cơn say rượu thì họ đã dung dao đâm nhau. Và cả câu chuyện đó oãy xung quanh việc vì sao con người ta làm điều ác dễ dàng như vậy? Đôi lúc trong cuộc sống của chúng ta đều có cảm giác mình rơi vào trạng thái ấy. cái sự trống rỗng đó, làm thế nào để khắc phục.
Chính ở trên phương diện này tôi lại càng tin vào việc đọc và giảng dạy văn học. Bởi vì lý do gì, thứ nhất, nó là thế giới của sự tưởng tượng, những sức mạnh của sự tươi mới của ngôn từ. Văn học làm cho chúng ta thoát khỏi thực tại nhàm chán đó. Văn chương như một thứ thuốc kháng sính, nó cản trở bản năng của chúng ta chạm đến cái ác, một cái bản năng mà tôi nghĩ nó luôn luôn dễ dàng. Hai nữa là văn chương luôn luôn giao vào chúng ta ý niệm về kẻ khác, những kẻ mà đôi khi ở trong đời sống chúng ta sẽ không nghe thấy tiếng nói của họ, thì văn chương là nơi chúng ta nhìn thấy tiếng nói của họ. Những cô gái điếm, những tên sát nhân, những kẻ giết người hàng loạt… hóa ra đấy lại là những kẻ nói với chúng ta nhiều nhất về những chiều kích của nhân tính.” – Tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu nhận định.
Tạ Huy Long là họa sĩ của NXB Kim Đồng. Chọn con đường minh họa cho dòng văn học dành cho những người trẻ, anh đã nhận được nhiều giải thưởng và tham gia một số triển lãm tại Việt Nam và Pháp. Từ năm 1999 cho đến tận bây giờ, anh hoàn thành và cho ra mắt bộ tranh truyện lịch sử Việt Nam kể về những người anh hùng dân tộc. Bộ sách do NXB Kim Đồng phát hành và dành cho lứa độc giả trẻ. Năm 2014, cuốn truyện tranh Cửa sổ của Tạ Huy Long được phát hành và đã đón nhận thành công lớn. Tác phẩm kể lại câu chuyện của một đứa trẻ cô đơn, trong đó, giấc mơ hay ác mộng đều được anh miêu tả, vẽ lại đầy chất thơ và mang màu sắc bí ẩn.
Họa sĩ Tạ Huy Long kể: “Những bức tranh của tôi đã có bước thay đổi theo thời gian. Ban đầu, tôi vẽ những người anh hùng với dáng vóc lớn lao, vạm vỡ. Tuy nhiên, sự chuyển biến đến sau khi tôi hoàn thành cuốn truyện tranh kể về tuổi thơ của mình, tôi bắt đầu vẽ những người anh hùng gần với đời thực hơn, những người hùng trong dáng vóc nhỏ bé của người Việt. Đối với tôi thiện ác là hai khái niệm luôn song hành với nhau, nó đối lập nhau. Tuy nhiên là vẽ cho trẻ con, thì nó phải rất là rõ ai là thiện, ai là ác. Trẻ con với đôi mắt trong sáng nhất thì sẽ nhìn nhận trực tiếp. Trong mỗi chúng ta đều có sự tranh đấu giữa cái thiện và cái ác.
Trong quá trình sáng tác cho các bạn trẻ thì niềm đam mê mà cũng là cái mà tôi muốn làm rõ hơn là đời sống của người Việt thời kỳ xưa. Từ hình ảnh bìa sách mà tôi đã làm. Có thể tạm gọi là một tuyến nhân vật liên quan đến Thiện, thì họ đều có vẻ đẹp rất kỳ vĩ, rất oai phong, lẫm liệt, là hiện thân cho cái gọi là cái Thiện, hiện thân cho lòng yêu nước, hiện thân cho sự trung dũng, kiên cường. Bên cạnh đó là một tuyến nhân vật mà nhìn thấy ngay tính ác. Là họa sĩ tôi thấy vẽ cái ác dễ hơn rất nhiều. Bởi vì cái ác nó muôn hình vạn trạng, nó khá vô hình. Thì họa sĩ chỉ động được đến phần vẻ ngoài đó thôi, và cũng chưa động được đến phần bên trong của nhân vật đấy.”
Cái Thiện hay Cái Ác, như đôi ngã rẽ mà chúng ta luôn bắt gặp trong cuộc đời. Những xu hướng và thói quen mới trong thời hiện đại mang trong mình cả ưu – nhược điểm, đem đến những bước cải tiến cũng như để lại hậu quả trong đời sống thường nhật. Vậy bằng cách nào ta có thể nhận biết hai mặt tốt – xấu và hạn chế những tác động tiêu cực lên bản thân? Chúng ta có thể lựa chọn để trở thành người tốt hoặc người xấu hay không? Giải thích cho trẻ em về cái Thiện và cái Ác như thế nào; làm sao để kể và minh họa điều đó; tái hiện cái Thiện và cái Ác ra sao dưới những hình thù và màu sắc? Đó là hai mặt của một vấn đề trong việc tái hiện bộ mặt đời sống thông qua văn học nghệ thuật