Tạp chí Giáo dục lý luận
Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh
Từ
khóa: Bảo đảm quyền trẻ em; Đảng
Cộng sản Việt Nam; quan điểm của Hồ Chí Minh; quyền trẻ em;
Bác Hồ với các cháu thiếu nhi vùng cao Việt Bắc (1960)
(Ảnh: https://tulieuvankien.dangcongsan.vn)
Đặt vấn đề
Ở Việt Nam, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn
quan tâm đến việc bảo đảm các quyền cơ bản cho trẻ em. Với tầm nhìn vượt thời
đại, quan điểm của Người về quyền trẻ em chính là cơ sở khoa học đầu tiên để
xây dựng và hoàn thiện pháp luật về quyền trẻ em phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam
hiện nay.
Bảo vệ trẻ em là việc thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em
được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm
hại trẻ em; trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Việc nghiên cứu quan
điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quyền trẻ em và sự vận dụng của Đảng Cộng sản
Việt Nam có ý nghĩa quan trọng nhằm bảo đảm và thúc đẩy quyền trẻ em trong bối
cảnh trẻ em bị xâm hại cả về thể chất và tinh thần đang có những diễn biến phức
tạp.
1. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bảo đảm quyền trẻ
em
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến trẻ em một cách đặc biệt,
sâu sắc, cụ thể với tình cảm yêu thương vô bến. Trong kho tàng di sản của Người
có tới 128 bài viết đề cập đến trẻ em và việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ
em; trong đó có 60 bài là các bức thư, bài thơ, bài nói chuyện Người gửi trực
tiếp đến thiếu niên, nhi đồng.
Quan niệm của Hồ Chí Minh về trẻ em mang đậm tính nhân văn. Nó đã khái quát
một cách hình tượng bản chất đích thực của trẻ em là những thực thể xã hội còn
yếu ớt cả về thể chất và chưa hoàn thiện về mặt tinh thần; từ đó khẳng định
trách nhiệm và vai trò quan trọng của những người là cha, là mẹ, người lớn và
toàn thể xã hội đối với trẻ em. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, chăm lo đến trẻ
em và việc chăm sóc, giáo dục trẻ em là sự nghiệp vô cùng lớn lao và hệ trọng.
Nó không chỉ đòi hỏi sự cố gắng của các bậc cha mẹ, các thầy cô giáo, các anh
chị phụ trách mà còn là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Người
chỉ rõ: “Giáo dục thiếu niên, nhi đồng là trách nhiệm của các cô, các chú, của
gia đình, của nhà trường, của đoàn thể, của xã hội… muốn giáo dục các cháu
thành người tốt, nhà trường, đoàn thể, gia đình, xã hội đều phải kết hợp chặt
chẽ với nhau”[6, tr.76-77]. Quan điểm này của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hết sức sáng
suốt. Nó chứng tỏ tầm nhìn xa, trông rộng, sự quan tâm sâu sắc của Người đối
với trẻ em. Việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, muốn thực hiện có hiệu
quả thì không thể thiếu sự kết hợp, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn thể xã
hội.
Bên cạnh việc coi trẻ em là những chủ thể còn non nớt về thể chất và trí
tuệ, cần phải có sự quan tâm, chăm sóc và bảo vệ đặc biệt, Người đã đặt niềm
tin mạnh mẽ vào trí tuệ và phẩm chất của thế hệ trẻ. Trong bức thư gửi các cháu
học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, Người khẳng
định: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có
bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không,
chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”[5, tr.35].
Không ai có
thể phủ nhận rằng, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị trí của trẻ em
Việt Nam đã tiến một bước nhảy vọt, từ việc bị coi là “những vật sở hữu của các
bậc cha mẹ” dưới chế độ cũ đã lên địa vị của người chủ tương lai của đất nước,
được Nhà nước và toàn xã hội hết sức quan tâm, luôn ưu tiên dành cho những điều
kiện tốt đẹp nhất cả về vật chất lẫn tinh thần. Mặc dù không trực tiếp đề cập
đến khái niệm quyền trẻ em nhưng nghiên cứu kho tàng di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể thấy rằng, Người chính là một
nhà lãnh đạo luôn tôn trọng, quan tâm đến các quyền lợi của trẻ em, người đã
mang lại cho trẻ em Việt Nam những quyền cơ bản nhất mà một trong những quyền
đầu tiên và quan trọng ấy là quyền được là một người dân của một đất nước độc
lập.
2. Vận dụng quan điểm Hồ Chí Minh về quyền trẻ em ở Việt
Nam
2.1. Sự ghi nhận, tôn
trọng quyền trẻ em và trách nhiệm của Nhà nước đối với quyền trẻ em
Kế thừa và
phát triển quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quyền trẻ em, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định rất sớm và đã đề ra hệ
thống quan điểm nhất quán và biện chứng giữa quyền con người, quyền công dân,
quyền trẻ em với chủ quyền dân tộc, giải phóng con người. Đảng và Nhà nước
Việt Nam đã nâng lên thành đường lối chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em. Trong
hệ thống chính sách của Đảng, trẻ em là đối tượng được quan tâm, trước tiên
trong mọi lĩnh vực. Đảng chỉ rõ: “thiếu nhi là những người gánh vác tương lai
nên chúng ta phải chăm sóc”, “Bảo vệ, giáo dục thiếu nhi là trách nhiệm của
toàn Đảng”, “mọi ngành đều phải lấy nhiệm vụ bảo vệ, giáo dục thiếu nhi là
nhiệm vụ của mình”[8, tr.33-35].
Với tinh thần ấy, bảo vệ và chăm sóc trẻ em là vấn đề sống còn của dân tộc.
Hiến pháp nước Việt Nam cũng khẳng định: Trẻ em được gia đình, Nhà nước và xã
hội bảo hộ, chăm sóc và giáo dục[4]. Quá trình tiến hành công cuộc đổi mới, tiến hành cải
cách kinh tế, chính trị nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân chính
là quá trình bảo đảm cho sự chăm sóc, bảo vệ, phát triển của trẻ em. Ngược lại,
đầu tư cho sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em cũng chính là sự đầu
tư khôn ngoan, đúng đắn để bảo đảm cho sự phát triển tương lai của dân tộc.
Việt Nam là nước
đầu tiên ở châu Á phê chuẩn Công ước về Quyền
trẻ em (CRC). Ngày 5/03/1991, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Việt Nam
đã chính thức ký vào văn bản Tuyên bố về sự
sống còn, bảo vệ và phát triển trẻ em và bản Kế hoạch
hành động
nhằm thực hiện tuyên bố trên của Hội nghị cấp cao thế giới. Điều đó chứng tỏ, lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ý thức được tầm quan trọng và ý nghĩa sâu xa của vấn
đề trẻ em, nhận thức được tính pháp lý và tinh thần nhân văn của Công ước về Quyền trẻ em. Công ước này phù hợp với
quan điểm của Đảng, truyền thống đạo đức của dân tộc và lợi ích của trẻ em Việt
Nam.
Đặc biệt, Hiến pháp năm 1992 đã đưa ra một chế định pháp lý về vấn đề quyền
trẻ em đồng bộ và chặt chẽ, được đặt trong khuôn khổ mối quan hệ trực tiếp với
chế định quyền công dân phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam trong giai
đoạn mới. Trên tinh thần và các quy định về quyền trẻ em của Hiến pháp năm 2013
và Công ước của Liên hợp quốc, quyền trẻ em cũng đã được thể chế hóa trong Luật Trẻ em số 102/2016/ QH13 được Quốc
hội khóa XIII, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 05/4/2016 và có hiệu lực thi hành
từ ngày 01/6/2017, gồm 7 Chương và 106 Điều.
Đặc biệt, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp
tục khẳng định: “Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, kiểm
soát tình hình tai nạn, bạo lực với trẻ em. Tiến tới phổ cập giáo dục mầm non
cho trẻ em dưới 5 tuổi. Tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện chính
sách, pháp luật về trẻ em…”[3,
tr.233].
2.2. Thực
hiện bảo đảm quyền trẻ em ở Việt Nam
Trên thực tế, Việt Nam ngày càng đạt nhiều thành tựu trong giáo dục, chăm
sóc, bảo vệ trẻ em. Công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động trong lĩnh vực
trẻ em đã được thực hiện với nội dung và hình thức phong phú. Nội dung tuyên
truyền, giáo dục tập trung vào việc thực hiện các chủ trương, chính sách của
Đảng và Nhà nước; các kiến thức chuyên đề nâng cao nhận thức, vận động sự ủng
hộ và tham gia của toàn xã hội; các tập thể, cá nhân điển hình, tiên tiến,
gương người tốt, việc tốt. Phương thức tuyên truyền, giáo dục chủ yếu là trên
các phương tiện thông tin đại chúng; các hình thức tư vấn trực tiếp và tư vấn
cộng đồng; đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em (ngày 7/12/2017, Tổng đài Quốc gia
bảo vệ trẻ em 111 đã chính thức vận hành); qua các chương trình truyền hình,
bản tin, phóng sự ngắn về các vấn đề liên quan đến trẻ em.
Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được xem như là trách nhiệm
của toàn xã hội. Hệ thống pháp luật, chính sách về trẻ em đã được rà soát, sửa
đổi và bổ sung theo hướng mở rộng chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội
cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em thuộc gia đình nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng
dân tộc thiểu số, đồng thời bảo đảm phù hợp và thực hiện đầy đủ Công ước quốc
tế về Quyền trẻ em mà Việt Nam đã ký kết; tập
trung phòng ngừa, giải quyết tình trạng trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực, bị lạm
dụng sức lao động và một số vấn đề liên quan đến trẻ em gây bức xúc xã hội. Các
chương trình, đề án chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn
cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt đã được các bộ, ngành và
nhiều địa phương quan tâm chỉ đạo, đầu tư nguồn lực cũng như huy động các nguồn
lực trong xã hội, góp phần quan trọng để trẻ em được chăm sóc sức khỏe và có cơ
hội, điều kiện để phát triển cả về thể chất, tinh thần và xã hội. Nhiều chương
trình, đề án, dự án về trẻ em đã được triển khai như: Chương trình hành động
quốc gia vì trẻ em; Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em; Chương trình thúc đẩy
quyền tham gia của trẻ em; Chương trình phòng, chống bạo lực đối với trẻ em;
Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em và các chương trình chăm
sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em…
Bên cạnh những thành tựu đạt được thì thực tế việc bảo đảm quyền trẻ em mà
rõ ràng nhất là trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em vẫn còn tồn tại nhiều
vấn đề như: Tình trạng thiếu các điểm giải trí an toàn và phù hợp ở các xã
phường, trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích (chết đuối, giao thông, bom
mìn… ở trẻ em còn cao so với các nước trong khu vực), trẻ em phải lao động
trong điều kiện tồi tệ, tình trạng trẻ em bị bạo lực và xâm hại (trong đó xâm
hại tình dục) chưa có xu hướng giảm… trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ sa vào
game đen, bạo lực[7]…
Nguyên nhân gốc rễ của vấn đề trên chính là sự đầu tư nguồn lực của Nhà
nước (cả Trung ương và địa phương) chưa thỏa đáng. Nhà nước đã xây dựng được
nhiều chương trình, dự án về chăm sóc, bảo vệ trẻ em song, hầu hết các chương
trình được phê duyệt nhưng không có nguồn ngân sách đảm bảo để thực hiện hoặc
nếu có thì phân bổ “nhỏ giọt” không tương xứng với nhu cầu. Do vậy, khả năng
thực hiện được các mục tiêu của chương trình đề ra là rất khó. Thực tế, hàng
năm Nhà nước đều phân bổ ngân sách cho địa phương để thực hiện các chương trình
cho trẻ em nhưng ngân sách tại địa phương dành cho trẻ em lại rất ít. Cùng với
đó là hệ thống mạng lưới cộng tác viên, nhân viên công tác xã hội để phát hiện
sớm, phòng ngừa, thống kê báo cáo, phối hợp giải quyết can thiệp chăm sóc bảo
vệ trẻ em ở cấp cơ sở còn nhiều lỗ hổng và rất mỏng. Việt Nam là một trong
những quốc gia đầu tiên tham gia Công ước Liên Hợp quốc về quyền trẻ em cũng
như đã phê chuẩn các nghị định thư bổ sung. Ở trong nước, hệ thống pháp luật về
bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em đã được điều chỉnh để đáp ứng những vấn đề
nảy sinh và hài hoà với pháp luật quốc tế. Tuy nhiên, các “kẽ hở pháp
luật” ở lĩnh vực này vẫn thể hiện qua việc thiếu những quy định, chế tài
cụ thể về phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại, bạo lực đối với
trẻ em. Pháp luật cũng chưa có được quy định nhằm ràng buộc rõ trách nhiệm của
các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, nhà trường, gia đình và các cá nhân
trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em nói chung và phòng ngừa cũng như xử lý các
vi phạm quyền trẻ em, xâm hại, bạo hành trẻ em nói riêng. Cùng với việc bổ sung
luật pháp, thực thi chính sách cho trẻ em, điều quan trọng nhất là tăng cường
nhận thức và sự cam kết vào cuộc của lãnh đạo các cấp cùng với nâng cao trách
nhiệm của gia đình.
3. Một số giải pháp bảo đảm và
thúc đẩy quyền trẻ em ở Việt Nam thời gian tới
Thứ nhất, tiếp
tục quán triệt và thực hiện có hiệu
quả Chỉ thị số 20/CT-TW ngày 5/11/2012 của Bộ Chính trị về việc tăng cường sự
lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong
tình hình mới, các văn bản chỉ đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước
về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; củng cố, nâng cao nhận thức về
vị trí, tầm quan trọng của công tác này đối với sự phát triển bền vững của đất
nước và mỗi địa phương.
Thứ hai, đề cao trách
nhiệm các ban, bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan Trung ương và cấp ủy, chính quyền
các địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chương trình, đề
án, kế hoạch về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trên địa bàn và theo lĩnh
vực. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, quy trình phối hợp cấp bộ, ngành về một số
nội dung, hoạt động trong lĩnh vực trẻ em, đặc biệt trong công tác phòng, chống
xâm hại trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Nâng cao hiệu quả
phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan tư pháp các cấp trong
phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ trẻ em trong các vụ việc, vụ án bạo lực, xâm hại
tình dục trẻ em.
Thứ ba, không ngừng
đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật, kỹ năng, hoạt động
về thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em cho mọi thành viên trong gia đình,
nhà trường và cho chính trẻ em. Đa dạng các hình thức truyền thông, giáo dục,
vận động xã hội trên các phương tiện thông tin đại chúng, Internet, viễn thông
và mạng xã hội, truyền thông trực tiếp đến gia đình, cơ sở giáo dục và cộng
đồng.
Thứ tư, triển khai và
quyết liệt thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em; Chương trình
quốc gia bảo vệ trẻ em; Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em; Chương
trình phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; Chương trình phòng, chống tai nạn
thương tích trẻ em… Phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ đáp ứng việc thực
hiện quyền trẻ em, ưu tiên hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em, lồng ghép và phối
hợp giữa các dịch vụ y tế, giáo dục, tư pháp và các dịch vụ an sinh xã hội
khác. Đào tạo phát triển đội ngũ nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp và kết
hợp với kiêm nhiệm, bán chuyên nghiệp trong các đoàn viên, hội viên của các tổ
chức chính trị – xã hội và một số tổ chức xã hội đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch
vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em có chất lượng và hiệu quả.
Kết luận
Quan
điểm Hồ Chí Minh về quyền của trẻ em là một bộ
phận trong tư tưởng Hồ Chí Minh, bao gồm các nội dung toàn diện và sâu sắc về
những vấn đề liên quan đến trẻ em. Đó là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và
quý giá, là kim chỉ nam cho Đảng, Nhà nước ta hoàn thiện cơ sở pháp lý và hiện
thực hóa quyền của trẻ em ở Việt Nam hiện nay. Quan điểm của Đảng, đường lối,
chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước Việt Nam về quyền trẻ em mang đậm
dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quan điểm của Người về quyền trẻ em trước đây,
bây giờ và mãi về sau vẫn giữ nguyên giá trị và hoàn toàn phù hợp với quan điểm của thời đại: “Trẻ em hôm nay
– Thế giới ngày mai”. Đó là cơ sở cho Đảng, Nhà nước và toàn xã hội thực hiện
công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đạt được nhiều thành tựu to lớn,
góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước giàu mạnh,
thực hiện khát vọng về một Tổ quốc Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
Tài liệu tham khảo:
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (1996), Văn kiện
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn
kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị
quốc gia Sự thật, Hà Nội.
[4] Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam (năm 2013-1992-1980-1959,1946) (2015),Nxb. Lao động,
Hà Nội.
[5] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự
thật, Hà Nội.
[6] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 12, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội.
[7] Vương Lê (2021), Chung tay
bảo đảm quyền trẻ em, https://dangcongsan.vn
[8] Một số văn kiện Đảng và Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (1996), Nxb. Chính trị
quốc gia, Hà Nội.