Tài chính công là gì? Tất cả điều bạn cần biết về thu – chi của chính phủ
Chúng ta đã được biết về hành vi thu chi của cá nhân, tổ chức hay các doanh nghiệp. Tuy nhiên, còn có một “ông lớn” mà mỗi quyết định tài chính đều tác động đến tất cả các đối tượng kể trên cũng như cả nền kinh tế, xã hội – Nhà nước, gọi là tài chính công. Vậy tài chính công là gì? Cùng DNSE tìm hiểu qua bài viết này nhé.
Tài chính công là gì?
Tài chính công là gì?
Tài chính công là tất cả các hoạt động thu chi được sử dụng bằng tiền do Nhà nước thực hiện. Nói cách khác, nó là quá trình từ huy động đến sử dụng các quỹ công nhằm duy trì bộ máy nhà nước và đáp ứng các nhu cầu chung của xã hội về kinh tế, giáo dục, y tế…
Với bối cảnh hiện đại ngày nay, tài chính công còn đi sâu vào nghiên cứu tác động của các chính sách của Nhà nước đối với nền kinh tế.
Xem thêm: Tài chính doanh nghiệp là gì? Tổng quan về tài chính doanh nghiệp
Tài chính công xuất hiện khi nào?
Nói về nguồn gốc ra đời của Tài chính công, không thể không nhắc đến hai yếu tố tiền đề: Nhà nước và Nền kinh tế hàng hóa.
Nhà nước bắt đầu xuất hiện như một tổ chức quyền lực tối cao nhằm duy trì sự lãnh đạo và trật tự, công bằng xã hội. Tuy nhiên, chỉ khi Nền kinh tế hàng hóa tiền tệ xuất hiện thì Tài chính công mới thực sự được phôi thai. Sản xuất hàng hóa tiền tệ dẫn đến sự phân phối nguồn lực không đồng đều và nảy sinh các vấn đề trong xã hội. Từ đó, tài chính công ra đời như một công cụ hữu hiệu để Nhà nước duy trì bộ máy lãnh đạo và điều tiết kinh tế – xã hội.
Chức năng của tài chính công
Tài chính công có 4 chức năng chính
- Chức năng phân bổ
Tài chính công có chức năng phân bổ các hàng hóa công cộng một cách hiệu quả.
Hàng hóa công cộng là gì? Đó là những hàng hóa mang hai tính chất: không cạnh tranh và không thể loại trừ. Nghĩa là việc sử dụng của người này không làm ảnh hưởng đến việc sử dụng của người khác. Và ai cũng cần được sử dụng hàng hóa công cộng.
Ví dụ:
An ninh quốc phòng, các chương trình y tế quốc gia, chương trình giáo dục phổ thông… Đây là những điều mọi công dân đều có quyền được hưởng. Để đáp ứng nhu cầu này, Chính phủ phải sử dụng nguồn lực từ Tài chính công để chi tiêu cho quân đội và mua sắm vũ khí; chi trả các loại vắc xin phòng bệnh; xây dựng trường công và trả lương cho đội ngũ giáo viên…
- Chức năng phân phối
Mọi quốc gia trên thế giới đều tồn tại sự chênh lệch về thu nhập và sự giàu có. Sự bất bình đẳng này gây ra thiệt hại cho xã hội và khiến tỷ lệ tội phạm gia tăng. Tài chính công cần phải giảm thiểu những bất bình đẳng trong xã hội thông qua chức năng phân phối.
Nhà nước thực hiện thu thuế và chi tiêu xã hội để phân phối lại thu nhập và của cải. Cụ thể ra sao, bạn hãy xem nhé.
Ví dụ:
Thuế thu nhập cá nhân là một ví dụ điển hình cho chức năng phân phối. Bạn là sinh viên mới ra trường với mức lương khởi điểm 11 triệu đồng, chịu thuế suất 15%. Một thời gian sau, bạn có thêm kinh nghiệm và thành tích trong công việc. Mức lương của bạn tăng lên 20 triệu đồng, khi đó, thuế suất bạn phải chịu là 20%.
Rõ ràng, thu nhập cao hơn đồng nghĩa với việc phải đóng góp nhiều hơn cho xã hội. Và khoản đóng góp này của bạn có thể sẽ trở thành một phần của chương trình viện trợ cho người nghèo.
- Chức năng điều chỉnh
Nền kinh tế có tính chu kỳ. Tại một thời điểm nào đó nó sẽ trải qua thời kỳ bùng nổ và suy thoái. Tuy nhiên những giai đoạn này lại tạo ra sự bất ổn cả về kinh tế, chính trị và xã hội. Chức năng bình ổn của tài chính công là việc loại bỏ hoặc làm giảm đi những biến động này.
- Chức năng kiểm tra
Chức năng này nhằm đảm bảo việc thực hiện các hoạt động của tài chính công một cách minh bạch. Nhà nước sẽ thành lập những cơ quan thanh tra, kiểm soát. Đó là các cơ quan tài chính, kiểm toán nhà nước, thanh tra chính phủ…
Đặc điểm của tài chính công là gì?
Đặc điểm của tài chính công
Là một cấu phần tài chính đặc thù, tài chính công cũng có những đặc điểm riêng. Cụ thể:
- Gắn liền với sở hữu nhà nước, quyền lực chính trị của nhà nước
Nhà nước là chủ thể duy nhất quyết định đến quá trình tạo lập và sử dụng quỹ công, đặc biệt là quỹ ngân sách nhà nước. Việc tạo lập và sử dụng quỹ công phụ thuộc vào quan điểm của nhà nước và các mục tiêu kinh tế – xã hội trong từng thời kì.
- Chứa đựng lợi ích chung, lợi ích công cộng
Mục tiêu của tài chính công là hướng tới lợi ích chung của toàn cộng đồng, quốc gia. Lợi ích tổng thể được đặt lên hàng đầu và chi phối các quan hệ lợi ích khác.
- Hiệu quả của hoạt động thu chi tài chính công không lượng hoá được
Tài chính công mang tính chất không hoàn lại trực tiếp. Do đó không thể đánh giá hiệu quả một cách cụ thể. Tuy nhiên, hiệu quả của nó có thể xác định qua các chỉ tiêu như: tốc độ tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo…
- Phạm vi hoạt động rộng
Tài chính công gắn liền với các việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của nhà nước. Tầm ảnh hưởng của nó được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, văn hoá, giáo dục, quốc phòng, an ninh,… Hoạt động thu chi của Nhà nước có tác động đến hầu hết các chủ thể trong nền kinh tế kể cả chủ thể đầu tư hay tiêu dùng.
Nguyên tắc quản lý của tài chính công
Nguồn thu của tài chính công
Nhà nước lấy tiền từ đâu để chi trả cho những nhu cầu của mình?
- Thuế
Rất nhanh chóng, điều đầu tiên bạn nghĩ đến là thuế. Thực tế, đây là nguồn thu chủ yếu cho Ngân sách nhà nước. Các sắc thuế bao gồm thuế bán hàng, thuế thu nhập, thuế tài sản, thuế bất động sản, thuế xuất nhập khẩu…
- Lệ phí
Ngoài ra, nguồn thu của tài chính công còn đến từ các khoản phí, lệ phí như: phí cầu đường, lệ phí trước bạ, lệ phí cấp sổ đỏ, chuyển nhượng tài sản…
- Các dịch vụ công
Các dịch vụ công cũng là một nguồn thu ngân sách đáng kể. Nhà nước có thể thu một phần phí từ các dịch vụ công như: trường học, bệnh viện, trung tâm thể thao…
- Đi vay
Ngoài ra, Nhà nước cũng có thể huy động nguồn tiền bằng cách đi vay. Nhà nước sẽ phát hành các loại trái phiếu chính phủ, tín phiếu kho bạc, công trái… Người dân và doanh nghiệp mua những tài sản này sẽ trở thành chủ nợ của Chính phủ và có thể thu về lợi tức sau một khoảng thời gian nhất định.
- Các nguồn khác
Các nguồn thu khác như thu từ tổ chức kinh tế, nhận tài trợ, cho thuê tài sản, nhận đầu tư, các khoản viện trợ không hoàn lại từ nước ngoài (ODA từ Nhật)…
Các khoản ngân sách chi tiêu
Nhà nước chi những khoản nào?
Như đã nói, chi tiêu công chủ yếu nhằm mục đích mang lại lợi ích cho toàn xã hội. Nhưng chính xác thì những khoản chi tiêu đó bao gồm những gì? Cùng DNSE điểm qua nhé.
- Duy trì bộ máy Nhà nước
Đây còn được gọi là các khoản chi thường xuyên nhằm duy trì bộ máy Nhà nước và cung cấp một số dịch vụ công cộng. Ví dụ: các khoản lương thưởng cho cán bộ nhân viên Nhà nước, thiết bị văn phòng, điện, nước, công tác phí, sự kiện, hội họp,…
- Chi đầu tư phát triển
Ngoài ra, Nhà nước còn chi cho các công trình đầu tư với mục tiêu thúc đẩy kinh tế và ổn định xã hội. Ví dụ như xây cầu – đường, xây trường học, bệnh viện, phát triển khu du lịch,…
- Trả các khoản nợ trong và ngoài nước
Một phần nguồn thu của tài chính công đến từ các khoản vay trong và ngoài nước. Do đó việc trả các khoản nợ khi đến hạn cũng là một khoản chi không nhỏ.
- Các khoản chi đột xuất
Mỗi năm, ngân sách nhà nước còn được dự trữ để sử dụng cho các khoản chi đột xuất. Đây là những khoản chi không nằm trong kế hoạch, nhưng rất cần thiết nhằm ứng phó với trường hợp khẩn cấp. Có thể kể đến như: các chương trình khắc phục thiên tai, phòng chống dịch bệnh…
Vai trò của tài chính công ở Việt Nam
Nhìn chung, tài chính công ở mọi quốc gia cũng như tại Việt Nam đóng vai trò quan trọng không những đối với hệ thống tài chính mà còn đối với toàn bộ nền kinh tế quốc dân.
Tài chính công là nguồn tài chính đảm bảo hoạt động của nhà nước và hệ thống chính trị. Nhờ đó, Tài chính công trở thành một công cụ hữu ích và chủ yếu để nhà nước thực hiện vai trò điều tiết vĩ mô của mình.
Kết
Tài chính công là một cấu phần tài chính không thể thiếu của một quốc gia. Mỗi quyết định thu, chi của Chính phủ đều ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống kinh tế – xã hội. Mong rằng những nội dung trên đã giúp bạn hiểu thêm tài chính công là gì để có thể ứng dụng trong công việc và cuộc sống. DNSE vẫn còn rất nhiều bài viết thú vị về tài chính – chứng khoán. Vì thế, đừng quên ghé thăm website thường xuyên để theo dõi nhé!