Sau phim “Người phán xử”, tình trạng “tự xử” kiểu xã hội đen tăng!

Trình dự án luật trước UB Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong quá trình xây dựng dự án luật còn một số vấn đề có ý kiến khác nhau, cần xin ý kiến Quốc hội. Một trong các vấn đề là quy định về phổ biến phim trên không gian mạng.

Người dân bắt chước làm theo phim!

Sau phim Người phán xử, tình trạng tự xử kiểu xã hội đen tăng! - 1

Bộ trưởng Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình dự án luật trước UB Thường vụ Quốc hội.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Chính phủ dự kiến trình ra Quốc hội 2 phương án. Trong đó phương án một cho phép các nhà phát hành “tự kiểm” và chịu trách nhiệm, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch sẽ kiểm tra theo kiểu hậu kiểm. Còn phương án 2 là bắt buộc các phim chỉ được phổ biến trên không gian mạng khi có giấy phép của Bộ này (tiền kiểm).

Bộ trưởng Hùng cũng giải thích, “hậu kiểm” là hướng quản lý mới, song cũng tạo nguy cơ để lọt các sản phẩm phản ánh sai lịch sử, nội dung bạo lực, sử dụng ma túy, khiêu dâm, xâm hại trẻ em… Trong khi đó, “tiền kiểm” hiện vẫn chưa có giải pháp hiệu quả để kiểm soát khối lượng lớn các phim phát hành trên mạng.

Các ý kiến trong Chính phủ thì đa số chọn phương án một.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết cơ quan thẩm tra đề xuất thêm phương án kết hợp hậu kiểm và tiền kiểm một cách hợp lý. Hậu kiểm là chủ yếu, tiền kiểm đối với phim có ảnh hưởng xấu đến chính trị, tư tưởng, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, và phải phù hợp với điều kiện, khả năng quản lý của cơ quan nhà nước.

Nêu ý kiến về việc quy định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng, nhất là những phim có vấn đề liên quan tới quốc phòng, an ninh, hải đảo, trẻ em, tôn giáo, dân tộc, Thiếu tướng Lê Tấn tới – Chủ nhiệm UB Quốc phòng và An ninh nêu thực tế, hiện có một số bộ phim có tình tiết cổ súy cho hành vi vi phạm pháp luật như phạm tội nhưng không bị xử lý, lối sống ích kỷ… Trong khi đó, một số phim phản ánh quá chân thực, quá chi tiết về sự tự diễn biến, tự chuyển hóa, vô hình chung làm cho người xem nhận thức sai và bắt chước làm theo.

Ông Tới nêu dẫn chứng phân tích: “Mới đây, sau khi VTV chiếu phim “Người phán xử” thì tình hình các băng ổ nhóm tội phạm xã hội đen, tự phán xử xảy ra rất nhiều. Đất nước quản lý xã hội bằng pháp luật, nhưng trong phim lại thể hiện pháp luật không giải quyết được mà để một ông trùm làm người phán xử, “phán xử” cả lực lượng công an”.

Sau phim Người phán xử, tình trạng tự xử kiểu xã hội đen tăng! - 2

Thiếu tướng Lê Tấn Tới là Thứ trưởng Bộ Công an trước khi được bầu làm Chủ nhiệm UB Quốc phòng – An ninh của Quốc hội.

Thiếu tướng Lê Tấn Tới đặt câu hỏi, phim được chiếu giờ vàng, nhiều khán giả tiếp cận vậy, ai chịu trách nhiệm về vấn đề này?

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu khó khăn trong việc kiểm soát các nội dung phim trên không gian mạng theo dạng tiền kiểm. Bộ trưởng cho biết, giải pháp dự kiến là quy định nhà cung cấp phải chịu trách nhiệm.

Đấu thầu làm phim, sao không ai mặn mà?

Vấn đề khác nhận quan tâm trong dự thảo luật là quy định về sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, dự thảo luật đưa ra 2 phương án.

Chính phủ nghiêng về phương án 1: “Sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước được thực hiện theo một trong hai hình thức giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng”. Phương án 2 là giữ như luật hiện hành, việc đấu thầu sản xuất phim thực hiện theo luật Đấu thầu và Quyết định số 17 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết quy trình lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt đối với dự án sản xuất phim.

Cơ quan thẩm tra dự án luật lại lựa chọn phương án 2 với lý do, thực hiện hình thức đấu thầu nhằm tạo sự bình đẳng giữa các đơn vị nhà nước và tư nhân và phù hợp với luật Đấu thầu.

Nhận xét các phương án thể hiện trong dự thảo luật là “từ thái cực nọ nhảy sang thái cực kia”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, nếu bỏ đấu thầu vì trước kia đấu thầu không được thì sẽ tự mình bó mình.

Bộ trưởng Văn hóa hồi đáp, bỏ đấu thầu không phải đi từ cực này sang cực kia mà vì nhiều năm qua không có ai đấu thầu cả, tìm hiểu nguyên nhân thì thấy là do kịch bản luôn gắn với đơn vị sản xuất chứ không có ngân hàng kịch bản.

Tuy nhiên, Trưởng ban soạn thảo dự án luật khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến tại phiên thảo luận để phân loại phim nào sẽ đấu thầu, phim nào không.