Phó Giáo sư Mai Sỹ Tuấn giải thích 4 khái niệm tích hợp trong chương trình mới

LTS: Trên tinh thần lắng nghe những băn khoăn của nhiều thầy cô qua 2 bài trả lời phỏng vấn Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, hôm nay Phó Giáo sư Mai Sỹ Tuấn – Trưởng nhóm chương trình môn Khoa học tự nhiên trong chương trình giáo dục phổ thông mới gửi đến Tòa soạn bài viết này.

Ông mong muốn giải thích rõ hơn một số khái niệm về “dạy học tích hợp” để trả lời thắc mắc của các thày cô giáo trên cả nước. 

Tòa soạn xin giới thiệu đến quý độc giả bài viết của Phó Giáo sư Mai Sỹ Tuấn và trân trọng cảm ơn tác giả. 

Trước hết cần khẳng định, dạy học tích hợp là xu hướng phổ biến của giáo dục tiếp cận phát triển năng lực hiện nay. Thực hiện dạy học tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông mới là hoàn toàn khách quan, đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục. 

Trong khuôn khổ của bài viết ngắn, chúng tôi chưa thể giải thích cặn kẽ về các hình thức dạy học tích hợp, chỉ xin giải thích tóm tắt về các khái niệm tích hợp nội môn, liên môn, đa môn và xuyên môn.  

Phó Giáo sư Mai Sỹ Tuấn giải thích 4 khái niệm tích hợp trong chương trình mới ảnh 1

1. Tích hợp trong nội bộ môn học (Intradisciplinary): Trong cách tiếp cận này, giáo viên giúp học sinh tìm kiếm sự kết nối kiến thức, kỹ năng giữa các chủ đề trong một môn học. 

Có thể minh họa nội dung của nhiều kiến thức hoặc nhiều kỹ năng lồng vào nhau trong 1 chủ đề/ chương/ bài như sau:

Phó Giáo sư Mai Sỹ Tuấn giải thích 4 khái niệm tích hợp trong chương trình mới ảnh 2

Hình thức tích hợp này đang được các thầy cô giáo thực hiện ở nhiều lớp học. Ví dụ: trong môn Hóa học, khi dạy bài “Hợp chất của cacbon (CO2)” giáo viên thường tích hợp với nội dung dạy về Hiệu ứng nhà kính.

2. Tích hợp liên môn (Interdisciplinary): Tích hợp liên môn là hình thức phối hợp của nhiều môn học để nghiên cứu và giải quyết một tình huống, tạo ra những kết nối giữa nhiều môn học. Nội dung tích hợp liên môn xoay quanh các chủ đề, các khái niệm và các kỹ năng liên môn được nhấn mạnh. 

Một hình thức phổ biến của tích hợp liên môn là hình thành môn học mới so với môn học truyền thống.

Trong các môn học đó, có thể có nội dung riêng của từng lĩnh vực khoa học, cũng có nội dung hòa vào nhau và không phân biệt rõ thuộc lĩnh vực khoa học nào.

Ví dụ như môn Khoa học tự nhiên được tích hợp từ các môn Vật lý, Hóa học và Sinh học. Tích hợp theo hình thức liên môn đòi hỏi học sinh phải huy động tổng hợp kiến thức từ nhiều lĩnh vực khoa học để giải quyết một vấn đề.

Có thể minh họa tích hợp liên môn theo sơ đồ sau, trong đó mỗi vòng tròn thể hiện một môn học cơ bản:

Phó Giáo sư Mai Sỹ Tuấn giải thích 4 khái niệm tích hợp trong chương trình mới ảnh 3

3. Tích hợp đa môn (Multidisciplinary) là hình thức dạy học theo các môn học riêng rẽ nhưng các môn học đều có một chủ đề chung. Ví dụ như chủ đề về “Phòng chống tác hại của thuốc lá” được các môn như Hóa học, Sinh học, Giáo dục công dân,…. cùng thiết kế nội dung dạy học; chủ đề “Bảo vệ môi trường tự nhiên” được các môn Địa lý, Sử học, Văn học, Hóa học, Sinh học, Vật lý, Giáo dục công dân…. cùng thiết kế nội dung dạy học. 

Ở một số nước, nhà trường phổ thông xếp thời khóa biểu phù hợp để các môn đều dạy chủ đề tích hợp đa môn trong một tuần nhất định. 

Có thể minh họa tích hợp đa môn theo sơ đồ sau, trong đó ô hình vuông minh họa cho chủ đề tích hợp, các ô hình tròn minh họa cho môn học:

Phó Giáo sư Mai Sỹ Tuấn giải thích 4 khái niệm tích hợp trong chương trình mới ảnh 4


4. Tích hợp xuyên môn
(Transdisciplinary)

Tích hợp xuyên môn hướng vào phát triển những năng lực của học sinh qua nhiều môn học. Trong cách tiếp cận này, nội dung dạy học được thiết kế nhằm phát triển kỹ năng sống, kỹ năng môn học trong bối cảnh của thực tế cuộc sống.

Một trong những con đường để dẫn đến tích hợp xuyên môn hiệu quả là học tập dựa trên dự án.

Ví dụ dự án “Nước trong cuộc sống”, trong đó học sinh vận dụng kiến thức của nhiều môn học như Hóa học, Vật lý, Sinh học, Địa lý,…. để trả lời các câu hỏi của dự án xung quanh chủ đề về nước.  

Một trong những hình thức dạy học của tích hợp xuyên môn là các nội dung, kỹ năng được tích hợp xuyên suốt nhiều môn học, trong đó nội dung được bố trí dạy nối tiếp từ môn học này đến môn học khác (như sợi chỉ đỏ xuyên suốt các môn học). 

Ví dụ chuyên đề về “Sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên” được các môn Địa lý, Sinh học, Vật lý, Hóa học,…. dạy xâu chuỗi – nối tiếp nhau. 

Có thể minh họa tích hợp đa môn theo hình thức xuyên suốt theo sơ đồ sau, trong đó ô hình tròn minh họa cho môn học:

Phó Giáo sư Mai Sỹ Tuấn giải thích 4 khái niệm tích hợp trong chương trình mới ảnh 5

Phó Giáo sư Mai Sỹ Tuấn