Mua bán, cầm cố, thế chấp sổ bảo hiểm xã hội của người lao động và người sử dụng lao động bị xử phạt như thế nào?


Hành vi trục lợi từ mua bán, cầm cố thế chấp sổ bảo hiểm xã hội có bị phạt không và mức phạt như thế nào đối với người lao động và người sử dụng lao động? Mong được giải đáp thắc mắc sớm nhất, xin cảm ơn!

Mua bán, cầm cố, thế chấp sổ bảo hiểm xã hội của người lao động và người sử dụng lao động bị xử phạt như thế nào?

Theo Quyết định 1035/QĐ-BHXH năm 2015 và Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 của bảo hiểm xã hội Việt Nam, trường hợp người lao động mang sổ bảo hiểm xã hội đi cầm cố, thế chấp, sẽ không được cấp lại sổ. Ngoài ra, sổ bảo hiểm xã hội cũng không phải là đối tượng tài sản được cầm cố, thế chấp hoặc mua bán theo quy định. Theo đó, hành vi cầm cố sổ bảo hiểm xã hội của người lao động, sau đó làm thủ tục kê khai sổ bảo hiểm xã hội bị mất, hư hỏng để xin cấp lại, đã thuộc trường hợp kê khai không đúng sự thật, sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Tại Điều 40 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định mức phạt tiền từ từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa những nội dung liên quan đến việc hưởng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp và đối với người sử dụng lao động có hành vi giả mạo hồ sơ bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cụ thể như sau:

“Điều 40. Vi phạm quy định về lập hồ sơ để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người lao động có một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa làm sai sự thật những nội dung có liên quan đến việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Không thông báo với Trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định khi người lao động có việc làm trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp;

c) Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp không thông báo theo quy định với Trung tâm dịch vụ việc làm khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: có việc làm; thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; hưởng lương hưu hằng tháng; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp để trục lợi chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự đối với mỗi hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp làm giả, làm sai lệch nội dung nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả

Buộc nộp lại cho cơ quan bảo hiểm xã hội số tiền bảo hiểm xã hội, số tiền trợ cấp thất nghiệp, số tiền hỗ trợ học nghề, số tiền hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động đã nhận do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, 2 Điều này.”

Như vậy, những người có hành vi trục lợi mua bán, cầm cố, thế chấp sổ bảo hiểm xã hội thì sẽ thuộc trường hợp khai không đúng những nội dung có liên quan đến việc hưởng hoặc giả mạo hồ sơ để được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội và bị xử phạt theo quy định trên.

Mua bán, cầm cố, thế chấp sổ bảo hiểm xã hội của người lao động

Mua bán, cầm cố, thế chấp sổ bảo hiểm xã hội của người lao động

Quyền và trách nhiệm của người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội được pháp luật quy định như thế nào?

Tại Điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về quyền của người lao động như sau:

– Được tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này.

– Được cấp và quản lý sổ bảo hiểm xã hội.

– Nhận lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội đầy đủ, kịp thời, theo một trong các hình thức chi trả sau:

a) Trực tiếp từ cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức dịch vụ được cơ quan bảo hiểm xã hội ủy quyền;

b) Thông qua tài khoản tiền gửi của người lao động mở tại ngân hàng;

c) Thông qua người sử dụng lao động.

– Hưởng bảo hiểm y tế trong các trường hợp sau đây:

a) Đang hưởng lương hưu;

b) Trong thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi;

c) Nghỉ việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng;

d) Đang hưởng trợ cấp ốm đau đối với người lao động mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành.

– Được chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động nếu thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 45 của Luật này và đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội; được thanh toán phí giám định y khoa nếu đủ điều kiện để hưởng bảo hiểm xã hội.

– Ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội.

– Định kỳ 06 tháng được người sử dụng lao động cung cấp thông tin về đóng bảo hiểm xã hội; định kỳ hằng năm được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận về việc đóng bảo hiểm xã hội; được yêu cầu người sử dụng lao động và cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp thông tin về việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.

– Khiếu nại, tố cáo và khởi kiện về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Điều 19 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định:

– Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này.

– Thực hiện quy định về việc lập hồ sơ bảo hiểm xã hội.

– Bảo quản sổ bảo hiểm xã hội.

Người sử dụng lao động có trách nhiệm và quyền gì khi người lao động tham gia bảo hiểm xã hội?

Căn cứ Điều 20 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định quyền của người sử dụng lao động

– Từ chối thực hiện những yêu cầu không đúng quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

– Khiếu nại, tố cáo và khởi kiện về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.

Tại Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động quy định:

– Lập hồ sơ để người lao động được cấp sổ bảo hiểm xã hội, đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.

– Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 86 và hằng tháng trích từ tiền lương của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 85 của Luật này để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội.

– Giới thiệu người lao động thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 45 và Điều 55 của Luật này đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa.

– Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả trợ cấp bảo hiểm xã hội cho người lao động.

– Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.

– Cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, cơ quan bảo hiểm xã hội.

– Định kỳ 06 tháng, niêm yết công khai thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; cung cấp thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội của người lao động khi người lao động hoặc tổ chức công đoàn yêu cầu.

– Hằng năm, niêm yết công khai thông tin đóng bảo hiểm xã hội của người lao động do cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp theo quy định tại khoản 7 Điều 23 của Luật này.