MỘT SỐ BẤT CẬP TRONG QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT BẢO VỆ TRẺ EM KHỎI NẠN BẢO HÀNH – Luật sư Đà Nẵng – Luật sư FDVN

Tóm tắt: Bảo vệ trẻ em là một trong bốn nhóm quyền cơ bản được Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em (CRC) năm 1989 ghi nhận, Việt Nam là nước đầu tiên của châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn CRC. Thế nhưng nạn bạo hành trẻ em ở Việt Nam đang ở mức báo động khẩn cấp. Một trong những nguyên nhân là do các quy định pháp lý về bảo vệ trẻ em còn chưa đầy đủ, thiếu tính thống nhất dẫn đến việc bảo vệ trẻ em khỏi nạn bạo hành chưa thực sự hiệu quả. Chính vì vậy, pháp luật liên quan đến việc bảo vệ trẻ em cần thay đổi và cải thiện.

Từ khóa: Quyền trẻ em, Bạo hành trẻ em, Pháp luật về trẻ em.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

“Trẻ em, do chưa trưởng thành về tinh thần và thể lực cần có sự bảo vệ và chăm sóc đặc biệt, bao gồm sự bảo vệ về pháp lý thích hợp, trước cũng như sau khi sinh” đó là nội dung đã được chỉ ra tại Tuyên bố của Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em 1959 và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 tại Điều 37 cũng đã khẳng định: “Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”. Thể chế hóa quy định này của Hiến pháp, ngày 05/4/2016, Quốc hội Khóa 13 đã thông qua Luật Trẻ em năm 2016 (có hiệu lực từ ngày 01/6/2017), đây là hành lang pháp lý cơ bản và quan trọng cho công tác phòng, chống và bảo vệ trẻ em khỏi nạn bạo hành tại Việt Nam.

Thế nhưng số vụ bạo hành trẻ em ở Việt Nam vẫn gia tăng, cụ thể trong giai đoạn từ 2015 đến 2019 Việt Nam có 8.442 vụ xâm hại trẻ em, với 8.709 trẻ em bị xâm hại[1]; và chỉ riêng 06 tháng đầu năm 2020, Việt Nam đã có đến 1.012 vụ xâm hại trẻ em, với 1059 trẻ em bị xâm hại; đặc biệt tỷ lệ trẻ em bị xâm hại về tình dục tăng đột biến[2]. Ngày 26/05/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phải ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg về việc tăng cường giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, theo đó, Thủ tướng nhận định rằng một số vấn đề về trẻ em vẫn còn tồn tại và diễn biến phức tạp.

Chính vì vậy , mà bài viết này qua góc nhìn thực tế, đi sâu phân tích những bất cập trong quy định của pháp luật trong việc bảo vệ trẻ em khỏi nạn bạo hành để từ đó đề xuất, kiến nghị hoàn thiện pháp luật, góp phần bảo vệ trẻ em Việt Nam.

II. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU

1. Một số khái niệm cơ bản về pháp luật bảo vệ trẻ em khỏi nạn bạo hành

1.1. Khái niệm trẻ em

Theo Điều 1 Công ước về quyền trẻ em của Liên hợp quốc (CRC) thì trẻ em có nghĩa là bất kỳ người nào dưới 18 tuổi, trừ trường hợp pháp luật có thể được áp dụng với trẻ em đó quy định tuổi thành niên sớm hơn. Khái niệm trẻ em ở Việt Nam được chính thức đề cập tại Điều 1 Pháp lệnh về Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 1979 như sau: “Trẻ em nói trong Pháp lệnh này gồm các em từ mới sinh đến 15 tuổi” và tại Điều 1 Luật Trẻ em năm 2016 đang có hiệu lực quy định: “Trẻ em là người dưới 16 tuổi”.  Như vậy, khác với CRC, Việt Nam xác định trẻ em là những người dưới 16 tuổi, không phân biệt là công dân Việt Nam hay cá nhân người nước ngoài cư trú tại Việt Nam.

1.2. Khái niệm bảo vệ trẻ em

          Luật Trẻ em năm 2016 tại Khoản 1 Điều 4 đã đưa ra định nghĩa về Bảo vệ trẻ em như sau: “Bảo vệ trẻ em là việc thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em; trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt” ­– đây là thuật ngữ khá toàn diện về bảo vệ trẻ em với cách tiếp cận theo từng cấp độ từ bảo đảm môi trường sống an toàn cho trẻ em đến việc phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi xâm hại trẻ em và trợ giúp khi trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

1.3. Khái niệm bạo hành trẻ em

Theo định nghĩa của Tổ chức Sức khỏe Thế giới (WHO), bạo hành trẻ em bao gồm tất cả những hành vi đối xử tệ bạc về thể chất hay tinh thần, xâm hại tình dục, lợi dụng hay bỏ bê, dẫn đến nguy hại hay khả năng nguy hại đối với sức khỏe, nhân phẩm, hay sự phát triển của đứa trẻ. Bạo hành có thể được thực hiện bởi cha mẹ, người trông nom, hay một đứa trẻ lớn hơn,…[3]. Bạo hành trẻ em hay còn gọi là “Xâm hại trẻ em” theo quy định tại Khoản 5 Điều 4 Luật trẻ em 2016 nghĩa là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác.

Các hành vi phổ biến và cơ bản của bạo hành trẻ em được nhận diện như sau:

a) Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.

b) Bóc lột trẻ em là hành vi bắt trẻ em lao động trái quy định của pháp luật về lao động; trình diễn hoặc sản xuất sản phẩm khiêu dâm; tổ chức, hỗ trợ hoạt động du lịch nhằm Mục đích xâm hại tình dục trẻ em; cho, nhận hoặc cung cấp trẻ em để hoạt động mại dâm và các hành vi khác sử dụng trẻ em để trục lợi.

c) Xâm hại tình dục trẻ em là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em và sử dụng trẻ em vào Mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức.

d) Bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em là hành vi của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em.

2. Bất cập trong quy định của pháp luật bảo vệ trẻ em khỏi nạn bạo hành

2.1. Độ tuổi là trẻ em ở Việt Nam chưa tương thích với Quốc tế

Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới và nước đầu tiên ở Châu Á đã phê chuẩn CRC mà không bảo lưu điều nào. Bên cạnh đó, tại Công ước 182 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) mà Việt Nam đã phê chuẩn vào năm 2000 cũng nhấn mạnh thuật ngữ “trẻ em” được áp dụng cho tất cả những ai dưới 18 tuổi.

Có thể thấy, các Công ước liên quan đến trẻ em mà Việt Nam phê chuẩn đều ghi nhận trẻ em là người dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, Điều 1 Luật Trẻ em năm 2016 của Việt Nam lại quy định: “Trẻ em là người dưới 16 tuổi”, còn độ tuổi từ 16 đến 18 tuổi thì được xem là thanh niên. Việc xác định này là chưa tương thích với CRC cũng như chưa phù hợp với quan điểm phổ biến của cộng đồng quốc tế về sự trưởng thành của trẻ em, điều này sẽ gây ra những khó khăn trong việc thực thi các cam kết quốc tế về quyền trẻ em, và việc bảo vệ, chăm sóc một cách toàn diện và hiệu quả nhóm trẻ từ 16 đến dưới 18 tuổi.

Chính vì sự bao bọc của các bậc làm cha, mẹ ở Việt Nam theo cách nuôi con truyền thống mà hầu như từ 16 đến dưới 18 tuổi là độ tuổi mà các em chưa phát triển toàn diện về mặt thể chất, lẫn tinh thần; nhận thức xã hội và ý thức của bản thân còn chưa đủ. Theo quy định tại Điều 11 Luật thanh niên 2020 thì Nhà nước vẫn áp dụng điều ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, nhưng dường như Việt Nam đang vô tình bỏ ngỏ việc bảo vệ tối đa một nhóm người mà được quốc tế xem là “trẻ em” vì đây là độ tuổi mà các em dễ bị “cám dỗ”, bị xâm hại về tình dục và bị bóc lột về lao động…

Khái niệm trẻ em theo Luật trẻ em 2016 không chỉ áp dụng cho công dân Việt Nam mà còn cả người nước ngoài cư trú ở Việt Nam, điều này vô tình biến “trẻ em ở độ tuổi 16 đến dưới 18” của các quốc gia khác khi nhập cư vào Việt Nam sẽ không còn là trẻ em và không được hưởng sự chăm sóc, bảo vệ đặc biệt mà chỉ trẻ em mới có.

2.2. Thiếu sót trong việc xác định, phân nhóm trẻ em cần được bảo vệ

Hiện nay, pháp luật Việt Nam phân nhóm trẻ em theo hoàn cảnh đặc biệt. Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là trẻ em không đủ điều kiện thực hiện được quyền sống, quyền được bảo vệ, quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng, quyền học tập, cần có sự hỗ trợ, can thiệp đặc biệt của Nhà nước, gia đình và xã hội để được an toàn, hòa nhập gia đình, cộng đồng[4]. Việt Nam có 14 trường hợp được xem là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt[5], gồm: Trẻ em mồ côi cả cha và mẹ; Trẻ em bị bỏ rơi; Trẻ em không nơi nương tựa; Trẻ em khuyết tật; Trẻ em nhiễm HIV/AIDS; Trẻ em vi phạm pháp luật; Trẻ em nghiện ma túy;  Trẻ em phải bỏ học kiếm sống chưa hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở; Trẻ em bị tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tinh thần do bị bạo lực;  Trẻ em bị bóc lột; Trẻ em bị xâm hại tình dục; Trẻ em bị mua bán; Trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh phải Điều trị dài ngày thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo và Trẻ em di cư, trẻ em lánh nạn, tị nạn chưa xác định được cha mẹ hoặc không có người chăm sóc.

Tuy nhiên, việc liệt kê và phân nhóm như vậy là chưa đủ bởi trên thực tế còn có rất nhiều trường hợp trẻ em cần có sự hỗ trợ, can thiệp đặc biệt của nhà nước như: Trẻ em nghèo hoặc lang thang không có nơi ở ổn định và không có phương tiện sinh sống rõ ràng; Trẻ em có cha, mẹ, người bảo hộ không phù hợp, không có khả năng chăm sóc, sao nhãng khiến trẻ em rơi vào tình trạng có những mối quan hệ xấu, đe dọa đến đạo đức, có nguy cơ bị bạo hành hoặc trở thành người có xu hướng bạo hành; Trẻ em cần được khám, điều trị để bảo đảm sức khoẻ hoặc sự phát triển nhưng cha, mẹ hoặc người bảo hộ sao nhãng hoặc từ chối làm những công việc đó; Trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những mâu thuẫn dai dẳng giữa trẻ và cha, mẹ, người bảo hộ hoặc những mâu thuẫn, đổ vỡ trong gia đình dẫn đến thương tổn về tình cảm; Trẻ em bị cha mẹ cô lập, từ chối cho trẻ vui chơi, tiếp xúc với bên ngoài; Trẻ sống trong môi trường hoặc có liên quan, bị ảnh hưởng bởi người phạm tội hoặc những hành vi phạm tội.

Đây là những đối tượng trẻ em cũng có nguy bị xâm hại hoặc lạm dụng để xâm hại về thể chất, lẫn tinh thần rất cao. Nếu pháp luật chỉ xem những trẻ em đã bị khiếm khuyết về mặt nào đó là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt để hỗ trợ và can thiệp đặc biệt thì đó là một “lỗ hổng” rất lớn bởi còn rất nhiều nhóm trẻ em cũng có hoàn cảnh đặc biệt và đang có nguy cơ bị bạo hành chưa được quan tâm, bảo vệ kịp thời. Bảo vệ trẻ em thì xuất phát điểm phải nhìn nhận từ cái gốc chứ không phải khi sự việc xảy ra mới can thiệp, hỗ trợ.

Ngoài việc phân nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chung ra thì pháp luật Việt Nam đến nay cũng chưa có sự phân nhóm các trẻ em theo mức độ cần phải bảo vệ. Điển hình như pháp luật Malaysia thì quốc gia này đã phân loại các nhóm trẻ em cần được bảo vệ theo mức độ bản thân trẻ hoặc hoàn cảnh gây tổn hai cho trẻ; gồm các nhóm như: Nhóm có nguy cơ cần được chăm sóc bảo vệ; Nhóm trẻ cần được bảo vệ và phục hồi; Nhóm trẻ vượt quá tầm khống chế; Nhóm trẻ em bị buôn bán, bắt cóc;[6]…

Việc phân nhóm trẻ em rất quan trọng vì nó ảnh hưởng đến việc áp dụng các biện pháp bảo vệ trẻ em. Mỗi nhóm trẻ em sẽ có một cách thức khác nhau, biện pháp khác nhau và sẽ có sự can thiệp của cơ quan, tổ chức khác nhau để tránh sự chồng chéo, đùn đẩy và chây ì trong công tác bảo vệ trẻ em.

2.3. Các biện pháp bảo vệ trẻ em mang tính khái quát chung, chưa cụ thể

Theo quy định tại Điều 47 Luật trẻ em 2016 thì nhà nước bảo vệ trẻ em ở ba cấp độ là: phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp.

Ở cấp độ phòng ngừa có biện pháp cung cấp thông tin, trang bị kiến thức về trách nhiệm bảo vệ trẻ em, kỹ năng phòng ngừa, phát hiện các yếu tố, hành vi gây tổn hại, xâm hại trẻ em, tuy nhiên biện pháp này chỉ dành cho cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em, người làm việc trong cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em là chưa đủ, bởi biện pháp này là cần thiết với mọi đối tượng chứ không chỉ riêng người chăm sóc trẻ em. Vì lý do này mà hầu hết các trường hợp trẻ em bị bạo hành không được can thiệp kịp thời vì những người xung quanh các em không thể nhận diện, phát hiện được hành vi vi phạm, đặc biệt là khi trẻ em bị bạo hành bởi chính người nuôi dưỡng, chăm sóc.

   Cấp độ hỗ trợ bao gồm các biện pháp bảo vệ được áp dụng đối với trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi hoặc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhằm kịp thời phát hiện, giảm thiểu hoặc loại bỏ nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em. Nhưng tại Khoản 2 Điều 49 Luật trẻ em 2016 thì cũng chỉ ra các biện pháp chung chung chứ chưa cụ thể. Ở cấp độ này có biện pháp “Cảnh báo nguy cơ trẻ em bị xâm hại; tư vấn kiến thức, kỹ năng, biện pháp can thiệp…” đáng lẽ biện pháp này phải quán triệt ngay ở cấp độ phòng ngừa để đến cấp độ hỗ trợ là hành động. Việc bảo vệ trẻ em, cứu trẻ em thoát khỏi nạn bạo hành là khẩn thiết và kịp thời để loại bỏ nguy cơ trẻ em bị bạo hành, do đó, việc quy định thời gian trong vòng 12 giờ để cách ly trẻ em ra khỏi môi trường gây tổn hại cho trẻ em theo quy định tại Khoản 3 Điều 26 Nghị định 56/2017/NĐ-CP là chưa phù hợp, bởi hành vi phạm tội có thể thực hiện và hoàn thành sớm hơn, thế nên khi tiếp nhận thông tin về trẻ em có nguy cơ bị tổn thương thì nên được bảo vệ, cách ly và đưa trẻ em đến nơi an toàn ngay lập tức.

Vì Việt Nam phân nhóm trẻ em theo hoàn cảnh chứ chưa có phân nhóm trẻ em theo mức độ cần được bảo vệ nên việc sử dụng các biện pháp bảo vệ trẻ em chỉ mang tính chung chung, chưa cụ thể từ nhóm đối tượng, từng biện pháp quy trình và thời gian thực hiện. Cũng chưa có bất kỳ chế tài nào liên quan đến việc áp dụng các biện pháp bảo vệ trẻ em, vậy nên, những tổ chức, cá nhân được giao trách nhiệm vẫn chưa thực sự lưu tâm đến vấn đề này cho đến khi trẻ em đã bạo hành, hậu quả đã xảy ra.

Vụ bé trai bị chủ quán bánh xèo bạo hành ở Bắc Ninh, bản thân cháu bé này không biết khi mình gặp vấn đề thì mình phải gặp ai, tố cáo với ai.  Nhà hàng xóm ngay liền kề có nghi ngờ, có biết là quát tháo, biết cháu này phải thường xuyên làm việc từ suốt đêm đến sáng nhưng không ai để ý mà tố cáo[7]. Tức là, vấn đề phòng, chống bạo hành trẻ em chưa được người dân quan tâm, quy trình tiếp nhận, xử lý, biện pháp bảo vệ trẻ em ở bước phòng ngừa chưa hiệu quả, do đó những hành vi xâm hại trẻ em không được ngăn chặn triệt để.

Kỹ năng phòng vệ và xử lý tình huống của trẻ em khi gặp nguy hiểm rất là quan trọng, nhưng pháp luật về giáo dục chưa có quy định nào để ràng buộc các trường học phải đưa nội dung này vào chương trình giáo dục cho các em vì nếu chỉ đơn thuần là các buổi ngoại khóa tuyên truyền thì chưa phải là biện pháp để các có thể tiếp cận đủ và đúng các vấn đề xấu có nguy cơ xảy ra.

2.4. Chế tài xử lý vi phạm chưa bảo đảm tính răn đe

2.4.1. Trong quy định về xử phạt vi phạm hành chính

Theo Điều 27 Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định việc xử lý các vi phạm hành chính trong việc bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em thì mức xử phạt cao nhất đối với vi phạm quy định về cấm ngược đãi trẻ em; lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi; ngăn cản trẻ em tham gia hoạt động xã hội là từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng. Mức xử phạt tối đa 15.000.000 đồng là quá thấp nhưng từ năm 2013 đến nay vẫn chưa được sửa đổi, bổ sung mặc dù đã có nhiều hành vi vi phạm xảy ra.

Nghị định 144/2013/NĐ-CP rất ít quy định xử phạt vi phạm phạt liên quan đến bạo hành trẻ em và hầu như là không có quy định xử phạt đối với những người không trực tiếp có hành vi vi phạm nhưng không giúp đỡ, bảo vệ trẻ em bị bạo hành. Nên có thể thấy pháp luật vẫn chưa chú trọng đến việc xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi này nên chưa có tác động phòng ngừa, răn đe tích cực.

2.4.2. Chế tài hình sự

2.4.2.1. Mức hình phạt của một số tội danh liên quan đến trẻ em còn rất thấp

Pháp luật về hình sự hiện hành đã có nhiều quy định xử lý đối với những hành vi bạo hành trẻ em. Tuy nhiên mức xử phạt của một số tội chưa thực sự nghiêm khắc và còn rất nhẹ như Tội hành hạ người khác (Điều 140 Bộ luật hình sự 2015) thì mức xử phạt là cao nhất là 03 năm tù giam, Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thì mức xử phạt cao nhất cũng chỉ là 05 năm từ giam (Điều 185 Bộ luật hình sự 2015), Tội giết hoặc vứt con mới đẻ thì mức xử phạt cao nhất cũng chỉ 02 năm tù giam (Điều 124 Bộ luật hình sự 2015) và còn nhiều tội danh khác mà nạn nhân là trẻ em. Không những vậy mà trong nhiều vụ án bị cáo phạm tội nhưng được hưởng án treo, điều này đã làm cho những người có hành vi vi phạm coi thường pháp luật và có nguy cơ tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm hướng đến nạn nhân là trẻ em.

Một vụ án điển hình: Chị Đ là mẹ của cháu N, từ đầu tháng 08/2017 đến giữa tháng 09/2017, chị Đ không cho N đi học vì cho rằng N hiếu động, nghịch phá. Đ dùng roi để đánh cháu N nhiều lần; Các lần Đ đánh cháu N gây ra nhiều vết thương hở, chảy máu, sau khi vết thương lành để lại sẹo và bị tím bầm thì Đ tiếp tục đánh. Hành vi của chị Đ đã làm tổn hại sức khỏe cháu N với tỷ lệ 13%. Thế nhưng hành vi của chị Đ chỉ bị xử phạt 9 tháng tù giam và được hưởng án treo.[8]

Thiết nghĩ nếu pháp luật về hình sự quy định tăng mức xử phạt đối với những người phạm tội có hành vi bạo hành và không cho hưởng án treo nếu bị hại là trẻ em thì mới có thể tương xứng với hành vi phạm tội và răn đe được những người đang và có xu hướng phạm tội.

2.4.2.2. Không khởi tố vụ án hình sự do không có yêu cầu từ người đại diện của trẻ em

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự 2015 khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết. Quy định này đang “tiếp tay” cho những người phạm tội thực hiện hành vi trái pháp luật của mình đối với trẻ em, bởi lẽ, trong 10 tội nêu trên thì có đến 08 tội mà trẻ em thường xuyên là nạn nhân.

Nếu quy định như vậy thì việc phát hiện và xử lý hành vi bạo hành trẻ em sẽ rất khó nếu như người đại diện của trẻ không yêu cầu khởi tố và trên thực tế rất nhiều cha, mẹ, người chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em không yêu cầu khởi tố vụ án, vì sợ ảnh hưởng đến hình ảnh gia đình và ảnh hưởng đến tinh thần của các em; sợ bị những người xung quanh dị nghị, xa lánh; vì người phạm tội là người thân trong gia đình; lý do lớn nhất là người có hành vi phạm tội đã sử dụng tiền bồi thường để che lấp hành vi phạm tội.

Vậy nên, nạn bạo hành trẻ em diễn ra mỗi ngày và càng gia tăng, nhưng người phạm tội vẫn nhỡn nhơ ngoài vòng pháp luật.

2.4.3. Một số hành vi vi đã được hướng dẫn nhưng chưa cụ thể nên cơ quan có thẩm quyền còn lúng túng trong việc xử lý

Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP về hướng dẫn áp dụng quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, Khoản 1, Điều 5, nghị quyết này đã liệt kê các trường hợp không xử lý trách nhiệm hình sự về tội dâm ô là: “Người trực tiếp chăm sóc, giáo dục người dưới 10 tuổi, người bệnh, người tàn tật, có hành vi tiếp xúc với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của họ nhưng không có tính chất tình dục…” và “Người làm công việc khám, chữa bệnh, chăm sóc y tế; người cấp cứu, sơ cứu người bị nạn có hành vi tiếp xúc với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác của người dưới 16 tuổi nhưng không có tính chất tình dục ”, theo đó, các trường hợp loại trừ này đều “không có tính chất tình dục”. Song như thế nào là “không có tính chất tình dục” thì Nghị quyết này lại không đề cập hoặc nếu người thân thích của người dưới 16 tuổi (ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em, cô, dì, chú, bác ruột…) có hành vi cưng nựng, ôm hôn, vuốt ve bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi theo tập quán của người Việt Nam thì cũng có khả năng không phạm tội này nếu chứng minh được hành vi của họ “không có tính chất tình dục”. Điều này sẽ gây khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc xác định có hay không có tội phạm.

Mặt khác, theo Nghị quyết thì chủ thể được loại trừ trách nhiệm hình sự là “người trực tiếp chăm sóc, giáo dục người dưới 10 tuổi, người bệnh, người tàn tật” nhưng cũng không quy định rõ “trực tiếp chăm sóc, giáo dục” được hiểu như thế nào mà chỉ đưa ra cách hiểu mở bằng dấu “…” ở ví dụ. Bên cạnh đó, đối tượng tác động của hành vi này cũng chỉ giới hạn ở “người dưới 10 tuổi, người bệnh, người tàn tật” mà không tính đến những trẻ em không thuộc đối tượng này nhưng lại bị hạn chế khả năng tự chăm sóc bản thân, cần phải có người khác chăm sóc hộ. Chính vì sự thiếu hướng dẫn của pháp luật dẫn đến các cơ quan tiến hành tố tụng có cách hiểu khác nhau, làm kéo dài thời gian xử lý tội phạm hay bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.

2.5. Thiếu cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi phát hiện các trường hợp trẻ em nghi ngờ bị bạo hành

Tại Việt Nam hiện nay, tất cả các hệ thống xã hội và chính trị đều có vai trò và nghĩa vụ bảo đảm thực hiện các quyền trẻ em. Nhưng một bất cập mà đa số ở địa phương nào cũng xảy ra đó là tổ chức liên ngành các cấp về trẻ em còn mang tính hình thức, thiếu sự chỉ đạo và hướng dẫn cụ thể của Ủy ban Quốc gia về trẻ em.

Bộ lao động – Thương binh và Xã hội có Công văn số 2805/LĐTBXH-TE ngày 15/07/2019 về đẩy mạnh công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, theo đó, tổ chức phối hợp liên ngành về trẻ em cấp xã do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trực tiếp phụ trách và các thành viên khác là những cá nhân gần gũi và quản lý trực tiếp trẻ em ở trong địa phương, tuy nhiên, đội ngũ làm công tác trẻ em cấp xã đa phần là cán bộ lao động, thương binh, xã hội kiêm nhiệm, họ quá tải về công việc, không đủ điều kiện, năng lực chuyên môn để làm công tác trẻ em. Ở thôn, bản, ấp số cộng tác viên chủ yếu làm việc cho công tác dân số kiêm thêm công việc trẻ em nên hầu hết đội ngũ này không hoàn thành nhiệm vụ theo quy định tại Điều 53 và Điều 72 của Luật Trẻ em 2016.

Ở nhiều địa phương chưa xây dựng được quy trình phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo hành hoặc nếu đã có thì quy trình cũng chưa logic có thể phải kéo dài thời gian lý, điều này chưa đảm bảo được tính cấp thiết trong việc bảo vệ trẻ em khỏi nạn bạo hành.

Pháp luật Malaysia có quy định nếu có trẻ em hoặc đang bị nghi ngờ cần được bảo vệ thì Hội đồng bảo vệ trẻ em quốc gia sẽ thành lập Nhóm Bảo Vệ Trẻ Em gồm: Người bảo vệ – là người đứng đầu, một nhân viên y tế và một cảnh sát cấp cao. Nhóm Bảo Vệ Trẻ Em này được thành lập ở khắp mọi nơi tại quốc gia này mà không giới hạn ở địa phương nào. Chỉ cần có trẻ em bị nghi ngờ bạo hành cần được bảo vệ thì sẽ có sự giám sát của Nhóm Bảo Vệ Trẻ Em[9].

2.6. Chính sách, kế hoạch hỗ trợ của nhà nước cho trẻ em chưa đảm bảo

Mức trợ cấp xã hội cho trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng theo Nghị định 136/2013/NĐ-CP hiện nay còn rất thấp với mức chuẩn là 270.000 đồng, mức hệ số tùy vào từng trường hợp nhưng tối đa là hệ số 3. Mức trợ cấp này chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu cuộc sống của trẻ. Chính vì vậy, mà nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, không có nguồn nuôi dưỡng phải tự lao động để kiếm sống bằng mọi nghề, thậm chí là đi lang thang, ăn xin; đây là một trong những nguyên nhân mà các em bị bạo hành về lao động, bị chửi bởi, đe dọa bởi các thành phần xấu trong xã hội.

3. Kiến nghị hoàn thiện các quy định của pháp luật trong việc bảo vệ trẻ em khỏi nạn bạo hành

Ngày nay, hơn 2/3 trẻ em từ 1 đến 14 tuổi vẫn chịu hình thức kỷ luật bạo lực và hơn 170.000 trẻ em không có sự chăm sóc của cha mẹ, nhiều em sống bần cùng hoặc bị bỏ rơi. Nhận thức được những thách thức này, Chính phủ Việt Nam đã hợp tác với UNICEF cam kết xây dựng các chính sách và luật nhằm đáp ứng nhu cầu và giải quyết bất bình đẳng ở trẻ em tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn quyền trẻ em để đảm bảo mọi trẻ em phát triển tối đa tiềm năng của mình và hưởng lợi từ sự thịnh vượng của đất nước[10]. Do đó, từ những bất cập đã phân tích ở trên tác giả đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật khỏi nạn bạo hành trẻ em như sau:

Thứ nhất, điều chỉnh độ tuổi trong khái niệm “Trẻ em” trong Luật trẻ em 2016 để tương thích với các quốc gia khác trên thế giới và để bảo vệ tối đa lợi ích của nhóm tuổi từ 16 đến dưới 18 tuổi khỏi tổn thương bởi nạn bạo hành.

Thứ hai, bổ sung hoặc phân chia thêm nhóm trẻ em theo mức độ cần bảo vệ để tương thích với các cấp độ bảo vệ cũng như dễ kiểm soát và nhận diện trẻ em có nguy cơ hoặc đang bị bạo hành.

Thứ ba, triển khai và quy định chi tiết hơn các biện pháp bảo vệ trẻ em ở các cấp độ hỗ trợ, phòng ngừa và can thiệp nhằm tạo ra một lộ trình chung, tổng quát để các cấp địa phương có thể triển khai thực hiện hiệu quả thay vì các chính sách tự ban hành nhưng không phù hợp và không khả thi. Giảm thời gian can thiệp cách ly trẻ em ra khỏi môi trường có nguy cơ bị tổn thương để trẻ em được an toàn nhất, muốn có được điều đó thì cần phải có quy trình logic và khoa học. Đưa ra các cơ chế phản ứng nhanh cùng đội ngũ chuyên nghiệp, phù hợp với trẻ em khi có hành vi xâm phạm quyền trẻ em xảy ra.

Thứ tư, bổ sung thêm các hành vi sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính do vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em, đồng thời tăng mức xử phạt để răn đe, phòng ngừa. Đối với pháp luật về hình sự thì khẩn thiết nên tăng mức xử phạt đối với các tội danh có liên quan đến trẻ em, không cho hưởng án treo và quy định tất cả các hành vi phạm tội mà nạn nhân hướng đến là trẻ em thì đều bị khởi tố cho dù không có yêu cầu của người đại diện của trẻ em để tránh trường hợp bỏ lọt tội phạm gây nguy hiểm cho trẻ em nói riêng và xã hội nói chung.

Thứ năm, nhà nước cần phải ban hành hướng dẫn về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, cơ sở dịch vụ khi phát hiện các trường hợp trẻ em nghi ngờ bị bạo hành để các cấp ở địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, nhanh chóng và kịp thời. Từ đó, các vấn đề liên ngành có thể được giải quyết bằng cách tăng cường các cơ chế hợp tác cho các sáng kiến và biện pháp can thiệp cho việc bảo vệ, chăm sóc, hỗ trợ và giáo dục trẻ em kết hợp với việc giám sát thực hiện với đại diện đầy đủ của các bên liên quan, trong đó có trẻ em.

Thứ sáu, các chính sách, chế độ giành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cần phải thay đổi, điều chỉnh phù hợp với thực tế và hoàn cảnh của trẻ em để các em có thể đảm bảo cuộc sống.

III. KẾT LUẬN

Thay đổi, điều chỉnh và thực hiện pháp luật về Bảo vệ trẻ em khỏi nạn bạo hành là cả một quá trình xây dựng chính sách hướng tới quyền trẻ em ở Việt Nam được bảo vệ. Những quy định của pháp luật và các giải pháp triển khai thực hiện trên thực tế sẽ giúp trẻ em có thể được bảo vệ an toàn trước nạn bạo hành luôn là là mối nguy lớn ở Việt Nam hiện nay. Từ các giải pháp pháp lý đến thực tiễn thi hành, cần sự chung tay của các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân và gia đình để bảo đảm trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh.

Nguyễn Thị Sương – Công ty Luật FDVN

[1] Tuyết Chinh (2020), “Báo động số trẻ em bị xâm hại”, nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/bao-dong-so-tre-em-bi-xam-hai-303586.html#:~:text=Theo%20B%C3%A1o%20c%C3%A1o%20c%E1%BB%A7a%20Ch%C3%ADnh,tr%E1%BA%BB%20em%20b%E1%BB%8B%20x%C3%A2m%20h%E1%BA%A1i.&text=Trong%20c%C3%A1c%20v%E1%BB%A5%20x%C3%A2m%20h%E1%BA%A1i,v%E1%BB%A5%20x%C3%A2m%20h%E1%BA%A1i%20tr%E1%BA%BB%20em, truy cập lần cuối ngày 24/11/2020;

[2] Bảo Ngọc – Vũ Tuấn (2020), Ngăn chặn nạn bạo hành trẻ em, Báo Tuổi trẻ ngày 02/12/2020;

[3]  White Heather VN (2017), “Bạo hành trẻ em – Định nghĩa, phân loại và hành vi”, nguồn:

https://www.whiteheathervn.com/tigravem-hi7875u1/bao-hanh-tre-em-inh-nghia-phan-loai-va-hanh-vi#:~:text=Theo%20%C4%91%E1%BB%8Bnh%20ngh%C4%A9a%20c%E1%BB%A7a%20T%E1%BB%95,ph%C3%A1t%20tri%E1%BB%83n%20c%E1%BB%A7a%20%C4%91%E1%BB%A9a%20tr%E1%BA%BB, truy cập ngày 24/11/2020;

[4] Xem tại Khoản 10 Điều 4 Luật trẻ em số102/2016/QH13 do Quốc hội khóa 13 ban hành ngày 05/04/2016, có hiệu lực ngày 01/06/2017;

[5] Xem tại Điều 10 Luật trẻ em số102/2016/QH13 do Quốc hội khóa 13 ban hành ngày 05/04/2016, có hiệu lực ngày 01/06/2017;

[6] Malaysia (2001), “Đạo luật trẻ em số 611”, nguồn: http://www.ilo.org/dyn/natlex/docs/WEBTEXT/65516/65279/E01MYS01.htm, truy cập lần cuối ngày 04/12/2020;

[7] Hồng Quân (2020), “Vụ bé trai bị bạo hành: Hàng xóm có nghi ngờ nhưng không ai để ý, nguồn: “https://tuoitre.vn/vu-be-trai-bi-bao-hanh-hang-xom-co-nghi-ngo-nhung-khong-ai-de-y-20201124205006105.htm, truy cập lần cuối ngày 01/12/2020;

[8] FDVN (2020), “Tổng hợp 20 Bản án và Quyết định Giám đốc thẩm liên quan đến bảo vệ quyền trẻ em”, nguồn: https://fdvn.vn/tong-hop-20-ban-an-va-quyet-dinh-giam-doc-tham-lien-quan-den-bao-ve-quyen-tre-em/, truy cập lần cuối ngày 04/11/2020;

[9] Malaysia (2001), “Đạo luật trẻ em số 611”, nguồn: http://www.ilo.org/dyn/natlex/docs/WEBTEXT/65516/65279/E01MYS01.htm, truy cập lần cuối ngày 04/12/2020;

[10]UNICEF, “Trẻ em Việt Nam”, nguồn: https://www.unicef.org/vietnam/vi/tr%E1%BA%BB-em-vi%E1%BB%87t-nam

…………………………….

Luật sư tại Đà Nẵng

99 Nguyễn Hữu Thọ, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

Luật sư tại Huế: 

336 Phan Chu Trinh, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

56A Điện Biên Phủ, phường Phường Đúc, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Luật sư tại Quảng Ngãi:

359 đường Nguyễn Du, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi

Luật sư tại Hà Nội:

Tầng 5, số 11 Ngõ 183, phố Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội

Luật sư tại Nghệ An:

Số 19 đường Lê Nin, Nghi Phú, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An

Website: www.fdvn.vn    www.fdvnlawfirm.vn  www.diendanngheluat.vn  www.tuvanphapluatdanang.com

Email: [email protected]    [email protected]

Điện thoại: 0935 643 666    –  0906 499 446

Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/

Legal Service For Expat:  https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/

TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/

DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/