Khu di tích Bạch Đằng Giang – nơi hòa quyện linh khí thiên-địa-nhân | Văn hóa | Vietnam+ (VietnamPlus)

Khu di tich Bach Dang Giang - noi hoa quyen linh khi thien-dia-nhan hinh anh 1

Quang cảnh lễ cắt băng khai mạc triển lãm ảnh, tư liệu ‘Bạch Đằng Giang – lịch sử và dấu tích.’ (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Vùng đất Tràng Kênh-Bạch Đằng (huyện Thủy Nguyên), cách trung tâm thành phố Hải Phòng chừng 18km về phía Đông Bắc, là địa danh nổi tiếng với 3 trận thủy chiến chống quân xâm lược trong lịch sử Việt Nam.

Những trận chiến đó gắn liền với tên tuổi các bậc hào kiệt: Vua Lê Đại Hành, Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Đức Vương Ngô Quyền.

Để tưởng nhớ các vị anh hùng dân tộc lập nên những chiến thắng vang dội trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử, người dân đã xây dựng khu di tích Bạch Đằng Giang – một quần thể kiến trúc quy mô bề thế, khang trang.

Khu di tích Bạch Đằng Giang vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia.

Bạch Đằng Giang, sự hòa quyện linh khí thiên-địa-nhân. Từ sông Bạch Đằng nhìn vào, Tràng Kênh như một Hạ Long trên cạn với nhiều núi non hùng vĩ.

Tràng Kênh cũng là vùng đất lưu giữ di chỉ của người Việt cổ, nơi giao thoa văn hóa của người miền núi ở cánh cung Đông Triều với người miền biển của văn hóa Hạ Long của các bộ tộc Âu Việt và Lạc Việt.

Từ trước công nguyên đến thời Bắc thuộc, núi Tràng Kênh – sông Bạch Đằng án ngữ con đường xâm lăng duy nhất về phương Nam của các thế lực Phương Bắc…

Nơi đây, từ thế kỷ X đến thế kỷ XIII diễn ra 3 trận quyết chiến chiến lược, cả 3 lần đều dùng trận địa cọc, cả 3 lần đều chỉ xảy ra trong 1 ngày, 1 con nước sáng lên chiều xuống và tiêu diệt gọn quân thù, bắt sống giặc, chém chết chủ tướng, làm quân thù Nam Hán, Đại Tống, Nguyên Mông đều bạt vía kinh hồn. Không một khúc sông nào nơi đây không nhuốm máu quân thù.

Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành cho rằng: “Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, vùng đất Hải Phòng và dòng sông Bạch Đằng luôn giữ vai trò trọng yếu trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc. Từ xa xưa, sông Bạch Đằng với cửa biển Nam Triệu đã là tuyến đường thủy quan trọng nhất dẫn vào kinh đô nước ta.”

“Trên dòng sông Bạch Đằng vào các năm 938, 981, 1288, dưới sự lãnh đạo của ba vị anh hùng dân tộc là Ngô Quyền, Lê Hoàn, Trần Hưng Đạo, với chiến thuật trận địa cọc độc đáo, nhân dân ta đã làm nên những chiến thắng vĩ đại, đập tan cuộc xâm lược của các triều đại phong kiến phương Bắc. Những dấu tích phong phú về 3 trận quyết chiến chiến lược đó còn lưu giữ trên khắp địa bàn thành phố Hải Phòng, đặc biệt là ở khu vực huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng,” ông Lê Văn Thành nhấn mạnh.

Khu di tich Bach Dang Giang - noi hoa quyen linh khi thien-dia-nhan hinh anh 2

Toàn cảnh Khu Di tích Bạch Đằng Giang. (Nguồn: bachdanggiang.vn)

Để tưởng nhớ các vị anh hùng dân tộc lập nên những chiến thắng vang dội trên dòng sông lịch sử, người dân đã xây dựng khu di tích Bạch Đằng Giang – một quần thể kiến trúc quy mô bề thế, khang trang.

Từ năm 2008 đến nay, các công trình trong khu di tích đã lần lượt được xây dựng, tạo nên một quần thể di tích uy nghi, lung linh soi bóng xuống Bạch Đằng Giang lịch sử. Khu di tích lưng tựa núi, chân đạp sông, mắt dõi biển Đông, tạo thành điểm tựa tâm linh cho cả vùng Đông Bắc Tổ quốc.

Điểm nhấn trong quần thể di tích không thể không nhắc tới ngôi đền mang tên Bạch Đằng Giang thờ Đức Ngô Quyền Vương, người khai sinh trận địa cọc Bạch Đằng, đánh thắng quân Nam Hán năm 938, chấm dứt 1117 năm Bắc thuộc, mở ra nền văn minh Đại Việt.

Cách đền Bạch Đằng Giang chừng 500m là đền Tràng Kênh Vọng Đế thờ Đức Vua Lê Đại Hành, năm 981 ngài đã tái tạo lại địa cọc của Ngô Quyền, có công đánh Tống bình Chiêm, đưa Đại Cồ Việt ngang hàng với Đại Hán.

Tiếp đến là Linh từ Tràng Kênh thờ Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn – ngài có công 3 lần đánh bại Nguyên Mông, đỉnh điểm là chiến thắng Bạch Đằng 1288, đập tan dã tâm xâm lược nước ta của Đế chế Nguyên Mông, mở ra nền văn minh Đông A rực rỡ.

Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những địa điểm đặc biệt của khu di tích. Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, Người luôn trong trái tim mọi người dân đất Việt. Nhiều đền, chùa đình, miếu trong cả nước đã lập bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khu di tích Bạch Đằng Giang là nơi đầu tiên tại Hải Phòng lập đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh để nhân dân và thu khách thập phương bày tỏ lòng thành kính, nhớ thương Người.

Hướng ra sông Bạch Đằng là 3 pho tượng của các bậc danh vương, danh tướng Ngô Quyền, Lê Đại Hành và Trần Hưng Đạo, đứng uy nghi canh giữ nơi cửa sông lịch sử. Vị trí này gọi là Quảng trường Chiến thắng. Công trình được hoàn thành vào tháng Chạp năm Bính Thân 2016, đón xuân mới Đinh Dậu 2017.

Theo Ban Quản lý khu di tích Bạch Đằng Giang, các pho tượng được đúc bằng đồng nguyên khối, mỗi pho tượng có chiều cao 8m, trọng lượng 40 tấn.

Ba vị anh hùng được tạc với thần thái sống động, mỗi vị mang một sắc thái riêng. Đức vương Ngô Quyền đứng giữa, chân đạp sóng, tay chỉ thẳng dòng sông Bạch Đằng, nơi vùi xác quân thù.

Đức Hoàng đế Lê Đại Hành áo bào tung bay trong gió, tay nắm chặt đốc kiếm, mắt rực sáng thiêu đốt quân thù.

Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn khoan thai, tay phải giữ “Binh thư yếu lược” Bình Nguyên, tay trái nắm chắc chuôi gươm, dáng hiên ngang.

Cả 3 vị đứng trên bệ đá, lưng tựa tùng xanh Thiên niên thịnh, mắt dõi trùng khơi trong tư thế uy phong, rực sáng giữa màu xanh của trời, của non, của nước.

Dưới mặt nước là bãi cọc lim bịt sắt gồm 180 cọc được dựng lại dưới lòng sông, tượng trưng cho thế trận năm xưa mà các tiền nhân đã cho dựng lên để tiêu diệt quân thù…

Khu di tich Bach Dang Giang - noi hoa quyen linh khi thien-dia-nhan hinh anh 3

Khu di tích Bạch Đằng Giang. (Nguồn: bachdanggiang.vn)

Khu di tích Bạch Đằng Giang không chỉ có những ngôi đền, cảnh đẹp mà còn xây dựng những công trình phục vụ hoạt động tham quan, trải nghiệm và học tập tích hợp cho du khách. Đó là khu vườn tượng mô tả việc làm cọc chống giặc ngoại xâm của ông cha ta; khu mô phỏng khu rừng gỗ lim và vườn tượng chế tác cọc Bạch Đằng; khu đặt những bức tượng chân thật như làm “sống lại” chiến thắng Bạch Đằng Giang lịch sử…

Những công trình văn hóa liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng Giang như phần nào phản ánh tầm vóc của 3 trận thủy chiến trong lịch sử. Hằng năm, khu di tích Bạch Đằng Giang đã không ngừng mở mang, hoàn thiện, đón hàng triệu du khách trong và ngoài nước về thăm quan trong cả 4 mùa.

Khu du tích Bạch Đằng Giang là một trong số ít địa điểm du lịch thực hiện thành công “3 không” (không thương mại, không thu phí, không rác thải). Nhờ nguyên tắc “3 không” này, khu di tích đã mang đến một không gian văn hóa, lịch sử yên bình đúng nghĩa.

Anh Nguyễn Ngọc Quang đến từ Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ đến Bạch Đằng Giang để tìm về lịch sử. Đến Bạch Đằng Giang để cảm nhận một cảnh quan, không gian mang đậm sắc thái văn hóa dân tộc, vừa hùng vĩ của núi sông, vừa linh thiêng và thấy như tiếng ông cha từ ngàn xưa vẫn vang vọng về.

Bạch Đằng-Tràng Kênh thực sự là một địa danh có bề dày truyền thống hào hùng, oanh liệt trong lịch sử trường tồn của dân tộc.

Khu di tích Bạch Đằng Giang được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia là minh chứng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của thành phố Hải Phòng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa.

Đây còn là minh chứng của sự cụ thể hóa Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”./.  

Đoàn Minh Huệ (TTXVN/Vietnam+)