Khái niệm học sinh THPT – Nghiên cứu tự đánh giá của học sinh trường trung học phổ thông Tô Hiệ –

1.2.2.1. Khái niệm

“Học sinh Trung học phổ thông” là thuật ngữ để chỉ nhóm tuổi đầu tuổi
thanh niên có độ tuổi từ 15, 16 tuổi đến 17, 18 tuổi (hay còn gọi là thanh niên
học sinh). Xét theo bậc học theo quy định của nước ta, các em đang theo học
tại các trường THPT. Hiện nay, các nghiên cứu về thanh niên học sinh được
sử dụng nhiều trong giáo dục và trong định hướng nghề nhằm giáo dục và
hoàn thiện nhân cách cho học sinh, trang bị kiến thức và tâm lý cho các em
bước vào giai đoạn phát triển tiếp theo.

Dưới góc độ Tâm lý học lứa tuổi, sự phát triển tâm lý của học sinh
THPT có những biến đổi lớn cả về lượng và chất: Từ sự biến đổi lớn về cơ
thể, về tự ý thức, về vai trò và vị trí xã hội trong các hoạt động như học tập,
giao tiếp xã hội…vì vậy học sinh cảm nhận về hình ảnh bản thân với những
năng lực và phẩm chất nhất định. Do đó, để hiểu rõ hơn về TĐG của học sinh
THPT về phương diện lý luận chúng tôi đi tìm hiểu một số đặc điểm về sự
phát triển tự ý thức cũng như sự hình thành thế giới quan của lứa tuổi này.

Với học sinh THPT, do yêu cầu cao của hoạt động học tập cùng với sự
tích lũy kinh nghiệm và vốn tri thức phong phú đã giúp cho quá trình nhận
thức của các em có sự phát triển mới về chất. “Tính độc lập, chủ động, sáng
tạo trong nhận thức là phẩm chất tâm lý đặc trưng của thanh niên học sinh”
[4; tr. 212]. Sự hoàn thiện về cấu tạo và chức năng của hệ thần kinh giúp năng
lực trí tuệ của các em ngày càng phát triển, tạo cơ hội cho khả năng tư duy
độc lập, tư duy khái quát, tư duy sáng tạo.

Vị thế xã hội của lứa tuổi học sinh THPT có nhiều thay đổi so với lứa
tuổi trước – các quan hệ xã hội được mở rộng. Trong các quan hệ đó, người
lớn, thầy cô giáo và bố mẹ đều nhìn nhận các em như những người “chuẩn bị
thành người lớn” và đòi hỏi các em phải có ứng xử phù hợp với vị thế của
mình. Những thay đổi trong vị thế xã hội, sự thách thức khách quan của cuộc
sống dẫn đến làm xuất hiện ở lứa tuổi thanh niên những nhu cầu về hiểu biết
thế giới, hiểu biết xã hội và các chuẩn mực quan hệ người – người, hiểu mình
và tự khẳng định mình trong xã hội.

Ở lứa tuổi này có hai loại tự ý thức nổi bật:

– Tự ý thức về hình ảnh bản thân: đó là niềm tự hào và cũng có thể là
nỗi khổ tâm về diện mạo bên ngoài của cơ thể mình.

– Tự ý thức về những phẩm chất nhân cách của mình: các em có thể ý
thức được mặt mạnh, mặt yếu của mình, luôn luôn khao khát tự hoàn thiện mình.
Các nhà Tâm lý học chỉ ra rằng, khi đánh giá, các em 16 – 18 tuổi đã
chú ý nhiều hơn đến những phẩm chất nhân cách có tính bền vững như các
đặc điểm trí tuệ, năng lực, tình cảm, ý chí, thái độ đối với lao động, quan hệ
với những người khác trong xã hội…Từ chỗ nhìn nhận về những phẩm chất
mang tính khái quát của người khác, dần dần các em tự phát hiện ra thế giới
nội tâm của bản thân. Các em ở lứa tuổi thiếu niên cảm nhận được các rung
động của bản thân và ý thức được các mối quan hệ giữa các thuộc tính tâm lý
và các phẩm chất nhân cách, có khả năng tạo được một hình ảnh “cái tôi” khá
trọn vẹn để từ đó xây dựng các mối quan hệ với mọi người trong xã hội.

Biểu tượng về “cái tôi” trong giai đoạn đầu của lứa tuổi thanh niên học
sinh thường chưa thật rõ nét, do đó TĐG của các em về bản thân không ổn
định và có tính mâu thuẫn. Biểu tượng “cái tôi” có thể rất tuyệt vời, song
thanh niên cũng dễ rơi vào trạng thái nghi ngờ điều đó (…). Chỉ đến khi ý
thức về cái tôi rõ ràng và đầy đủ hơn đã giúp cho thanh niên có khả năng lựa
chọn con đường tiếp theo, đặt ra vấn đề tự khẳng định mình trong cuộc sống.
Trong giai đoạn tiếp theo, các đặc điểm nhân cách như ý chí, tình cảm, trí tuệ,
năng lực, mục đích sống… ngày càng có ý nghĩa, tạo nên một hình ảnh “cái
tôi” có chiều sâu, có hệ thống, chính xác và sống động hơn [4; tr. 217].

1.2.2.3. Sự hình thành thế giới quan

“Thế giới quan là hệ thống những quan điểm về tự nhiên, về xã hội, về
những nguyên tắc và quy tắc cư xử, định hướng giá trị của con người” [9; tr.
219]. Lứa tuổi thanh niên là lứa tuổi quyết định của sự hình thành thế giới
quan: những thay đổi trong vị thế xã hội, trình độ phát triển của tư duy lý luận
và hơn nữa một khối lượng tri thức lớn mang tính phương pháp luận về các quy
luật của tự nhiên, xã hội mà thanh niên tiếp thu được trong nhà trường đã giúp
họ thấy được các mối liên hệ giữa các tri thức khác nhau, giữa các thành phần
của thế giới. Từ đó các em bắt đầu biết liên kết các tri thức riêng lẻ lại với nhau
để tạo nên một biểu tượng chung về thế giới cho riêng mình.

Có thể nói, biểu tượng chung về thế giới của thanh niên học sinh có
một ý nghĩa nhân cách rất rộng. Nó gắn liền với nhu cầu tìm kiếm một vị trí
trong xã hội, tìm kiếm một hướng đi, một nghề nghiệp, một dự định cho
tương lai… Do đó để chuẩn bị bước vào đời, học sinh thường trăn trở với
các câu hỏi về ý nghĩa và mục đích cuộc sống, về cách xây dựng một kế
hoạch sống có hiệu quả, về việc lựa chọn nghề nghiệp sao cho phù hợp và có
ý nghĩa.

Một trong các khía cạnh quan trọng của quá trình hình thành thế giới
quan ở thanh niên học sinh là trình độ phát triển ý thức đạo đức: cả về mặt
nhận thức và tình cảm, hành vi:

“Về mặt nhận thức thanh thiên không chỉ có khả năng giải thích một
cách rõ ràng các khái niệm đạo đức, quy chúng vào một hệ thống nhất định,
thể hiện một trình độ khát quát cao hơn mà ở họ còn xuất hiện một cách có ý
thức nhu cầu xây dựng các chính kiến đạo đức của riêng mình về các vấn đề
mà cuộc sống đặt ra.

Ở khía cạnh tình cảm, các chuẩn mực đạo đức đã có được những ý nghĩa
riêng đối với thanh niên, nhờ đó các hành vi tương ứng với các chuẩn mực đạo
đức nhất định có thể khơi dậy ở họ những xúc cảm đặc biệt. Nói cách khác ở
lứa tuổi thanh niên, niềm tin vào các giá trị đạo đức đã bắt đầu hình thành: từ
chỗ là người chấp nhận, phục tùng các chuẩn mực đạo đức trở thành chủ thể
tích cực. Điều này thể hiện đặc biệt rõ trong việc tìm kiếm hình mẫu lý tưởng
(…) Các em tìm kiếm hình mẫu lý tưởng một cách có ý thức… Hình ảnh một
con người cụ thể chỉ là phương tiện để các em gửi gắm những nguyên tắc,
những biểu tượng đạo đức mà các em tiếp nhận” [9; tr. 220 – 221].

Tóm lại: sự hình thành thế giới quan của thanh niên học sinh được thể
hiện ở các mặt sau: (1) Tính tích cực nhận thức: các em cố gắng xây dựng
quan điểm riêng của mình trong các lĩnh vực khoa học, các vấn đề xã hội, tư
tưởng, chính trị… (2) Nội dung của thế giới quan: học sinh quan tâm nhiều
đến các vấn đề liên quan đến con người, vai trò của con người trong lịch sử,
quan hệ của con người và xã hội, vấn đề ý nghĩa của cuộc sống… Các em
muốn sống một cuộc sống tích cực vì xã hội, muốn mang lại lợi ích cho người
khác, quan tâm đến đời sống tinh thần hơn là lợi ích vật chất.