Hiệu quả và An toàn của thuốc – Dược lý lâm sàng – Cẩm nang MSD – Phiên bản dành cho chuyên gia

  • Các chỉ tiêu gián tiếp hoặc trung gian bao gồm những chỉ tiêu không liên quan trực tiếp đến sức khỏe của bệnh nhân

Chúng thường là các thông số sinh lý (như huyết áp) hoặc các kết quả xét nghiệm (như nồng độ glucose hoặc cholesterol, kích cỡ khối u trên CT scan) được cho là dự đoán các chỉ tiêu hướng tới bệnh nhân. Ví dụ, các bác sĩ lâm sàng thường cho rằng việc hạ huyết áp sẽ ngăn ngừa được việc tăng huyết áp không kiểm soát của chỉ tiêu hướng đến bệnh nhân (ví dụ, tử vong do nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ). Tuy nhiên, có thể hiểu được rằng một thuốc có thể làm giảm huyết áp nhưng không làm giảm tử vong, có lẽ vì nó có tác dụng không mong muốn gây tử vong. Ngoài ra, nếu chỉ tiêu gián tiếp chỉ là chỉ điểm của bệnh (ví dụ, HbA1C) chứ không phải là nguyên nhân gây bệnh (ví dụ tăng huyết áp), một can thiệp có thể làm giảm chỉ dấu chứ không tác động đến nguyên nhân gây bệnh. Do đó, các chỉ tiêu gián tiếp ít hiệu quả hơn so với chỉ tiêu hướng tới bệnh nhân.

Mặt khác, các chỉ tiêu gián tiếp có thể sử dụng khả thi hơn, ví dụ như khi cần thời gian dài hoặc hiếm khi đạt được các chỉ tiêu hướng tới bệnh nhân (ví dụ như suy thận xảy ra do không kiểm soát được tăng huyết áp). Trong những trường hợp như vậy, các thử nghiệm lâm sàng cần phải rất lớn và phải thực hiện trong một thời gian dài trừ khi sử dụng chỉ tiêu gián tiếp (ví dụ như giảm huyết áp). Thêm vào đó, các chỉ tiêu chính hướng tới bệnh nhân, tử vong và tàn tật, là các biến rời rạc (tức là có/không), trong khi các chỉ tiêu gián tiếp thường là các biến số liên tục (ví dụ như huyết áp, đường huyết). Các biến số, không giống như các biến rời rạc, có thể phản ánh độ lớn của một tác động. Do đó, việc sử dụng các chỉ tiêu gián tiếp có thể cung cấp nhiều dữ liệu để phân tích hơn là chỉ tiêu hướng tới bệnh nhân, cho phép các thử nghiệm lâm sàng được thực hiện với ít bệnh nhân hơn.

Tuy nhiên, về lý tưởng các chỉ tiêu gián tiếp nên được chứng minh là tương quan với các chỉ tiêu hướng tới bệnh nhân. Có rất nhiều nghiên cứu, trong đó có mối tương quan xuất hiện phù hợp nhưng lại không thực sự có ý nghĩa. Ví dụ, điều trị một số phụ nữ sau mãn kinh với estrogen và progesterone dẫn đến dữ liệu về lipid phù hợp hơn nhưng không đạt được giả thuyết giảm tương ứng trong nhồi máu cơ tim hoặc tử vong do tim mạch. Tương tự, hạ đường huyết xuống gần với nồng độ bình thường ở bệnh nhân tiểu đường trong hồi sức tích cực làm tăng tỷ lệ tử vong và bệnh tật cao hơn (có thể do gây ra các cơn hạ đường huyết) so với làm giảm đường huyết xuống mức cao hơn bình thường một chút. Một số thuốc hạ đường huyết đường uống làm hạ đường huyết, bao gồm cả HbA1c, nhưng không làm giảm nguy cơ tim mạch. Một số thuốc hạ huyết áp làm giảm huyết áp nhưng không làm giảm nguy cơ đột quỵ.