Hiện tượng “bảo kê” của băng nhóm xã hội đen trong các cuộc đấu giá tài sản

Sáng 17/7, tại hội nghị trực tuyến triển khai công tác tư pháp từ nay tới hết năm 2020, Bộ Tư pháp cho biết, đến tháng 12/2019 cả nước có 1.008 đấu giá viên, hơn 410 doanh nghiệp đấu giá tài sản và 59/63 Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Hàng năm, Cục Bổ trợ tư pháp đã tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ đấu giá viên; tăng cường kiểm tra, thanh tra định kỳ hàng năm và đột xuất theo thông tin phản ánh của cá nhân, tổ chức, báo chí.

Hiện tượng “bảo kê” của băng nhóm xã hội đen trong các cuộc đấu giá tài sản - 1Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long chủ trì cuộc họp (Ảnh: Thế Kha).

“Thực tế hoạt động đấu giá tài sản thời gian qua cho thấy địa phương nào có sự quản lý, giám sát chặt chẽ của người có tài sản, sự vào cuộc, xử lý quyết liệt, kịp thời của cơ quan quản lý nhà nước thì tình trạng thông đồng, dìm giá, gây thất thoát tài sản nhà nước được hạn chế tối đa”- Bộ Tư pháp nhận định.

Điển hình là vụ đấu giá quyền sử dụng đất ở Thanh Hóa, sau 2 lần UBND tỉnh hủy kết quả đấu giá do phát hiện hành vi vi phạm và được tổ chức đấu giá lại thì giá bán thành đã tăng từ 438 tỷ đồng lên hơn 1.215 tỷ đồng.

Vụ đấu giá tài sản của Vinashin ở Quảng Ninh, hành vi đe dọa, chèn ép đã được người có tài sản ngăn chặn kịp thời, tài sản của Nhà nước không bị thất thoát.

Tình trạng “cò”, đe dọa trong các vụ đấu giá đất ở Hà Nam đã được cơ quan công an hỗ trợ và đảm bảo an ninh kịp thời.

Trong vụ đấu giá đất tại thị trấn Đắk Mâm, Krông Nô, Đắc Nông, vụ bán đấu giá tài sản của Công ty Cổ phần Dệt Long An và các vụ đấu giá đất tại Nghệ An, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với các đối tượng có hành vi thông đồng, dìm giá, băng nhóm đe dọa người tham gia đấu giá…

Mới đây nhất, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đã ký quyết định hủy bỏ kết quả đấu giá quyền sử dụng 128 lô đất, hủy bỏ công nhận chủ đầu tư của khu đất mà vợ chồng Đường “Nhuệ” từng rao bán .

Thông đồng, dìm giá và có hiện tượng bảo kê của băng nhóm

Một trong những hạn chế, yếu kém hiện nay, theo Bộ Tư pháp là giá khởi điểm của tài sản đấu giá chưa được định giá chưa sát với giá thị trường, đặc biệt là giá đất, dẫn đến tình trạng có những người không có nhu cầu vẫn tham gia đấu giá để đầu cơ, trục lợi.

Một số tổ chức đấu giá tài sản vẫn còn tình trạng vi phạm trình tự, thủ tục dẫn đến bị hủy kết quả đấu giá; còn tình trạng “bao che”, “thông đồng, dìm giá”, “quân xanh, quân đỏ” giữa người tham gia đấu giá, người có tài sản, tổ chức đấu giá tài sản.

Đặc biệt, theo Bộ Tư pháp, đã xuất hiện hiện tượng “bảo kê” của băng nhóm “xã hội đen” có hành vi “đe dọa, cưỡng ép” những người tham gia đấu giá nhằm thao túng cuộc đấu giá diễn ra phức tạp, gây thất thoát tài sản, ảnh hưởng an ninh, trật tự tại địa phương.

Tình trạng này khá tinh vi, có xu hướng ngày càng phức tạp nên quá trình thanh tra, kiểm tra thông thường rất khó phát hiện, xử lý nếu không có sự vào cuộc của cơ quan công an với các biện pháp nghiệp vụ chuyên ngành (giám định chữ ký, ghi âm, điều tra).

Hiện tượng “bảo kê” của băng nhóm xã hội đen trong các cuộc đấu giá tài sản - 2

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đã ký quyết định hủy bỏ kết quả đấu giá quyền sử dụng 128 lô đất, hủy bỏ công nhận chủ đầu tư của khu đất mà vợ chồng Đường “Nhuệ” từng rao bán.

Việc bàn giao tài sản cho người mua được tài sản đấu giá còn gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều trường hợp người mua được tài sản đấu giá ngay tình chịu nhiều rủi ro, quyền lợi hợp pháp bị ảnh hưởng do không nhận được tài sản trúng đấu giá dẫn đến tâm lý e ngại khi tham gia đấu giá.

Hơn nữa, tài sản đấu giá ở Việt Nam hầu hết là tài sản công (đấu giá quyền sử dụng đất chiếm hơn 90%) nhưng chưa có đầu mối chung để xử lý như mô hình của một số nước phát triển, do đó, dễ dẫn đến nguy cơ trục lợi.

Tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức được đưa ra bán thông qua đấu giá chưa đến 50 cuộc, chiếm rất ít (0,06%) so với số cuộc đấu giá tài sản bắt buộc.

Để khắc phục thực trạng này, thời gian tới Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục nghiên cứu, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành có liên quan đề xuất, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật chuyên ngành về định giá, xác định giá khởi điểm tài sản đấu giá, các tài sản phải bán thông qua đấu giá.

”Kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, chuyển cơ quan công an có thẩm quyền xử lý theo quy định”- đại diện Bộ Tư pháp cho hay.

Thế Kha