Giai cấp và đấu tranh giai cấp là gì? – Áo kiểu đẹp

Giai cấp là một phạm trù kinh tế-xã hội có tính lịch sử; luôn biến đổi cùng với sự biến đổi của lịch sử. Đấu tranh giai cấp là đấu tranh của một bộ phận nhân dân này chống lại bộ phận khác, cuộc đấu tranh của quần chúng….

1) Giai cấp là một phạm trù kinh tế-xã hội có tính lịch sử; luôn biến đổi cùng với sự biến đổi của lịch sử. Học thuyết về giai cấp và đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác-Lênin là công cụ lý luận để tìm hiểu bản chất xã hội có giai cấp và xây dựng xã hội không có giai cấp. Nội dung lý luận về giai cấp và đấu tranh giai cấp do C.Mác đưa ra vào năm 1852, theo đó

a) Sự tồn tại của các giai cấp chỉ gắn liền với những giai đoạn phát triển nhất định của sản xuất.

b) Đấu tranh giai cấp tất yếu sẽ dẫn đến chuyên chính vô sản.

c) Bản thân nền chuyên chính này chỉ là bước quá độ tiến tới thủ tiêu tất cả mọi giai cấp và tiến tới xã hội không có giai cấp.

Như vậy, các giai cấp chỉ tồn tại trong những giai đoạn nhất định của lịch sử, trong mỗi phương thức sản xuất cụ thể.

2) Định nghĩa giai cấp.”Người ta gọi là giai cấp những tập đoàn người to lớn gồm những người khác nhau về địa vị của họ trong một hệ thống sản xuất xã hội nhất định trong lịch sử, khác nhau về quan hệ của họ (thường thì những quan hệ này được pháp luật quy định và thừa nhận) đối với tư liệu sản xuất, về vai trò của họ trong tổ chức lao động xã hội và như vậy là khác nhau về cách thức hưởng thụ và về phần của cải xã hội ít hay nhiều mà họ được hưởng. Giai cấp là những tập đoàn người mà tập đoàn này có thể chiếm đoạt lao động của tập đoàn khác do chỗ các tập đoàn đó có địa vị khác nhau trong một chế độ kinh tế-xã hội nhất định“. Như vậy, sự khác nhau về địa vị trong chế độ kinh tế-xã hội giữa các tập đoàn người dẫn đến việc tập đoàn này dùng địa vị đó của mình để chiếm đoạt sức lao động của tập đoàn khác tạo nên bản chất những xung đột giai cấp trong xã hội có đối kháng giai cấp.

Ngoài giai cấp, trong xã hội còn có tầng lớp, đẳng cấp. Tầng lớp bình dân trong xã hội nô lệ; tầng lớp tiểu tư sản trong xã hội tư bản; tầng lớp trí thức luôn có vai trò quan trọng về kinh tế-xã hội, chính trị-văn hoá trong tất cả các xã hội trong lịch sử. Đẳng cấp được phân chia từ giai cấp, khác nhau về địa vị thực tế trong xã hội và địa vị pháp lý trong nhà nước. Nhưng sự phân chia tầng lớp, đẳng cấp không thể hiện được bản chất của những tập đoàn người trong xã hội.

3) Vai trò của đấu tranh giai cấp đối với sự vận động, phát triển của xã hội có đối kháng giai cấp.

Chủ nghĩa duy vật lịch sử khẳng định đấu tranh giai cấp là quy luật vận động của xã hội có đối kháng giai cấp. Đó là cuộc đấu tranh giữa người bị áp bức chống lại kẻ áp bức; người bị bóc lột chống lại kẻ bóc lột mà đỉnh cao là cách mạng xã hội.

a) Định nghĩa đấu tranh giai cấp.“Đấu tranh giai cấp là đấu tranh của một bộ phận nhân dân này chống lại bộ phận khác, cuộc đấu tranh của quần chúng bị tước hết quyền, bị áp bức và lao động chống lại bọn có đặc quyền, đặc lợi và bọn ăn bám, cuộc đấu tranh của những người công nhân làm thuê hay những người vô sản chống những người hữu sản hay giai cấp tư sản”. Như vậy, thực chất đấu tranh giai cấp là cuộc đấu tranh giữa các giai cấp có lợi ích cơ bản đối lập nhau (lợi ích cơ bản là những giá trị vật chất và tinh thần để thoả mãn nhu cầu nhất định của một giai cấp). Do sự đối lập về lợi ích mang tính đối kháng nên đấu tranh giai cấp là tất yếu

b) Các hình thức đấu tranh giai cấp là đấu tranh kinh tế; đấu tranh tư tưởng và đấu tranh chính trị. Muốn giải phóng về kinh tế, phải đấu tranh tư tưởng và tiến lên đấu tranh chính trị để giành chính quyền. “Bất cứ cuộc đấu tranh giai cấp nào cũng là một cuộc đấu tranh chính trị”. Trong cuộc đấu tranh giai cấp, mỗi giai cấp đều muốn tập hợp quanh mình những giai cấp khác, phù hợp về lợi ích cơ bản, lâu dài hoặc có thể là những lợi ích không cơ bản và tạm thời. Đó là liên minh giai cấp trong đấu tranh giai cấp và liên minh giai cấp là một yếu tố tất yếu trong đấu tranh giai cấp.

c) Vai trò động lực thúc đẩy sự phát triển xã hội có đối kháng giai cấp của đấu tranh giai cấp.

Chúng ta thấy rằng, khi sự phát triển của lực lượng sản xuất tiến tới mức độ mà quan hệ sản xuất trở thành vật cản của sự phát triển đó thì xẩy ra mâu thuẫn giữa chúng với nhau. Trong xã hội có đối kháng giai cấp, do lợi ích giai cấp, giai cấp thống trị bằng mọi cách để bảo vệ, duy trì quan hệ sản xuất đang mang lại lợi ích cho mình, nên giai cấp đó dùng mọi biện pháp, trong đó có biện pháp sử dụng bộ máy nhà nước để trấn áp những giai cấp mới đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến hơn. Xây dựng quan hệ sản xuất mới, mở đường cho lực lượng sản xuất tiếp tục phát triển, là giải quyết mâu thuẫn trên; xác lập phương thức sản xuất mới, thúc đẩy xã hội phát triển là mục đích của đấu tranh giai cấp. Muốn thiết lập quan hệ sản xuất mới, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất thì phải thông qua đấu tranh giai cấp. Cuộc đấu tranh ấy sẽ dẫn đến cách mạng xã hội để xoá bỏ giai cấp đại diện cho quan hệ sản xuất đang thống trị.

Vai trò của đấu tranh giai cấp đối với sự vận động và phát triển của xã hội do tính chất, trình độ phát triển của đấu tranh giai cấp quy định. Có cuộc cách mạng xã hội chỉ thay thế hình thức áp bức, bóc lột, cai trị; có cuộc cách mạng giải phóng giai cấp bị bóc lột, cai trị khi đồng thời giải phóng cả giai cấp bóc lột, cai trị, do đó giải phóng toàn xã hội khỏi bóc lột, cai trị.

Có thể nói, các cuộc đấu tranh giai cấp trong xã hội có đối kháng giai cấp đều xuất phát từ lợi ích kinh tế, nhằm giải quyết vấn đề kinh tế và từ vấn đề này giải quyết những vấn đề khác để thúc đẩy xã hội phát triển. Bởi vậy, đấu tranh giai cấp là phương pháp cơ bản, là đầu tàu của lịch sử, là đòn bẩy để thay đổi hình thái kinh tế-xã hội, là động lực để thúc đẩy sự phát triển các mặt khác nhau của đời sống xã hội.

Đánh giá SAO

[Tổng:

Trung bình:

]