Đề thi học sinh giỏi Văn lớp 9 ở Hà Nội gây… bất ngờ

Đề thi học sinh giỏi Văn lớp 9 ở Hà Nội gồm 2 câu hỏi 6 điểm và 14 điểm. Học sinh làm bài trong thời gian 150 phút.

Câu 1: Với nội dung từ hình ảnh của anh Grabbike chở một nữ bác sĩ vào bệnh viện chống dịch nhưng đã cương quyết không nhận tiền cuốc xe, học sinh tạo lập một văn bản nghị luận (khoảng 2 trang giấy thi) với chủ đề: Một khía cạnh của Tổ quốc trong em.

Câu 2: “Có người băn khoăn thế nào là thơ hay? Rồi người đó tự trả lời: Với tôi, một câu thơ hay, một bài thơ hay ít nhất phải gây được ấn tượng về một phương diện nào đó. Những ấn tượng đó thường in sâu vào trí nhớ, hóa thành máu thịt, hóa thành tâm hồn. Em hiểu ý kiến trên như thế nào? Làm rõ “những ấn tượng” của em về một bài thơ hay trong chương trình Ngữ văn Trung học cơ sở”.

Đề thi học sinh giỏi Văn lớp 9 ở Hà Nội được nhận xét rất hay và sáng tạo - Ảnh 1.

Đề thi học sinh giỏi Văn lớp 9 cấp thành phố. Ảnh: MXH

Đề thi năm nay nhận nhiều lời khen ngợi từ các giáo viên vì có tính mới trong tư duy ra đề.

Cô giáo Lê Trần Diệu Thu, sinh năm 1995, tốt nghiệp Thạc sĩ Chuyên ngành Lý luận và Phương pháp giảng dạy bộ môn Ngữ văn, hiện tại là Giáo viên Ngữ văn hệ song bằng, Khoa Giáo dục Chính trị và Khoa học cơ bản, Trường Cao đẳng Xây dựng Công trình đô thị. Cô Thu từng ôn luyện cho nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi HSG cấp thành phố, từng đạt Huy chương Bạc phần thi Xử lý tình huống sư phạm, cuộc thi Nghiệp vụ Sư phạm toàn quốc mở rộng lần V – 2013, nhiều năm liền đạt danh hiệu Gương mặt trẻ tiêu biểu, Sinh viên 5 tốt cấp Đại học Quốc gia Hà Nội.  

Nhận xét về đề thi chọn học sinh giỏi Ngữ văn lớp 9, cấp thành phố Hà Nội năm học 2021-2022, cô Diệu Thu cho hay:

“Ở câu số 1 đã giúp học sinh thể hiện được kĩ năng tạo lập văn bản nghị luận xã hội, trình bày được nhận thức của các em trước những vấn đề đang diễn ra hàng ngày.

Giữa con người với con người: Đó chính là tình thương đồng loại, sự sẻ chia, giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau, đặc biệt trước những biến cố chung của cộng đồng – ảnh hưởng của đại dịch Covid.

Giữa cá nhân với Tổ quốc: Dưới góc độ này, đề còn hướng học sinh đến giá trị cao đẹp, lớn lao hơn mà cộng đồng hướng tới, vì mọi người, vì cộng đồng, vì Tổ quốc.

Tôi đánh giá tư duy của người ra đề mang tới tính đột phá bởi phần ngữ liệu hay, mang tới cho các em cách nhìn và cách viết mở để trả lời câu hỏi: Một khía cạnh của Tổ quốc trong em là gì? Tuy đề chỉ hỏi một khía cạnh nhưng học sinh có nhiều góc nhìn để đánh giá, nêu quan điểm, đo lường tốt năng lực của học trò.

Đối với câu Nghị luận văn học – câu số 2, câu hỏi tập trung làm rõ vấn đề luận bàn: Thế nào là một bài thơ hay, yêu cầu học trò phải nêu minh chứng cụ thể một bài thơ trong chương trình Ngữ văn THCS. Thực tế, thơ hay hoặc không hay tùy thuộc vào cảm quan đánh giá của mỗi người. Vì thế học trò sẽ lựa chọn một bài thơ bất kỳ để đánh giá cái hay, cái đẹp của mỗi bài thơ đã chọn. Tôi cho rằng, bài thơ nào có giá trị thì đó là một bài thơ hay, bài thơ càng nhiều giá trị: nội dung, nghệ thuật (giá trị giáo dục, giá trị thẩm mỹ, giá trị nhận thức) thì bài thơ đó càng dễ dàng chứng minh để làm nổi bật vấn đề luận bàn. 

Như vậy, ở câu hỏi số hai này, học trò hoàn toàn có thể nêu lên quan điểm, khai thác sâu hơn ở “những ấn tượng” của chính bản thân để giải quyết vấn đề luận bàn”.

Cô Thu kết luận, đề thi chọn học sinh giỏi lớp 9 cấp thành phố của Hà Nội năm nay hay, có tính mới tư duy trong quá trình sáng tạo nội dung câu hỏi, khác hẳn những năm trước theo lối tư duy cũ. Đề thi năm nay cũng gần gũi với thực tế, đo lường kết quả chọn lọc học sinh giỏi tốt, có tính phân loại học sinh cao, đặc biệt là theo kịp chương trình giáo dục phổ thông mới.