Đặc sắc những lễ hội đua thuyền truyền thống đầu xuân ở xứ Thanh
Đặc sắc những lễ hội đua thuyền truyền thống đầu xuân ở xứ Thanh
Các lễ hội đua thuyền truyền thống được tổ chức vào dịp Tết Nguyên đán ở xứ Thanh không chỉ tạo ra không khí vui tươi, phấn khởi, cầu mong cho một năm làm ăn, mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mà còn góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa của dân tộc.
Giải đua thuyền truyền thống huyện Bá Thước được tổ chức trên sông Mã vào dịp đầu xuân mới.
Hằng năm, bắt đầu từ ngày mồng 2 Tết Nguyên đán, trên dòng sông Yên, con sông vốn đã gắn liền với đời sống và lao động từ bao đời nay của người dân xã Quảng Nham (huyện Quảng Xương) lại rộn ràng, sôi động với không khí của giải đua thuyền truyền thống của địa phương.
Diễn ra trong 4 ngày từ mồng 2 đến hết mồng 5 tháng giêng, giải đua thuyền truyền thống xã Quảng Nham quy tụ các đội đua đến từ 13 thôn trong xã. Để chuẩn bị cho giải đấu, tất cả các đội đều có quá trình chuẩn bị chu đáo từ thuyền rồng, mái chèo, cho tới những tay chèo khỏe mạnh, lực lưỡng và khéo léo nhất. Các đội phải trải qua vòng đấu bảng, sau đó mới tới vòng đấu loại trực tiếp và chung kết.
Giải đua thuyền truyền thống xã Quảng Nham được tổ chức sôi nổi từ ngày mồng 2 đến mồng 5 Tết Nguyên đán hằng năm.
Mỗi đội đua có 21 người gồm 18 tay chèo, 1 tay lái, 1 đánh mõ và 1 tát nước. Đây là những trai tráng giỏi nghề sông nước được các thôn tuyển chọn tham gia thi đấu, mỗi lượt đấu có 4 thuyền tham gia, các đội đua 6 vòng với cự ly mỗi vòng là 200 m.
Giải đấu năm nào cũng thu hút hàng trăm người dân đứng dọc hai bờ sông Yên để theo dõi, cỗ vũ cho các thuyền đua, các tay chèo. Các đội giành thứ hạng cao đều được ban tổ chức trao giải nhưng với mỗi đội của mỗi thôn tham gia còn là dịp để khởi đầu cho một năm mới với ước vọng làm ăn mưa thuận, gió hòa, đem về ấm no hạnh phúc, và cũng là để nối tiếp truyền thống của ông cha đã để lại.
Giải đua thuyền truyền thống xã Trung Chính (Nông Cống) diễn ra trong 2 ngày mồng 2 và 3 tháng Giêng.
Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 này, người dân xã Trung Chính (Nông Cống), đặc biệt là những người con ở xa quê lại nô nức tham gia lễ hội đua thuyền truyền thống của xã. Đã trở thành thông lệ, cứ vào ngày mồng 2 và 3 Tết Nguyên đán hằng năm, lễ hội đua thuyền truyền thống đã trở thành một ngày hội văn hóa – thể thao đặc sắc được tổ chức trên dòng Lãng Giang với sự tranh tài của 8 đội đến từ các thôn, đơn vị của xã Trung Chính và xã bạn Trung Thành.
Đông đảo người dân xã Trung Chính tới theo dõi, cổ vũ cho các thuyền đua.
Trong tiếng trống hội rộn rã, tiếng reo hò cổ vũ nhiệt tình, các đội cống hiến cho khán giả những pha đua hấp dẫn, ngang sức ngang tài. Lễ hội đua thuyền là dịp người dân gần gũi nhau hơn, thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm, giữ gìn nét văn hóa tốt đẹp truyền thống của dân tộc, đồng thời, gửi gắm ước nguyện mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Lễ hội đua thuyền rồng truyền thống được xã Hải Hà (Tĩnh Gia) tổ chức vào ngày mồng 4 tết nguyên đán hằng năm được xem là một hoạt động văn hóa – thể thao truyền thống rất đặc trưng của người dân địa phương vốn dĩ cả năm đã gắn bó với nghề đi biển, với sóng, với gió. 7 đội, thuộc 7 thôn trên địa bàn xã đều có đội tham gia lễ hội. Mỗi đội có 16 tay chèo là những người đàn ông trai tráng có sức khỏe, cùng những người lớn tuổi có kinh nghiệm và gắn bó lâu năm với nghề đi biển. Mỗi vòng có hai đội thi đấu, theo thể thức loại trực tiếp, sau đó Ban tổ chức chọn những đội thắng vào tranh giải nhất, nhì, ba.
Lễ hội đua thuyền rồng truyền thống xã Hải Hà với ước vọng một năm lao động, đánh bắt, sản xuất “mưa thuận, gió hòa”, “bình an, may mắn”.
Lễ hội thu hút hàng nghìn người dân từ già đến trẻ, gái trai đến trên địa bàn đến tham gia cổ vũ. Khi trống lệnh nổi lên, hai thuyền đua nhau trong tiếng trống liên hồi giục giã, tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi trước khi ra khơi, khởi đầu một năm lao động, đánh bắt, sản xuất “mưa thuận, gió hòa”, “bình an, may mắn”.
Không chỉ có ở khu vực ven biển, đồng bằng, lễ hội đua thuyền truyền thống huyện Bá Thước cũng có những nét đặc trưng riêng và được tổ chức với quy mô cấp huyện. Được khôi phục và tổ chức trở lại từ năm 2017. Lễ hội đua thuyền truyền thống huyện Bá Thước đã trở thành giải đấu quen thuộc của đồng bào các dân tộc Mường, Thái, Kinh trên địa bàn được tổ chức trên sông Mã, thuộc lòng hồ thủy điện Bá Thước 2 với 9 đội đua đến từ các xã trên địa bàn huyện tham gia. Các thành viên trong các đội đua thuyền đều là người dân địa phương.
Giải đua thuyền truyền thống huyện Bá Thước được tổ chức trên dòng sông Mã hùng vĩ.
Giải đua thuyền được tổ chức vào dịp đầu năm tại huyện Bá Thước không chỉ mong muốn một năm mới may mắn, nương ruộng tốt tươi, người người bình an mà còn thể hiện sự đoàn kết của dân bản, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống…
Các cuộc đua tranh diễn ra quyết liệt, đẹp mắt trên sông Mã.
Đây cũng là hoạt động nằm trong Lễ hội Mường Khô, được tổ chức từ ngày mồng 9 tháng Giêng hằng năm và cũng là một sản phẩm thu hút khách du lịch tới khám phá văn hóa, con người Bá Thước và mỗi dịp Tết đến, xuân về.
Lễ hội đua thuyền truyền thống mừng Đảng – mừng Xuân của xã Hoằng Đạt (Hoằng Hóa) được tổ chức trên hồ.
Nằm ở một huyện đồng bằng, cứ vào ngày mồng 3 Tết, xã Hoằng Đạt, huyện Hoằng Hóa tổ chức Lễ hội đua thuyền truyền thống mừng Đảng – mừng Xuân. Đây là nét đẹp truyền thống được người dân khôi phục trong những năm gần đây vào dịp tết nguyên đán. Lễ hội là dịp để người dân địa phương rèn luyện sức khỏe, kỹ năng sông nước, giao lưu, đua tài thể lực – trí lực, đồng thời cũng là để thắt chặt tình đoàn kết cộng đồng, đại phương. Lễ hội không diễn ra trên sông mà tại hồ Trù Ninh. Các đội thi đấu vòng loại, chọn 2 đội có thành tích tốt nhất vào thi đấu chung kết. Sau một ngày diễn ra, Lễ hội đua thuyền xã Hoằng Đạt đã tạo không khí sôi nổi, hào hứng, thu hút đông đảo người dân trong xã, cá xã lân cận đến xem, cổ vũ.
Lễ hội đua thuyền truyền thống xã Nga Bạch.
Có từ xa xưa, lễ hội đua thuyền truyền thống xã Nga Bạch được tổ chức vào dịp đầu xuân mới. Các đội tham gia lễ hội đến từ các thông trên địa bàn. Các vận động viên được bố trí trên 1 chiếc thuyền trong đó có 1 thuyền trưởng, 1 người cầm phách mũi phía trước là người trợ giúp thuyền trưởng khi thuyền luồn thẻ, 12 người cầm dầm bơi (mỗi mạn có 6 người), 1 người gõ mõ bắt nhịp đứng ở giữa thuyền, 1 người tát nước.
Lễ hội đua thuyền được tổ chức vào dịp đầu xuân, giúp gắn kết người dân địa phương gần nhau hơn, tạo không khí thoải mái, xua tan đi những mệt nhọc của 1 năm làm việc vất vả, đồng thời sẵn sàng cho năm mới với những ước vọng tốt đẹp nhất.
Mạnh Cường