Có một Trường Cao đẳng thể dục thể thao Đông Dương tại Phan Thiết
Gần đây trên internet xuất hiện nhiều bức ảnh Phan Thiết xưa, trong đó có một bức ảnh phong cảnh đồi động và bãi biển Đức Long chụp vào năm 1938. Các vị cao niên cho biết nơi đó được gọi là “Căng”, ngày xưa rất đẹp, các đoàn hướng đạo và thanh niên thường tổ chức “cắm trại” (tiếng Pháp viết là Camp, có nghĩa là nơi cắm trại, đóng trại).
Đầu thế kỷ XX, sau khi ổn định chính quyền thuộc địa, xây cất tòa sứ, trại lính và các công sở, đường bộ đường sắt và ga xe lửa, nhà thương và Trường Pháp Việt… cùng với việc khai thác nền kinh tế giàu “cá mắm muối”, người Pháp đã chú ý ngay đến khai thác phong cảnh đẹp của vùng biển Phan Thiết như xây dựng Lầu Ông Hoàng, nhà hàng Ngọc Lâm, khu nghỉ mát Đá Ông Địa Phú Hài, khu nghỉ mát ở đồi dương Thương Chánh… Đầu thập kỷ 40 dựa vào thời tiết khí hậu và nhất là phong cảnh biển Phan Thiết, thực dân Pháp chọn Phan Thiết làm nơi tập trung xây dựng trường đào tạo thanh niên trên lĩnh vực hoạt động thể dục thể thao, vui chơi dã ngoại… nhằm thu hút tập hợp thanh niên. Thực dân cho xây trên ngọn đồi có tên là “Giồng Táo”, bình độ 80 mét, ở phía tây nam thị xã khoảng 4 km (thuộc phường Đức Long) một trường huấn luyện mang tên: École Supérieure d’Éducation Physique d’Indochine (Trường Cao đẳng thể dục thể thao Đông Dương). Đó cũng là vùng đất trước đây thanh niên thường tổ chức cắm trại, dã ngoại (camp) ghép lại thành tên viết tắt là: Camp Ésépic. Cũng tại đây, năm 1941 lập thêm 2 trường nữa: Trường Cao đẳng đào tạo cán bộ thanh niên Đông Dương (École Supérieure de Jeunsse d’Indochine) gọi tắt là ESJIC và Trường đào tạo cán bộ thanh niên hàng tỉnh (École Provinciale de Cadre de Jeunesse) gọi tắt là EPCJ… Còn trong dân gian thì nói viết chi “tiếng Tây tiếng u” nó dài quá cứ gọi là “căng” thì ai cũng biết (như đường lên dốc Căng, đi lên trên Căng…), từ đó Phan Thiết có địa danh “Căng” cho tới hôm nay và có lẽ cho tới mai sau…
Phong cảnh đồi động và bãi biển khu vực “Căng” năm 1938 (nguồn Internet).
“CAMP ÉSÉPIC” gồm 2 dãy nhà, 1 dãy lầu, 1 dãy trệt chiếm mặt bằng khoảng 2.000 m2, được đầu tư trang thiết bị và phương tiện thiết yếu cho công tác giảng dạy và thực tập một số môn thể thao. Dịch nghĩa là Cao đẳng thể dục thể thao song các vị cao niên cho biết Trường ÉSÉPIC chỉ đào tạo ra “Moniteur d’ éducation physique” (thầy thể dục thể thao hay người hướng dẫn thể dục thể thao), nói theo ngày nay là bồi dưỡng nghiệp vụ nên mỗi khóa học chỉ có thời gian 4 tháng và ở Phan Thiết chỉ tuyển học viên nam, còn học viên nữ thì học ở Đà Lạt. Đối tượng học viên đa số được các cấp chính quyền thuộc Pháp các nơi gửi đến gồm học viên người Việt ở cả 3 kỳ, học viên Lào, Cambodia và một số ít người châu Phi (thuộc địa Pháp) được cấp tiền ăn học, có số ít là học viên tự do phải làm đơn tình nguyện và không được cấp tiền. Toàn bộ học viên đều phải có bằng tốt nghiệp “Diplome” hoặc tương đương, ngôn ngữ để giảng dạy là tiếng Pháp. Chương trình môn học rất đa dạng: Thể dục buổi sáng, đi bộ, chạy bộ, bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, bóng nhà binh, bóng Pelate Basque, bơi thuyền đơn, bơi lội (bơi nổi, bơi chìm, bơi ngửa, bơi bướm). Riêng môn bơi lội vì Phan Thiết không có hồ bơi nên khi học viên thực tập phải vào tận hồ bơi ở Sài Gòn; còn bơi thuyền đơn thì trên sông Cà Ty; chạy bộ khoảng 20 km từ trường băng qua sông Cà Ty lên khu Tam Giác vòng qua Mương Mán chạy về; đi bộ khoảng 50 km từ trường ra Lương Sơn rồi đi về. (Có lần đi điền dã về vùng phía nam Phan Thiết để tìm hiểu về các địa danh dân gian trong đó có 2 thắc mắc bấy lâu chưa lý giải được: Tại sao cây cầu ông Nhiểu ở khúc Lò Tĩn lại có tên là cầu 40, còn vào trong quận Hàm Thuận cũ sao lại có địa danh nổi tiếng Ngã Hai?, đúng ra thì phải gọi là Ngã Ba chứ, thì được các bậc cao niên cho biết vào năm 1940, Tây nó lập trường thể dục thể thao ở trên “Căng”, mỗi ngày mấy ổng từ trên động chạy xuống theo nhánh sông qua cầu ra sông Cà Ty tập bơi lội, bơi (chèo) thuyền, chạy bộ vượt sông, rồi gọi luôn cây cầu là cầu 40 là cái năm lập trường (!?), mấy ổng chạy bộ lên tới Mương Mán rồi vòng về lại quốc lộ 1, gọi luôn chỗ giáp đó là Ngã Hai, một ngã đi Sài Gòn, một ngã về lại trường ở “Căng”).
Được biết, chương trình học chặt chẽ, nghiêm túc, nội quy khắt khe theo kiểu quân đội Pháp nhằm đào tạo tốt đội ngũ lãnh đạo, tổ chức phong trào thể dục thể thao ở các tỉnh trong hệ thống các nước thuộc địa Đông Dương. Bấy giờ, chính quyền thực dân phát động phong trào thể dục thể thao nhằm thu hút lực lượng thanh niên, công tác này rất quan trọng nên điều động lực lượng hải quân Pháp sang tổ chức quản lý phong trào, đứng đầu là đại tá hải quân Pháp Du Couroy, phụ trách Trường “ÉSÉPIC” là Vaztaga, huấn luyện viên trưởng là Petit (người gốc châu Phi lai Pháp) nguyên là huấn luyện viên thuộc một trường cao đẳng thể dục thể thao ở Pháp. Petit chỉ huy 2 tiểu đội huấn luyện (1 tiểu đội người Pháp, 1 tiểu đội người Việt).
Bến đò Cà Ty xưa – nơi học viên Esepic tập bơi lội và bơi (chèo) thuyền đơn (nguồn Internet).
Kế hoạch của người Pháp là muốn phong trào thể dục thể thao Đông Dương phát triển lâu dài bền vững song tình hình đã đổi khác, tháng 3/1945 Nhật đảo chánh, bắt hết huấn luyện viên người Pháp, chiếm trường. Bấy giờ trường chỉ mới đào tạo huấn luyện được 4 khóa chính thức và 2 khóa bổ túc. Khóa 1 được mang biệt danh khóa De Courcy (Trung tướng chỉ huy quân đoàn viễn chinh Pháp tại Bắc kỳ, áp đặt nền bảo hộ của Pháp tại Bắc kỳ và Trung kỳ 1885-1887), khóa 2 là Du Couroy, khóa 3 là vua Bảo Đại và khóa 4 là quốc vương Sihanouk; 2 khóa bổ túc là bổ túc chuyên môn cho học viên 2 khóa 1 và 2, vì 2 khóa này học đầu còn thiếu một số chuyên môn mới bổ sung vào chương trình. Thuở ấy có một số học viên người Bình Thuận đã học tại Trường ÉSÉPIC như ông Đồng (sau Cách mạng Tháng Tám 1945 tham gia Cảm tử đội, hy sinh trong chống Pháp), ông Từ Quang Tuyên (người Hưng Long, Trung tá Quân đội nhân dân về hưu), ông Võ Thọ Son (người Phú Hài, Thượng tá Quân đội nhân dân về hưu), ông Mười Thích (người Lại Yên, đi tập kết làm cán bộ thể dục thể thao)…
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945 quân Nhật và Pháp rút đi, tháng 2/1946 quân Pháp tái chiếm Phan Thiết, lấy ngay Camp Ésépic làm khu căn cứ quân sự và lập trường huấn luyện hạ sĩ quan, có một sân bay quân sự và dân dụng, máy bay Đa-cô-ta, L19 lên xuống được, được gọi là phi trường Phan Thiết (năm 1950 Phan Thiết đã có hàng không dân dụng). Toàn bộ đã bị lực lượng ta tập kích bí mật đánh cho tan tác trong đêm 28/12/1951, là trận thắng lớn trên chiến trường Nam Trung bộ và Bình Thuận lúc bấy giờ, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp-Tổng tư lệnh Quân đội biểu dương khen ngợi; Ban Chỉ huy Trung đoàn 82 tặng mỗi chiến sĩ tham gia trận đánh một tấm thiếp kỷ niệm trận chiến thắng, trên tấm thiếp có khắc dòng chữ “Kỷ niệm chiến thắng CAMP ÉSÉPIC”. Tại Ngã Hai, giặc Pháp đóng đồn lập chi khu quân sự, dồn dân về ở khu tập trung, lập tháp canh ở cầu 40, đêm 18/9/1952 các chiến sĩ đặc công ta đồng loạt nổ bộc phá,
thủ pháo đánh sập các lô cốt, ụ sung, các tháp canh, đánh tan đồn Ngã Hai, phá khu tập trung đưa tất cả đồng bào bị địch dồn về lại vườn đất cũ làm ăn; chiến thắng Ngã Hai là chiến thắng đầu tiên của cách đánh đặc công trên chiến trường Bình Thuận và cả cực Nam Trung bộ.
Trong kháng chiến chống Mỹ, từ năm 1966 Mỹ đổ quân vào Phan Thiết, xây dựng Camp Ésépic thành căn cứ lớn nhất của Mỹ ở Bình Thuận và được gọi là “Căn cứ Phan Thiết”. Trong trận tập kích ngày 3/5/1970 ta đã đánh chiếm nhiều mục tiêu trong căn cứ, diệt nhiều lính Mỹ và nhiều vũ khí đạn dược, máy móc, phương tiện… Là một trận thắng lớn vang dội trong kháng chiến chống Mỹ.
Ngày 19/4/1975 giải phóng quê hương Phan Thiết – Bình Thuận, Trung tá Từ Quang Tuyên có mặt ngay ngày giải phóng quê hương giữ nhiệm vụ Trưởng ban Quân quản thị xã Phan Thiết, mấy năm sau ông nghỉ hưu còn tham gia làm Bí thư Đảng ủy phường Hưng Long (1985), năm 1998 Phan Thiết tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm thị xã (ngày 20/10/1898, vua Thành Thái xuống dụ đặt Phan Thiết là thị xã), ông Từ Quang Tuyên, một học viên ÉSÉPIC năm xưa nêu lên nhận định: “Trên bình diện lịch sử, thì dù sao đi nữa Phan Thiết cũng là nơi từng được chính quyền Pháp chọn xây dựng một trường cao đẳng thể dục thể thao Đông Dương và điều này cũng có thể khẳng định không phải nơi nào cũng có điều kiện, vị trí, khí hậu… thuận lợi như thế”.
Lịch sử đã qua đi, để lại các địa danh mang một giá trị văn hóa tinh thần: “Camp ÉSÉPIC” (Căng), cầu 40, Ngã Hai… Con đường đất đá lởm chởm ngày trước từ Cổng chữ Y, phường Đức Long lên dốc Căng nay đã được nâng cấp, mở rộng và tráng nhựa, con đường được mang tên liệt sĩ anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trương Văn Ly, một chiến sĩ đã từng tham dự trận tập kích khu quân sự “Camp ÉSÉPIC” và đánh tiêu diệt đồn Ngã Hai.
* * *
Ngày nay Phan Thiết là thành phố du lịch biển, có 60 km bờ biển với cảnh quan “biển xanh, cát trắng, nắng vàng” kỳ vọng xây dựng thành một trung tâm thể thao biển thu hút khách nước ngoài; đối với nội địa, ngoài đẩy mạnh hoạt đông thể dục thể thao địa phương gắn với phát triển du lịch đã bố trí khu vực Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia TP. Hồ Chí Minh – cơ sở 2 Mũi Né Bình Thuận và Trung tâm sinh hoạt dã ngoại thanh thiếu nhi tỉnh Bình Thuận trong khu du lịch quốc gia Mũi Né… Tìm hiểu các địa danh đã đi vào văn hóa lịch sử để yêu thêm mảnh đất quê hương, xây dựng Phan Thiết ngày thêm giàu đẹp nói chung và trên lĩnh vực văn hóa thể thao du lịch dã ngoại nói riêng…
Tài liệu tham khảo:
– Phan Thiết truyền thống đấu tranh cách mạng tập I (1930-1954).
– Đặc san Kỷ niệm 100 năm thị xã Phan Thiết-1998.