Bàn thêm về tộc danh và tính chính danh của chủ thể – Báo Công an Nhân dân điện tử

“Tộc người” (ethnic) là thuật ngữ có nguồn gốc tiếng Hy Lạp, xuất hiện từ rất sớm, nhưng nội hàm của khái niệm này luôn có sự thay đổi trong trường kỳ lịch sử. Thậm chí, ngay trong cùng một thời điểm, ở những khu vực khác nhau, quốc gia khác nhau, các nhà khoa học cũng có những cách kiến giải khác nhau.

Năm 1979, Tổng cục Thống kê ban hành Quyết định 121 “Về danh mục các dân tộc Việt Nam” để phục vụ công tác điều tra dân số. Đến nay, danh mục này vẫn là cơ sở pháp lý duy nhất trong việc định danh tộc người ở nước ta. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, tên gọi tộc người đã và đang đặt ra những vấn đề cần được giải quyết. Gần đây, nhiều tờ báo đã phản ánh kiến nghị của một số cộng đồng đề nghị Nhà nước dùng lại các tên tự gọi của bản tộc. Bài viết dưới đây đặt lại vấn đề này dưới góc độ khoa học và pháp lý.

Sự lạc hậu và nhầm lẫn trong khái niệm tộc người

“Tộc người” (ethnic) là thuật ngữ có nguồn gốc tiếng Hy Lạp, xuất hiện từ rất sớm, nhưng nội hàm của khái niệm này luôn có sự thay đổi trong trường kỳ lịch sử. Thậm chí, ngay trong cùng một thời điểm, ở những khu vực khác nhau, quốc gia khác nhau, các nhà khoa học cũng có những cách kiến giải khác nhau.

Một số nhà dân tộc học quan niệm, “tộc người là những nhóm người cố kết với nhau thông qua một di sản chung, bao gồm một ngôn ngữ chung, một văn hóa chung và quan trọng hơn là ý niệm về một tổ tiên chung hoặc quy định chế độ nội hôn. Một số khác lại cho rằng, đó là thuật ngữ dùng để chỉ “một nhóm người duy trì chung một đặc điểm sinh học, chia sẻ với nhau ký ức về một quê hương gắn với một khu vực địa lý, một ngôn ngữ và truyền thống chung, bao gồm cả phương thức mưu sinh và niềm tin tôn giáo chung”.

Du khách và người dân lên Tháp trong ngày Hội Ka tê của đồng bào Chăm Ninh Thuận.

Sự khác nhau trong cách kiến giải về khái niệm tộc người cũng là điều dễ hiểu, bởi mỗi ngành khoa học, mỗi thế hệ khoa học đều có giác độ và phương pháp tiếp cận khác nhau. Nhưng quan trọng hơn, xuất phát từ nhu cầu nội sinh cũng như tác động của các yếu tố bên ngoài, bản thân các tộc người luôn vận động/biến đổi và không có bất cứ trạng thái nào của tộc người được coi là tuyệt đối “nguyên thể”.

Ở Việt Nam, thuật ngữ “tộc người” (ethnic) thường được gọi theo một cách phổ biến hơn là “dân tộc” (trong tiếng Việt, “dân tộc” còn có thể được hiểu theo nghĩa là “quốc gia”/nation). Một thời gian dài, các nhà dân tộc học và ngôn ngữ học theo trường phái Xôviết thường áp dụng các tiêu chí của Stalin để giải nghĩa cho nội hàm của khái niệm “dân tộc”/ethnic: “Dân tộc là một khối cộng đồng người ổn định, được thành lập trong lịch sử, dựa trên cơ sở cộng đồng về tiếng nói, về lãnh thổ, về sinh hoạt kinh tế và về hình thành tâm lí, biểu hiện trong cộng đồng về văn hóa”.

Vận dụng các tiêu chí trên đây để giải thích cho khái niệm tộc người là sự nhầm lẫn rất đáng tiếc, bởi lẽ, phạm trù mà Stalin đề cập đến là “dân tộc/quốc gia” (nation) chứ không phải là các cộng đồng tộc người (ethnic).

Theo quan điểm của Stalin, các từ điển tiếng Việt hiện nay luôn định nghĩa dân tộc/ethnic là “Tên gọi chung những cộng đồng người có chung một ngôn ngữ, lãnh thổ, đời sống kinh tế và văn hoá, hình thành trong lịch sử từ sau bộ lạc”.

Tuy nhiên, hiện tại không chỉ ở nước ta mà ngay cả trong phạm vi châu Á, nội hàm của khái niệm tộc người như trên rõ ràng là không hoàn toàn chính xác, ít nhất là xét theo tiêu chí về lãnh thổ và đời sống kinh tế. Trải qua thăng trầm lịch sử, tình hình phân bố và trạng thái kinh tế – xã hội của các cộng đồng tộc người đã có rất nhiều thay đổi.

Trên thực tế, từ lâu tuyệt đại bộ phận các tộc người Việt Nam (và châu Á nói chung) đã không có lãnh thổ riêng với 3 lý do chính: 1) Một số tộc người bị chia cắt bởi các đường biên giới quốc gia; 2) Tình trạng xâm cư/xen cư lẫn nhau diễn ra rất phổ biến; và 3) Di dịch cư (tự do hoặc có tổ chức) của các bộ phận tộc người. Ngay cả ở những khu vực mà các hình thức nhà nước sơ khai đã hình thành như Tây Bắc, tình trạng xen cư/chia sẻ không gian sống giữa nhiều tộc người vẫn là đặc điểm nổi trội.

Trong bối cảnh hiện nay, khi mà tình trạng xen cư ngày càng trở nên phổ biến, quá trình di cư của thành viên các tộc người diễn ra ngày một mạnh mẽ, các tiêu chí về lãnh thổ và kinh tế gần như trở nên vô nghĩa. Đối với các bộ phận của một tộc người nhưng đang phân bố ở các quốc gia, các vùng lãnh thổ khác nhau, thậm chí ngay cả các tiêu chí về ngôn ngữ và văn hóa cũng trở nên lạc hậu. Điều duy nhất luôn có ý nghĩa và sức sống mãnh liệt chính là ý thức tự giác tộc người thể hiện qua tên tự gọi và ý niệm về một tổ tiên chung.

Sự ngộ nhận của các nhà khoa học 

Trên thế giới, hiện chỉ có 3 quốc gia thực hiện công tác xác minh thành phần tộc người là Trung Quốc, Việt Nam và Lào. Tất cả các quốc gia khác đều tôn trọng tên tự gọi của các bộ lạc, bộ tộc hoặc tộc người. Ở nước ta, hiện nay có tới hơn 170 nhóm tộc người có tên tự gọi riêng. Một số nhóm tuy có cùng nguồn cội hoặc ngôn ngữ gốc, nhưng có tên tự gọi hoàn toàn khác nhau (Cao Lan và Sán Chí; Phù Lá và Lão Va Xơ; Tà-ôi, Pa-hi và Pa-cô; Xơ-đăng và Ca-dong,…).

Dựa trên các tiêu chí về ngôn ngữ, văn hóa và ý thức tự giác (thể hiện qua tên tự gọi), những năm 70 của thế kỷ trước, các nhà khoa học xã hội đã tiến hành một cuộc điều tra nhằm xác minh thành phần tộc người (ethnic). Kết quả của cuộc điều tra đó chính là cơ sở khoa học để Tổng cục Thống kê ban hành Quyết định 121 vào năm 1979, trong đó có những trường hợp nhiều nhóm có tên gọi riêng vẫn được gộp với các nhóm khác thành một tộc người.

Vẫn với những tiêu chí cũ, những năm đầu thế kỷ XX, Viện Dân tộc học (thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam) đã chủ trì thực hiện một đề tài nghiên cứu nhằm xác minh lại thành phần tộc người. Đề tài này đã được nghiệm thu năm 2006 nhưng đến nay kết quả vẫn chưa được công bố. Kết quả đề tài cũng không hoàn toàn thừa nhận tên tự gọi của tất cả các nhóm tộc người.

Điều đó cũng có nghĩa rằng, các nhà khoa học xã hội Việt Nam đã tự cho mình một cái quyền rất lớn là tước bỏ tên tự gọi của một số nhóm tộc người, buộc họ phải mang một tên mới, trong một thành phần tộc người mới. Chính điều đó đã dẫn đến sự bất bình của một số nhóm tộc người đang sinh sống ở miền núi phía Bắc, Trường Sơn và Tây Nguyên.

Lễ vật cúng trong  Hội Ka tê, người Chăm Ninh Thuận.

Một trong những tộc người phản ứng mạnh mẽ nhất là cộng đồng Pa-cô đang sinh sống tại các tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế. Được các nhà khoa học xác định là có quan hệ ngôn ngữ/lịch sử chặt chẽ với người Tà-ôi, năm 1979, người Pa-cô được nhà nước gộp vào với người Tà-ôi và Pa-hi thành một tộc người có tên gọi chung là Tà-ôi. Với lý lẽ: “Tôi có tên của tôi, tại sao bắt tôi mang tên của người khác?”, từ nhiều năm nay người Pa-cô vẫn kiên trì theo đuổi nguyện vọng được tách ra thành một tộc người riêng. Trước sức ép đó, năm 2011, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã hoàn thành đề án “Bổ sung dân tộc Pa-cô vào danh mục các dân tộc Việt Nam” để đệ trình Chính phủ.

Tình hình tương tự cũng diễn ra đối với người Ca-dong ở tỉnh Quảng Nam. Là cộng đồng người có tới 29.000 nhân khẩu, có ý thức về nguồn cội riêng, ngôn ngữ riêng và phong tục tập quán riêng, nhưng từ năm 1979, họ được gộp vào với người Xơ-đăng trong một thành phần tộc người. Năm 2012, UBND tỉnh Quảng Nam đã hoàn thành hồ sơ đề nghị công nhận Ca-dong là một thành phần tộc người riêng. Tuy nhiên, cho đến nay, nguyện vọng của người dân ở các địa phương đó vẫn chưa được đáp ứng bằng các quyết định của Chính phủ.

Tất cả các bản Hiến pháp đã ban hành dưới chính quyền dân chủ nhân dân đều thừa nhận các tộc người là đồng chủ thể quốc gia, có quyền bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Khoản 3, Điều 5 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam (năm 2013) chỉ rõ: “Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình”. Trên thực tế, không có một “tiếng Tà-ôi” chung cho cả 3 nhóm Tà-ôi, Pa-hi và Pa-cô; cũng không có một “tiếng Xơ-đăng” chung cho cả người Xơ-đăng và Ca-dong.

Ở nhiều tộc người khác theo cách định danh của Nhà nước hiện nay cũng diễn ra tình trạng tương tự. Mỗi tên tự gọi luôn gắn với một ngôn ngữ riêng, và rộng hơn, là một nền văn hóa riêng. Chính vì vậy, kiến nghị của các nhóm tộc người về việc duy trì tên tự gọi của mình không chỉ phù hợp với xu thế khoa học hiện đại, phù hợp với quyền con người được quy định trong các công ước quốc tế, mà còn hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp hiện hành của nước ta.

Việc gộp các nhóm cộng đồng có tên tự gọi khác nhau vào một thành phần tộc người, không chỉ làm mất đi tính chính danh của các chủ thể văn hóa mà còn có thể khiến cho những nỗ lực của Nhà nước trong việc thực hiện chính sách dân tộc ít nhiều mất đi ý nghĩa nhân văn.