5 cách tra cứu bảo hiểm xã hội cho người tham gia BHXH năm 2022
Bảo hiểm xã hội (BHXH) là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ BHXH. Hiện nay, người lao động có thể tiến hành tra cứu thông tin về bảo hiểm xã hội (BHXH) gồm các thông tin về thời gian đóng, mức đóng BHXH… trực tuyến, qua nhắn tin bằng điện thoại hoặc qua ứng dụng của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Dưới đây là những cách tra cứu BHXH nhanh và chuẩn xác nhất.
1. Tra cứu BHXH qua cổng thông tin Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Các bước tra cứu BHXH như sau:
Bước 1: Truy cập cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam.
Bước 2: Trên giao diện chính nhấn chọn mục “Tra cứu trực tuyến”
Bước 3: Trên menu “Tra cứu trực tuyến” nhấn chọn vào mục tra cứu thông tin BHXH tương ứng mà mình cần tra cứu
Bước 4: Nhập các dữ liệu cần thiết theo điều hướng từ hệ thống
Bước 5: Nhận kết quả tra cứu.
Lưu ý: Trong một vài trường hợp tra cứu BHXH cá nhân, người lao động phải cung cấp các thông tin như số CMT/căn cước công dân, số điện thoại, địa chỉ Email đã đăng ký với cơ quan BHXH. Các thông tin này nhằm mục đích xác định đối tượng tra cứu và bảo mật thông tin cá nhân hiệu quả cao.
2. Tra cứu bảo hiểm xã hội qua Zalo
Để tra cứu thông tin BHXH trên Zalo người dùng cần có tài khoản Zalo cá nhân. Nếu bạn chưa có cũng có thể dễ dàng đăng ký tài khoản Zalo mới qua số điện thoại (tốt nhất là sim chính chủ) và thực hiện các bước như sau:
Bước 1: Đăng nhập ứng dụng Zalo trên điện thoại hoặc PC.
Bước 2: Tại phần “tìm kiếm” người dùng search “Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội” chọn OA của BHXH Hà Nội.
Bước 3: tại mục dịch vụ => nhấn chọn “tiện ích” => chọn chức năng tra cứu thông tin bảo hiểm xã hội tương ứng.
Ví dụ: Để “tra cứu mã số BHXH” của cá nhân, bạn thực hiện các bước như trên đến mục “tiện ích” => Chọn “tra cứu mã số BHXH” => bạn điền đầy đủ thông tin, các mục đánh dấu (*) là bắt buộc => Xác nhận mã Capcha => Nhận kết quả.
Như vậy, bên cạnh việc giúp người tham gia BHXH có thể tra cứu thông tin về quá trình đóng BHXH, kiểm tra mã số bảo hiểm xã hội…. Thông qua ứng dụng Zalo người lao động cũng có thể xem, tra cứu thêm được các thông tin khác có liên quan đến các chế độ BHXH, BHTN, BHYT thuận tiện, dễ dàng và tiết kiệm.
3. Tra cứu bảo hiểm xã hội qua ứng dụng VssID
Ứng dụng VssID là ứng dụng của cơ quan BHXH Việt Nam nhằm hướng tới mục tiêu chuyển đổi số một cách toàn diện. Để tra cứu bảo hiểm xã hội qua ứng dụng VssID, người lao động buộc phải cài đặt ứng dụng VssID trên nền tảng thiết bị điện thoại di động thông minh và đã đăng ký tài khoản cá nhân trên ứng dụng. Cách tra cứu BHXH như sau:
Bước 1: Đăng nhập ứng dụng VssID bằng cách nhập tên tài khoản đồng thời là mã BHXH và mật khẩu.
Bước 2: Tại giao diện “Quản lý cá nhân” người lao động nhấn chọn “Quá trình tham gia” hoặc “Thông tin hưởng” của mình và nhận kết quả ngay sau đó.
Bước 3: Tại giao diện “Tra cứu” người lao động nhấn chọn tra cứu các thông tin BHXH khác như: tra cứu mã số BHXH; tra cứu cơ quan bảo hiểm; tra cứu CSKCB cấp giấy nghỉ việc hưởng BHXH; tra cứu đơn vị tham gia BHXH; tra cứu điểm thu, đại lý thu.
Bước 4: Nhập dữ liệu tra cứu tương ứng, nhấn tra cứu
Bước 5: Nhận kết quả tra cứu tương ứng với từng mục tra cứu.
Người lao động tra cứu thông tin BHXH nào cần nhập đầy đủ các dữ liệu tra cứu theo điều hướng mà App đã cài đặt sẵn. Ngoài ra người lao động còn có thể tra cứu các thông tin liên quan đến BHYT tương tự như tra cứu trên cổng thông tin điện tử của Cơ quan BHXH Việt Nam.
4. Tra cứu bảo hiểm thông qua sổ bảo hiểm xã hội
Sổ bảo hiểm xã hội được cấp cho từng người lao động để theo dõi việc đóng, hưởng các chế độ BHXH và là cơ sở để giải quyết các chế độ BHXH hiện nay.
Căn cứ theo quy định tại Khoản 2, Điều 18, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì người lao động có quyền được cấp và quản lý sổ BHXH. Bên cạnh đó, tại Khoản 5, Điều 21 luật này cũng quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động như sau:
“Phối hợp với cơ quan BHXH trả sổ BHXH cho người lao động, xác nhận thời gian đóng BHXH khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật”.
Căn cứ vào các quy định trên thì người lao động được quyền giữ sổ BHXH và hoàn toàn có thể tra cứu thông tin BHXH của mình thông qua sổ BHXH. Trong trường hợp người lao động nghỉ làm việc tại các đơn vị doanh nghiệp cần yêu cầu được chốt sổ BHXH để đảm bảo quyền lợi sau này.
5. Tra cứu mã số bảo hiểm xã hội thông qua thẻ bảo hiểm y tế
Có thể nhiều người lao động không biết mã số BHXH được sử dụng để làm mã số thẻ BHYT. Người lao động có thể căn cứ vào thẻ BHYT được cấp để tra cứu mã số BHXH của mình.
Cụ thể cách lấy mã số BHXH như sau:
Tra cứu mã BHXH căn cứ vào thông tin mã thẻ BHYT in tại mặt trước của thẻ:
Đối với thẻ BHYT mẫu mới: Mã BHXH là mã thẻ BHYT (gồm 10 ký tự số) in trên mặt trước của thẻ.
Đối với thẻ BHYT mẫu cũ: Mã thẻ BHXH là mã gồm 10 ký tự cuối trong dãy mã số thẻ BHYT.
Lưu ý: Thẻ BHYT mẫu mới được cấp cho người tham gia từ ngày từ ngày 01/04 /2021 theo Quyết định số 1666/QĐ-BHXH ban hành ngày 3/12/2020 của cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam.