VPUB – Cam Vinh trên đất Mường Nhé
Dienbien.gov.vn – Với mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng giúp cho bà con nông dân học hỏi và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng thu nhập. Năm 2014, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Mường Nhé phối hợp với Trạm Khuyến nông triển khai mô hình trồng cam Vinh trên mảnh đất Mường Nhé cho 44 họ tại xã Mường Nhé. Qua 4 năm triển khai, đến nay diện tích cam trồng thí điểm tại xã Mường Nhé đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ dân.
Vườn cam Vinh của gia đình ông Lò Văn Nếnh, bản Mường Nhé, xã Mường Nhé
Xã Mường Nhé, có 9 bản chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông và dân tộc Thái sinh sống, kinh tế hoàn toàn phụ thuộc và sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên năng xuất, hiệu quả các loại cây trồng còn thấp. Qua quá trình điều tra, khảo sát thực tế cho thấy cây cam bản địa được trồng nhiều trong vườn, nương đồi của các hộ gia đình, nhưng cây sinh trưởng, phát triển không đều và cho năng suất, chất lượng chưa tốt. Cây sinh trưởng, phát triển tự nhiên, ít được chăm sóc, biện pháp kỹ thuật hầu như chưa được áp dụng đặc biệt là biện pháp bón phân, tỉa cành nên nhiều sâu bệnh, cây nhanh già cỗi, ảnh hưởng đến năng suất chất lượng cam.
Với tổng diện tích triển khai mô hình là 14,7 ha tại 25 hộ dân, theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn sau 4 năm triển khai cây cam Vinh rất phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa bàn. Cây có tỷ lệ sống cao đạt trên 90%, cây cam Vinh sinh trưởng, phát triển tốt tương đương với các mô hình thâm canh cam Vinh tại các vùng sản xuất cam tiên tiến của miền Bắc. Nếu chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật như hiện nay, thì từ năm thứ 6, 1ha cam sẽ cho năng suất từ 1,5 – 2 tấn quả, tương đương với 50 – 70 triệu đồng/ha/năm.
Ông Khoàng Văn Pánh là một hộ có thâm niên trồng cam tại xã Mường Nhé từ hàng chục năm nay. Tuy nhiên, do sử dụng giống cam bản địa và chưa biết kỹ thuật chăm sóc, cắt tỉa cành, phòng trừ sâu bệnh nên vườn cam chỉ cho quả ngọt được 2-3 năm đầu thu hoạch, những năm sau cây cằn cỗi quả kém chất lượng, nhiều cây sâu bệnh không cho quả. Từ cuối năm 2013 đầu năm 2014 gia đình ông tham gia mô hình trồng cam Vinh do Phòng Nông nghiệp và Trạm Bảo vệ thực vật huyện triển khai đã đem lại hiểu quả, chuyển biến rõ rệt so với diện tích cam gia đình tự trồng những năm trước. Với diện tích 1 ha trồng cam, năm thứ 2 thu hoạch đã cho thu nhập khoảng 80 triệu đồng. Khi tham gia mô hình gia đình ông được hộ trợ toàn bộ cây giống, phân bón trong 3 năm đầu; hộ trợ về kỹ thuật từ lúc trồng cây cho đến khi thu hoạch.
Cây cam Vinh cũng là một cây đem lại thu nhập cao cho gia đình ông Lò Văn Nếnh, bản Mường Nhé, xã Mường Nhé từ 2 năm nay. Cũng trên một diện tích, nhưng trước đây chỉ trồng ngô, sắn cho thu nhập không đáng kể, nhưng với hơn 100 cây cam Vinh được trồng, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, năm nay 100% số cây đều sai quả, đem lại thu nhập hàng chục triệu đồng cho gia đình.
Việc triển khai mô hình trông cam Vinh tại xã Mường Nhé đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Mô hình đã góp phần thay đổi tư duy và nhận thức của người nông dân từ sản xuất theo kinh nghiệm, chuyên canh sang sản xuất theo quy trình kỹ thuật, thấy rõ sự cần thiết phải đầu tư vật tư, công sức, kinh phí cho vườn cây để có năng suất, chất lượng và mang lại hiệu quả kinh tế cao, hướng tới xây dựng vùng sản xuất cam Vinh mang tính hàng hóa, chất lượng tạo thu nhập ôn định cho người nông dân./.
Tuyết Anh