Ý thức xã hội phản ánh tồn tại xã hội, là do tồn tại xã hội quyết định, nhưng có tính độc lập tương đối và tác động trở lại tồn tại xã hội. Vậy tính độc lập tương đối của ý thức xã hội là gì?

Dưới đây chúng tôi cung cấp đến quý bạn đọc các thông tin liên quan đến tính độc lập tương đối của ý thức xã hội kính mời quý bạn đọc cùng theo dõi.

Tìm hiểu khái quát về ý thức xã hội

Theo PGS. TS Đoàn Quang Thọ – Giáo trình Triết học Nhà xuất bản Lý luận chính trị, Hà Nội năm 2007 viết:

“ Ý thức xã hội là khái niệm triết học dùng để chỉ các hình thái khác nhau của tinh thần trong đời sống xã hội bao gồm những tư tưởng, quan điểm, tình cảm, tâm trạng, thói quen, phong tục, tập quán, truyền thống… của cộng đồng xã hội được sinh ra trong quá trình xã hội tồn tại và phản ánh tồn tại xã hội trong từng giai đoạn lịch sử nhất định. Ý thức xã hội chỉ là một bộ phận của đời sống tinh thần. “

Có thể hiểu đơn giản, ý thức xã hội là toàn bộ lĩnh vực tinh thần của đời sống xã hội, bao gồm tư tưởng cùng những tình cảm tâm trạng, nảy sinh từ tồn tại xã hội và phản ánh tồn tại xã hội trong những giai đoạn phát triển lịch sử xã hội nhất định.

Về bản chất của ý thức xã hội:

+ Ý thức xã hội là sự phản ánh tồn tại xã hội, do tồn tại xã hội quyết định.

+ Ý thức xã hội có tính độc lập tương đối trong mối quan hệ với tồn tại xã hội.

+ Giữa các hình thái ý thức xã hội luôn có sự xâm nhập, ảnh hưởng, tác động qua lại lẫn nhau.

+ Ý thức xã hội có thể tác động mạnh mẽ trở lại tồn tại xã hội; nó có thể thúc đẩy sự phát triển của tồn tại xã hội khi phản ánh đúng quy luật vận động của tồn tại xã hội; thậm chí kìm hãm sự phát triển của tồn tại xã hội khi phản ánh không đúng quy luật vận động của tồn tại xã hội.

Tính độc lập tương đối của ý thức xã hội

Khi khẳng định vai trò quyết định của tồn tại xã hội đối với ý thức xã hội, chủ nghĩa duy vật lịch sử không xem ý thức xã hội như một yếu tố thụ động, trái lại còn nhấn mạnh tác dụng tích cực của ý thức xã hội đối với đời sống kinh tế – xã hội, nhấn mạnh tính độc lập tương đối của ý thức xã hội trong mối quan hệ với tồn tại xã hội. Tính độc lập tương đối biểu hiện ở những điểm sau đây:

Thứ nhất: Ý thức xã hội thường lạc hậu so với tồn tại xã hội

Lịch sử xã hội cho thấy, nhiều khi tồn tại xã hội cũ đã mất đi, nhưng ý thức xã hội cũ tương ứng vẫn còn tồn tại dai dẳng; điều đó biểu hiện ý thức xã hội muốn thoát ly khỏi sự ràng buộc của tồn tại xã hội, biểu hiện tính độc lập tương đối. Sở dĩ có biểu hiện đó là do những nguyên nhân sau:

– Sự biến đổi của tồn tại xã hội thường diễn ra với tốc độ nhanh mà ý thức xã hội không phản ánh kịp sự thay đổi đó và trở nên lạc hậu. Hơn nữa, ý thức xã hội là cái phản ánh tồn tại xã hội nên nói chung chỉ biến đổi sau khi có sự biến đổi của tồn tại xã hội.

– Do sức mạnh của thói quen, truyền thống, tập quán cũng như do tính lạc hậu, bảo thủ của một số hình thái ý thức xã hội.

– Trong xã hội có giai cấp, các giai cấp và lực lượng phản tiến bộ thường lưu giữ một số tư tưởng có lợi cho họ nhằm chống lại các lực lượng xã hội tiến bộ.

Như vậy ý thức lạc hậu, tiêu cực không mất đi một cách dễ dàng. Cho nên trong sự nghiệp xây dựng xã hội mới phải thường xuyên tăng cường công tác tư tưởng, đấu tranh chống lại âm mưu và hành động phá hoại những lực lượng thù địch về mặt tư tưởng, kiên trì xoá bỏ những tàn dư ý thức cũ.

Thứ hai: Ý thức xã hội có thể vượt trước tồn tại xã hội

Khi khẳng định tính lạc hậu hơn của ý thức xã hội so với tồn tại xã hội, triết học Mác – Lênin đồng thời thừa nhận rằng, trong những điều kiện nhất định tư tưởng của con người, đặc biệt những tư tưởng khoa học tiên tiến có thể vượt trước sự phát triển của tồn tại xã hội, dự báo được tương lai và có tác dụng tổ chức, chỉ đạo hoạt động thực tiễn của con người.

Sở dĩ có thể vượt trước được là do đặc điểm của tư tưởng khoa học quy định. Tư tưởng khoa học thường khái quát tồn tại xã hội đã có và hiện có để rút ra những quy luật phát triển chung của xã hội, quy luật đó không những phản ánh đúng quá khứ, hiện tại mà còn dự báo đúng tồn tại xã hội mai sau.

Chẳng hạn, ngay từ khi quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa đang ở trong thời kỳ phát triển tự do cạnh tranh, Các Mác đã dự báo quan hệ sản xuất đó nhất định sẽ bị quan hệ sản xuất tiến bộ hơn thay thế.

Khi nói, tư tưởng tiên tiến có thể vượt trước tồn tại xã hội thì không có nghĩa ý thức xã hội không còn bị tồn tại xã hội quyết định. Mà là, cho đến cùng nó luôn bị tồn tại xã hội quy định.

Thứ ba: Ý thức xã hội có tính kế thừa trong sự phát triển

Lịch sử phát triển của đời sống tinh thần xã hội cho thấy rằng, những quan điểm lý luận của mỗi thời đại không xuất hiện trên mảnh đất trống không mà được tạo ra trên cơ sở kế thừa những tài liệu lý luận của các thời đại trước. Thí dụ, chủ nghĩa Mác đã kế thừa những tinh hoa tư tưởng của loài người mà trực tiếp là nền triết học Đức, kinh tế học cổ điển Anh và chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp.

Trong xã hội có giai cấp, tính chất kế thừa của ý thức xã hội gắn với tính chất giai cấp của nó. Những giai cấp khác nhau kế thừa những nội dung ý thức khác nhau của các thời đại trước. Các giai cấp tiên tiến thường kế thừa những di sản tư tưởng tiến bộ của xã hội cũ để lại. Thí dụ, khi làm cuộc cách mạng tư sản chống phong kiến, các nhà tư tưởng của giai cấp tư sản đã khôi phục những tư tưởng duy vật và nhân bản của thời đại cổ đại.

Ngược lại, những giai cấp lỗi thời thì tiếp thu, khôi phục những tư tưởng, lý thuyết phản tiến bộ của thời kỳ lịch sử trước. Thí dụ, vào nửa sau thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, các thế lực tư sản phản động đã khôi phục và phát triển những trào lưu triết học duy tâm, tôn giáo dưới những cái tên mới như chủ nghĩa Cantơ mới, chủ nghĩa Tômát mới, để chống lại phong trào cách mạng của giai cấp công nhân.

Vì vậy, khi tiến hành cuộc đấu tranh trên lĩnh vực ý thức hệ thì không những phải vạch ra tính chất phản khoa học của những trào lưu tư tưởng phản động trong điều kiện tại, mà còn phải chỉ ra những nguồn gốc lý luận của chúng trong lịch sử.

Do ý thức xã hội có tính kế thừa, nên khi nghiên cứu một tư tưởng nào đó phải dựa và quan hệ kinh tế hiện và phải chú ý đến các giai đoạn phát triển tư tưởng trước đó. Có như vậy mới hiểu rõ vì sao một nước có trình độ phát triển tương đối kém về kinh tế nhưng tư tưởng lại ở trình độ cao. Thí dụ, nước Đức ở đầu thế kỷ XIX lạc hậu về kinh tế, nhưng đã đứng ở trình độ cao hơn về triết học.

Nắm vững quan điểm kế thừa của ý thức xã hội có ý nghĩa quan trọng đối với công cuộc đổi mới của nước ta hiện nay trên lĩnh vực văn hoá, tư tưởng. Đảng ta đã khẳng định, trong điều kiện mở rộng giao lưu quốc tế phải đặc biệt quan tâm giữ gìn và nâng cao bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa các dân tộc khác trên thế giới, làm giàu đẹp hơn nền văn hoá Việt Nam .

Thứ tư: Sự tác động qua lại giữa các hình thái ý thức xã hội trong sự phát triển của chúng

Ý thức xã hội bao gồm nhiều bộ phận, nhiều hình thái khác nhau, theo nguyên lý mối liên hệ thì giữa các bộ phận không tách rời nhau, mà thường xuyên tác động qua lại lẫn nhau. Sự tác động đó làm cho ở mỗi hình thái ý thức có những mặt, những tính chất không phải là kết quả phản ánh một cách trực tiếp của tồn tại xã hội.

Lịch sử phát triển của ý thức xã hội cho thấy, thông thường ở mỗi thời đại tuỳ theo hoàn cảnh lịch sử cụ thể có những hình thái ý thức nào đó nổi lên hàng đầu sẽ tác động mạnh đến các hình thái khác. Chẳng hạn ở thời cổ đại Tây Âu thì triết học và nghệ thuật đóng vai trò đặc biệt. Thời Trung Cổ ở Tây Âu thì tôn giáo ảnh hưởng mạnh mẽ đến triết học, nghệ thuật, pháp quyền… Ngày nay thì hệ tư tưởng chính trị và khoa học đang tác động đến các lĩnh vực của đời sống tinh thần xã hội.

Thứ năm: Ý thức xã hội tác động trở lại tồn tại xã hội

Chủ nghĩa duy vật lịch sử không những chống lại quan điểm duy tâm tuyệt đối hoá vai trò của ý thức xã hội mà còn bác bỏ quan điểm duy vật tầm thường khi phủ nhận tác động tích cực của ý thức xã hội đối với tồn tại xã hội.

Ph.Ăng ghen viết: “Sự phát triển về mặt chính trị, pháp luật, triết học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật v.v đều dựa vào sự phát triển kinh tế. Nhưng tất cả chúng cũng có ảnh hưởng lẫn nhau và ảnh hưởng đến cơ sở kinh tế”.

Mức độ ảnh hưởng của tư tưởng đối với sự phát triển xã hội phụ thuộc vào điều kiện lịch sử cụ thể; vào tính chất của các mối quan hệ kinh tế mà trên đó tư tưởng nảy sinh; vào vai trò lịch sử của giai cấp mang ngọn cờ tư tưởng và vào mức độ mở rộng của tư tưởng trong quần chúng.

Chẳng hạn hệ tư tưởng tư sản đã tác động mạnh mẽ đến xã hội các nước Tây Âu thế kỷ XVII, XVIII. Hệ tư tưởng vô sản trở thành vũ khí về mặt tư tưởng của giai cấp vô sản đấu tranh để xoá bỏ xã hội tư bản.

Sự tác động của ý thức xã hội tới tồn tại xã hội biểu hiện qua hai chiều hướng. Nếu ý thức xã hội tiến bộ thì tác động thúc đẩy tồn tại xã hội phát triển, nếu ý thức xã hội lạc hậu sẽ cản trở sự phát triển của tồn tại xã hội.

Như vậy, nguyên lý của chủ nghĩa duy vật lịch sử về tính độc lập tương đối của ý thức xã hội chỉ ra bức tranh phức tạp của lịch sử phát triển ý thức xã hội, nó bác bỏ quan điểm siêu hình, máy móc, tầm thường về mối quan hệ giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội.

Trên đây, chúng tôi mang tới cho Quý khách hàng những thông tin cần thiết liên quan tới Tính độc lập tương đối của ý thức xã hội. Để biết thêm thông tin chi tiết Quý khách hàng đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ nhanh chóng nhất.