10 sự kiện tiêu biểu của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM trong năm 2020

1. TỔ CHỨC THÀNH CÔNG ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TRƯỜNG NHIỆM KỲ 2020-2025

Ngày 27 và 28.6.2020, Đảng bộ Trường ĐH KHXH&NV đã tổ chức Đại hội đại biểu nhiệm kỳ 2020-2025 với sự tham dự của 120 đại biểu được bầu chọn từ các Chi bộ.

Đại hội đã nhất trí thông qua phương hướng, mục tiêu tổng quát xây dựng và phát triển của Trường ĐH KHXH&NV giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, Trường ĐH KHXH&NV xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện; đẩy mạnh tự chủ đại học, phát huy hiệu quả các giá trị “Sáng tạo – Dẫn dắt – Trách nhiệm” trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng.

Đại hội thông qua kết quả bầu cử BCH Đảng bộ Trường ĐH KHXH&NV khoá VII (nhiệm kỳ 2020-2025) gồm 15 đồng chí và bầu Đoàn đại biểu tham dự Đại hội đại biểu Đảng bộ ĐHQG-HCM lần thứ VI gồm 35 đại biểu chính thức và 5 đại biểu dự khuyết. Hội nghị lần thứ nhất BCH Đảng bộ Trường đã bầu Ban Thường vụ Đảng ủy gồm 5 đồng chí. Đồng chí Lê Thị Ngọc Điệp đắc cử chức danh Bí thư Đảng ủy Trường nhiệm kỳ 2020-2025. Hai Phó Bí thư Đảng ủy gồm đồng chí Ngô Thị Phương Lan và đồng chí Phan Thanh Định. Hội nghị cũng đã bầu Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy gồm 5 đồng chí. 

Ban Chấp hành Đảng bộ Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM nhiệm kỳ 2020-2025 được bầu tại đại hội.

2. THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG TRƯỜNG

Ngày 13.10.2020, Hội đồng Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM đã được Hội đồng Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh chính thức công nhận. Trong đó, TS. Lê Thị Ngọc Điệp – Bí thư Đảng ủy làm Chủ tịch Hội đồng, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan – Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng làm Phó Chủ tịch, TS. Bùi Hà Phương – Trưởng phòng Tổ chức – Cán bộ làM Thư ký Hội đồng cùng 22 thành viên là Chủ tịch Công đoàn Trường, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, đại diện cơ quan quản lý, nhà giáo dục, nhà lãnh đạo, doanh nhân, đại diện đơn vị sử dụng lao động, cựu sinh viên.

Hội đồng Trường ĐHKHXH&NV thực hiện chức năng tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan, có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định tại Luật Giáo dục đại học, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và các quy định hiện hành về Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Các thành viên Hội đồng Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM. 

3. THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP ỨNG PHÓ VÀ THÍCH NGHI VỚI DỊCH COVID-19

Đại dịch Covid-19 đã tác động to lớn đến mọi mặt hoạt động của xã hội, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM đã có nhiều giải pháp thích ứng nhanh chóng với bối cảnh của đại dịch. Nhà trường đã thông tin kịp thời đến cán bộ, viên chức, người lao động bằng nhiều kênh khác nhau như poster, mạng xã hội, website…Tổ chức các điểm đo thân nhiệt, rửa tay, khử khuẩn; Tổ chức làm việc, giảng dạy, tổ chức hội thảo khoa học, họp trực tuyến…và không làm gián đoạn hoạt động của Nhà trường. Đặc biệt, Nhà trường có nhiều giải pháp đảm bảo thu nhập của cán bộ, viên chức, người lao động trong bối cảnh kinh tế nhiều khó khăn.

Đào tạo trực tuyến đã được Nhà trường triển khai mạnh mẽ trong năm 2020.

4. NHẬN BÀN GIAO MẶT BẰNG ĐƯỢC GIẢI TỎA TẠI CƠ SỞ THỦ ĐỨC & XÂY DỰNG KHÔNG GIAN HỌC TẬP

Tháng 3.2020 khu vực hồ nước thuộc khu quy hoạch dự án thành phần QG-HCM08 được UBND Quận Thủ Đức giải tỏa, bàn giao cho Nhà trường tiếp nhận và quản lý. Hồ Ánh Dương (đã được nhà trường lấy ý kiến của CB-VC đặt tên) với diện tích gần 3ha. Sau khi tiếp nhận, Nhà trường đã khởi công 02 công trình quan trọng kết nối với phần diện tích đang sử dụng: Công trình đường Nhân văn 2, chiều dài 172m, lộ giới 18m kết nối giao thông của Nhà trường với Nhà điều hành ĐHQG-HCM và Công trình nhà học Nhân văn B4 quy mô 5 tầng, diện tích sàn 13.500m2, gồm 80 phòng học. Công trình nhà học B4 có ý nghĩa quan trọng, thay thế 2 khu học tập cũ (nhà A và nhà B) để cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng của Nhà trường.

Năm 2020, với việc Nhà trường triển khai Chương trình Đại học Xanh, nhiều không gian học tập, khu chức năng cũng được hình thành tại cơ sở Thủ Đức như: Bộ chữ We love USSH, I love USSH, Công trình vườn học tập (phía sau dãy nhà C), không gian vườn hoa, vườn cây (Khu vực nhà học B1)…Những công trình mới tạo nên hệ thống cảnh quan xanh, tiện ích, bản sắc của Người Nhân văn.

Toàn nhà Nhân văn B4 đang được xây dựng bên cạnh hồ Ánh Dương sẽ nâng cao chất lượng cơ sở vật chất của Nhà trường.

5. TRIỂN KHAI XÂY DỰNG CỔNG THÔNG TIN QUẢN TRỊ ĐẠI HỌC

Nhằm phát triển nền tảng công nghệ phù hợp với xu hướng chuyển đổi số trong quản trị, Nhà trường đã ký kết với Trường ĐH Bách khoa, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh trong việc thiết lập Cổng thông tin quản trị đại học với nhiều hợp phần như: Website Trường và các đơn vị, Văn phòng điện tử, Quản trị nhân sự, Quản lý đào tạo, Quản trị tài sản…Các hợp phần này sẽ liên thông cơ sở dữ liệu để thống nhất quản lý và nâng cao hiệu quả quản trị đại học phù hợp với  xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Trong năm 2020, Nhà trường đã vận hành giao diện website mới và bắt đầu thiết kế website các đơn vị. Trong năm 2021, nhiều hợp phần khác nhau của Cổng Thông tin quản trị đại học sẽ được đưa vào sử dụng.

Giao diện website mới được phát triển bởi quá trình hợp tác với Trường ĐH Bách Khoa, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

6. XÂY DỰNG ĐỀ ÁN ĐỔI MỚI CƠ CHẾ QUẢN LÝ NHÀ TRƯỜNG

Năm 2020 cũng là năm tập thể lãnh đạo Nhà trường quyết tâm thực hiện chương trình tự chủ đại học theo luật Giáo dục đại học sửa đổi thông qua việc xây dựng Đề án Đổi mới cơ chế quản lý Trường ĐH KHXH&NV.

Là một cơ sở giáo dục đại học công lập và đào tạo nhiều ngành học cơ bản, trong đó có những ngành khó tuyển, việc xây dựng để án đã được Ban giám hiệu Nhà trường tính toán kỹ lưỡng trên cơ sở đề án xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật làm nền tảng cho việc tính toán các chi phí đào tạo của Nhà trường ở từng chương trình đào tạo. Quan điểm của Nhà trường là thực hiện tự chủ đại học nhưng không làm mất đi triết lý giáo dục “Giáo dục toàn diện – Khai phóng – Đa văn hóa” và giá trị cốt lõi “Sáng tạo – Dẫn dắt – Trách nhiệm” mà Nhà trường đã xác định.

Với ý thức trách nhiệm là thực hiện nhiệm vụ chính trị của đất nước, Đề án Đổi mới cơ chế quản lý của Nhà trường thể hiện được sự hài hòa trong việc đào tạo các khối ngành có nhu cầu học tập cao cũng như những ngành học cơ bản có vị trí quan trọng trọng việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chiến lược phát triển lâu dài của đất nước. Hiện nay, đề án đã cơ bản hoàn thiện và đang trình ĐHQG-HCM thông qua, dự kiến sẽ triển khai từ năm 2022.

7. TỔ CHỨC TUẦN LỄ TÂN SINH VIÊN LẦN THỨ NHẤT, NĂM 2020

Nhằm kiến tạo chuỗi các hoạt động chào mừng, tư vấn, hỗ trợ, kết nối tân sinh viên, từ năm 2020, Nhà trường tổ chức Tuần lễ Tân sinh viên. Các hoạt động đã được tổ chức như: Chương trình chào đón tân sinh viên tại các khoa, bộ môn; Trao học bổng cho tân sinh viên; Giao lưu cùng các cựu SV – khách mời; Workshop ‘Học bổng quốc tế và nghiên cứu khoa học ở bậc đại học”; Không gian Kết nối & Chia sẻ; Hội sách Kết nối tri thức; Ngày hội tân sinh viên; Alumni Talk #5 “Nghề nghiệp của cử nhân khoa học xã hội và nhân văn”…Nhà trường cũng đã khen thưởng cho các tân sinh viên thủ khoa tuyển sinh theo các phương thức tuyển sinh và tổ hợp xét tuyển. 

Chương trình Tuần lễ Tân sinh viên lần thứ nhất tạo tiền đề quan trọng trong việc tổ chức các hoạt động một cách có hệ thống, hiệu quả trong những năm tới.

Hoạt động Alumni Talkshow #5 “Nghề nghiệp của cử nhân khoa học xã hội và nhân văn trong Tuần lễ Tân Sinh viên năm 2020.

8. TRƯỜNG ĐH KHXH&NV KHẲNG ĐỊNH VAI TRÒ VÀ TRÁCH NHIỆM TRONG PHÁT TRIỂN DU LỊCH PHÍA NAM 

Với việc xác định là Trung tâm nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực KHXH&NV nói chung, lĩnh vực du lịch nói riêng, trong năm 2020, Nhà trường đã đầu tư xây dựng Phòng nghiên cứu và phát triển du lịch phía Nam với tổng kinh phí dự kiến là 20 tỷ đồng, đồng thời, triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu về phát triển du lịch vùng và địa phương như: phát triển chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp cho ĐBSCL, xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù cho địa phương (Thành phố Hồ Chí Minh Đak Nông, An Giang, Bến Tre,…); tổ chức gần 30 hội thảo/tọa đàm khoa học với chủ đề du lịch và phát triển du lịch tại hầu hết các tỉnh thành phía Nam.

Bên cạnh đó, Nhà trường cũng triển khai nhiều hoạt động tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực về du lịch và du lịch nông nghiệp cho các địa phương, bước đầu hỗ trợ địa phương trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ hoạt động du lịch, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội.

Không chỉ thể hiện vai trò ở phía Nam, Nhà trường còn triển khai các hoạt động tập huấn phát triển du lịch ở phía Bắc.

9. CÔNG TÁC TUYỂN SINH ĐƯỢC THỰC HIỆN HIỆU QUẢ

Năm 2020 là năm đầy thách thức không chỉ riêng đối với thí sinh mà còn đối với công tác tuyển sinh của Nhà trường khi đề án tuyển sinh, thời gian tuyển sinh phải thay đổi cho phù hợp theo quy định của Bộ Giáo dục & Đào tạo, quy định của ĐHQG-HCM, vừa phải tuân thủ các nguyên tắc về phòng chống dịch COVID-19 trên cả nước. Phương thức tư vấn tuyển sinh vì thế cũng linh hoạt chuyển đổi từ trực tiếp sang trực tuyến nhằm mục tiêu truyền đạt thông tin đến các thí sinh được nhanh chóng, chính xác và nhiều nhất: Lần đầu tiên trường tổ chức một chuỗi các chương trình livestream tư vấn tuyển sinh trên youtube, fanpage trường với sự tham gia của tất cả 29 khoa, bộ môn đào tạo,  với số lượt tiếp cận từ 10.000 đến 45.000 lượt mỗi chương trình; Đưa vào hoạt động tổng đài tư vấn tuyển sinh trực tuyến Quickcom Center; Tích cực tham gia chương trình tư vấn trực tuyến của Đại học Quốc gia TP.HCM, của cơ quan báo chí như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Giáo Dục TP. HCM…

Theo kết quả phương thức dùng Điểm thi tốt nghiệp PTTH năm 2020 có sự tăng mạnh các ngành có điểm chuẩn từ 24.00 trở lên với 23 trên tổng số 38 ngành tuyển sinh (hơn 60%). Đặc biệt, có 11 ngành có điểm chuẩn từ 26.00 trở lên (26%). 

Việc tuyển sinh bậc thạc sĩ, văn bằng 2, chương trình liên kết quốc tế và các khóa ngắn hạn của Nhà trường được thực hiện tốt.

Công tác tư vấn tuyển sinh luôn được Nhà trường coi trọng góp phần nâng cao chất lượng sinh viên vào học tại Trường.

10. NGÀY HÀNH ĐỘNG XANH – GIẢI PHÁP LÂU DÀI XÂY DỰNG ĐH XANH   

Ngày 25.10.2020, Đảng ủy – Ban Giám hiệu Nhà trường chỉ đạo tổ chức “Ngày hành động xanh” nhằm hiện thực hóa chương trình Đại học Xanh được triển khai từ năm 2019. Hoạt động có sự tham gia của 300 cán bộ, viên chức, người lao động và sinh viên từ các đơn vị, đoàn thể trong nhà trường. 

Tại chương trình, Hội Cựu Chiến binh, Công Đoàn trường và Đoàn Thanh niên – Hội Sinh viên trường đã ký kết kế hoạch liên tịch về việc thực hiện chương trình Đại học xanh, qua đó, cam kết mỗi công đoàn viên, hội viên, sinh viên đều có trách nhiệm tham gia xây dựng và phát triển môi trường đại học, xây dựng lối sống văn minh. Sau lễ ký kết, các thành viên tham gia chương trình đã dọn sạch rác và cải tạo cảnh quan ở khu vực hồ Ánh Dương; dọn vệ sinh các khu vực trong khuôn viên trường và USSH’s Garden. Đây là hoạt động tạo tiền đề cho một giải pháp lâu dài về xây dựng Đại học Xanh của Nhà trường.

Các tổ chức đoàn thể ký kết liên tịch thực hiện Chương trình Đại học Xanh.

Ngoài ra, trong năm 2020, Nhà trường thành lập Khoa Ngôn ngữ học, triển khai thực hiện Chương trình Khuyến học – Khuyến tài, Kiểm định chất lượng AUN-QA ngành Lịch sử, mở mới chương trình thạc sĩ Giáo dục học…đã giúp cho thành tựu của Nhà trường trong năm trở nên đậm nét hơn.

Nguồn: hcmussh.edu.vn